Bí mật của những nỗi sợ trong bạn là gì?
Hồi trước mình bị say xe, chỉ cần nhìn thấy xe bus đi qua là đã buồn nôn, mỗi lần đi chơi với lớp trên xe đông người là kiểu gì mình cũng nôn thốc nôn tháo. Lớn tý mình phải đi xe bus để đi học thường xuyên thì nỗi sợ các phương tiện công cộng càng ám ảnh mình. Cho đến một lần may mắn đọc được ở cuốn "Hạt giống tâm hồn" tập nào đấy không rõ, đại khái nói rằng nếu như mình nghĩ mình không say xe thì mình sẽ không say, là nỗi sợ nào cũng có thể vượt qua. Xong từ khi đọc được thì lúc ngồi trên xe mình phải cố nghĩ là mình không buồn nôi, rồi mùi xe cộng với nhiều người cũng chả ảnh hưởng đến mình. Nhờ vậy mà dần cuối cùng mình hết say thật. 
Nỗi sợ bắt nguồn từ đâu?
Theo định nghĩa Tâm lý học thì nỗi sợ là một trạng thái tâm lý của con người khi quá lo lắng mất mát có thể đến với chủ thể, tổ chức hoặc cá nhân có liên quan đến sự toàn vẹn, sự giảm sút, sự mất mát về mặt chất hoặc lượng về mọi mặt tinh thần, tình cảm, vật chất, quyền lợi.
Bản năng con người luôn lo lắng và dè chừng trước nguy hiểm, nỗi sợ hiện hữu trong bản thân hầu hết mọi người. Chỉ là mức độ khác nhau.
Nỗi sợ có thể bắt nguồn từ những trải nghiệm của bạn. Từ khi sinh ra, những yếu tố bên ngoài tác động lên tính cách của bạn. Giống như mình thì một lần đi xe bị say sẽ đâm ra sợ xe bus, sau hai ba lần phát biểu trước lớp mà toàn sai cũng thành ra những lần sau cũng sợ sợ sai tiếp. 
Theo mình, nếu muốn đánh bại nỗi sợ của bản thân thì cần tìm ra nguyên nhân, phân tích nỗi sợ là điều quan trọng trước tiên, sau đó mới có thể gỡ giải những khúc mắc của bản thân.
Dù nỗi sợ lớn thế nào cũng có thể vượt qua
Ảnh Otis trong seri Sex Education
Trong phim, Otis được đánh giá là một người sống nội tâm, nhút nhát, kiểu hơi hướng một wallflower (thậm chí cậu còn chẳng đi đến những bữa tiệc trước khi quen Maeve), nhưng cậu vẫn vượt qua được những nỗi sợ của bản thân mình, để mà lên tiếng khi đứng trước nhiều người. Và hành động đó của cậu đã cứu được người khác.
Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều người với những sự thay đổi rất lớn của họ. Đã bao giờ bạn thấy một người bạn trước kia rất nhút nhát, thấy cái gì cũng sợ, sau nhiều năm gặp lại lại trở nên thay đổi đến chóng mặt? Ấy là họ đã vượt qua được nỗi sợ của bản thân mình.
Sống trong trái bóng thật thích, nhưng nhiều khi phải phá vỡ nó để bước ra thì mới có thể thoát khỏi thói sợ đời.
Câu này mình trích từ một blogger mình rất thích. Đi làm, giám đốc giao cho dự án mà vì sợ bản thân làm không đủ tốt mà xin lui về vùng an toàn của mình để người khác làm thì thành ra thứ nhất vừa đánh mất cơ hội của bản thân, thứ hai vừa làm mất sự tín nhiệm ở sếp. Và cái vùng an toàn đấy thật ra nhiều lúc cũng không an toàn lắm đâu. 
Nên là hãy tin rằng nỗi sợ của bản thân có thể chấm dứt, chấp nhận nỗi sợ của bản thân và học cách vượt qua nó.
Sau đây mình xin chia sẻ một số cách để vượt qua nỗi sợ.
Hãy học cách thư giãn, và nghĩ bản thân có thể vượt qua được nó
Khi đối đầu với nỗi sợ của mình, mình thường nắm chặt tay, rồi nghĩ mình cứ thử xem sao. Bỏ qua những giới hạn của bản thân để dũng cảm đối mặt thực tại rằng mình phải hành động. 
"Mọi người không để tâm đến bạn đâu, họ mải để ý họ hơn kìa" - đây là câu nói mình lặp đi lặp lại mỗi lần sợ mọi người đánh giá mình. Sau đó mình cố gắng cho tâm trạng trở nên thoải mái nhất, rồi thì chiến đấu với nỗi sợ của bản thân thôi.
Trang bị kiến thức cho bản thân
Trong những buổi thuyết trình trước lớp, vì sợ nói trước đám đông nên mình luôn chuẩn bị đầy đủ kiến thức, từ những điều nhỏ nhất để dù khi mọi người hỏi gì mình cũng có thể trả lời.
Việc trang bị đầy đủ kiến thức sẽ giúp bản thân tự tin hơn. Bạn biết những gì mình làm hoặc sẽ làm để tiết chế đi nỗi sợ của bản thân mình. Nếu như một câu hỏi của sếp mà bạn không biết và hiểu gì về nó thì hẳn sẽ chẳng có gì để trả lời sếp.
Việc thiếu kiến thức cũng là một trong những lý do khiến bạn ngại thay đổi, ngại bứt phá.
Cuối cùng, hãnh hành động
Sau khi hiểu về những điều mình cần phải làm, hãy hành động, đừng ngại thử ngại sai. Vì nhiều khi bạn giỏi giang và hay ho hơn bạn tưởng rất nhiều.