Ngày hôm nay mình quyết định đọc cuốn "Storyworthy", một cuốn sách tuyệt với nói về cách làm thế nào để kể một câu chuyện hay. Cuốn sách này được viết bởi Matthew Dicks, quán quân cuộc thi kể chuyện The Moth của nước Mỹ. Trong bài lần này, mình sẽ tập trung vào tổng hợp lại ngắn gọn từ hơn 100 trang sách (trên tổng hơn 300 trang) ba bài tập làm thể nào để giúp người kể chuyện không bao giờ cạn ý tưởng.  
Bài tập 1: Homework for life (Hãy đọc sách để hiểu lí do đằng sau tên bài tập này)
Đây là bài tập ghi lại những khoảng khắc khác biệt của mỗi ngày. Hãy ngồi xuống và viết vắn tắt ra những điều khác biệt của ngày hôm nay so với ngày qua. Chỉ bằng việc viết như vậy, bạn sẽ tích luỹ được cho mình một kho chuyện để kể, đồng thời hình thành cho mình "lăng kính của một người kể chuyện" qua thời gian. Tại sao lại là những khoảnh khắc khác biệt trong cuộc sống hàng ngày chứ không phải đợi tới khi nào có những khoảng khắc đặc biệt, mới mẻ, độc lạ mới ghi xuống? - Bởi vì ai cũng có thể liên hệ được với những khoảng khắc trong cuộc sống hàng ngày. Bạn có thể kể về một sự sống sót thần kì của mình qua một tai nạn xe hơi chết người ở Ấn Độ. Câu chuyện đó có thể thú vị nhưng kì thực lại khó chạm tới người đọc bởi vì không phải ai cũng từng gặp tai nạn. Do vậy, mấu chốt ở đây là câu chuyện của bạn cần "liên hệ" với người đọc để có thể chiếm được sự đồng cảm từ họ. Và thứ làm được điều đó không gì khác ngoài những khoảng khắc, thậm chí bình thường, trong cuộc sống.
Bài tập 2: Crash and burn
Bài tập này đòi hỏi người kể chuyện dành ra một khoảng thời gian riêng để viết xuống thật nhanh tất cả những gì hiện ra trong dòng suy nghĩ. Những ý tưởng ấy có thể dở, có thể rời rạc vì người kể chuyện chưa kịp viết hết ý tưởng này (burn), ý tưởng kia đã ập tới (crash). Người kể chuyện cần giữ thái độ không phán xét những gì mình viết. Nhờ thái độ đó, người kể chuyện sẽ tự thu thập được cho mình rất nhiều ý tưởng trong một khoảng thời gian nhất định. Đến khi viết xong, người kể chuyện sẽ chỉnh sửa thêm những ý tưởng ấy để tạo nên những câu chuyện hoàn chỉnh.
Bài tập 3: First-Last-Best-Worst
Trong bài tập này, mình sẽ sử dụng 1 bảng mà trong đó, một cột dọc sẽ bao gồm các gợi ý (prompt) và hàng ngang bao gồm các mục "Đầu tiên (First) - cuối cùng (Last) - tuyệt nhất (Best) - tệ nhất (Worst)" (Hãy xem hình minh hoạ để hiểu rõ hơn). Khi kết hợp các gợi ý và các mục với nhau, bạn sẽ tạo được những câu hỏi gợi nhớ sự kiện trong quá khứ. Lấy ví dụ với gợi ý "hôn" (Kiss), bạn sẽ tạo được bốn câu hỏi như sau:
1. Nụ hôn đầu của bạn là (với ai)? (What was your first kiss?)
2. Nụ hôn cuối của bạn là (với ai)? (What was your last kiss?)
3. Nụ hôn tuyệt nhất của bạn là (với ai)? (What was your best kiss?)
4. Nụ hôn tệ nhất của bạn là (với ai)? (What was your last kiss?)
<i>Ảnh minh hoạ</i>
Ảnh minh hoạ
Từ những ý tưởng ở trên bảng, người kể chuyện sẽ tư duy và tạo ra những câu chuyện của riêng mình. Các bạn hãy truy cập vào "Storyworth" để đọc những minh hoạ mẫu của Matthew Dicks nhé.
Trên đây là ba bài tập hiệu quả mà bạn có thể vận dụng ngay lập tức hàng ngày để ngân hàng ý tưởng các câu chuyện của mình không bao giờ bị cạn.
Còn làm thế nào để tạo nên những câu chuyện hay, chất lượng cao, thì xin hẹn các bạn vào 1 phần sau nhé.
#WOTN5
Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khóa học Writing On The Net.