Để trả lời cho câu hỏi “hạnh phúc là gì”, nhiều người đã trả lời rằng: Hạnh phúc là khi đạt được những gì họ mong muốn, khi được dành thời gian cho sở thích của họ, được ở bên người mình yêu thương…
Nhưng nếu chúng ta chỉ cảm thấy hạnh phúc khi thực hiện những điều trên thì những lúc còn lại sẽ cảm thấy như thế nào?
Bạn hạnh phúc khi đạt được những gì bạn mong muốn, còn sau đó thì sao? Bạn sẽ cảm thấy mất phương hướng không biết làm gì hay tiếp tục đặt cho mình những mục tiêu khác và lại cắm đầu cắm cổ vào thực hiện nó? Liệu trong quá trình đang làm việc đó bạn có cảm thấy hạnh phúc không? Còn nếu bạn không làm được như kỳ vọng, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Đau khổ, buồn chán, tiều tụy vì công sức mình bỏ ra không đạt được như kỳ vọng đúng không?
Bạn cảm thấy hạnh phúc khi đắm chìm trong những sở thích của mình, còn những lúc bình thường thì sao? Bạn có thể ngồi nghe nhạc, xem phim cả ngày mà vẫn học giỏi, vẫn hoàn thành xong deadline được không?
Bạn cảm thấy hạnh phúc khi ở bên người mình yêu thương, vậy liệu các bạn có thể ở bên nhau 24/7 được không? Mỗi người đều có một cuộc sống riêng, có những công việc riêng, có những nỗi lo riêng mà tự mình phải giải quyết. Còn với những người đang cô đơn thì sao? Họ sẽ mãi mãi không thể tìm thấy hạnh phúc sao?
Tôi nghĩ để tìm được phương pháp khiến chúng ta luôn cảm thấy hạnh phúc thì đầu tiên phải tìm hiểu điều gì khiến chúng ta không hạnh phúc.
- Vì chúng ta đã bỏ ra rất nhiều công sức, hoặc không chịu cố gắng hết mình nên không đạt được những gì mình mong muốn.
- Vì chúng ta đã phải trả cái giá rất lớn nhưng vẫn không có những gì mình khao khát.
- Vì sợ mất những gì mình đang có, đặc biệt là những người quan trọng, sức khỏe và địa vị.
- Đau khổ vì những gì đã mất, khi cảm thấy quyết định của mình không phù hợp thì lại nói hai từ “giá như”, rồi tự mình dằn vặt, khổ tâm, ân hận.
Có quá nhiều lý do dẫn đến việc chúng ta không hạnh phúc. Nhưng tựu trung lại là vì ta đặt ra quá nhiều mục tiêu, hy vọng nhưng chưa đủ khả năng, cố gắng, nỗ lực và nhìn nhận sự việc theo hướng tiêu cực hơn bản chất thực của nó. Để có thể luôn cảm thấy hạnh phúc thì trước tiên phải loại bỏ được những điều khiến ta không hạnh phúc.
Bước tiếp theo:
Với tôi, hạnh phúc là việc biết chấp nhận thực tại, luôn nhìn cuộc đời dưới một lăng kính tích cực, yêu mến, biết ơn tất cả những gì đã và đang xảy ra, dù tốt, dù xấu. Việc thỏa mãn với tất cả những gì mình đang có, những gì đã đạt được không có nghĩa là ta sẽ giữ nguyên mọi thứ như vậy, phải luôn phấn đấu để ngày mai tốt hơn ngày hôm nay. Tuy không đạt được những gì mình mong muốn, nhưng nếu bạn đã cố gắng hết sức rồi thì cũng nên mỉm cười với thành quả mình đã đạt được. Vì nó là sản phẩm, là “đứa con” sau những nỗ lực của bạn, và bạn vẫn còn một cơ hội thứ hai để làm mọi việc tốt hơn, đó là “ngày mai”.
Dù bạn đang làm công việc mình không thích, không phù hợp với mình nhưng vẫn có thể tìm ra được những điều thú vị trong công việc hằng ngày, chỉ cần ta cố gắng dùng mọi giác quan để cảm nhận mọi thứ xung quanh bằng một góc nhìn tích cực, thoải mái. Nếu bạn làm được, tôi không chắc chắn rằng bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc với công việc hiện tại nhưng tôi tin chắc rằng bạn sẽ không còn cảm thấy chán ghét công việc đó nữa.
Nếu bạn làm công việc mình yêu thích thì mới cảm thấy hạnh phúc, đó là một điều rất bình thường. Nhưng khi bạn có thể cảm thấy hạnh phúc ngay cả khi làm công việc mình không thích, thì chứng tỏ việc gì bạn cũng có thể làm tốt và hạnh phúc với tất cả mọi thứ mình làm.
Trên thế giới này, mỗi chúng ta đều có một cuộc sống khác nhau, trải qua những sự việc, những thăng trầm khác nhau, có người hạnh phúc, có người đau khổ, lại có người bình lặng sống qua ngày.
Tuy nhiên, không phải tất cả những người đang sống hạnh phúc đều luôn gặp may, luôn thành công, làm mọi chuyện đều thuận buồm xuôi gió… Chắc chắn trong cuộc đời của họ sẽ có những chuyện xảy ra không như ý muốn, sẽ có nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí còn nhiều hơn những người đang ủ rũ, buồn bã. Nhưng họ vẫn cảm thấy hạnh phúc vì luôn luôn lạc quan, tích cực, họ có khát vọng được sống mạnh mẽ, họ yêu thương và trân trọng tất cả những gì họ có.
Sau khi trải qua những ngày tháng tồi tệ nhất, chúng ta mới biết quý trọng những ngày bình thường sóng yên biển lặng – đó là hạnh phúc.
Tìm ra những điều đáng yêu trong những thứ đáng ghét, xấu xí và dần cảm thấy yêu quý nó – đó là hạnh phúc.
Hiểu được ý nghĩa của những sai lầm, nỗi buồn, sự mất mát và thấy chúng thật đẹp – đó là hạnh phúc.
Còn với những người luôn đau khổ, buồn bã cũng vậy, có rất nhiều người tuy đã thành công, gia đình yên ấm nhưng lại không thể cảm thấy hạnh phúc vì họ đặt ra quá nhiều mục tiêu mà không có khả năng thực hiện hoặc họ chưa đủ quyết liệt để làm nó. Họ bị day dứt, dằn vặt bởi những chuyện không vui đã xảy ra từ rất lâu về trước. Họ luôn hối hận vì một quyết định sai lầm của mình mặc dù hiện tại quyết định đó không hề tệ chút nào. Khi nhìn thấy những người thành công hơn mình, họ không cảm thấy mừng cho họ mà lại sinh lòng ganh ghét, đố kỵ khi cũng bỏ ra nhiều công sức, thời gian nhưng lại không thành công được như người ta. Việc đố kỵ, hạ thấp người khác không làm những người thành công đi xuống và cũng chẳng giúp những kẻ đố kỵ đó thành công hơn mà chỉ cho thấy họ thật đáng thương và thảm hại.
Trong cuộc sống, có người trở thành doanh nhân thành đạt, thì phải có người làm công nhân, bảo vệ, nhân viên văn phòng…tùy thuộc vào khả năng của mỗi người. Công việc nào cũng đáng quý, đáng tôn trọng, nên đừng thấy người khác thành công mà sinh lòng đố kỵ, ganh ghét, thay vào đó nên chúc mừng họ và dặn bản thân mình cần cố gắng nhiều hơn nữa.
Con người ai cũng có lúc mắc phải sai lầm, ai cũng sẽ gặp phải những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống và việc chúng ta luôn nhìn nhận mọi thứ một cách tích cực là chìa khóa của sự hạnh phúc, bình an và dẫn tới thành công.
Nếu ai đó hỏi tôi rằng:
Bạn đã từng thất bại bao giờ chưa?
- Tất nhiên là có, tôi đã từng thất bại rất nhiều lần, và đó là những bài học để một ngày nào đó tôi nhất định sẽ thành công.
Bạn đã từng đau buồn chưa?
- Có, tôi đã từng đau buồn rất nhiều, có lúc tưởng như tôi là người bất hạnh nhất thế gian. Nhưng giờ đây tôi lại thấy những nỗi buồn ấy thật đẹp.
Bạn có đang hạnh phúc không?
- Tôi đang rất hạnh phúc, và ngày mai, ngày kia, hay 10, 20 năm nữa cũng như vậy.
Bạn muốn trở thành người như thế nào?
- Tôi muốn trở thành "người hạnh phúc nhất thế giới".
Bạn sẽ làm điều đó bằng cách nào?
- Karl Marx đã định nghĩa rằng “người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người nhất”. Đó không phải điều ngoài tầm với của tôi, và các bạn cũng vậy!