Khi mà cuộc sống càng ngày càng trở nên hiện đại hóa, xã hội hiện tại đã khiến chúng ta có thể tự lập một cách đáng sợ.
Ta đã có thể tự nấu ăn hay ít nhất là đặt đồ ăn mọi lúc và mọi nơi, chúng ta có thể tự tạo niềm vui cho mình bằng các bộ phim, những chương trình tạp kỹ, chúng ta có thể tự làm công việc freelance tại nhà mà không cần có quá nhiều đồng đội hay một người sếp định hướng, … tất cả những điều mà ta đã tự có thể ấy dù có tiện nghi đến đâu đi chăng nữa, nhưng có một điều tôi có thể chắc chắn rằng, khoảng trống khó đặt tên trong bạn sẽ chẳng bao giờ được lấp đầy.
Khi không thể định nghĩa rõ ràng được về mình và trả lời câu hỏi to lớn của bất cứ cá thể nào về việc tôi là ai. Ta thường chọn cách tô danh và nương tựa vào những hình tướng vật chất hư vô bên ngoài đại loại như: tiền bạc, địa vị, danh tiếng và sắc đẹp,... để rồi quên đi những giá trị nguyên bản. Cho đến một hôm khi cơn bão dữ tạt ngang qua, cuốn trôi đi hết những bức tường “vật ngoại thân” mà ta đã cố gầy dựng, lúc ấy ta bắt đầu gục ngã hay tệ hơn có những người chọn cách kết liễu cuộc sống của mình.
Trong bộ môn Scuba Diving có một nguyên tắc hàng đầu thế này: “Never Dive Alone” (không bao giờ được đi lặn một mình). Trong nhiều môn thể thao đồng đội mà tôi đã từng tham gia như bóng rổ hay đá banh, tinh thần đồng đội ở các môn này là sự hợp sức để tạo nên chiến thắng. Nhưng với bộ môn Scuba Diving, đồng đội ở bộ môn thể thao này mang ý nghĩa còn quan trọng hơn cả, đó chính là sự sống còn. Khi bạn ở dưới độ sâu thăm thẳm của đại dương mênh mông, với tất cả các kỹ năng và công cụ bạn được trang bị trước khi tham gia thì một người Buddy cùng đồng hành là điều không thể thiếu. Đó sẽ là một người đồng quan sát, đồng hỗ trợ, đồng trải nghiệm và đồng nhắc nhở về những nguyên tắc không thể vi phạm khi tham gia bộ môn thể thao được xem là nguy hiểm này. Để từ đó trên hành trình trải nghiệm đại dương hùng vĩ, ta có thể vừa an toàn lại vừa trọn vẹn nhất, đây chính là lý do tại sao tôi lại yêu thích bộ môn này đến vậy.
Liên hệ với cuộc sống, thử nghĩ xem trên hành trình lớn lên và trưởng thành, sẽ như nào nếu chúng ta thiếu đi một người đồng hành, một bờ vai để dựa dẫm khi mệt mỏi, một gia đình để tìm về, một người để nhắc nhở ta những lần bị bị lệch đường ray, hay một người kịp thời có thể kéo ta trở lại khi ta mê muội lạc lối vào những đam mê trụy lạc. Như thầy Minh Niệm đã từng nói: “Nương tựa là nguyên tắc của cuộc sống. Vì sự thật trong trời đất này không có cái gì có thể tồn tại riêng biệt cả. Nhờ lúc nào cũng có người luôn quan sát nên ta sẽ cẩn trọng và cố gắng hoàn thiện mình hơn”.Vì vậy từ những điều trên, để trả lời cho câu hỏi làm thế nào để có thể học cách nương tựa trong thời đại mà mọi thứ diễn ra quá nhanh như hiện nay. Điều đầu tiên tất yếu nhất đó chính là thay đổi lại tư duy của mình, hay “BIỂU TƯỢNG TINH THẦN”.
Như những con thiên nga luôn bay cùng bầy đàn của mình theo hình chữ V giúp hỗ trợ lực bay của nhau trong suốt chặn đường về phương Nam để tránh rét và tìm thức ăn, khi ta biết cách để nương tựa vào đồng loại, mài giũa cái tôi tự mãn hay huyễn hoặc về việc tự mình có thể làm được mọi thứ một mình, thì lúc ấy chúng ta sẽ có một cuộc sống dễ dàng hơn, chúng ta sẽ có được một hạnh phúc chân thật hơn, và cũng như khoảng trống không tên trong ta cũng sẽ dần tan biến đi một cách tự nhiên nhất có thể.
Để bắt đầu cho hành trình này, chúng ta có thể tìm kiếm cách phương pháp làm việc và sinh hoạt tập thể như: tham gia vào một bộ môn thể thao nhóm ngoài trời như bóng rổ, bóng đá, bóng bàn,... hay thay vì ngồi nhà học tiếng anh một mình chúng ta có thể lựa chọn các câu lạc bộ tiếng anh để có được một đội nhóm phát triển nhanh hơn,... nếu muốn rèn luyện kỹ năng đọc sách, ta có thể tham gia vào các nhóm trên facebook như dậy sớm đọc sách,... Với một bắt đầu nhỏ sẽ dẫn đến một thay đổi lớn, vì cơ bản cuộc đời này sẽ không có remote để chúng ta có thể tự tiện bấm để thay đổi kênh theo ý muốn của mình, chỉ có tự chúng ta đi thay đổi chúng ta mà thôi.