Làm thế nào để chiến thắng bản thân? - Phần 1
Lời dạy của Đức Phật truyền lại trong Kinh Pháp Cú có nói rằng:...
Lời dạy của Đức Phật truyền lại trong Kinh Pháp Cú có nói rằng:
Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình.
Một cách trùng hợp, triết gia Plato có một câu nói mang hàm ý tương tự:
The first and the best victory is to conquer self.
Đó là những vĩ nhân cách chúng ta khá xa trong dòng thời gian, người gần với thời đại của chúng ta nhất là tướng Napoleon với câu nói:
The only conquests that are permanent and leave no regrets are our conquests over ourselves.
Mình không thể nói chiến thắng nào là khó hơn vì chúng ta, rất may mắn là, sống trong thời bình và cũng chả phải tướng quân. Thế nhưng mình tin là ai cũng có thể hiểu chiến thắng bản thân là việc khó như thế nào. Không phải ngẫu nhiên mà có điều răn:
Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình
Bạn đặt báo thức 7h sáng và hôm sau bấm nút snooze khi chuông reo? bạn đã thua tâm hưởng thụ của mình. Bạn tự nhủ đi ngủ sớm rồi thấy mình đâu đó lúc 2h sáng? bạn đã thua thói quen của mình. Bạn trải qua đau đớn trong tình cảm và né tránh tình yêu? bạn đã thua nỗi sợ hãi của mình. Bạn thấy bạn mình có chiếc điện thoại mới nhất và muốn lên đời mặc dù chiếc đang dùng vẫn chạy tốt? bạn đã thua tâm lý bất an đến từ việc so sánh. Những chuyện như vậy vẫn đang diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta.
Chúng cho thấy con người là những sinh vật mâu thuẫn bên trong đồng thời dễ bị tác động từ bên ngoài, để rồi kết quả là tự thỏa hiệp trong tinh thần. Sự thỏa hiệp này có thể bắt nguồn từ sự yếu đuối, sự lười biếng, mong muốn hưởng thụ và cả sự sợ hãi. Về lâu dài, thỏa hiệp làm thay đổi quyết định khiến chúng ta không thể làm chủ hành động của mình. Bạn có thể tự an ủi rằng không ai biết những chuyện đó, nhưng trong thâm tâm chúng ta biết chúng ta thua chính mình. Đó là một cảm giác chẳng dễ chịu chút nào.
Vậy điều gì sẽ xảy ra khi bạn có thể giải quyết vấn đề này? Khi những gì bạn biết là đúng, là nên làm và hành động của bạn khớp với nhau, bạn sẽ cảm nhận được sự yên bình. Sự yên bình đó đến từ việc những mâu thuẫn bên trong được loại bỏ và biết rằng mình đang sống đúng với những gì mình muốn. Khi điều này xảy ra cùng với thời gian và nỗ lực, bạn sẽ đạt được những gì mình theo đuổi và biết trân trọng thành quả của mình cũng như của người khác. Cùng với đó, sự tự tin của bạn dần dần được xây dựng một cách thực sự chứ không phải "fake it until you make it".
Tuy nhiên đừng để những dòng trên khích lệ tinh thần bạn, mà hãy kiểm chứng chúng như những giả thiết. Mình không muốn tiêm một liều dopamine vào ai để rồi khi nó hết tác dụng thì đâu lại vào đó. Bản thân mình vẫn đang cố gắng để trở nên tốt hơn, những bài viết như thế này là cách mình ghi chép, hệ thống lại những điều mình học được trong quá trình vật lộn và nếu có thể, là gợi ý cho những ai đang phát triển bản thân.
Mình muốn đề xuất một quá trình bền vững bắt đầu từ chiến thắng ở bên trong, làm cơ sở cho những chiến thắng ở bên ngoài. Đó là một hành trình bất tận và gian nan nhưng xứng đáng với nỗ lực và thời gian bỏ ra. Bởi vì những điều giá trị không dễ đến nên chúng ta cũng không nên mong có được chúng trong một sớm một chiều, phải không?
Dông dài thế đủ rồi, chúng ta vào nội dung chính nhé:
0. Tập trung vào một khía cạnh cần thay đổi với mong đợi hợp lý
Khi nghĩ tới sự thay đổi, có phải chúng ta thường hào hứng vẽ ra một kịch bản tươi sáng trong đó mọi vấn đề đều đã được giải quyết, và mong muốn biến nó thành hiện thực ngay lập tức? Cảm giác hân hoan này có lẽ giống như đọc sách self-help vậy, nó đẩy mong đợi của chúng ta lên cao hơn khả năng thực tế của mình.
Vấn đề là, sự hào hứng rồi cũng qua đi trong khi công việc và khó khăn thì vẫn còn đó. Để rồi vô số mục tiêu được đặt ra nhưng chả có cái nào được làm cho ra hồn vì chúng ta chọn ... không làm gì cả. Điều này cũng lý giải cho việc một số người đặt ra một loạt quyết tâm cho năm mới nhưng chỉ duy trì được chúng trong tuần đầu tiên.
Thay đổi luôn là một quá trình khó khăn, trong khi làm theo thói quen thì rất dễ dàng. Thói quen không cần đến ý thức, trong khi thay đổi thì có. Thay đổi đem đến những điều xa lạ gây ra sự khó chịu, lo lắng và bắt chúng ta phải thích ứng. Trong khi đó những khuôn mẫu suy nghĩ và hành vi cũ không ngừng kéo chúng ta quay trở lại.
Một điểm quan trọng khác là có một cái nhìn trung thực về chính mình. Nếu một người không có khả năng nhìn nhận bản thân với những thiếu sót và sai lầm như nó vốn có, người đó sẽ trở thành nạn nhân của hiệu ứng Dunning-Kruger. Bên cạnh đó, cái tôi cá nhân với niềm kiêu hãnh cũng cản trở một cá nhân nhận ra những vấn đề của mình.
Vì phải vượt qua khó khăn kép này, mình nghĩ chúng ta nên tập trung vào giải quyết một mặt nào đó trong một thời điểm mà thôi. Khi bạn thấy mình đã làm tốt mặt đó mà không cần đến nỗ lực có ý thức, thì bạn đã sẵn sàng để bắt đầu với một mặt khác. Như vậy, tâm trí và cảm xúc của bạn sẽ không bị quá tải đến mức bỏ cuộc vì mệt mỏi. Mặc dù chúng ta sở hữu động lực và ý chí, chúng lại không đáng tin cậy đến thế khi đều có thể suy giảm theo thời gian.
Nếu như bạn muốn tập thói quen đi ngủ sớm và chạy bộ buổi sáng, hãy bắt đầu bằng việc đi ngủ sớm hơn 15-30 phút so với mọi khi và đừng bận tâm đến chạy bộ vội. Mình biết thay đổi như thế thật là nhỏ và chậm chạp so với mong đợi của bạn (có thể là ngủ lúc 22h chẳng hạn) nhưng điều quan trọng là bạn có thể làm được và làm thường xuyên.
Giả sử bạn vào Netflix hay Youtube lúc 21h30, bạn có đủ tự tin rằng bạn vẫn đi ngủ được lúc 22h?
Vào mùa đông, việc nằm trong chăn ấm thật là tuyệt và trải nghiệm này đã được củng cố qua bao nhiêu mùa đông bạn đã trải qua. Vậy thì tại sao bạn phải ra khỏi nơi ấm áp này để vừa chạy vừa thở hổn hển trong khi gió lạnh thổi? Vì sức khỏe ư, nhưng bạn vẫn còn trẻ mà?
Tâm trí con người dường như được mặc định để tìm kiếm lựa chọn ít tốn công sức nhất, bất kể lựa chọn đó có ích cho chúng ta hay không. Vì vậy mà mong đợi quá lớn dễ khiến cho combo ngủ sớm chạy bộ này chỉ dừng lại ở ý định mà thôi.
(còn nữa)
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất