Khá lâu rồi tôi mới đủ kiên nhẫn để có thể chia sẻ về những trải nghiệm của mình trên Spiderum. Và bài viết này, tôi sẽ chia sẻ về cách mà chính bản thân mình đã đứng lên sau vấp ngã. Hy vọng nó sẽ giúp mọi người phần nào đó trong cuộc sống. 

Cuộc sống là trải nghiệm và những lần vấp ngã.

  Tôi cho rằng cuộc sống chính là một chuỗi trải nghiệm và khi bạn trải nghiệm càng nhiều, điều đó có nghĩa là bạn càng vững vàng hơn. Tôi từng nghe người ta nói rằng, sự giàu có của một người được đo đếm bằng trải nghiệm và những giá trị thành tựu mà người đó mang lại cho chính mình, cho mọi người, cho cuộc sống. Điều đó là hoàn toàn khác biệt so với những giá trị vật chất hữu hình mà chúng ta "thường" lấy đó làm cột mốc để hướng tới. 

  Và trên con đường thực hiện sự sống đi qua nhiều trải nghiệm của mỗi người, tôi tin rằng việc vấp ngã là điều "tất nhiên phải có". Tuy nhiên, vấp ngã là một chuyện nhưng quyết định đứng lên và bước tiếp hay nằm bẹp xuống trong cái hố sâu tuyệt vọng lại nằm ở lựa chọn của mỗi người. Tôi quan điểm rằng, không quan trọng bạn vấp ngã bao nhiêu lần, vấp ngã đau thế nào, quan trọng là việc bạn đứng lên và đi tiếp để vấp ngã tiếp ra sao. Cuộc sống là chuỗi những trải nghiệm và vấp ngã, chúng ta vẫn tiếp tục vấp ngã cho đến khi nhắm mắt xuôi tay nhưng làm thế nào để đứng lên sau vấp ngã? Đối mặt với nó hay chạy trốn nó?
  Tôi sẽ chia việc đứng lên sau vấp ngã thành từng chặng khác nhau để chúng ta có thể nhìn nhận nó ở một góc độ khách quan nhất.

Đối mặt.

  Có một sự thật rằng con người chúng ta luôn trốn tránh thất bại và những lần vấp ngã. Không phải vì chúng ta không thể vượt qua nó mà tôi nghĩ rằng chúng ta sợ việc phải chấp nhận rằng mình thất bại và mình vấp ngã. Ánh hào quang tỏa ra từ những giá trị vật chất hữu hình mà chúng ta đang có ngăn cản chúng ta công nhận với chính mình, với mọi người rằng chúng ta thất bại và vấp ngã. Vậy nhưng, để đứng lên và bước tiếp sau khi vấp ngã thì việc chấp nhận thực tại là một điều nhất định phải có. Nhưng đối mặt với nó thế nào đây? 
  Rất đơn giản thôi, đừng chỉ nhìn vào thực tại đang diễn ra như thế nào, hãy nhìn vào nó và suy nghĩ xem mình muốn thực tại sẽ diễn ra như thế nào. Hơi khó hiểu phải không? Nói đơn giản hơn là chúng ta phải chủ động với tất cả mọi việc và cho dù có những việc chúng ta hoàn toàn bị động thì hãy tìm mọi cách để biến chúng ta trở thành người chủ động hoặc thậm chí chủ động với sự bị động của chính mình. Chủ động tìm ra cách giải quyết vấn đề, chủ động cho mình nhiều lựa chọn khi thực tại diễn biến theo bất kỳ cách nào mà chúng ta có thể nghĩ ra và quan trọng hơn là hãy lựa chọn một cách giải quyết tốt nhất rồi liên tục suy nghĩ về nó đồng thời thực hiện nó. 
Đừng chỉ chăm chăm trông vào thất bại hay giơ tay đầu hàng mà vẫy cờ trắng với cuộc sống, luôn có cách để vượt qua nhưng quan trọng là chúng ta phải muốn vượt qua nó đã.
Đối mặt với thất bại và vấp ngã trong tâm thế chủ động tức là bạn đã tự mở ra con đường cho chính mình.

Đứng lên.

  Sau khi đã đối mặt được với thất bại, chúng ta đã gián tiếp đứng lên khỏi nó. Và đừng bất ngờ khi trạng thái suy sụp trôi qua nhanh đến mức thậm chí bạn còn không nhận ra mình cảm thấy ổn hơn từ lúc nào. Việc chủ động tìm ra phương hướng giải quyết cho vấn đề sẽ tự tạo cho bản thân chúng ta một cảm giác sẵn sàng, một rào chắn bảo vệ trước cảm xúc tiêu cực, phá vỡ những lo sợ đồng thời đẩy quá trình vấp ngã diễn ra nhanh hơn chúng ta tưởng.
  Tôi nói "quá trình vấp ngã" là bởi đối với mọi thất bại, việc bước tiếp là một quá trình đi từ đối mặt đến đứng lên và cuối cùng bước tiếp. Chúng ta không nên đốt cháy giai đoạn mà bỏ qua bước nào cả bởi đó sẽ là một quá trình không an toàn. Tôi nghĩ rằng thật hiếm có người nào đó lại muốn phiêu lưu với cuộc sống của mình theo một cách vô định mà không có điểm đến, trừ khi họ thực sự muốn buông thả những trải nghiệm của mình hoặc đang thực sự gặp vấn đề về tâm lý, điều đó tôi sẽ bàn tới ở một bài viết khác. 
  Vậy chúng ta đang đi được 2/3 quãng đường, đến với chặng cuối cùng ngay thôi nhỉ?

Bước tiếp.

  Đối với nhiều người, việc đứng lên sau thất bại đã là một thành công nhưng tôi cho rằng đó chỉ là một trạng thái ngắn hạn không bền vững. Bởi lẽ khi chúng ta ngã quá đau thì việc đứng lên rồi lại ngã xuống ngay tại điểm chúng ta vấp ngã là điều rất dễ xảy ra và như vậy thì chúng ta cứ mãi dậm chân tại chỗ mà chẳng có tiến triển gì cả. Rồi sẽ có một lúc chúng ta vượt qua để bước tiếp nhưng thời gian mà chúng ta bỏ ra để cứ đứng lên rồi lại ngã xuống sẽ không lấy lại được, nó có thể sẽ kéo dài rất lâu. Tôi tin rằng chẳng ai lại muốn bán thời gian của mình với cái giá rẻ bèo như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra nhiều giá trị hơn trong khoảng thời gian ấy khi bước tiếp sớm hơn. 
  Vậy để bước tiếp sau thất bại và vấp ngã một cách bền vững, hành trang mà chúng ta cần chuẩn bị chính là một tâm thế chủ động, một con đường tiềm năng đồng thời là một hậu phương vững chắc. 
  Trước tiên là tâm thế chủ động, như đã giải thích ở trên, chúng ta phải luôn chủ động với mọi thứ có thể xảy ra trong trải nghiệm sống của mình, chủ động ngay cả khi bị động. Nó giống như kiểu nếu cuộc đời ném vào bạn một bát mắm tôm thì hãy dõng dạc order thêm một suất bún đậu vậy. Tin tôi đi, đó là điều vô cùng cần thiết và tôi tin rằng nó chắc chắn sẽ biến thất bại của mọi người trở thành một trải nghiệm sống đáng quý đấy.
  Tiếp đó là một con đường tiềm năng. Con đường tiềm năng mà tôi muốn nói đến ở đây chính là một bước đi sáng tỏ mà chúng ta có thể định hướng được rằng mình sẽ đi như thế nào, đạt được cái gì, gặp phải cái gì và vượt qua chúng như thế nào trên con đường đó. Hẳn nhiên mọi người sẽ nghĩ rằng làm sao mà chúng ta biết trước được những gì chúng ta sẽ gặp phải. Điều đó đơn giản là chúng ta chưa tìm ra được con đường tiềm năng của chính mình, vậy thôi. Để tìm ra nó, hãy trả lời chính mình ba câu hỏi "Bạn là ai?", "Bạn đang ở đâu?" và "Bạn giỏi cái gì?". Đây chính là ba câu hỏi bản lề để bạn tìm ra con đường tiềm năng cho chính mình để bước tiếp, sẽ không quá khó khăn đâu. Và hãy nhớ, làm tốt nhất những điều mà bạn giỏi nhất và học cách yêu nó. Đó chính là chìa khóa để mở ra con đường tiềm năng cho chính mình.
Không quan trọng bạn làm gì, quan trọng là bạn làm nó như thế nào!
  Cuối cùng chính là một hậu phương vững chắc. Hậu phương vững chắc theo ý của tôi chính là một chỗ dựa để bạn thực sự có thể lấy đó làm động lực, làm chiếu nghĩ trên con đường tiềm năng mà chính bạn đã lựa chọn. Đó có thể là gia đình, là người thân, là bạn bè, là người yêu hay bất cứ ai, thứ gì mà bạn có thể tin tưởng rằng chắc chắn sẽ đủ vững chắc để bạn dựa vào. Nó không nhất thiết phải liên quan đến con đường tiềm năng mà bạn lựa chọn nhưng nếu giữa nó và con đường tiềm năng có một mối liên hệ mật thiết thì điều đó có nghĩa là bạn đã có một hậu phương vững chắc cho mình để bước tiếp rồi đấy. Sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời khi sở hữu điều đó. 

Tạm kết.

  Vừa rồi là những gì mà tôi chiêm nghiệm được từ chính bản thân mình sau những lần vấp ngã và thất bại mà tôi muốn chia sẻ với mọi người. Tất nhiên nó mang tính cá nhân và hơi phiến diện trong trải nghiệm sống của tôi nhưng tôi hy vọng rằng mọi người có thể nhìn vào nó mà tự chiêm nghiệm từ bản thân mình để tìm ra được cách riêng để bước tiếp sau những lần vấp ngã. 
  Hãy có một niềm tin rằng mọi chuyện sẽ ổn và hãy làm cho trải nghiệm của mình thực sự quý giá theo cách của bạn. Chúc mọi người một buổi tối hậu valentine vui vẻ!