Làm sao để vượt qua cảm giác cô đơn?
Có 3 nguyên nhân dẫn đến sự cô đơn: Nguyên nhân đầu tiên là do bạn không cảm nhận được giá trị của bản thân mình, đây là kết quả...
Có 3 nguyên nhân dẫn đến sự cô đơn:
Nguyên nhân đầu tiên là do bạn không cảm nhận được giá trị của bản thân mình, đây là kết quả của sự trưởng thành. Nếu như thuở nhỏ, bạn thường được cha mẹ đáp ứng hầu hết các nhu cầu của mình, từ bữa ăn, giấc ngủ đến chuyện vui chơi, học hành; sự bảo bọc và thương yêu đó khiến cho bạn có cảm giác mình đã hoàn hảo và đủ tốt rồi. Nhưng khi bước vào đời, mọi người xung quanh và cả truyền thông, mạng xã hội liên tục tuyên truyền cho bạn thấy rằng bạn chưa đủ tốt, bạn còn thiếu chiếc xe này, ngôi nhà kia, bộ quần áo nọ, bạn còn chưa bằng anh A, chị B nào đó… Cảm giác cô đơn đến từ việc bạn mất đi khả năng nhận ra giá trị của bản thân mình, bạn trở thành kẻ sao chép, chạy theo các xu hướng, điên cuồng tìm cách khẳng định bản thân, cho đến khi mệt nhoài và tổn thương về cảm xúc.
Nguyên nhân thứ hai, là do bạn không thể chia sẻ, kết nối được với mọi người xung quanh. Có thể bạn đã từng thử chia sẻ, nhưng không nhận lại được sự an ủi, thông cảm mà trái lại, họ còn khiến cho bạn cảm thấy không được chấp nhận, yếu kém và kỳ quặc. Từ đó, bạn không còn muốn chia sẻ nữa vì nghĩ rằng không ai hiểu mình, và bạn cũng không muốn bị người ta đánh giá thấp khi bạn phơi bày bản thân quá nhiều. Cảm giác này tích tụ lâu dần, hình thành nên sự cô đơn.
Nguyên nhân thứ ba, bạn cô đơn một cách vô cớ, không có lý do cụ thể. Chẳng hạn trong một cuộc tụ tập với bạn bè, mọi người đang ăn uống và trò chuyện sôi nổi, bạn cũng tham gia góp vui và cười rất nhiều, thức ăn thì rất ngon, nhưng bỗng có một khoảnh khắc nào đó, bạn thấy cô đơn lạc lõng giữa hội bạn của mình. Bạn nhìn tất cả mọi người một cách vô cảm, và tự hỏi, mình có đang thực sự vui hay không. Gọi là vô cớ, nhưng thật ra sự cô đơn này cũng có lý do cả đấy. Lý do là bởi vì bạn đã không hiểu bản thân, không sống thật với bản thân mình trong một khoảng thời gian dài, thay vì thấu hiểu những cảm xúc tiêu cực của mình thì bạn lại chối bỏ chúng, dù vậy chúng vẫn trở lại và len lỏi vào cuộc sống của bạn, khiến cho bạn bất chợt thấy cô đơn ngay cả khi mọi thứ vẫn đang bình thường.
Sau đây sẽ là giải pháp tương ứng với từng nguyên nhân:
Đối với trường hợp đầu tiên, cô đơn vì không cảm nhận được giá trị của bản thân. Điều bạn cần làm ngay lập tức, đó là ngừng so sánh bản thân mình với người khác. Điều này không có nghĩa là bạn cho rằng bản thân mình đã đủ hoàn hảo, không cần học hỏi từ ai, mà là ngừng so sánh để tìm ra điều gì thực sự phù hợp với bạn, giúp bạn phát triển bản thân theo cách của mình chứ không phải là cách của người khác. Bởi vì mỗi người sinh ra trong những hoàn cảnh khác nhau, mang những nét tính cách khác nhau, theo đuổi những giá trị sống khác nhau. Ai đó có thể cảm thấy hạnh phúc khi đăng 50 tấm ảnh selfie lên instagram mỗi ngày, nhưng cũng có người cảm thấy hạnh phúc khi ra ngoài đi ăn với người bạn thân nhất của mình. Ai đó có thể cảm thấy hạnh phúc khi được đi du lịch đó đây, nhưng cũng có người cảm thấy hạnh phúc khi sống bình dị trong căn nhà nhỏ của mình. Sự so sánh và sao chép người khác có thể làm bạn tổn thương và mệt mỏi.
Bây giờ hãy lấy ra một cuốn sổ. Trong trang đầu tiên, hãy ghi ra những điều mà bạn làm tốt nhất, những thế mạnh của bạn. Hy vọng là bạn sẽ không than phiền rằng “tôi chẳng làm tốt cái gì cả”. Bởi vì những điều mà bạn làm tốt không cần phải giống với tiêu chuẩn của xã hội, miễn là bạn biết rõ mình có thể làm tốt điều đó là đủ. Chẳng hạn, trong cột “Mô tả” bạn có thể ghi “tôi giỏi chăm sóc người khác”, “tôi nấu ăn khá ngon”, “tôi viết lách tạm ổn”…, sau đó trong cột “Hành động” bạn ghi tương ứng: Tôi sẽ đi làm từ thiện nhiều hơn, tôi sẽ mua một chú mèo cưng để chăm sóc, tôi sẽ nghiên cứu các công thức nấu những món ăn mới cho gia đình mình, tôi sẽ mở kênh youtube về nấu ăn, tôi sẽ viết blog, tôi sẽ tham gia các cuộc thi viết v.v…
Trong trang thứ 2, cũng tương tự như vậy, nhưng thay bằng những điều khiến bạn hạnh phúc. Hãy nghĩ về điều gì có thể làm cho bạn cười mỉm hoặc cười thật to và ghi chúng ra để hành động. Chẳng hạn: Tặng một món quà bất ngờ cho đứa bạn thân, gọi điện thoại hỏi thăm bố mẹ, nhâm nhi ly cà phê sáng, chơi đùa với đám trẻ con hàng xóm, xem một vở hài kịch, chụp một bộ ảnh kỷ niệm tuổi trẻ, hát karaoke, đi dạo với người yêu ..v.v…
Trong trang thứ 3, hãy ghi ra những điều mà bạn muốn thử thách bản thân. Đây là những điều mà bạn không giỏi nhưng bạn muốn thử làm, hoặc là những điều trước đây bạn chưa từng thử. Chẳng hạn: Leo một ngọn núi, học một ngoại ngữ mới, thử làm quen với một người xa lạ trong bữa tiệc, học một loại nhạc cụ. Bởi vì đây những điều mà bạn biết là mình không giỏi, nên đừng đặt quá nhiều áp lực cho bản thân. Thực hiện chúng với tinh thần học hỏi và trải nghiệm là chính. Đừng so sánh điểm yếu của mình với điểm mạnh của người khác. Khi hoàn thành xong một thử thách, hãy đánh dấu như một thành công nho nhỏ và bạn có thể tự thưởng cho mình một bữa ăn ngon chẳng hạn.
Cảm giác cô đơn vì thấy bản thân vô giá trị, thật ra chỉ là một lời cảnh báo bạn chưa sống đúng với tiềm năng và khả năng của mình. Hãy cân đối thời gian của mình dành cho những việc bạn làm tốt, những việc làm bạn hạnh phúc và những việc bạn muốn thử thách bản thân, rồi nỗi cô đơn sẽ chẳng có chỗ để len vào cuộc sống của bạn nữa.
Trường hợp thứ 2: Cô đơn vì cảm thấy không thể chia sẻ, kết nối với mọi người, cảm thấy không có ai hiểu mình. Thật ra, bạn phải hiểu rằng, không thể có 2 người nào giống hệt nhau trên thế gian để bạn có thể mong mỏi rằng có ai đó hiểu được toàn bộ suy nghĩ của bạn. Nếu có, người đó có thể đang ở bên kia bán cầu, hoặc có thể có thể người đó chưa sinh ra, hoặc người đó đã qua đời từ 800 năm trước. Thay vì trông đợi ai đó hiểu mình, chúng ta nên tìm hiểu xem tại sao mình khó chia sẻ với người khác, hay tại sao người khác hiểu sai ý mình.
Để đạt được hiệu quả tốt nhất khi chia sẻ về bản thân với người khác, bạn nên xác định mục đích chia sẻ của mình là để được lắng nghe hay là để tìm kiếm giải pháp. Chẳng hạn, bạn vừa chia tay với bạn trai và mang nỗi buồn ấy đi chia sẻ với cô bạn thân của mình, cô ấy rất lo lắng cho bạn nên đã bảo rằng “chia tay thôi mà có gì ghê gớm đâu, hãy mạnh mẽ lên, tớ sẽ làm mai cậu với ông anh họ của tớ”, mặc dù cô ấy có ý tốt nhưng bạn bỗng cảm thấy cô ấy không chú ý tới cảm xúc của bạn, thật ra bạn chỉ cần cô ấy lắng nghe và ôm bạn để an ủi là đủ. Những lời nói của cô ấy cũng làm cho bạn cảm giác rằng bạn thật yếu đuối và vô dụng, chuyện nhỏ như vậy mà cũng không vượt qua được. Từ đó về sau bạn khép kín hơn và ít chia sẻ với cô ấy hơn. Thật ra, nếu bạn xác định ngay từ đầu rằng mình chỉ muốn cô ấy lắng nghe, bạn có thể nói với cô ấy rằng “tớ đang buồn lắm, tớ cần cậu lắng nghe tớ nói, chỉ cần lắng nghe thôi là tớ vui rồi”. Còn nếu như bạn xác định rằng mình muốn tìm giải pháp, bạn có thể nói rằng “tớ đang buồn lắm, cậu tư vấn cho tớ xem tớ nên làm gì bây giờ”. Nếu bạn nói cho người nghe biết trước mục đích của mình, bạn vừa tránh khỏi cảm giác hụt hẫng, vừa giải toả được những suy nghĩ của mình, vừa thêm gắn kết mối quan hệ với người mà bạn chia sẻ. Khi có những mối quan hệ thân tình như thế, bạn sẽ không còn thấy cô đơn nữa.
Trường hợp thứ 3, cô đơn vì bạn không sống thật với bản thân, bạn đã bỏ bê cảm xúc của mình. Chẳng hạn, bạn ghét sếp của mình nhưng vẫn phải tỏ ra vui vẻ xởi lởi, điều đó khiến cho tinh thần của bạn không thoải mái và áp lực. Hay bạn đi chơi với một nhóm bạn mà bạn biết là hoàn toàn không hợp với mình, nhưng vì nể nang nên bạn vẫn đi. Hay là bạn có những điều muốn góp ý với vợ hay chồng của mình, nhưng vì sợ cãi vã nên bạn đành lờ đi và cố gắng tỏ ra vui vẻ. Khi bạn không sống thật với bản thân, cảm giác cô đơn có thể kéo đến bất cứ lúc nào, kể cả khi bạn đang ở cùng với người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay khi bạn chỉ có một mình.
Nhưng lưu ý, sống thật với bản thân không có nghĩa là bạn phải đến trước mặt người sếp của mình hét lên thật to rằng tôi không thích ông. Sống thật nghĩa là bạn quan sát và chú ý đến toàn bộ suy nghĩ, cảm xúc của mình, nghiêm túc tìm hiểu nguyên nhân tại sao mình lại như vậy và tìm ra cách giải quyết tốt nhất cho mình. Sống thật có nghĩa là nếu bạn đang cảm thấy buồn bã trống rỗng, bạn sẽ không trốn tránh nó vào một bộ phim, một cuộc nhậu hay cắm mặt vào mạng xã hội, mà bạn sẽ ở lại cùng với nỗi buồn đó, bạn sẽ nghiền ngẫm nó cho đến khi bạn hoàn toàn thấu hiểu nó, như vậy bạn mới có thể vượt qua và không gặp nó nữa. Các phương pháp như thiền định, tư vấn hoặc tham vấn tâm lý có thể sẽ giúp bạn vượt qua. Thiền định là cách bạn tự đi tìm lời giải cho chính mình bằng việc để ý đến từng tâm trạng cảm xúc, suy nghĩ, hành vi, thông qua đó bạn hiểu biết về bản thân. Tư vấn hoặc tham vấn tâm lý nghĩa là bạn tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài nếu bạn thấy tự mình không thể hiểu ra được. Khi bạn có thể giải toả được những mâu thuẫn, khúc mắc trong lòng, bạn sẽ kết nối lại với tâm hồn của mình và sống thoải mái, nhẹ nhàng, không còn cảm giác cô đơn hành hạ.
Bạn thân mến, chỉ khi nào bạn thoải mái với cuộc sống một mình, bạn mới có thể thoải mái khi có người yêu. Nếu bạn đi tìm người yêu chỉ để khoả lấp cảm giác cô đơn, nhiều khả năng mối quan hệ đó sẽ gặp trắc trở bởi sự phụ thuộc, kiểm soát, lo âu, nghi ngờ từ phía bạn. Một người có thể xử lý được sự cô đơn trong lòng mình là người đã hiểu bản thân và có khả năng trao đi tình yêu thương cho người khác.
Bạn muốn được gỡ rối, thấu hiểu bản thân hơn, cũng như học hỏi thêm các bí quyết giao tiếp, biểu lộ tình cảm... để nâng cấp bản thân, hãy tham khảo chương trình đào tạo online “Tâm lý học tình yêu & hôn nhân” tại đây nhé: https://tronbokhoahoc.tamlyhoctinhyeu.vn/
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất