Dạo gần đây tôi đọc khá nhiều sách và tài liệu nói về cách não bộ học tập. Cũng như, tôi đã thử nghiệm một vài phương pháp để xem não học tập thế nào. Kết quả là tôi đã thành công một vài kỹ năng nhỏ nhặt như đánh máy 10 ngón, học tiếng Anh bằng Anki, và kể cả kỹ năng mềm, hay là kỹ năng viết. Sau cuộc thử nghiệm, tôi cảm thấy sự thích thú trong việc tự học chỉ đến từ cảm nghiệm "bản thân mình đã tiến bộ ra sao", chứ không phải là những lời khuyên tạo động lực đến từ bên ngoài.
The Wind Rises (2013) - Nguồn: internet
The Wind Rises (2013) - Nguồn: internet
Tất nhiên, đây sẽ là bài viết nói về cốt lõi kinh nghiệm của cá nhân tôi, đối với việc tự học bất kì điều gì trong sự lạc thú. Và đây sẽ là bài viết mở đầu cho một chuỗi bài viết về cách con người tự học ra sao. Tất nhiên, tôi sẽ tìm hiểu, chia sẻ thêm nhiều phương pháp học hơn nữa, nhưng việc đó là của tương lai. Giờ thì tạm quên chuyện đó đi, hãy cùng tôi đi vào phần chính trước đã.

Để có động lực học, hãy học cách tự chủ để kích thích thể vân.

Nếu bạn cảm thấy lãnh cảm với công việc trong thời gian dài, học cái gì cũng bỏ ngang. Thì tôi tin rằng, bạn không có sự tự chủ trong mọi quyết định. 
Bạn nghe như thế thì làm ơn đừng buồn, vì các nhà thần kinh học đã cho rằng:
Sự lãnh cảm là do thể vân trong não của bạn đang đình công. Theo đó, thể vân là một cơ quan truyền tin trung gian giữa phần hạch hạnh nhâncơ quan tạo động lực và cảm xúc, với thuỳ não trước tránnơi đưa ra các quyết định. Nếu như con đường truyền tin là thể vân bị tắc nghẽn. Mọi dự định của thuỳ não trước trán chỉ là dự định. Còn cảm xúc bị chết lặng, khi một đống dự định chưa được hoàn thành.
Thể vân - Wikipedia
Thể vân - Wikipedia
Trong một cuộc nghiên cứu ở Đại học Pittsburgh, khi đối tượng nghiên cứu được chơi trò giải đố dưới máy chụp cắt lớp. Nhà nghiên cứu Mauricio Delgado thấy rằng: phần thể vân được kích thích cực kì mạnh mẽ khi các đối tượng này đưa ra các dự đoán chính xác.
Như vậy, nếu muốn thể vân hoạt động mạnh mẽ nhằm tạo ra động lực làm việc và học tập. Bạn nên thôi do dự và tự chủ hơn trong mọi quyết định.
Trong thực tế, một cuộc nghiên cứu về làm việc đội nhóm do Google tổ chức trên chính nhân viên của họ. Công ty này đã phát hiện ra, một nhóm toàn thiên tài, hay một nhóm có lãnh đạo chuyên quyền, đều tạo ra hiệu suất công việc thấp. 
Bởi vì nhóm thiên tài tập hợp những người có cái tôi cao, họ thường cho rằng quyết định của họ là sáng suốt nhất, thời gian của cuộc họp chỉ dây dưa ở ý tưởng. Để rồi, mọi người làm việc trong sự chán nản, khi quan điểm của họ không đóng góp gì cho đội nhóm. 
Tương tự như vậy, nhóm có lãnh đạo chuyên quyền thì nhân viên lười nhác, thiếu động lực vì họ không cảm thấy bản thân có giá trị trong nhóm. Điều họ cần là sự hối thúc của nhóm trưởng, và nếu có ý tưởng gì hay ho đi chăng nữa, họ thà chọn im lặng còn hơn.
Rốt cuộc, nhóm làm việc hiệu suất cao nhất lại là nhóm trộn lẫn cả thiên tài với người thường. Đồng thời, lãnh đạo là người biết lắng nghe các thành viên. 
Nguồn: Internet
Nguồn: Internet
Trong các cuộc họp, nhóm trưởng yêu cầu từng người phải đưa ra ý tưởng, quan điểm của mình vào dự án mà nhóm đang đảm nhận. Dù thành viên có tự ti và ít nói đi chăng nữa, thì nhóm trưởng vẫn yêu cầu người tự ti này lên tiếng. Tất nhiên, mọi ý kiến đều được nhóm trưởng cân nhắc ngang nhau. Với hành động này, nhóm trưởng đã tạo ra sự tự chủ cho nhân viên. Mọi người đều cảm thấy quyết định của mình là đáng giá và đáng để mọi người cùng hành động vì lợi ích chung. Với hành động sáng suốt của người lãnh đạo, thể vân của từng nhân viên đã được kích thích mạnh mẽ, để rồi những nhóm có lối tổ chức kiểu này đều có nhân viên làm việc đạt hiệu suất cao.
Như vậy, việc đưa ra những lựa chọn khó khăn và quả quyết hoàn thành bài học, nhiệm vụ khó (dù cho cách xử lý có tệ đi chăng nữa), thì đây luôn là cách để thể vân được kích thích mạnh mẽ. Từ đó, bạn có động lực mạnh mẽ hơn trong công việc và học tập.

Tự học là thử sai cho đến khi tìm ra đáp án.

Chris Rock − một trong những nghệ sĩ hài độc thoại nổi tiếng nhất nước Mỹ. Điều đó ai cũng biết. Nhưng để có được tiếng tăm lẫy lừng tại Hollywood như vậy. Ông chú Chris Rock nhà ta đã tạo thói quen làm việc vừa chăm chỉ, vừa thông minh. 
Chris Rock. Nguồn: internet
Chris Rock. Nguồn: internet
Trước khi bắt đầu một show diễn lớn, Chris sẽ đem hết kịch bản của mình ra thử nghiệm tại câu lạc bộ hài, tại vùng New Jersey. Tổng cộng, Chris đã thử kịch bản của mình từ 45 – 55 buổi biểu diễn. Mỗi lần câu joke của Chris Rock trở nên vụng về trước đám đông, Chris lại chỉnh sửa hoặc gạch bỏ đi câu joke vụng về đó. Kết quả là, Chris Rock luôn có những buổi biểu diễn phi thường tại các sân khấu lớn. 
Điều mà ông chú này đang làm là tự học theo kiểu thử sai. Chris không sợ bị bẽ mặt trước đám đông, vì ông biết những lần chỉnh sửa các thất bại là một lần ông tiến tới sự hoàn hảo.
Nhà tâm lý học Carol Dweck cho rằng, việc tự học từ thất bại là hành vi của người có tư duy phát triển. Trong cuốn Mindset: Tâm lý học thành công, bà viết: 
Những sinh viên có Tư Duy Phát Triển tìm và nhìn bài của những người có số điểm cao hơn họ. Như thường lệ, những sinh viên này muốn tìm hiểu xem họ đã sai ở đâu. Ngược lại, những sinh viên có Tư Duy Cố Định lại chọn nhìn vào những người có kết quả kém hơn họ. Đó là cách để họ tự an ủi chính bản thân mình.
Như vậy, khi bạn học bất cứ điều gì liên quan tới chủ đề sắp diễn ra trước buổi học. Với cơ số kiến thức đã có, bạn nên tạo ra một danh sách câu hỏi. Sau đó, hãy tìm một nơi đáng tin cậy như giảng viên, mentor để kiểm chứng đáp án của bạn.
Một khi bạn đã học ở thế thụ động. Nếu khoá học không có sự phản hồi tích cực từ người hướng dẫn, bạn đừng nên mua khóa học đó. Sách dạy luyện thi không có đáp án? Vứt vào sọt rác. Giảng viên cố né tránh câu hỏi của bạn? Nên nghi ngờ trình độ học vấn của họ. Bài thi bị sai ở đâu? Hãy đem bài mình ra so với người có đáp án đúng, hoặc hỏi trực tiếp thầy cô để rút kinh nghiệm trong lần thi kế tiếp.

Học phải chẻ nhỏ từng giai đoạn và có phản hồi nhanh.

Nếu đã biết rõ con người học giỏi nhờ thử sai, chứ không phải học vẹt để nhớ. Muốn cho ép cho “hoa trái chín vội”, chúng ta nên tự thiết lập phản hồi nhanh, đi kèm lộ trình được chẻ nhỏ từ cơ bản tới nâng cao.
Nếu bộ môn nào đó quá khó và mới, ta cần chẻ nhỏ môn học đó ra từng giai đoạn để tránh nản lòng. Trong các bộ môn thể thao nói chung, điều mà học viên được học là phải tập các động tác cơ bản nhàm chán trước. Sau đó, các học viên được giao các bài tập cụ thể để kết hợp các động tác lại với nhau. 
Haruki Murakami - Nguồn: internet
Haruki Murakami - Nguồn: internet
Tiểu thuyết gia Haruki Murakami nổi tiếng với khả năng tự học chạy bộ bằng cách tạo ra hệ thống phản hồi bằng viết nhật ký. Mất nhiều năm trời viết những dòng nhật ký về thất bại của mình trong chạy bộ, Murakami lại học hỏi từ thất bại nhiều hơn. Nhưng trong cuộc thi ba môn phối hợp, Murakami sợ nhất là phần thi bơi trên biển, vì ông đã từng bỏ cuộc ở phần thi này. Thời gian cho kỳ thi kế tiếp thì có hạn, Haruki Murakami quyết định thuê hàng tá huấn luyện viên bơi. Sau nhiều lần đổi đi đổi lại các huấn luyện viên, cuối cùng Murakami đã tìm người biết dạy bơi thuộc bộ môn 3 môn phối hợp. Người phụ nữ này buộc ông phải sửa lại tất cả các động tác sai. Tuy ông cảm thấy khó chịu vì cơ bắp không nghe theo ý ông, nhưng sau nhiều ngày tập luyện, ông cũng hoàn thiện được những động tác khó. Cuối cùng, kỳ thi đã đến, ông đã thành công vượt qua nỗi ám ảnh bơi trên biển của mình.
Tương tự như vậy, để học thành thạo các kỹ năng mới trong môi trường công sở. Phương pháp Pomodoro cũng thiết lập hệ thống chẻ nhỏ giai đoạn và phản hồi nhanh.
Francesco Cirillo – cha đẻ của phương pháp Pomodoro, đã yêu cầu học viên chẻ nhỏ từng giai đoạn công việc bằng todolist, rồi thực hiện nhiệm vụ theo số pomodoro đã ước tính. Đồng thời, các học viên phải viết báo cáo đơn giản về những gì đã diễn trong suốt các chu trình pomodoro đó. Bài tập bị giải lố thời gian? Có cách nào làm ngắn gọn hơn không? Công việc có quá nhiều động tác thừa làm giãn nở thời gian ước tính? Thế thì có cách nào cắt bỏ động tác thừa đi không? Hàng ngày viết báo cáo Pomodoro như vậy, học viên sẽ tự rút được sợi dây kinh nghiệm quý giá.
Nguồn: internet
Nguồn: internet
Nếu bạn không thể chịu nổi những áp lực phản hồi điên cuồng đến thế. Bạn hãy tập viết nhật ký như Murakami, hãy kiểm điểm lại những bài học trong ngày. Hoặc bạn có thể nghiền ngẫm vào mỗi đêm như một triết gia Khắc Kỷ. Không tự dưng Seneca trở thành Warren Buffett thời cổ đại, không tự dưng Marcus Aurelius được người đời tôn sùng như thánh đế đâu ạ.
Vậy, để học nhanh và hiệu quả. Bạn cần phải chẻ nhỏ khoá học, công việc, bài tập khó. Đi kèm với phản hồi càng nhanh càng tốt đến từ người hướng dẫn, giảng viên, và từ báo cáo – nhật ký công việc. 

Không ăn xổi, kẻo nghẹn vì áp lực của chủ nghĩa hoàn hảo.

Làm cái gì cũng thế, đừng có vội. Đối với những người học cấp tốc, thường thì họ có một áp lực vô hình rằng mình phải hoàn thiện nhanh chóng các kỹ năng khó.
The Amazing World Of Gumball - Dancing Brain.
The Amazing World Of Gumball - Dancing Brain.
Nếu bạn tức giận, mắng nhiếc bộ não mình dốt nát. Rồi đập đầu vào tường để hả giận chỉ vì có một kỹ năng, kiến thức khó không thể hoàn thiện nổi. Thì bạn đã đánh giá sai bộ não.
Căn bản là, não bộ học chậm hơn những gì nó nghĩ.
Để nhớ một kỹ năng nào đó một cách bền vững và hoàn thiện hơn. Não bộ cần đi ngủ đủ giấc để ôn tập lại mọi thứ trong ngày đã qua. Tiến sĩ Matthew Walker – nhà nghiên cứu về giấc ngủ đã từng gặp mặt một nghệ sĩ piano trong một sự kiện lớn. Tay nghệ sĩ piano này đã nói với tiến sĩ Walker rằng, ông ta có cảm giác thành thạo kỹ năng chơi đàn hơn vào ngày hôm sau. Tất nhiên, lời chia sẻ này chính là nguồn cảm hứng cho Matthew Walker tiến hành vô số thí nghiệm liên quan tới học tập và giấc ngủ. Để rồi tiến sĩ đã kiểm chứng được trực giác của tay nghệ sĩ Piano là hoàn toàn đúng.
Như vậy, việc bạn phạm lỗi sai liên tục một kỹ năng, kiến thức nào đó không có nghĩa là bạn không thể học được. Não cần thời gian. Ví như tôi thường có áp lực phải đọc hiểu được sách triết học thông qua lần đọc đầu tiên, nhưng tôi không thể nào hiểu sâu sắc nó được. Cho đến khi tôi nghe lời khuyên của cụ Thu Giang là “phải đọc lại nhiều lần sách vượt lên trình độ của mình”. Hay thiền sư Nhất Hạnh đã nói “thiền sinh không nên mặc cảm về kiến thức khó hiểu”, thì tôi đã tự phó thác mình cho thời gian. Cứ mỗi lần đọc lại những quyển sách khó nuốt, là mỗi lần con đường tối tăm lại sáng lên một bậc.
Cho đến hiện tại, khi đã không còn tạo áp lực với bản thân nữa. Tôi đã hoàn thiện kỹ năng gõ phím 10 ngón chỉ 25 phút một ngày trong vòng 1 tháng. Tôi thôi bực bội với từ vựng tiếng anh khó nghe, khó phát âm trên Anki. Và cũng thôi thấy xấu hổ, khi bạn Hiếu bên Spiderum Book luôn đưa ra những phê bình về khả năng viết lách của tôi. Đơn giản là tôi biết được, não cần thời gian để vượt qua các chướng ngại.

Kết

Muốn tự học nhanh một cái gì đó với động lực và lạc thú. Thứ nhất, đừng tìm động lực bên ngoài để nạp thêm dopamine. Bạn hãy tự tạo động lực cho thể vân bằng sự tự chủ. Để có sự tự chủ hãy đưa ra những lựa chọn. Lựa chọn có thể là todolist trong ngày, có thể đó là những cột mốc nhỏ trong các khoá học. Tất nhiên, phải quả quyết thực hiện và hoàn thành những gì bạn đã lựa chọn.
Thứ hai, học là quá trình thử sai. Con người không thể nào không mắc lỗi sai trên con đường tìm ra đáp án đúng. Như bạn đã biết về nghề IT rồi đấy, ngành này luôn yêu cầu các kỹ sư cập nhật kiến thức mới liên tục. Bạn cứ nghĩ họ là vua trò chơi. Nhưng bạn không biết rằng, phía sau hậu trường thì nào là những đoạn code bug, nào là những cú đập bàn phím dữ dội, nào là tiếng răng đay nghiến ken kén. Chưa kể đến, ở đâu đó còn âm ỉ tiếng thét: “Địp mợ!!!”. Nhưng rốt cuộc, những kẻ có tâm lý bất ổn này sẽ được chữa lành trong những ngày tiếp theo. Đơn giản là họ đã thoả mãn với đáp án của mình.
Thứ ba, để thôi nghiến răng, thôi chửi thề, và học nhanh hơn. Hãy chẻ nhỏ quá trình học ra thành các cột mốc nhỏ nhằm giảm áp lực xuống. Đồng thời hệ thống phản hồi phải nhanh. Thầy cô, bạn bè, sách dạy kỹ năng, ứng dụng học tập và khách hàng luôn là những nguồn phản hồi đáng tin cậy. 
Cuối cùng, hãy nhớ rằng không có kỹ năng, kiến thức nào là khó. Cho nên, bạn đừng tạo ra áp lực lên bản thân. Não cần thời gian hoàn thiện những kỹ năng khó trong một thời gian nhất định. Nên là, hãy cho não ngủ đủ mỗi ngày, đồng thời ôn lại những gì cản đường bạn. Sẽ có ngày bạn sẽ thấy lối ra cho vật cản đường đó.