Chiếc điện thoại đang là vật bất ly thân hiện nay. Thậm chí thời gian chúng ta gần nó nhiều hơn với người thân trong gia đình. Hơn nữa chúng ta dường như bị nghiện với chiếc điện thoại này, thường xuyên cắm mặt vào nó, thường xuyên lướt lướt mặc dù chả có thông tin gì mới nhưng vẫn cứ lướt. Đó là bạn đã nghiện điện thoại.
Dấu hiệu của việc nghiện điện thoại.
  • Sử dụng điện thoại bất kỳ lúc nào có thể: trong tolet, đi thang máy, thậm chí là đi trên đường.
  • Nếu điện thoại hết pin thì bạn cảm thấy trống rỗng và khó chịu.
  • Vớ lấy điện thoại ngay và luôn khi có notification.
  • Hay bấm điện thoại trước khi đi ngủ.
  • Luôn bồn chồn nghĩ tới việc cầm điện thoại dù đang phải làm việc khác.

Nguyên nhân làm bạn nghiện điện thoại.

Nguyên nhân sâu thẳm nhất đó là “nỗi sợ”. Nỗi sợ này là gì?
  • Sợ bị cô đơn, không ai biết tới sự hiện diện của mình trên thế giới này.
  • Sợ bị tối cổ, không biết được đang có trào lưu gì mới, trend gì mới rồi bạn bè cười chê.
  • Sợ bị bỏ rơi, khi tham gia một cộng đồng, hội nhóm nào đó mà không hoạt động thường xuyên…
  • Sợ mất mối quan hệ nếu như không thường xuyên giao tiếp.
Từ nỗi sợ này (nó là yếu tố đầu tiên) sẽ dẫn tới những chuỗi hành động diễn ra sau này như là:
  • Thường xuyên cầm điện thoại để chat chit, trả lời tin nhắc, check email, lướt mxh, comment, post status,…
  • Để rồi trở thành một thói quen khó sửa đổi.
  • Từ thói quen này dẫn tới bị nghiện điện thoại, không cầm điện thoại, không lướt net là khó chịu bồn chồn.
  • Nghiện điện thoại rồi thì kéo tới các hậu quả: mất tập trung, trí nhớ giảm sút, người hay bồn chồn khó chịu, mắt kém, mất ngủ, người hời hợt…Thật nguy hại.

Cách để không nghiện điện thoại (với điều kiện bạn phải quyết tâm thực hành).

Dựa vào các nguyên nhân ở trên thì chúng ta sẽ đối trị từng điều tuần tự:

Khắc phục nỗi sợ bị cô đơn, trống trải trong khi internet có rất nhiều thứ để giải trí, để thoã mãn.

Ai trong chúng ta cũng có một nỗi sợ đó là bản thân mình cô độc, không ai coi trọng mình hay chú ý tới mình. Đó là nỗi sợ tổ tiên vì con người là một cá thể phải nương theo hoàn cảnh tự nhiên xung quanh để tồn tại.
Chúng ta có sự tương tác với xung quanh là chính đáng, nhưng chỉ thật sự tốt khi chúng ta đã có "trọng lượng" của chính mình. Đó là có giá trị riêng mình.
Để có giá trị riêng mình thì cần phải có những khoản thời gian chăm sóc cho chính mình, vun đắp giá trị của chính mình trước.
Bạn không thể kéo người khác ra khỏi vũng bùn khi chính bạn đang bị mắc kẹt trong đó. Nên nếu bạn chưa có giá trị của riêng mình thì bạn có làm gì đi nữa, mọi thứ đều không tác dụng.
Nên hãy dành thời gian để trau dồi giá trị cho riêng mình trước
  • Nâng cao trình độ chuyên môn, nếu bạn còn đi học thì tập trung học cho tốt, hoặc rèn luyện thêm các môn học mà mình thích.
  • Dành thời gian Rèn luyện và vun đắp các thói quen tốt như: đọc sách, thể dục thể thao, thiền, học pha chế, học nấu ăn, học vẽ, học ngoại ngữ mới, làm thêm một công việc yêu thích… bất cứ thứ gì bạn thích thú.
  • Dành thời gian cho người thân trong gia đình.

Khắc phục nỗi sợ bị tối cổ, bị lạc hậu nếu không bắt kịp thông tin.

Sự phát triển của thông tin kéo theo sự bùng nổ, hay gọi là thông tin rác ngày càng nhiều.
Thật ra thông tin thì mỗi ngày đều có thông tin mới, nó là vô hạn, trong khi quỹ thời gian và khả năng não bộ của chúng ta là hữu hạn.
Vậy chúng ta không thể nhét hết thông tin vào đầu được. Mà chỉ nên nắm những thông tin cần thiết cho cuộc sống của chính chúng ta mà thôi.
Cho nên thiết nghĩ không mất quá nhiều thời gian để biết những thông tin cần thiết này.
Việc này cũng giống 2 người đang đi vào siêu thị:
- Người A: biết rõ mình cần mua gì, đi vào mà mua xong rồi đi ra. Không quá mất thời gian và tiền bạc. (người thông thái)
- Người B: Chưa định hình rõ mình cần mua gì, đi vào mua lang thang tìm kiếm rồi bị thu hút bởi những thứ khác. Cuối cùng mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để mua cả đống thứ trong khi chưa chắc đã cần thiết. (người lang thang)
Với việc chọn lọc thông tin để đọc hàng ngày cũng vậy.
Hãy xác định rõ thời gian nào, nơi nào cần theo dõi thông tin hàng ngày. Dành 1 khoảng thời gian ngắn để tiếp cận rồi thôi. Đừng để mất quá nhiều thời gian cho nó.
Như vậy, vừa bảo đảm chúng ta không bị tối cổ, mà vừa có quỹ thời gian để trau đồi thêm giá trị cho bản thân mình. Nếu ai có chê cười thì mặc kệ họ.

Khắc phục nỗi sợ bị bỏ rơi, khi tham gia một cộng đồng, hội nhóm nào đó mà không hoạt động thường xuyên…

Các hội nhóm hiện nay cũng dùng MXH như Facebook để liên lạc, trao đổi. Có lợi mà cũng có hại.
Nhưng nếu chúng ta học được cách chọn lọc thông tin như trên, không quá sa đà vào cuộc tán gẫu thì sẽ ổn.
Hãy cân nhắc quỹ thời gian, cũng như tính chất phù hợp trước khi tham gia một hội nhóm nào đó.

Khắc phục nỗi sợ mất mối quan hệ nếu như không thường xuyên giao tiếp.

Điều này không đúng nếu như mối quan hệ đó là tốt đẹp.
Bởi vì ai cũng có quỹ thời gian và cuộc sống riêng. Nếu như chúng ta dành quá nhiều thời gian cho mối quan hệ đó, có khi lại làm phiền người ta.
Bởi vậy, mức độ thỉnh thoảng (tầm 2 lần / tháng hoặc tuỳ dịp) là hợp lý.
Các mối quan hệ giúp đỡ nhau cùng tốt lên dù chu kỳ gặp gỡ giao tiếp có thể tính theo tháng hoặc năm, hơn là các mối quan hệ tẻ nhạt làm mất thời gian mà không mang lại giá trị gì dù có gặp hàng ngày đúng không các bạn?

Tổng kết các cách để không nghiện điện thoại như sau.

  • Dành ra 1 khoảng thời gian cho việc dùng điện thoại để lướt net cố định trong ngày để nắm bắt thông tin cần thiết.
  • Tuyên bố với các mối quan hệ về thời gian sử dụng internet của mình để họ sẽ biết và hiểu.
  • Tập trung vào những việc mang lại giá trị lâu dài, cốt lõi để nâng cao giá trị của bản thân mình, cũng là cách để có thói quen tốt khác thay thế thói quen sử dụng điện thoại.
  • Trước khi sử dụng điện thoại, phải biết rõ mục đích của mình và đừng để bị xao lãng bởi những thứ khác (như người thông thái, đừng như người lang thang).