Tác giả: Zat Rana


Sự thật vẫn luôn nằm ngay trước mắt ta. Chính ta mới là người phớt lờ nó.


"The Death of Socrates" của Jacques-Louis David (1736)
Trước khi Hippocrates (thầy thuốc nổi tiếng thời Hy Lạp cổ đại) xuất hiện, người ta tin rằng thần thánh và các thế lực siêu nhiên là nguồn gốc của bệnh tật.
Nếu bạn bị ốm tại một thời điểm trước năm 460 TCN, bạn không thể làm gì nhiều ngoài cầu nguyện và hi vọng về những điều tốt đẹp nhất. Bạn có thể thử một hoặc hai bài thuốc thảo dược. Dù bạn có thông thái đến thế nào đi chăng nữa, nếu được nuôi lớn trong một xã hội như vậy, bạn gần như chắc chắn không thể lường trước được về một tương lai nơi y học trở thành một lĩnh vực riêng biệt — tách rời tôn giáo và chỉ ra nguyên nhân tự nhiên (natural causes) mới là thủ phạm [gây ra tật bệnh].
Nhưng khi học thuyết của Hippocrates bắt đầu được truyền bá, hiểu biết của chúng ta về cơ thể con người ngày càng được nâng cao, thì điều này bắt đầu thay đổi. Môi trường vật lí, chế độ ăn uống cá nhân và các thói quen hằng ngày bắt đầu định hình cách chúng ta hiểu về sức khỏe của mình.
Chỉ trong vài thế kỉ ngắn ngủi, lợi ích của kiến thức này đã mang nó lan truyền rộng khắp. Thần thánh đương nhiên vẫn có địa vị nhất định trong cộng đồng, nhưng không còn giữ vai trò thống trị như trước. Trong thực tế, tại một thời điểm nào đó dọc theo chiều dài lịch sử, sự thật rằng nguyên nhân tự nhiên có thể dẫn đến bệnh tật trở thành hiển nhiên. Và nó hóa lẽ thường.
Các nền văn hóa bao quanh xã hội đó đã biến những hiểu biết này trở thành tri thức tiềm ẩn (implicit knowledge). Những người lớn lên trong những nền văn hóa ấy không thể không biết tới những kiến thức này, dù là thông qua các phong tục tập quán, hệ thống kinh tế xã hội, hay đơn giản là thông qua nền giáo dục mà họ được nhận.
Ví dụ này đã lí giải con đường phát triển của kiến thức. Chúng ta tìm ra một thứ gì đó, và nếu nó tỏ ra hữu dụng, chúng ta sẽ xây dựng các hệ thống xã hội tương thích với khám phá ấy. Cuối cùng, theo dòng chảy và quá trình thụ phấn của những hệ thống này, kiến thức kia sẽ dần trở nên sẵn có đối với mọi cá nhân sống trong nền văn hóa.
Phần lớn những thứ hiển nhiên ngày nay được coi là hiển nhiên chỉ bởi chúng ta được sinh ra trong một hệ thống bao hàm kiến thức này. Công đoạn khó khăn nhất đã được làm sẵn cho chúng ta rồi.
Tuy nhiên, thực tế này lại đặt ra một vấn đề. Bởi chúng ta không phải tự mình khám phá tri thức cho bản thân, cho nên chúng ta thường coi nhẹ giá trị của chúng.
Kết quả là, chúng ta rõ ràng được bao quanh bởi vô vàn những sự thật hệ trọng, nhưng lại lờ chúng đi.

Tính phản trực giác của Clichés

(T/N: Clichés (hay cliche) là thuật ngữ chỉ một ý tưởng, lời nói, kịch bản hay một công thức rập khuôn, được dùng đi dùng lại trong sáng tạo nghệ thuật, khiến cho nó trở nên kinh điển hoặc sáo rỗng, nhàm chán.)
Một ý tưởng — còn gọi là meme — lan truyền trong nền văn hóa như các gen trong cơ thể: hoặc chống chịu tốt, hoặc mang lợi nhiều.
(T/N: Một meme /mi ː m/ là một quan niệm, hành vi, hoặc phong cách lan truyền từ người này sang người khác trong một nền văn hóa — thường với mục đích chuyển tải một hiện tượng, chủ đề, hoặc ý nghĩa cụ thể do meme đại diện).
Xét về cơ chế, sự thành công của một meme được xác định nhờ khả năng tái tạo và mô phỏng của nó. Một meme càng đáng nhớ và "dính" thì càng có nhiều khả năng trụ vững. Điều này giải thích lí do tại sao nhiều meme không được đánh giá cao về mặt lợi ích vẫn có thể nán lại trên Internet hoặc trong nền văn hóa nói chung.
Khi chúng ta phóng rộng tầm nhìn của mình theo bước đường lịch sử, thì có vẻ qua nhiều thế kỉ và thiên niên kỉ, các nền văn hóa loài người đang làm cực tốt vai trò loại bỏ những meme "dính" nhưng ngắn hạn và vô dụng.
Một video mèo vui nhộn có thể thu hút sự chú ý của chúng ta trong một ngày hoặc một tuần, nhờ đó thu về hàng triệu lượt xem, nhưng nó chắc chắn không thể tạo ra tác động đáng kể đối với nền văn hóa của chúng ta suốt 100 năm kể từ ngày hôm nay bởi những hạn chế về tính hữu dụng của mình.
Về cơ bản, clichés chính là những meme còn sống sót qua thử thách của thời gian. Chúng được lặp đi lặp lại nhiều lần, từ thế hệ này qua thế hệ khác, bởi chúng cung cấp lợi ích. Nhiều trong số chúng còn bao hàm chân lí.
Trên thực tế, chẳng khó khăn gì để lập luận rằng cách thức khôn ngoan để được sống một đời vui vầy — cũng như bản chất cốt lõi của thực tại và định ước loài người  — phần lớn đã được mã hóa trong những clichés tồn tại xung quanh chúng ta.
Chúng ta cần đặt ra câu hỏi: Nếu những clichés kia là sự thật, thì tại sao chúng ta lại phớt lờ chúng?
Vấn đề ở đây là rất nhiều clichés chúng ta được nghe — những câu như "tình yêu là tất cả những gì bạn cần", "tất cả những gì bạn có là hiện tại" hay "chỉ tiền bạc và quyền lực thôi thì không đủ" — thực sự phản trực giác sâu sắc. Nhưng bởi chúng ta đã nghe những thứ này quá nhiều lần, chúng ta cho đó là điều hiển nhiên, do đó phớt lờ chúng.
Nhưng việc nghe một thứ gì đó nhiều lần không làm nó trở thành hiển nhiên. Ngay cả khi bạn có thể lí giải tầm quan trọng của nó ở cấp độ bề mặt, bạn cũng chưa hiểu được nó. Bạn chỉ thực sự hiểu một điều gì đó nếu nó khiến bạn sửng sốt hệt như cách nó có thể đã làm đối với người đầu tiên phát hiện ra nó.
Tựa như trường hợp của Hippocrates và y học cổ đại, đã có lúc những thứ ta cho là hiển nhiên lại chưa phải hiển nhiên. Nó chỉ đạt được cảnh giới ấy sau nhiều lần khẳng định. Để khám phá bản chất thâm thúy của nó, chúng ta phải đào sâu xuống dưới lớp mặt.

Các lớp khác nhau của lẽ phải và học thức

Triết gia người Mĩ Ken Wilber đã khám phá ra một thuật giải để ứng dụng cho các ý kiến hay kinh nghiệm lệch khuôn gọi là "pre/trans fallacy" (tạm dịch: trá ngụy tiền/thông), và tôi nghĩ nó cũng khá hữu ích trong cuộc thảo luận này.
Thuật giải này liên quan nhiều hơn đến luận điệu lí trí hoặc phi lí trí, nhưng chúng ta có thể áp dụng nó cho các cấp độ khác nhau của việc "hiểu những điều hiển nhiên".
Cấp độ đầu tiên — nhận biết, tương ứng với phần "pre" trong thuật giải — là nơi một clichés mang đúng hình hài mà chúng ta vẫn luôn quen thuộc: một phép tu từ mệt mỏi.
Tuy nhiên, cấp độ thứ hai — thông hiểu, tương ứng với phần "trans" trong thuật giải — mới chính là nơi một clichés mang đầy đủ những ý niệm thâm sâu của nó, trở thành một chân lí được lưu truyền, ứng dụng và thử nghiệm từ đời này qua đời khác.
Hầu hết mọi người chỉ hiểu các meme phổ biến trong nền văn hóa ở cấp độ đầu tiên. Do đó, họ có một quan điểm hết sức nông cạn được che đậy dưới lớp vỏ giả tạo rằng, chỉ bởi họ nghe tới những thứ ấy quá thường xuyên, họ đã biết về nó rất rõ rồi, cho nên họ có quyền coi nhẹ nó bởi nó không phù hợp với họ. Họ đã nhầm lẫn giữa nhận biết với thông hiểu.
Trên thực tế, cách duy nhất để biết rằng bạn đã hiểu trọn một chân lí chung là nếu — tại một thời điểm nào đó — một kinh nghiệm hoặc một loại kiến thức cụ thể có thể chạm tới và kích thích đến tận nơi sâu thẳm nhất trong thâm tâm bạn. Rồi thì, bằng cách nào đó, những ảnh hưởng của chân lí ấy đã thay đổi bạn.
Có một trải nghiệm ở mức độ như vậy không nhất thiết có nghĩa rằng bạn sẽ thấy mình đồng tình với mọi clichés. Nó thể hiện rằng bạn ít nhất sẽ nắm bắt ý nghĩa của một clichés theo cái cách đầu tiên mà nó được hiểu, trước cả khi nó trở thành clichés hay một kiến thức phổ biến.
Vấn đề ở đây là, chúng ta phải bỏ ra rất nhiều công sức mới có thể hiểu được những điều hiển nhiên. Và nếu bạn muốn phủi chúng đi như một thứ không có ý nghĩa đối với bạn, bạn còn phải bỏ ra nhiều hơn thế nữa.
Trong mọi lĩnh vực, tất cả chúng ta đều nhầm lẫn cấp độ nhận biết hạn chế của mình với cấp độ thông hiểu và ngạo nghễ gạt bỏ những kiến thức quan trọng mà chúng ta không có quyền gạt bỏ. Chúng ta cứ tưởng rằng mình biết nhiều hơn những gì bản thân thực sự biết, và chúng ta dựa trên niềm tin sai lầm ấy mà tạo lập nên những nền móng mơ hồ.
Sự thông thái thực thụ là biết nhìn nhận những thứ quan trọng ở cấp độ mà nó cần được nhìn nhận. Nếu chưa đạt tới mức đó, thì đó là dấu hiệu cho thấy trí óc bạn cần tiếp tục làm việc.

Trọng điểm

Tất cả chúng ta đều đang đánh giá thấp nền văn hóa trong việc định hình kiến thức của mỗi người. Hơn thế nữa, chúng ta đang tỏ ra thờ ơ trước sự thâm thúy của những gì được coi là hiển nhiên hiện nay.
Câu chuyện về Hippocrates là một ví dụ hoàn hảo: Những người trước ông có một niềm tin rất thuần túy rằng các vị thần là nguyên nhân gây ra bệnh tật và ốm đau. Những người sau ông cho rằng những người không nhìn ra mối liên kết giữa tự nhiên với cơ thể con người là ngu muội.
Nhiều clichés vĩnh cửu — nhất là những clichés giáo dục lối sống — ẩn chứa nhiều giá trị hơn những gì ta gán cho chúng từ cái liếc mắt đầu tiên.
Tất nhiên, không phải mọi thứ từ thời ông bà anh đều phù hợp vào ngày mai, nhưng dù vậy, trước khi được trao quyền bác bỏ một thứ gì đó, bạn nên hiểu rõ về nó trước đã.
Bạn phải bỏ ra rất nhiều công sức và nỗ lực trí óc để đi từ cấp độ nhận biết đến cấp độ thông hiểu, nhưng công sức này sẽ phân biệt chính xác xem ai có thể nhận biết kiến thức và ai sẽ không.
Tôi sẽ khép lại bằng lời của nhà toán học vĩ đại Alfred North Whitehead:

Mục đích của khoa học là đi tìm lời giải thích đơn giản nhất cho các sự kiện phức tạp. Chúng ta thường có quan điểm sai lầm rằng sự thật là đơn giản, bởi đơn giản là cái đích mà ta đang kiếm tìm. Phương châm dẫn lối của mỗi triết gia tự nhiên nên là "Tìm kiếm sự đơn giản và hoài nghi nó."

Chân lí luôn tồn tại xung quanh chúng ta, chờ ta tìm thấy, và chúng thường đơn giản. Nhưng thứ ẩn giấu đằng sau những chân lí này là lời giải thích còn giản đơn hơn nhiều.
Và nhiệm vụ của chúng ta là mổ xẻ những lời giải thích ấy để khám phá ra món quà tri thức thực thụ.

How to Understand the Obvious by @Zat_Rana https://link.medium.com/AdkzCNSgv4
#maithuha #hanna