Mình vốn là một người rất hay quên, là một thực thể mà cộng đồng hay gọi bằng cái tên tưởng như cute là "não cá vàng". Điều này nếu chỉ nói cho vui thì không sao, nhưng thực sự đôi lúc việc hay quên nó ảnh hưởng đến công việc và học tập thì thực sự không vui một chút nào. Ấy nhưng mà mọi thứ luôn có cách giải quyết của nó, với những người hay quên như mình, thì một cuốn sổ ghi chú hoặc phần mềm có chức năng note tương tự là công cụ không thể thiếu sót dù đi bất cứ đâu. Ấy nhưng, sẽ như thế nào nếu vô tình chúng ta để quên những công cụ ấy mà không mang theo bên mình. Đặc biệt là trong các cuộc nói truyện, hay các buổi thuyết trình, khi mà mình muốn gợi lại một con số, hay tên một sự kiện thì lúc này một trí nhớ tốt sẽ luôn là một lợi thế. Mình tin rằng, sổ ghi chú thì có lợi thật nhưng sẽ tuyệt hơn nếu ta có những mẹo mà có thể ghi nhớ mọi thứ tốt hơn, và đúng là có thật. Bộ não của chúng ta rất đặc biệt, nếu chúng ta biết sử dụng đúng cách, ta sẽ khai thác được nhiều điểm ưu việt của nó, và tất nhiên trong đó có trí nhớ. Dưới đây mình xin chia sẻ một chút về kỹ năng ghi nhớ mà mình đọc được từ sách Improving your memory của tác giả David Thomas, hy vọng nó có thể giúp cho các bạn "não cá vàng" cảm thấy dễ thở hơn và tự tin hơn rằng thực ra bạn không "não cá vàng" như bạn nghĩ đâu nhé.
Fishing on the Brain | Fish, Fishing humor, Fly fishing
Ảnh chụp não của người hay quên. *(Hình ảnh không mang tính chất minh họa).

1. Trí nhớ là gì?

Ngoài việc là một nơi lưu trữ các dữ liệu thông tin, thì trí nhớ cũng là một thứ định hình nên chính con người bạn. Tại sao lại như vậy? Trí nhớ của bạn được hình thành ngay từ khi bạn sinh ra đời, thông qua thời gian, bộ não của bạn sẽ thu thập các thông tin xung quanh như kiến thức, cách ứng xử, sự kiện, niềm vui, nỗi buồn,... Và như vậy, chúng sẽ thành bộ lưu trữ thông tin, bạn sẽ nhìn thế giới dựa trên những gì bạn có trong não của bạn. Nói một cách dễ hiểu, não bạn giống như một phần mềm máy tính vậy, bạn đưa nó bao thông tin thì nó chỉ có bấy nhiêu dữ kiện để giải được bài toán. Từ đây có thể suy ra, bạn nạp càng nhiều thông tin thì bạn nhìn đời càng phong phú, mà thực ra cũng tùy loại dữ liệu mà bạn nạp vào đầu. Một đứa trẻ từ bé sống trong một môi trường tốt, thì nó sẽ có nhiều cơ hội nhìn đời một cách tích cực, và ngược lại, một đứa trẻ sinh ra trong một môi trường đầy sự hỗn loạn, thì cuộc sống sau này của đứa bé đó cũng sẽ khó phát triển được. Dù não của chúng ta rất tuyệt vời, nhưng nó cũng không thể chính xác như một chiếc máy in, in ra một tấm ảnh chính xác đến từng gam màu, thường thì nó sẽ được biến dạng, chính vì vậy mà ta luôn có cụm từ" tam sao thất bản", một câu chuyện được truyền từ người này sang người khác sẽ không giữ được tính nguyên bản ban đầu. Cho nên, về cơ bản, chúng ta không ai giống ai cả, sinh ra trong môi trường khác nhau, cùng học một lớp nhưng kiến thức nạp vào và tuôn ra sẽ khác nhau. Thật thú vị phải không nào. Hiểu về trí nhớ sẽ giúp bạn rất nhiều, bằng việc thật tập trung trong cuộc sống, chỉ nạp những thứ có ích, và chia sẻ những điều tích cực thì bạn sẽ trở thành một con người hoàn toàn khác so với những người chỉ ùa theo cảm xúc và ôm vào người những thứ vô bổ. Để rồi những thứ vô bổ ấy sẽ là một nét mực hằn vào trong não bạn.
MEGAMIND animation comedy action family superhero alien sci-fi wallpaper |  1920x1080 | 568048 | WallpaperUP

2. Những hiểu lầm về trí nhớ

Dưới đây là 2 điều thường hay bị hiểu lầm nhiều nhất về trí nhớ:
-Càng già thì càng nhớ kém đi: Không biết bạn thì thế nào, nhưng từ bé, mẹ mình hay bảo là còn nhỏ thì lo học đi con, kẻo sau này già như mẹ thì không còn nhớ gì cả đâu. Cho đến khi mình đi học và được tiếp cận với giới tri thức ngoài kia, biết được có những vị tiến sĩ giáo sư tuổi rất lớn nhưng họ vấn tiếp tục con đường học vấn của mình, mình bắt đầu nghi ngờ những gì mẹ bảo. Mãi sau này, mình mới biết, thực ra độ tuổi không ảnh hưởng đến trí nhớ của bạn, mặc dù đúng là các tế bào não có suy giảm theo thời gian, nhưng khả năng ghi nhớ thông tin của nó lên đến 97%. Có nghĩa là một cụ bào 70 tuổi so với một thanh niên 20 tuổi thì khả năng ghi nhớ là gần như bằng nhau. Duy chỉ có điều duy nhất khác biệt đó chính là người già thì học không nhanh bằng người trẻ, và điều này khiến cho tuổi tác là thứ bất lợi của người già so với giới trẻ. Còn lý do chính khiến bạn hay quên khi già đi đó là do stress, mệt mỏi và những bệnh lý về tâm lý gây nên.
Việc hay quên là do "sinh ra đã vậy": Nhiều người cho rằng mình hay quên là do"sinh ra đã vậy", nhưng thực tế là không có gì gọi là "sinh ra đã vậy" với trí nhớ của bạn cả. Dù bạn có tin hay không, nếu bạn cứ củng cố niềm tin rằng bạn không thể nào ghi nhớ tốt hơn được, thì việc ghi nhớ và học tập của bạn sẽ bị niềm tin này gây ảnh hưởng, và đến một lúc nào đó, bạn cũng sẽ cảm thất bất lực vì khả năng ghi nhớ của mình, trong khi việc ghi nhớ là kỹ năng bạn hoàn toàn có thể tập luyện được. Trí nhớ được chia làm trí nhớ ngắn hạn và dài hạn, trí nhớ ngắn hạn là những ghi nhớ xảy ra trong khoảng 10-20 giây, nhưng nếu bạn cứ lặp lại trí nhớ ngắn hạn một cách có chủ đích, chúng sẽ trở thành trí nhớ dài dạn. Trí nhớ dài hạn lại còn được chia làm trí nhớ vô thức và có ý thức.  Trí nhớ vô thức thường được gắn liền với các kỹ năng mà bạn chỉ cần học 1-2 lần, thì dù không được rèn luyện trong thời gian dài nhưng khi cần thì bạn luôn có thể gợi lại được ví dụ như bơi lội hoặc đạp xe. Còn trí nhớ có ý thức là những hoạt động ghi nhớ thông tin mà bạn cần ôn luyện thường xuyên nếu không muốn chúng mai mòn theo thời gian.
Dù trí nhớ ngắn hạn về lý thuyết diễn ra trong 10-20s, nhưng nếu nó tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của bạn, để lại những ấn tượng mạnh cho bộ não thì nó cũng có thể trở thành trí nhớ dài hạn. Ví dụ như việc bạn sẽ không thể quên được cú tát của người yêu cũ dù có trôi qua 10 hay 20 năm nữa.
Chính vì vậy, đó cũng chính là công thức nếu bạn muốn ghi nhớ và giỏi một thứ gì đó xuất sắc, gọi là đụng chuyện là có thể moi lại mẩu thông tin nào đó từ hàng tỷ thông tin lộn xộn trong não, đó là vì bạn đã rèn luyện để làm việc với chúng trong hàng chục năm trời. Mình xin nhấn mạnh là bạn phải rèn luyện có chủ đích nhé, vì thông thường những gì chúng ta học sẽ bị quên đi nhanh chóng chỉ sau 24h, nếu bạn muốn ghi nhớ điều gì, hãy lập kế hoạch để ôn lại nó thường xuyên, và dưới đây là biểu đồ trí nhớ bạn có thể tham khảo, nó mô tả lượng thông tin sẽ mai mòn theo thời gian nếu bạn không ghi nhớ nó thường xuyên, như bạn đã thấy, chỉ sau 1 ngày mà không ôn lại thì những gì não bạn còn nhớ là khoảng 20% và nó sẽ giảm về 0% sau 3 tháng.

3. Làm gì để hỗ trợ nâng cao trí nhớ?

Nên nhớ rằng việc ghi nhớ là một kỹ năng, mà muốn rèn luyện kỹ năng để trở nên thành thục thì bạn phải rèn luyện thường xuyên, bên cạnh đó không quên tới các yếu tố giúp hỗ trợ tăng cường việc thực hành nâng cao trí nhớ của mình. Mình sẽ tóm gọn nó trong 5 ý sau:
- Dinh dưỡng: Để có một cái đầu minh mẫn thì dinh dưỡng là vô cùng quan trọng nhé. Bạn nên hấp thụ các nguồn thức ăn bổ dưỡng và chứa các chất chống oxy hóa, các thức ăn nhiều khoáng chất, vitamin nhóm B và các loại omega3,6,9.
- Tập thể thao: Cái này thì khỏi bàn cãi rồi, tập thể thao giúp máu lưu thông lên não tốt hơn, đầu óc hưng phấn hơn để học tập và làm việc tốt hơn.
-Tìm đồng hồ sinh học phù hợp với bản thân và làm việc theo giờ đó: Sẽ có một khoảng thời gian trong ngày mà bạn làm việc và ghi nhớ tốt nhất, hãy ghi nhớ khoảng giờ đó và làm những việc quan trọng với bạn.
-Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc giúp bạn bớt căng thẳng và giảm stress, góp phần ghi nhớ tốt hơn. Nếu không tin thì bạn có thể thử bằng cách trở nên thiếu ngủ và ngày hôm sau đi làm hoặc đi học rồi sẽ biết.
-Cuối cùng là trong một ngày, hãy dành ra 30-60 phút để thư giãn, làm điều mình thích, dành thời gian cho bản thân và gia đình để thư giãn đầu óc nhé.

Trên đây là phần 1 nói về sơ bộ khái niệm trí nhớ và để bạn hiểu cách bộ não bạn vận hành. Phần 2 chúng ta sẽ bắt đầu đi vào chi tiết làm sao để ghi nhớ các dạng thông tin như tên, chữ cái, số liệu và các sự kiện khác nhé. Hẹn gặp các bạn vào phần tiếp theo.
Nguồn: Sách Improving your memory - David Thomas