Hồi tôi đi bắt đầu học cấp II, gần như quá nửa số môn học bên cạnh làm bài tập sau mỗi buổi học sẽ có thêm yêu cầu soạn bài trước khi học bài mới. Việc soạn bài thông thường là trả lời các câu hỏi xây dựng bài, mỗi chương sẽ có khoảng 1-2 câu hỏi, mỗi bài sẽ có khoảng 4-5 câu . Học sinh được yêu cầu trả lời tất cả các câu hỏi này, phải trả lời đủ ý, đủ dài nếu không muốn bị gán cho cái tội chuẩn bị bài sơ sài, cẩu thả hay đối phó nếu bất chợt bị giáo viên kiểm tra. Các câu hỏi, đặc biệt là các chương sau của bài học thường có một sự liên kết nhất định đến các chương trước, thế nên việc trả lời các câu này một cách hoàn chỉnh thực sự khó khi học sinh hoàn toàn không được chỉ dạy mà chỉ có thể đọc trước kiến thức trong sách giáo khoa. Một số kiến thức đôi khi thầy cô giảng vài lần, học sinh vẫn chưa hiểu chứ đừng nói tới việc chỉ đọc sách mà có thể trả lời tất cả các câu hỏi.
Để hoàn thành nhiệm vụ này, một học sinh có thể tốn cả giờ đồng hồ đối với mỗi môn tuỳ vào độ phức tạp của bài học cũng như môn học. Có rất nhiều môn cần soạn bài như Ngữ văn, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Công nghệ... Chính vì thế, mỗi ngày đến trường, mỗi học sinh có thể phải tốn tới vài giờ chỉ để soạn bài. Điều này cộng dồn với bài tập về nhà, học bài để kiểm tra, lịch học thêm, các hoạt động khác của trường... gây nên một áp lực khủng khiếp tới học sinh. Áp lực của việc soạn bài khiến học sinh tìm đến những giải pháp như chép sách học tốt, chép bài bạn hay thậm chí là đi học thêm theo kiểu soạn bài hộ, dạy trước chương trình. Những điều này hoàn toàn vô nghĩa và tốn kém, gây nên những mệt mỏi hoàn toàn không đáng có.
Vậy nếu học sinh có thể tự trả lời các câu hỏi trong bài mà không cần sử dụng các "giải pháp" trên thì tôi không rõ vai trò của việc đi học các môn này có mục đích gì. Giáo viên có nên cho phép các học sinh đã soạn bài đầy đủ nghỉ học tiết của mình và làm việc khác? Vì rõ ràng các em đã làm thay việc của họ, đã tự giáo dục bản thân và nắm được tất cả các phần kiến thức của bài học. Chắc chắn chẳng có giáo viên nào làm thế và họ cũng không được phép làm vậy.
Tôi nghĩ rằng điều giáo viên được phép làm là giảm tải những yêu cầu không cần thiết và làm tăng gánh nặng cho học sinh. Hãy để những tiết học là cơ hội để học sinh khám phá những kiến thức mới mẻ thay vì phải "nhai lại" những gì đã chuẩn bị trước.