Lảm nhảm 1
Tôi nhớ đến ngày ông ngoại tôi mất. Tôi nhớ mình nhận được tin này từ mẹ. Bà gọi về cho tôi từ cơ quan, giọng đầy nước mắt, nói với...
Tôi nhớ đến ngày ông ngoại tôi mất. Tôi nhớ mình nhận được tin này từ mẹ. Bà gọi về cho tôi từ cơ quan, giọng đầy nước mắt, nói với tôi vỏn vẹn: “Hậu ơi, ông ngoại mất rồi”. Không biết là do cơn ngái ngủ của buổi sáng, hay do sự ngây thơ thời còn nhỏ, mà tôi cũng tỉnh rụi đáp lại rằng: “Mất? Mất là sao hả mẹ?” Ba ngày sau, tôi khóc không còn một giọt nước mắt khi tiễn ông về với đài hoá thân. Ông là người Công giáo cho đến cuối đời, nhưng vẫn luôn dặn con cháu cứ làm nghi lễ thế nào cho gọn nhẹ thôi, và thân xác ông hãy đem đi hoả tang. Cốt của ông giờ vẫn gửi ở chùa cho con cháu tiện lui tới.
Bà ngoại tôi ba năm sau đó thì đi theo ông về với bầu trời. Mẹ kể bà hấp hối dài lắm. Tôi cũng không hiểu tại sao mình không dám về nhìn bà lần cuối. Có lẽ đó là điều tôi ân hận nhất. Suốt ba ngày đám tang bà, tôi chọn nằm ngủ kế bên quan tài bà. Nghe tiếng kinh Phật tụng, tôi nhớ lại lời ru của bà mỗi khi hai bà cháu nằm ngủ trưa.
Nội tôi ra đi cũng nhanh lắm. Trước đó một tuần, ba tôi trằn trọc mãi không ngủ được và quyết định kéo cả nhà về Huế thăm bà vì “chẳng biết bà còn ở được bao lâu”. Cho đến lúc này, tôi vẫn không quên cái ôm của bà khi tiễn tôi và anh về. Bà khóc, ôm, và hôn từng đứa, như lời tiễn biệt. Một tuần sau thì tin bà qua đời đến. Đám tang của người Huế cũng như bao nơi khác. Nhưng đến giờ tôi vẫn biết ơn mấy chú hạ huyệt khi vừa làm công việc của mình, vừa hát vang bài hò tiễn mệ lên đường. Mệ nội tôi về với đất, nằm cạnh ôn tôi. Ba cũng dành cho mình một mảnh nhỏ kế bên mộ phần của mệ và ôn.
Cả ông bà ngoại lẫn mệ nội tôi khi sống cũng chẳng bao giờ nói về cái chết. Cuộc đời của ông ngoại tôi, tôi cảm nhận, là đặc biệt hơn cả. Nhưng có lần tôi xui ngoại viết hồi ký thì ông chỉ ừ à cho qua. Tôi tiếc quá. Ông ra đi trong giấc ngủ, trên chiếc ghế ông hay ngồi và ngủ quên, mặc cho truyền hình chỉ còn những dải lăng quăng.
Bỗng dưng gần đây tôi suy nghĩ nhiều về cái chết. Bạn đi cùng tôi thỉnh thoảng lại bảo: “sống đến 60 tuổi là đủ”. Dù đã hứa với lòng sẽ không mắng ai thêm lần nào nhưng nghe như vậy tôi cũng không kiềm được một tiếng cằn nhằn. Tôi vốn không ưa nói về chủ đề nên suy nghĩ này khiến tôi phiền lòng lắm. Hồi tiến gần đến ngày Đông chí 2012, tôi đã từng suy nghĩ miên man về giây phút cuối cùng của đời mình, tôi sẽ làm gì và nhớ về ai. Lúc đó, tôi vẫn ở bên Đức, trong căn phòng 10m2 và không một ai bên cạnh. Tôi chợt ngẫm lại cuộc đời mình cho đến lúc đó, về những điều mình đã làm đúng, những thứ mình đã làm sai, và nghĩ về điều mình muốn làm nhất lúc này. Trong giây phút đó, tôi đã biết bản thân cần điều gì trong cuộc sống này. Tôi bắt điện thoại lên và gọi cho bạn, nói dăm ba câu và kể cho em nghe về ngày hôm ấy của tôi. Bạn chắc bất ngờ lắm nên bạn không trả lời tôi nhiều nhưng cũng đủ tinh ý để nói với tôi rằng cho dù có bất kỳ điều gì, mọi thứ vẫn sẽ không sao đâu. Bạn đâu biết rằng, nghe tiếng của bạn làm tôi vui lắm. Lúc đó mọi thứ chẳng còn quá quan trọng nữa. Sống, hoá ra cuối cùng, cũng chỉ là muốn có một ai đó hiểu mình, ở bên cạnh mình, lắng nghe mình nói, im lặng cũng được nhưng thấu cảm tâm can. Chẳng cần phải gắn cho người đó một cái tên, một khuôn mặt nào. Sống là những va chạm hằng ngày giữa người với người. Chả trách mà những nơi nào ít sự liên kết, người ta tìm đến cái chết nhiều như vậy. Vùng vẫy trong cuộc đời, vốn chỉ là để tìm cách cho mọi thứ tốt đẹp hơn, nhưng rồi cũng có thể bỏ hết mọi thứ để đánh đổi một người để ta tỷ tê, và kề vai cho đến hết cuộc đời.
Bạn hay hỏi tôi ước mơ là gì. Ngoài những lớn lao cao sang, những phi thường hùng vĩ, ước mơ của tôi thú thật đơn giản lắm, đến tầm thương.
Tôi ước mình có thể ra đi trong giấc ngủ, giữa một cơn mộng đẹp.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất