Quá độ lên người lớn

Có lẽ bước quá độ từ một "Cậu con trai" tới "Một người biết tự lo cho mình" của tôi bắt đầu từ khi tôi đi du học. 
Trước khi đi du học thì tất cả những gì cậu con trai - tôi - phải nghĩ tới là ăn, học, drama trường lớp. Kể từ những ngày đầu tiên tôi bước chân lên nơi đất khách quê người, những trách nhiệm mới như "đi làm thêm", "chi trả sinh hoạt phí", "tự tạo dựng mạng lưới quan hệ mới" v..v.... mới bắt đầu ập tới và dần dà làm thay đổi cuộc sống và cả cách sống của tôi.
Quá độ lên người lớn, tôi phải học cách cúi đầu. Ở một đất nước phát triển hơn đất nước mình, tầm mắt được mở rộng đủ để thấy hóa ra, từ trước tới nay, tất cả những gì mình có là của bố mẹ. Không một cái gì, từ tiền bạc cho tới kĩ năng sống, là của mình cả. Hóa ra, mình chưa là gì cả. Không một ai thân thích ở bên cạnh để chỉ bảo đường đi đúng hay vực mình dậy khi mình vấp ngã, tôi phải tự mình trải qua những khó khăn, những tổn thương, những mất mát, để rồi chính những cú vả của cuộc đời ấy lại làm cho cái tôi quá-đỗi-to-lớn của một cậu con trai vừa dậy thì xong được định hình lại. Tôi không còn nghĩ tôi hơn người, không còn nghĩ mình biết tuốt, và quan trọng hơn là học được cách khiêm nhường ngay cả khi biết mình có năng lực.
Quá độ người lớn, tôi phải học cách nghĩ cho người khác. Thay vì gặp chuyện là vội chạy về nhà nhờ bố mẹ giải quyết hộ, giờ đây tôi không những phải tự giải quyết vấn đề của mình, mà còn phải giấu những khó khăn ấy không cho gia đình biết. Tôi học được cách nghĩ rằng "Việc này còn nằm trong khả năng giải quyết của mình. Gia đình có biết cũng không giúp được gì (vì ở xa), tốt nhất không nói để gia đình đỡ lo". Những ngày tháng share nhà trọ chung với người khác cũng tạo cho tôi thói quen nghĩ về ảnh hưởng của MỌI hành động của mình tới người khác trước khi làm một việc gì đó. Từ đó, mọi lời nói tới cử chỉ của tôi đều được "tém" lại rất nhiều so với một "cậu con trai".

Bắt đầu làm người lớn

Gọi thời kì trên là Quá Độ, bởi tôi vẫn chưa cảm nhận được sức nặng của việc "làm người lớn" cho tới khi bắt đầu có gia đình của riêng mình.
Khi này, tôi đã bắt đầu có công việc full-time đầu tiên, mức lương ổn định và đã có thể mua ngôi nhà đầu tiên của mình. Một phần vì vợ tôi chưa học xong, một phần vì phải gánh vác vai trò của một trụ cột trong gia đình, tôi tự nhận (buộc phải nhận?) những việc to tát nhất(mà từ trước tới giờ tôi chưa từng phải lo tới. Bắt đầu từ việc làm đơn vay tiền ngân hàng, tính toán kế hoạch đầu tư thay vì chỉ đi làm công ăn lương, sắp xếp lịch vận chuyển đồ đạc (từ nhà thuê sang nhà riêng), thiết lập các tài khoản điện, nước, Internet, góp ý với Quản lý tòa nhà, lắp đặt đồ nội thất trong nhà, và ti tỉ các vấn đề khác mà một hộ gia đình thường có khi mới chuyển vào. Đó là chưa kể những bận rộn riêng ở nơi làm việc đợt cuối năm, và đồng thời phải là chỗ dựa tinh thần cho một người mẹ mắc bệnh trầm cảm. 
Có lẽ những điều kể trên chưa là gì so với những bộn bề của những người khác. Nhưng với tôi, nó thực sự là những trách nhiệm ở tầm cao mới, với sức nặng và tầm ảnh hưởng cũng lớn hơn và xa hơn rất nhiều so với những quyết định trước đó của tôi. Mà đó mới chỉ là những trách nhiệm với cuộc sống của riêng gia đình mình thôi đấy. Vợ chồng tôi mà sống ở VN, phải trực tiếp có trách nhiệm với cả hai bên nội ngoại thì có lẽ còn vất vả thêm nhiều nữa. 
Thiết nghĩ, tới khi có con, thì đó sẽ là trở thành người lớn một cách hoàn thiện :D

Làm người lớn khó nhất là gì?

Một khi bạn có không chỉ một, không chỉ hai mà rất nhiều mối lo phải xử lí ập tới cùng một lúc, nhất là nếu những mối lo ấy đều không xảy ra theo như ý muốn, bạn sẽ rất dễ rơi vào u sầu, thậm chí trầm cảm. Bạn sẽ nghĩ rằng những xui xẻo ấy chỉ xảy ra với một mình bạn, rằng cuộc đời bạn chẳng ra gì, và muốn từ bỏ tất cả, đạp đổ hết tất cả, dù cho bạn đã bỏ ra rất nhiều công sức để cố gắng được tới bây giờ.
Life is hard. And it isn't fair - Zero Dean

Cuộc đời là vậy. Đôi lúc nó sẽ cho chúng ta những cú vuốt ve mềm mại, êm ái làm ta đê mê hạnh phúc, nhưng cũng có những lúc nó cho ta những cú vả, mà còn vả liên tiếp, vả đau vả đớn. Thuận theo bản năng sinh tồn, con người chúng ta thường tập trung vào những trải nghiệm tiêu cực và mau chóng quên đi những điều tích cực, vì vậy chỉ vài cú vả cũng có thể khiến bạn cho rằng cả cuộc đời bạn từ trước tới giờ là một thảm họa, và rằng sau này nó cũng sẽ là một đống shit thôi, khiến bạn mất hết đi động lực đi tiếp. Nó giống với việc một cậu công tử bột hay một cô tiểu thư trong lồng kính, đã quen với việc cưng chiều rồi nên chỉ cần 1 việc không được như ý cũng làm anh ta/cô ta trở nên gắt gỏng, cáu bẳn như thể đã tới tận thế vậy.
Hậu quả của một thế giới quan méo mó ấy không chỉ hủy hoại bạn, mà còn cả mọi mối quan hệ xung quanh bạn nữa. Bạn sẽ giận cá chém thớt với những người mình yêu thương, không còn hứng thú đi ra ngoài giao lưu cùng bạn bè, ăn uống cũng hời hợt, làm việc gì cũng dở dang hay làm cho có. Từ đó, dần dần chính bạn tự tay mình phá đi mọi niềm hạnh phúc, tích cực duy nhất còn lại trong cuộc đời mình.
Tôi cũng không thích những người hay nói câu "Rồi mọi việc cũng sẽ ổn thôi, không sao đâu". Hôm nay bạn gặp biến cố, rất có thể ngày mai bạn gặp xui xẻo, rồi tuần sau bạn lại gặp thất bại lớn hơn. Khi bạn giải quyết xong vấn đề này, không sớm thì muộn bạn sẽ lại gặp nỗi lo khác phải xử lí, cứ vậy kéo dài tới tận cuối đời. Đời bạn có ổn không không phải ở sự việc xảy đến với bạn, mà việc bạn chọn tập trung vào đâu: những khoảnh khắc hạnh phúc của bạn, hay những khó khăn bạn trải qua?
Vì thế, với tôi, khó khăn lớn nhất trong thời gian làm người lớn ít ỏi của mình, là luôn phải giữ một thái độ tích cực với cuộc sống dù nó có vả mình đau thế nào đi nữa.
Để giữ cho mình không bị những cú vả ấy dìm xuống, tôi đã phải học cách chỉ tập trung giải quyết từng việc một. Tôi không coi những khó khăn chồng chất kia là khó khăn, mà chỉ đơn giản là một nhiệm vụ mình phải giải quyết, cũng giống như mình phải đánh răng và tắm rửa hàng ngày vậy. Thay vì nhìn vào cả một đống bộn bề đang chờ tôi phía trước dễ làm mình nản chí, tôi chỉ nhìn vào câu hỏi "Ngày hôm nay mình phải làm gì?" và cứ thế bắt tay giải quyết chúng. 
Quan trọng hơn cả, tôi học được cách điều tiết kì vọng của mình. Vẫn mong đợi kết quả tốt đẹp, nhưng nếu không đượcthì cũng chỉ đơn giản là nhún vai rồi xử lý nó, thay vì thất vọng. Nếu sự việc không được như ý, thay vì đắm chìm quá lâu vào việc phàn nàn, ca thán hay bực bội, tôi ép bản thân phải ngay lập tức lựa chọn bước đi tiếp theo: tìm cách giải quyết vấn đề hoặc chấp nhận kết quả ấy và tìm hướng đi mới hoặc làm lại từ đầu. Và mỗi khi giải quyết xong một việc, tôi thường tự thưởng cho mình một thứ gì đó nho nhỏ để tự động viên bản thân bước tiếp.
Cứ như thế, dần dần mọi việc của tôi cứ thế được xử lý từ lúc nào không hay. Quay đi quẩn lại mọi thứ đã được ổn định, và tôi thì vẫn là người luôn tươi cười, vui vẻ cả khi ở chỗ làm lẫn ở nhà. 
Vì vậy, lời khuyên của tôi cho những ai đang bắt đầu chập chững va đập vào những khó khăn đầu đời là: hãy coi những bộn bề đó là những bài toán. Bạn chỉ đơn giản là tìm cách giải nó. Không giải được hoặc nó vốn không có lời giải thì chấp nhận và chuyển qua bài khác. Càng hạn chế nảy sinh cảm xúc trong lúc giải càng tốt. Hãy dành khả năng cảm xúc ấy cho những phút giây hạnh phúc, tích cực. Làm được như vậy, bạn sẽ thấy cuộc đời sẽ dễ thở hơn đấy :D
Chúc các bạn trở thành người lớn vui vẻ :D
Group FB Đàn Ông Học: