"Đây là cuộc đời của bạn, bạn yêu nó, và nó thuộc về bạn"
Vào ngay khoảnh khắc mà tôi nhận thức được sâu sắc về điều trên, mọi vấn đề của tôi bỗng dưng biến mất, hoặc nếu không biến mất thì cũng hiền lành đi rất nhiều. Cái sự nhận thức ấy không giống như tỉnh thức hay giác ngộ, nó gần gũi, giản dị hơn nhiều. Nó tựa như một cái trát gửi đến một phòng giam, người cầm trát ăn mặc chỉnh tề, có thắt lưng, đai mũ, anh ta đứng nghiêm, quân dung ngời sáng và dõng dạc tuyên bố thả tự do cho tù nhân. Tù nhân ấy là một khao khát sống, ghi dấu, được là mình, là chính mình giữa mọi người, tự đi hành trình tâm linh của mình, tự xây xếp đời sống vật chất của mình, một cách tự nhiên không cố gắng, cũng không bận tâm nhiều suy nghĩ của kẻ khác. Chỉ còn một tình yêu nồng nàn trong tâm trí với đời sống sôi động xung quanh. Đời sống giờ đây trong tầm với, gần gũi và quyến rũ như vòng tay tình nhân. Những giác quan bung nở, kỷ niệm được huy động, trong phút giây nhìn thấu suốt mình từ xưa đến nay, thấy những phiên bản của mình chứa một ít của mình và một ít cóp nhặt người khác, thấy dĩ vãng chứa tương lai, thấy hiện tại không còn đáng sợ và nghịch cảnh là những trò chơi có luật chặt.
Nhận thức sâu sắc của tâm trí tất nhiên rất khác với nhận thức bình thường của lý trí. Và đấy là khoảnh khắc quyết định. Ta muốn làm việc, muốn ghi dấu ấn, ta tự nhiên biết chắc ta phải làm gì và chưa bao giờ tin tưởng mạnh mẽ rằng việc ta đang làm đang và sẽ mang lại đời sống như ta muốn. Không có khoảnh khắc này thì bạn ơi, ước vọng tự do tinh thần của chúng ta e rằng sẽ là viển vông, hoặc thêm một phần đời hoang mang nữa. Một số vốn mạnh, một chuyên môn chắc cốp, một quãng thời gian dư thừa... tất cả chỉ là những cái về sau, chúng cũng không làm nên được việc làm chủ đời mình.
Tôi từng chứng kiến, mà chắc là các bạn cũng từng chứng kiến, rất nhiều người có tự do hành vi, tự do nghề nghiệp (freelancer), thậm chí luôn cả tự do tài chính... nhưng họ không hề tự do. Lúc nào họ cũng bận lòng hoặc bị trói buộc vào cái gì không thể giải thích. Thậm chí càng trông có vẻ tự do thì tâm trí càng bị cầm tù: tôi từng thấy nhiều người bạn hơn tôi mươi tuổi, đã đầy đủ về vật chất, nhưng trong lòng lúc nào cũng vật vã một cái gì đó. Khát khao nghệ thuật, khát khao chữ nghĩa, nỗi sợ chết. Rồi họ tìm đến thiền, nhưng cũng không thể tĩnh tại để mà thiền. Ngược lại cũng có nhiều người bạn bè tôi đi làm văn phòng tám tiếng, thậm chí làm công an, quân đội, trông thì gò bó đấy, nhưng tôi thấy họ rất tự tại vui vẻ, còn tự tại vui vẻ hơn mấy anh chị em làm tự do, solopreneur, tự doanh etc.
Ý ở đây tôi muốn nói cái tự do hay không nó không quyết định nhiều ở ngoại cảnh bằng cái suy chuyển mạnh mẽ bên trong.
Nhưng tất nhiên để có được một tự do tinh thần, ta phải trải qua không những những quãng sống khắc kỷ, mà còn những tự do giả tạo. Quãng đời tuổi trẻ của chúng ta là như vậy, nó là tự do giả tạo. Lúc đó tôi chưa có gia đình, cũng không nhiều ràng buộc đời thường như bây giờ, tôi có thể mặc sức đi bất cứ đâu, rảnh là đi Đà Lạt, ra Huế sầu trọn một chiều, những tối buồn uống bia đến khuya muộn, ôm đàn hát ngoài vỉa hè với các bạn, nghỉ việc nếu không còn thích... thế mà nhìn lại tôi thấy bây giờ mình tự do hơn nhiều. Là vì ngày ấy, tâm trí tôi đi tìm mải miết một cái gì đó vô hình đã đánh mất từ tuổi thơ và giờ biến hình thành tham vọng và khao khát của tương lai. Nghĩa là nó bị cầm tù trong mênh mông vô định của cuộc đời bao la bí ẩn. Điều này giúp tôi hiểu nhân vật trong Thiên Thần Mù Sương: sống không mục đích, dẫu tự do.
Nhưng ngay cả sống có mục đích rất rõ ràng, thì tự do tinh thần cũng không đến nhanh đến như thế. Sự tự do tinh thần là kết quả của một quá trình xây dựng: đúng là nó đến với ta đột khởi, tuỳ hứng nhưng nó không đương nhiên. Tôi chưa muốn nói ngay đến việc xây dựng triết lý hành động, nhất quán xuyên suốt gì đó...dù đúng là thế: khi thành lập thì việc đầu tiên Đảng ta cũng là triết học và cương lĩnh, chứ chưa phải là chiến lược hành động. Ở đây là một xác lập tâm thế tiếp cận cuộc sống, cái tâm thế đó ta phải lấy từ chính những gì ta trải qua, dù là những kỷ niệm không đáng có, những hiểu biết mơ hồ của ngày còn thơ... để thấy cái gì là trống vắng, là phù hợp với mình, là cái khao khát của mình và cái hình dung rất trực cảm của mọi người về mình. Trong ấy có một tiếng gọi lên đường, rằng phải đi theo hướng này mới là đúng. Thế rồi ta quyết định làm, dù là buôn bán, làm nghiên cứu hay làm công sở... Ta làm vì ta muốn và ta nhìn thấy đích đến. Đường này là của ta trong sách kinh số phận.
Trong đời thường, có những thứ thuộc về tính thiêng. Ta phải nhìn thấy được nó. Một bộ quần áo chỉnh tề, lời thưa trước nhất của giờ phát tang, những cữ lau bàn dọn dẹp trước khi đi làm... tạo nên trật tự ẩn của đời sống. Ngay cả tình yêu cũng nên có một chút tính chất tôn giáo, đừng nên coi thường nó: những khoảnh khắc bên nhau phải cộng thành một giờ linh, phải hiểu rằng cái hôn ngay ngắn mới chỉ điểm được hạnh phúc và hãy cười chào nhau khi đến và khi ra đi.
Trong một bài phỏng vấn, ở phiên bản chưa biên tập, nhà báo hỏi tôi qua thư điện tử: tại sao lựa chọn viết văn, và khoảnh khắc nào thấy hạnh phúc nhất.
Tôi nghĩ rất lâu. Tôi nghĩ đến quãng đời khó khăn của mình lúc trẻ tuổi, đã bỏ qua những lựa chọn nghề nghiệp xác đáng từ mẹ mình. (Nếu cha mẹ chúng ta khuyên chúng ta làm gì, thì sau này ta đều biết là có cơ sở và đều đúng cả đấy. Nhưng nhiều khi chỉ đúng thôi thì chưa đủ). Tôi nghĩ đến cuốn sách đầu tiên đã giải thoát bao nhiêu ẩn ức, nghĩ đến cả độc giả và bạn bè văn chương thân thiết, những giải thưởng và phút vinh quang ngắn ngủi.
Nhưng cuối cùng tôi đã viết trong email như thế này. Lựa chọn viết văn là lựa chọn dại dột, bản năng, nhưng dần dần đã trở thành lựa chọn đúng. Dường như hành trình của mọi người đều là biến những cái mà ta làm theo rực giác trở thành những quyết định có triết lý và chứng minh được bằng thành quả hiện hữu. Trước tôi viết để tìm mình. Sau đó tôi viết để kiếm tiền, để có vị trí nhỏ trong xã hội, có personal brand thuận tiện cho kiếm tiền...Nhưng giờ tôi lại viết văn như ban đầu, để thấy mình. Còn khoảnh khắc hạnh phúc nhất là khoảnh khắc trở thành nhà văn của gia đình. Ây là ở một đám cưới, người bác cả của tôi giới thiệu, cháu tôi là nhà văn. "Cháu tôi là nhà văn", là một điều rất quan trọng, bạn nào ở đây viết lách hẳn sẽ có cảm xúc như tôi. Người nói cũng đã đi qua một cánh cửa nào đó để đến câu nói ấy. Khi những người thân của bạn công nhận và tự hào về việc bạn làm nhà văn, làm nghệ sỹ, hoặc làm bất cứ nghề gì sáng tạo lạ lùng trong mắt đời thường... đó mới là lúc bạn nhìn thấy ngọn hải đăng trong công việc của mình.
Làm nhà văn của tiki và shopee, làm nghệ sỹ của Youtube và LikedIn... chưa và sẽ không bao giờ quan trọng bằng làm nhà văn hay nghệ sỹ của mọi người xung quanh.
Tôi đã viết đầy đủ như thế, đúng y từng chữ trong thư điện tử, trước khi xoá nó đi và quyết định trả lời rằng hạnh phúc của tôi là bạn đọc.
Đức Anh Kostroma
Subscribe và tham gia Workshop Thế Kỷ Hư Cấu tại Substack
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất