Mình nhớ lúc còn học phổ thông, ta hay phiên âm những địa danh nước ngoài như New York thành Niu-oóc, Washinton thành Oa-sinh-tơn,... Nhưng có một ngày mình lục được một cuốn sách khá cũ của ba mẹ, đập trong mắt mình khi đọc trang đầu tiên là các địa danh trên đã được dịch hẳn thành tiếng Việt như Nữu Ước (NewYork) hay Hoa Thịnh Đốn (Washinton). Thực ra những từ vựng mới này được hình thành thông qua dịch thuật từ Trung Quốc, trong bối cảnh nước ta đang bế quan tỏa cảng và chỉ tiếp xúc với thế giới thông qua anh hàng xóm to xác. Tuy khá xa lạ nhưng mình rất ấn tượng với cách viết Việt hóa của cuốn sách, rất gần gũi với tiếng Việt.
Một ví dụ khác khá ảo ma, là tên thủ đô của Nga, Mạc Tư Khoa . Thời Pháp thuộc, văn hóa thế giới lại vào Việt Nam qua trung gian của nước Pháp nên Mạc Tư Khoa đổi thành Moscou, rồi thời tự chủ ta có thể giao tiếp trực tiếp với bất cứ nước nào trên thế giới, ta gọi địa danh ấy là Mat xcơ va, rồi bỗng dưng bây giờ lại theo Anh - Mỹ gọi là Moscow. Trong khi đó, từ Mockba của hệ Slavic chuyển qua hệ La-tinh rất gần tiếng Việt và đọc đúng như chính người Nga gọi tên thủ đô của họ là Moskva, lại rất ít được dùng đến. Tóm lại, mình thấy cách dùng từ Việt hóa này rất hay và rất cần thiết, góp phần rất lớn trong làm giàu tiếng Việt.
Nhưng đáng buồn, vốn từ vựng Việt hóa này đã không tăng lên nữa trong thời gian gần đây, thậm chí là bị lãng quên và có nguy cơ sụt giảm. Ngoài những từ như Anh, Pháp, Mỹ đã quá quen thuộc, ta chẳng quan tâm đến việc Việt hóa các từ vựng đời thường hay tên riêng nữa, mà dùng hẳn kiểu tiếng Anh. Đây chính là sự tự nguyện lệ thuộc vào người khác, hệ quả là làm cho tiếng Việt trở thành một mớ hỗn độn, lổn ngổn những Tây Tàu Ta. Thậm chí giờ đây người ta còn chả thèm dùng từ Viêng Chăn, mà tiền nhân đã Việt hóa giúp cho, mà dùng hẳn Vientiane theo kiểu Anh. Thái độ này trái ngược hẳn với cha ông ta, lúc còn phụ thuộc vào Tàu, không chịu khuất phục dùng nguyên xi tiếng Hán, mà cải biên và cho ra đời Hán-Việt như kinh tế, giải tích, nguyên tử,... làm cho tiếng Việt thêm giàu đẹp và chẳng ai nhận ra nó là từ nước ngoài.
Trong học thuật, vấn đề này còn trầm trọng hơn. Người học dùng hẳn sang tiếng Anh hoặc tiếng nước ngoài. Những từ vốn đã được Việt hóa như "điện tử", thì dân Hóa hay Lý dùng hẳn "electron" luôn cho nhanh. Bây giờ ta nghe "Hidro có 1 electron" còn phổ biến hơn là "Hidro có 1 điện tử".
Gần đây nhất là trận bóng giữa Việt Nam và Trung Quốc, thường thì tên riêng Trung Quốc hay được Việt hóa, nhưng không biết từ lúc nào mà tên cầu thủ Trung Quốc lại được người Việt đọc theo kiểu tiếng anh ?????????? :D ?????. Cái gì mà Wu si, Yuning. Có vẻ không nhiều người nhận ra, nhưng nghe rất phản cảm. Tiếng Việt thật sự đã bị bỏ rơi. Chắc độ vài năm nữa người ta sẽ nói chủ tịch Trung Quốc Xi Jinping thay cho Tập Cận Bình, thủ đô Beijing thay cho Bắc Kinh. Nhưng khủng khiếp nhất là cái ngày chính người Việt gọi thủ đô Hà Nội là /Ha noiii/, hay Đà Nẵng thành /Da-neng/. Chắc ngày đó không tới đâu chứ nếu thật thì cái dân tộc này tiêu đời rồi.
Hay trong năm vừa rồi, ngoài vắc xin thì từ được nhắc đến nhiều nhất là "bộ kit test". Test có nghĩa là xét nghiệm, còn kit là bộ. Bộ bộ xét nghiệm ??? Hay ta hay gọi bò beef steak, bò bò miếng ??? :D ?. Cái thứ ngôn ngữ khuyết tật zì j chòi.
Nhìn sang các nước.
Đầu tiên là Trung Quốc. Với một diện tích lớn thứ ba, nền kinh tế đứng thứ hai và dân số thì đông nhất thế giới, Trung Quốc có thể tách riêng thành một tiểu hành tinh cũng chẳng sao, vì họ không phụ thuộc vào bất cứ ai, và độ tự tôn dân tộc thì khỏi bàn cãi. Nhìn cái cách họ Hán hóa tất cả mọi thứ, bản thân mình thấy, là rất triệt để. Nếu như Taylor Swift được cả thế giới gọi đúng y như thế, thì sang Trung Quốc sẽ được gọi Thái Lặc Tư Uy Phu Đặc, Katy Perri sẽ là Khải Đế Bội Lý, hay Uzumaki Naruto sẽ là Tuyền Oa Minh Nhân. Có lẽ Trung Quốc đã nhận ra vấn đề và cách họ bảo vệ ngôn ngữ của họ thật sự rất tuyệt vời và đáng để học hỏi.
Một nước khác, Nhật Bản. Nhiều người đôi khi khá khó hiểu là tại sao người Nhật học rất kém tiếng Anh, trong khi họ là đồng minh thân cận của phương Tây. Mình còn hay mỉa mai mấy anh Nhật Bổn là bảo thủ, và lại mất công học thêm tiếng Nhật nếu qua Nhật sống. Tuy nhiên giờ mình nhận ra là họ nói tiếng Anh kém không phải họ học dở, mà có vẻ như họ chả cần tiếng Anh. Có vẻ như sách vở tài liệu của người Nhật có đủ cả, họ muốn học gì thì học luôn bằng tiếng mẹ. Bạn nào đã sống ở Nhật thì xác nhận điều này giúp mình nhé.
Hệ quả và mức độ nghiệm trọng???
Tiếng Việt đã bị bỏ rơi trở thành một thứ ngôn ngữ khuyết tật và lai căng. Mà con người tư duy bằng ngôn ngữ, nhưng ngôn ngữ khuyết tật thì con người sao có thể tư duy bình thường ??? Nếu ta cứ để những thứ ngoại ngữ đan xen vào tiếng mẹ đẻ, và không có ý thức bảo tồn tiếng mẹ đẻ, dần dần ngoại ngữ sẽ có thể thay thế cả tiếng mẹ đẻ, như tằm ăn lá. Một người quên luôn tiếng mẹ đẻ thì còn gì là dân tộc nữa. Đồng hóa từ đây mà ra.
Tuy nhiên cũng không trách những ai cứ chêm tiếng Anh hay không dùng từ Việt hóa là lai căng mất gốc, vì thật sự tiếng Việt bây giờ khá nghèo nàn, họ không dùng tiếng khác thì biết dùng gì bây giờ. Trước năm 1975, có một nhóm giáo sư miền Nam đây cất công xây dựng bộ tư vựng Việt hóa, tuy nhiên dự án mới chỉ tới chữ C đã phải dừng, từ đó đến nay công cuộc Việt hóa gần như bỏ không. Bản thân mình khi đi học, sử dụng thuật ngữ toàn phải dùng tiếng Anh, các giảng viên cũng khuyến khích sử dụng tiếng Anh nhiều hơn. Thật sự mỗi lần chêm tiếng Anh vào mình cảm thấy rất tội lỗi với ngôn ngữ dân tộc, những biết làm bây giờ, vì tiếng Việt có từ tương đồng đâu, hoặc dịch ra thì không bao quát được nghĩa gốc của từ gốc. Lỗi lớn nhất là các cơ quan Văn hóa trung ương, họ phải có trách nhiệm với tiếng nói dân tộc, thay vì cứ tổ chức múa hát treo đèn đóm nhấp nháy. Còn mọi người thế nào, sử dụng từ tiếng nước ngoài luôn cho tiện hay chịu khó dùng từ Việt hóa ????