Làm gì khi động lực chẳng “cháy" mãi
Bạn có như mình không, khi bắt đầu một việc gì đó thì hừng hực khí thế, theo thời gian dần dần “xìu như cái bánh bao chiều". Bản thân...
Bạn có như mình không, khi bắt đầu một việc gì đó thì hừng hực khí thế, theo thời gian dần dần “xìu như cái bánh bao chiều". Bản thân tự cho rằng mình thuộc hệ cảm xúc nên có những ngày làm xẹt xẹt hết các đầu việc nhưng có lúc tuyệt nhiên không động tay chân vào bất kì việc gì. Và dĩ nhiên, kết quả mang về lẹt đẹt chẳng thể cứu vãn ngọn lửa tàn trong lòng. Vậy là bỏ cuộc.
Bao nhiêu lần ngọn lửa động lực mình tự thắp lên, bấy nhiêu lần chính mình để nó lụi tàn theo thời gian. Và mình nghĩ, chắc mình chẳng thể làm được gì lâu dài với cái tính “cả thèm chóng chán" này.
Đến một ngày nắng vàng ruộm, mình vô tình đọc được câu nói này của Zig Ziglar trong lúc tìm tư liệu:
“Người ta thường nói động lực không kéo dài mãi mãi. Nó cũng giống như việc tắm rửa, vì thế tôi khuyên bạn nên làm điều đó mỗi ngày"
À, thì ra đó là câu chuyện của động lực chứ không phải tại cái cảm xúc thất thường này (biện luận ghê, thích đổ tội nên mãi chưa làm được gì ra hồn). Giải quyết được sự tự ti của bản thân, mình bắt đầu lên kế hoạch để “tắm" động lực mỗi ngày:
1. Thiết lập non-zero day
Mình đã từng nói về khái niệm này khi đọc bài trên spiderum. Zero day là ngày bạn không làm bất cứ việc gì cho mục tiêu hay ước muốn của mình. Chỉ cần có hành động, dù là nhỏ nhất, thì ngày ấy cũng đã trở thành non-zero day. Chẳng hạn mình đang đặt mục tiêu hướng đến viết, một ngày non-zero day của mình có thể chỉ cần viết ra vài từ cũng đủ.
Thiết lập non-zero day không phải để mình lười biếng, rằng một ngày chỉ cần làm nhiêu đó là đủ. Mà bởi, có những ngày nhiều việc và mệt mỏi hơn bình thường, hay có sự kiện khiến cảm xúc chạm đáy, non-zero day giúp mình tránh phải chịu thêm áp lực rồi đâm ra trách cứ bản thân.
Kỳ lạ là, khi thực hiện non-zero day, có những khoảng thời gian dù rất ngắn để làm việc cho bản thân lại có thể mang đến cho mình niềm vui và sự giải thoát to lớn. Một ngày tiếp nhân nhiều thông tin tiêu cực, tranh thủ một ít thời gian buổi tối phân tán tư tưởng sang những đầu việc khác như một sự chữa lành. Thay vì bình thường ôm mối sầu đi ngủ thì giờ đây, lòng mình được cởi bỏ tổn thương. Mình cảm thấy bản thân thấu suốt vấn đề hơn dù không nghĩ về nó nhiều.
2. Chia nhỏ và đơn giản hoá công việc cần thực hiện
Đầu năm nay, mình đã đặt nhiệm vụ mỗi ngày phải viết được 500 từ. Nhưng với công việc nhiều áp lực cộng thêm chăm con nhỏ và mục tiêu chưa rõ ràng, mình nhanh chóng từ bỏ. Bây giờ, định hướng trong mình rõ ràng hơn, mình thiết lập các công việc trong tầm tay như viết bài cho facebook, instagram (theo số lượng cụ thể), tham gia group facebook (cũng có số lượng luôn), đọc sách.
Những ngày thể trạng và tinh thần tốt, mình sẽ tập trung viết bài. Còn lúc nào mệt mỏi thì làm những việc đơn giản hơn.
Điều này giúp mình tập trung tốt hơn cho mục tiêu hướng đến. Quan trọng nhất, mình thấy vui và hạnh phúc chứ không phải áp lực như lúc trước. Nhờ vậy, động lực cũng được “tắm" mỗi ngày.
Mình hiểu rằng, sự kỉ luật cùng cường độ làm việc cao hơn sẽ mang đến kết quả khác biệt hơn. Nhưng trong thời điểm mới bắt đầu cộng với tính cách của bản thân, mình cần tìm cách để “tồn tại” trước đã.
Những điều này đã hữu dụng với mình, hi vọng cũng có ích cho bạn. Nếu có thêm “tips" nào, bạn chia sẻ để mình cùng học hỏi nha.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất