Làm gì khi chỗ làm thành ác mộng – “Sững sờ và run rẩy” (3)
Bài gốc được đăng tại KulturedGek . (Bản dịch này chỉ nhằm mục đích cá nhân. Bản quyền của sách vẫn đang được bảo hộ.) Làm gì khi...
Bài gốc được đăng tại KulturedGek.
(Bản dịch này chỉ nhằm mục đích cá nhân. Bản quyền của sách vẫn đang được bảo hộ.)
(tiếp theo và hết)
Sững sờ và run rẩy
Amélie Nothomb
Ngày lại ngày trôi qua. Tôi vẫn đang ở trong địa ngục: tôi liên tục phải chịu những cơn lốc con số với dẩu phẩy và những con số thập phân đánh thẳng vào mặt mình. Trong não tôi, chúng biến thành một đám magma đục ngầu, và tôi không còn có thể phân biệt được chúng với nhau. Một bác sĩ nhãn khoa đã xác nhận với tôi rằng đó không phải là do thị lực của tôi có vấn đề.
Những con số với vẻ đẹp tĩnh lặng kiểu Pythagore mà tôi đã luôn ngưỡng mộ đã trở thành kẻ thù của tôi. Ngay cả cái máy tính cũng muốn làm khó tôi. Trong số các khuyết tật tâm thần và vận động của tôi, có một chứng như thế này: khi tôi phải gõ bàn phím nhiều hơn năm phút, tay tôi đột nhiên sẽ có cảm giác dính vào nhau như thể tôi đã nhét nó vào một hỗn hợp khoai tây nghiền đặc sánh và dính bết. Bốn ngón tay của tôi đã bị bất động không cách nào cứu chữa nổi; chỉ có ngón trỏ vẫn cố gắng ngoi ngóp để có thể chạm tới được các phím bấm, với sự chậm chạp và vụng về khó hiểu, khiến nó chẳng khác gì mấy miếng khoai tây vô hình kia.
Và như vậy, hiện tượng này còn được bồi thêm bởi một sự dốt nát hiếm có với những con số, và cảnh tượng tôi loay hoay trước cái máy tính khiến cho người ta phải bối rối. Tôi bắt đầu bằng cách nhìn vào từng số tiền mới với sự ngạc nhiên tương tự như khi Robinson gặp một người thổ dân trên mảnh đất xa lạ ấy; sau đó bàn tay cứng đờ của tôi lại cố gắng để tính lại con số đó trên phím gõ. Vì vậy, đầu tôi đã không ngừng lặp lại chuyến đi khứ hồi giữa mặt giấy và màn hình ấy, để chắc chắn rằng đã không làm thất lạc một dấu phẩy hoặc một số không nào trên đường đi, nhưng điều kỳ lạ là việc kiểm tra hết sức cẩn thận này vẫn không ngăn nổi những sai sót khủng khiếp của tôi.
Một ngày nọ, khi tôi đang gõ một cách đáng thương trên cái máy tính, tôi ngước mắt lên và trông thấy cấp trên của tôi nhìn tôi với vẻ sửng sốt.
– Thế vấn đề của cô là gì vậy? – cô ấy hỏi tôi.
Để trấn an cô ấy, tôi đã tiết lộ với cô ấy về hội chứng khoai tây nghiền đã làm tê liệt bàn tay tôi. Tôi nghĩ câu chuyện này sẽ khiến cho cô ấy thông cảm với mình.
Thứ duy nhất mà sự tự tin của tôi đem lại chính là kết luận mà tôi đọc được trong ánh mắt cao ngạo tuyệt đẹp của Fubuki: “Bây giờ thì tôi đã hiểu: đây là một kẻ chậm phát triển trí tuệ đích thực. Điều đó giải thích cho tất cả.”
Tháng này sắp hết và chiếc bìa còng đựng tài liệu vẫn dày y như vậy.
– Cô có chắc là cô không cố ý làm như vậy không?
– Hoàn toàn chắc chắn.
– Có nhiều… người giống như cô ở nước cô hay không?
Tôi là người Bỉ đầu tiên mà cô ấy gặp. Lòng tự tôn dân tộc đột nhiên dâng trào trong lòng tôi, ép tôi phải trả lời sự thật:
– Không có người Bỉ nào giống như tôi.
– Thế thì tôi an tâm rồi.
Tôi cười phá lên.
– Cô thấy điều đó rất thú vị à?
– Có ai đã nói với cô chưa, Fubuki, rằng ngược đãi người khuyết tật trí tuệ là rất đáng khinh?
– Rồi. Nhưng không có ai từng cảnh báo tôi rằng tôi sẽ có một trong số họ dưới quyền của mình…
Tôi còn cười dữ dội hơn.
– Tôi vẫn không thấy nó thú vị ở chỗ nào.
– Đó là một phần của chứng bệnh về tâm thần và vận động của tôi.
– Tốt hơn hết là cô hãy tập trung vào công việc của mình.
Vào ngày 28, tôi thông báo với cô ấy quyết định sẽ không trở về nhà vào tối hôm đó:
– Với sự đồng ý của cô, tôi sẽ dành cả đêm ở đây trong chỗ của mình.
– Bộ não của cô sẽ hiệu quả hơn trong bóng tối?
– Hy vọng thế. Có lẽ sự hạn chế này mới cuối cùng sẽ khiến cho nó hoạt động.
Tôi đã nhận được sự cho phép từ cô ấy không chút khó khăn. Những trường hợp mà nhân viên ở lại văn phòng làm việc cả đêm khi đang cần phải tuân thủ thời hạn cũng không phải là hiếm.
– Cô có nghĩ rằng một đêm là đủ không?
– Chắc chắn là không rồi. Tôi sẽ không định trở về nhà trước ngày 31.
Tôi đưa cho cô ấy xem một chiếc ba lô:
– Tôi đã mang theo những gì tôi cần.
Tôi chìm trong một sự say sưa nhất định khi thấy mình đơn độc trong công ty Yumimoto. Rất nhanh chóng sau đó, tôi nhận ra rằng bộ não của mình không hề hoạt động tốt hơn vào ban đêm. Tôi đã làm việc không ngừng: sự miệt mài này đã không đem lại kết quả gì.
Vào bốn giờ sáng tôi đi rửa ráy qua loa trước bồn rửa mặt và thay đồ. Tôi uống một cốc trà rất đặc và trở lại với công việc.
Những nhân viên đầu tiên đến vào lúc bảy giờ. Fubuki đến một giờ sau đó. Cô liếc qua ngăn đựng chứng từ chi phí đã được tính lại và thấy nó vẫn còn trống không. Cô lắc đầu.
Một đêm không ngủ nối tiếp đêm trước đó. Tình hình vẫn không có gì thay đổi. Trong đầu tôi, mọi thứ vẫn như hỗn loạn như thế. Tuy nhiên, tôi còn lâu mới tuyệt vọng. Tôi cảm thấy một sự lạc quan không thể hiểu nổi, khiến cho tôi trở nên táo bạo. Như vậy, không hề làm gián đoạn những phép tính của mình, tôi đã có cuộc đối thoại với cấp trên của mình về một chuyện chẳng liên quan gì cả:
– Trong tên của cô, có tuyết. Trong tên tiếng Nhật của tôi, có mưa. Đối với tôi, điều đó khá liên quan. Sự khác biệt giữa cô và tôi cũng giống như giữa tuyết và mưa. Nhưng điều đó không ngăn cản việc chúng ta được làm từ cùng một chất liệu.
– Cô có thực sự tìm được một điểm để so sánh giữa cô và tôi à?
Tôi cười lớn. Thật ra, vì lý do thiếu ngủ, mà tôi cười chẳng mà chẳng có mục đích gì. Thỉnh thoảng tôi có những cơn mệt mỏi và chán nản, nhưng tôi không bao lâu sau tôi sẽ lại quay trở về với sự vui tươi hớn hở của mình.
Công việc của tôi cũng giống như lấp đầy một cái thùng không đáy bằng những con số, những con số mà sau đó bộ não thủng lỗ của tôi lại để cho chạy mất. Tôi là Sisyphus của ngành kế toán và, cũng giống như nhân vật trong thần thoại, tôi không bao giờ tuyệt vọng, tôi bắt đầu lại từ đầu quá trình không mòn mỏi ấy lần thứ một trăm, rồi lần thứ một nghìn. À, mà tôi phải nói về khả năng thiên phú này: tôi tính nhầm cả ngàn lần, điều này chắc hẳn sẽ đáng kinh hoàng như thứ âm nhạc lặp đi lặp lại, nếu như cả nghìn nhầm lẫn của tôi đều giống nhau mỗi lần; bởi vậy, thay vì thế, tôi có được trong mỗi lần tính toán, cả ngàn kết quả khác biệt. Tôi là một thiên tài.
Về dự án
KulturedGek – Bí mật văn hóa có thể bạn chưa biết
KulturedGek được ra đời với mong muốn tìm kiếm và chia sẻ nét đẹp của nhiều nền văn hóa đến với độc giả Việt Nam.
Hy vọng rằng sau khi tới với KulturedGek, bạn có thể tìm thấy một điều gì đó thú vị (và hữu ích?) để thong thả thưởng thức trong cuộc sống đầy lo toan bận rộn này. Biết đâu đấy, bạn còn có thể tìm thấy cảm hứng để tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa, hay tìm thấy động lực để học thứ ngôn ngữ liên quan đến nền văn hóa ấy.
Bạn biết đấy, khi bạn đã yêu, chồng sách ngữ pháp khô cứng kia sẽ chẳng còn đáng sợ đến thế!
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất