Nuôi tâm hồn chắc chắn là một việc mà mỗi chúng ta đều làm hằng ngày, dù ít hay nhiều, dù quan tâm đến nó hay không, dù bạn biết là mình đang di dưỡng nó hay không tự nhận thức được điều đó. Chuyện chăm sóc nó mỗi người mỗi phương pháp riêng. Bản thân mình cũng vậy, có một sự lựa chọn riêng, có một cách riêng để nuôi dưỡng tâm hồn mình. Hiển nhiên nó không theo một mô hình nào, không được kết luận bởi một nghiên cứu gì cả, và chắc chắn là không phải ai cũng áp dụng được. Nhưng hy vọng, qua bài chia sẻ này, bạn có thể tìm thấy một điều gì đó hữu ích, hoặc đơn giản là, ồ, có người giống mình.
#Đọc
Bất kỳ cái gì bạn muốn. Loại sách bạn yêu thích (ngoại trừ những cuốn sách chuyên môn hay tổng hợp tri thức, mình muốn nói đến sách để bạn thư giãn). Những bài viết được chia sẻ trên các diễn đàn. Những tản mạn của mọi người xung quanh.
Mình có mua nhiều sách, nhưng không phải là những cuốn sách lớn lao với tựa đề giúp bạn tư duy, chẳng hạn thế. Những cuốn sách mình lựa và tậu về thường sách văn học. Tỉ như, lúc lạc lõng, mình đọc “Phố những cửa hiệu u tối”, cùng chàng Guy Roland đi tìm chính mình, mặc dù cuối tác phẩm, chàng ấy vẫn chẳng thể tìm ra Guy Roland là ai. Hay đi theo hành trình của cậu bé chăn cừu trong “Nhà giả kim” để xem cậu tìm kiếm điều gì trong cuộc đời, dẫu rằng mục đích của mình có khác cậu ấy khá nhiều. Mình thích đi vào trong những câu chuyện như thế khi đọc, khi mà mình đang cảm thấy giống những nhân vật trong tác phẩm. Rồi chẳng cần review, tự mình sẽ nhận thấy được điều gì đấy, cảm thấy thanh thản hơn sau mỗi trang sách gấp lại.
Hoặc lang thang ở Humans of Hanoi, It’s happened to be Vietnam, Awkward or Cute, những nơi ghi lại những câu chuyện đáng yêu của thế giới xung quanh mình. Đôi lúc thấy vui vì niềm vui của họ, buồn cho những câu chuyện buồn. Rồi có những lúc lướt qua những bài viết ở đâu đó, bất chợt đọc được những điều hay ho, mình sẽ ghi chép lại vào một quyển sổ nhỏ. Ví dụ, mình mới biết được về một trường phái Mỹ học Nhật Bản – Wabi sabi, về Vòng tròn Thiền, về thuật ngữ Mono aware…, và có thêm một cảm quan mới, cảm thấy vui vẻ và, ồ tại sao giờ mình mới biết đến những điều này?
Nhưng đương  nhiên là, phải đọc những gì mình yêu thích và muốn đọc.
#Viết
Bạn có thể viết nhiều thứ. Nếu bạn có niềm hứng thú, đam mê với việc viết lách, thì chắc hẳn là bạn đã viết rất nhiều đề có thể giải tỏa tâm trạng của mình. Tản văn chẳng hạn. Nhưng ví dụ như mình, một đứa khó viết theo khuôn khổ và đặt các ý tứ rõ ràng trong con chữ thì mình thích đọc những tản mạn của những người theo nghiệp viết, hay những người bạn có phong cách viết hay ho (đơn giản là hợp gu của mình).
Nhưng mỗi người có một lối viết riêng, dù là có khiếu viết hay không. Mình tự nhận là mình nghĩ gì viết nấy, và đôi khi nó rất lộn xộn. Điều này khá tệ khi mình phải trình bày văn nghị luận. Có thể nói mình thích viết tự do, và cực kỳ là theo cảm hứng. Vậy nên mình chỉ phóng bút ở… Nhật ký.
Hẳn là ít nhất một lần trong đời bạn từng viết nhật ký. Với một số người, đây là một phương pháp có thể giúp bạn ghi chép lại quá trình thực hiện một mục tiêu, song song với việc đặt ra các mục tiêu mới. Bản thân mình thì coi nhật ký là một nơi xả stress hữu hiệu. Mình hướng nội, có lẽ nó phản ánh nhu cầu muốn được nói, muốn được kể của mình. Đơn giản là viết ra cảm xúc suy nghĩ của bản thân. Cứ viết ra thôi.
#Nghe và lắng nghe
Nghe nhạc đối với bản thân mình là một điều không thể thiếu để mình lắng lại tâm hồn. Nghe được nhiều thể loại. Nhưng mọi người nói rằng gu nhạc của mình thật kỳ lạ và khác người. Mình không để tâm lắm, bởi bạn cảm được gì khi nghe? Đó mới là điều khiến mình yêu thích thể loại nhạc đó. Mỗi bài nhạc của nó thường sẽ gắn với một câu chuyện, một điển tích, điển cố nào đấy, hoặc chỉ đơn giản là mình thấy thanh thản khi nghe. Vậy nên cứ tận hưởng mà chẳng bận tâm ai nói gì.
Nhưng có lẽ mình muốn mọi người nên lắng nghe nhiều hơn. Đó là một sự tương tác với những người xung quanh bạn, mặc dù khi đó, bạn có thể đưa ra lời khuyên, hoặc lựa chọn không nói gì cả. Điều tốt hơn cả là, người còn lại sẽ có cảm giác được lắng nghe, và có thể giúp người đó nới sợi dây đang buộc tâm hồn họ. Và ngược lại, bạn có cảm thấy vậy khi được lắng nghe?
Vừa hôm qua, khi mà cảm thấy trong lòng dậy sóng và muốn bình tĩnh lại, mình tìm đến cô bạn của mình. Không cần phải đưa ra lời khuyên, bình luận bất cứ gì về vấn đề của mình, cô ấy hiểu mình cần phải tĩnh lại. Một clip buổi sáng bình minh vỏn vẹn mười mấy giây, cũng đủ làm mình cảm thấy bình yên đến lạ. Vậy đấy, khi bản thân được lắng nghe, khi được thấu hiểu, cũng là một cảm giác hạnh phúc ấm áp.
#Làm những thứ bạn thích
Thực sự điều này là vô cùng chung chung. Mình có một quy tắc tự đề ra: “Làm bất cứ những gì, dù là nhỏ nhặt nhất, khiến bản thân vui vẻ, hài lòng, cảm thấy cuộc sống tươi đẹp hơn.”
Đọc. Viết. Nghe. Lắng nghe. Nhìn. Xem. Nói. Chia sẻ.
Bạn có thể làm được hàng tá điều yêu thích từ những điều tưởng chừng như rất cơ bản và bình thường kia. Nhưng thực sự, khi làm những điều mà bạn yêu và hứng thú, thì còn gì tốt đẹp hơn? Tạo điều kiện cho những sở thích của mình, cũng là một cách để bạn tự di dưỡng tinh thần.
Chiều cuối tuần ra cafe sách, ngồi nhâm nhi một ly cà phê và đọc sách.
Vẽ nguệch ngoạc lên tờ giấy trắng trong lúc đang bí cách giải bài tập, không cần tạo nên một bản vẽ hoàn chỉnh nào cả.
Đêm trước deadline, tắt máy, tắt thông báo email và mạng xã hội, mọi thứ có thể liên lạc được, cùng cô bạn phóng ra Tranquil để nghe nhạc Trịnh.
Bất chấp tuần thi cuối kỳ liên miên, ra rạp xem Bad Genius - bộ phim đình đám về việc gian lận thi cử, cùng bạn.
Gõ ra một vài dòng linh tinh nhưng là những điều bạn muốn nói mà có thể hoàn cảnh không cho phép, ngay lúc này đây.
Hoặc là, chẳng làm gì.
Miễn là bạn thể hiện tất cả cảm xúc – cả tích cực lẫn tiêu cực, đúng lúc đúng chỗ. Đôi lúc phải giải phóng những cảm xúc tiêu cực, tránh kìm giữ, cố gắng nhốt nó thì sẽ đến lúc nó như một tên tù nhân khát khao vượt ngục vậy, và rất có thể nó trốn tù thành công, rồi sau đó ra sao bạn cũng biết mà. Hãy phóng thích tất cả những cảm xúc của bản thân mình, nuông chiều chúng một chút xíu, nhưng cũng phải để chúng đi vào trong khuôn khổ, một cách lành mạnh. 
Nuôi dưỡng tâm hồn, bạn chẳng nhất thiết phải thấy cuộc đời thật rực rỡ thật đẹp tươi. Đôi lúc để bản thân tuột cảm xúc, tuột tinh thần vì những bộn bề, lo lắng, phiền muộn cũng được. Bản thân mình thấy đôi ba ngày chán chường như vậy, nhưng chỉ cần một ngày lên giây cót, phóng túng bản thân một chút, cảm thấy đã lắm, và có thể giương mắt thách thức những gì sắp tới. 
Miễn sao, bạn vẫn thấy cuộc đời đáng yêu.