Nhà bếp là nơi tốt nhất – ý tôi là buồn nhất – dành cho nước mắt. Phòng ngủ thì quá dễ, nhà tắm thì quá riêng tư, phòng khách thì quá trang trọng. Nếu ai đó suy sụp trong bếp, trong cái nơi vừa để tiêu hao vừa tạo ra dinh dưỡng, chắc chắn họ không định liệu từ trước. Ánh sáng chói chang chẳng hề ủi an, mà chỉ thắp soi. Sàn nhà nên là vinyl và lạnh lẽo.
*
Charlotte Perkins Gilman—nhà nữ quyền, nhà văn, người bị rối loạn sang chấn hậu sản và các trầm cảm khác – đã đề nghị từ hồi 1898 rằng phải loại bỏ nhà bếp, bởi lẽ công việc chúng đòi hỏi nơi người phụ nữ không còn để giành cho họ thời gian cho bất cứ hoạt động nào. “Việc lau rửa bắt buộc ở từng ngôi nhà khi ấy sẽ giảm rất nhiều,” bà lập luận, “từ việc loại bỏ đi hai thành phần chính yếu cấu thành bụi bẩn trong nhà, là mỡ và tro.” Bà ấy không đề cập tới thành phần nước mắt cũng cần phải loại bỏ.
*
Một số nhà thờ cất cử ra những “phòng để khóc” chuyên biệt, là những không gian cách âm mà cha mẹ có con nhỏ đang khóc có thể vào trong nếu không muốn những giáo dân khác bị phiền quấy. Thông thường căn phòng sẽ có một cửa sổ to, để người ở bên trong vẫn có thể ngẩng lên nhìn gian giữa giáo đường và điện thờ, cũng như những người thuyết giảng lời chúa, để họ có thể nghe âm thanh buổi khấn và các bài thánh ca. Những ai không quen với thực hành này – chẳng hạn khách được mời tới dự đám cưới hay đám tang – đôi khi, dễ hiểu thôi, hiểu sai mục đích của căn phòng. Những nhà thơ mà tôi biết từng phạm phải lỗi này cũng rất lấy làm thích thú với cách làm này.
*
Phòng để khóc xuất hiện thường xuyên nhất ở các nhà thơ Cơ Đốc. Một người kể cho tôi nghe câu chuyện tìm kiếm thứ tội trong Mùa Xưng tội trong một căn phòng khóc. Chưa từng một lần nào xưng tội nghiêm túc trước đây, và giữa lúc vô cùng đau đớn – anh đang trải qua những hậu chấn của ly hôn và bệnh tâm thần – người này quyết định phơi bày tất cả, nhưng vị giáo sĩ đáp lại bằng một kịch bản cảm tưởng như lạnh nhạt, xa cách: một lời khuyến nghị hãy tìm tới Chúa được học thuộc lòng. Không được nghe thấy, không được đáp lại, người đàn ông òa khóc chạy ra khỏi căn phòng dùng để khóc.
*
Cơn điên, hay rồ dại, hay đớn đau, của nhà huyền học người Anh thời trung cổ Margery Kempe gây ra không bởi lần sinh nở đứa con đầu lòng, mà còn bởi – giống người đàn ông kia – vị giáo sĩ không sao lắng nghe lời xưng tội của chị. Trong sách, chị không bao giờ nói đích xác bản chất tội của chị là gì, chỉ là tội ấy nặng gánh khủng khiếp trong tâm trí, và rằng “quỷ dữ nói với chị rằng chị bị rủa nguyền, bởi chị không thấy sợ hãi trước lầm lỗi đó.” Và thế là, khi chị khiếp sợ sau khi sinh, chị đã mời cha xưng tội, nhưng “khi chị đến nước phải nói ra điều từ lâu chị đã giấu kín, vị linh mục có hơi hấp tấp và bắt đầu khiển trách chị, trước khi chị kịp nói ra trọn vẹn những gì muốn nói.” Kết quả là, “bởi sự sợ hãi một mặt về sự nguyền rủa, và mặt khác sự trách mắng nghiêm khắc của vị linh mục, tạo vật ấy đã hóa điên, và toàn diện bị đảo điên hành hạ bởi các linh hồn.”
*
Đôi lúc tôi e rằng khi lắng nghe câu chuyện rơi nước mắt của người khác – và do đó, thường theo lẽ, cũng là câu chuyện đau thương – tôi sẽ phạm lỗi lầm của các linh mục ấy, rằng tôi sẽ không thể nào nghe được điều hầu hết họ muốn kể, rằng tôi cũng sẽ khiến họ khóc thêm một lần nữa.
*
Tháng 4 năm 1975, năm năm sau bộ phim thể nghiệm I’m Too Sad To Tell You, nghệ sĩ trình diễn gốc Đan Mạch Bas Jan Ader giới thiệu tác phẩm mới trong cycle tên gọi In Search of the Miraculous (Tìm kiếm sự nhiệm màu). Là một phần trong dự án gồm ba phần, sắp đặt đầu tiên của tác phẩm bao gồm ảnh chụp Ader đi qua Los Angeles về đêm, dùng đèn pin tìm kiếm một món gì đó. Với phần sắp đặt thứ hai, Ader dự định băng qua Đại Tây Dương trên một chiếc thuyền buồm một mình, mà một nhóm sinh viên nghệ thuật của ông đã có mặt để đưa tiễn bằng những bài shanty. Sắp đặt thứ ba dự kiến là một chùm ảnh đi dạo ban đêm nữa, lần này tại Amsterdam, nhưng Ader đã biến mất trong cuộc hải hành, do đó tác phẩm cuối cùng của bộ ba vẫn chỉ sắp sửa, vẫn là một ý niệm chưa được triển khai.
*
Ba tháng sau khi Bas Jan Ader giương buồm, mẹ ông viết bài thơ sau:
Tôi thấy tim mình cũng đập. Tim tôi sẽ còn đập thêm ít lâu. Rồi nó ngừng lại.
Tôi tự hỏi nếu trái tim bé bỏng từng đập cùng tôi có đã ngừng chăng.
Khi nó rời khỏi biên giới của sự sinh, tôi đặt nó vào lồng ngực,
đong đưa nó trong tay.
Khi ấy nó còn rất bé.
Xác trắng xóa của một người, đong đưa trong cánh tay của sóng nước
Cũng rất bé.
Sự tàn nhẫn khi để mất một ai đó trên biển, nó chính là sự bất định không biết khi nào nước mắt nên bắt đầu rơi. Hôm nay ư? Lâu rồi? Có một màn sương.  
*
Năm 1991, khi hàng xóm của chúng tôi cột vào những dải ruy băng màu vàng quanh tất cả mọi thứ họ sở hữu, là lúc cha tôi lao động trên một tàu chở dầu, chiếc tàu dân dụng duy nhất tại Vịnh Ba Tư. Suốt sáu tháng ông đi xa mẹ, chị tôi và tôi thường đón xem tin tức hàng đêm, một màn hình đen với chấm màu xanh lá tượng trưng cho tên lửa bắn “vô hại ra ngoài biển.” Tôi còn nhớ một ngày kia đang vào phòng ăn thì thấy chị ngồi trong lòng mẹ, cả hai đều sướt mướt. Chẳng có chuyện gì sai trái cả. Ý tôi là, chẳng có gì mới thí có gì sai trái, là cuộc chiến vẫn hoàn toàn sai trái, và bên trong cuộc chiến ấy cha tôi vẫn an toàn, nhưng nỗi lo và chờ đợi đã ăn mòn cả hai bọn họ. Mẹ tôi giang tay ôm lấy tôi, gọi tôi vào để ôm ấp, nhưng tôi nguậy đầu. Chúng tôi không thể tất cả cùng khóc, lý sự của tôi là thế.
*
Tôi hình dung ba chúng tôi là một hình tam giác, mỗi người một góc riêng. Nó buộc phải là tam giác cân. Chị Scalene quá khó lường, quá bất xứng. Tôi chẳng thể tin tưởng nổi ai. Tôi giả vờ điều này nằm ở thì quá khứ, nhưng thành thật mà nói cảm giác ấy vẫn còn tới tận hôm nay. Tôi không thể khóc, vì tôi cần phải là góc kia, cái góc khiến cho tam giác đủ bất thăng bằng để trụ tiếp tục.
*
Nhưng chúng ta đều đã đến đây, và trước hết tôi vẫn còn chưa giải thích làm sao để khóc! Nếu bạn thấy khó, quyển “Instructions on How to Cry” của Julio Cortázár mách hãy hình dung “một con vịt bị đàn kiến bâu quanh,” hay bất cứ mặt nước mênh mông “mà chẳng ai từng giong buồm tiến vào.”
*
Trong hình dung của tôi kiếp sau của Cortázár và của Ader đã ghép cả hai ngồi đối diện nhau trên một chiếc tàu, hết sức nhã nhặn chờ đến lượt mình để thực thi hành vi khóc lóc cho tới khi cả hai chẳng một ai có thể giữ nổi bộ mặt trang nghiêm, thế rồi cả hai khuấy bầu không khí của biển cả bằng tràng cười nắc nẻ.
*
Khóc lóc chẳng làm ta thấy tốt đẹp hơn. Ta chỉ nghĩ nó sẽ, hoặc, có lẽ quan trọng hơn, ta nghĩ rằng từng có thời điểm nào đó trong quá khứ nó đã khiến ta thấy tốt đẹp hơn. Cứ khóc đi, chúng ta nghe thấy một người tưởng tượng nào đó hướng dẫn, và ta tuân theo, lã chã lệ rơi. Nhưng khi người tham gia thí nghiệm báo cáo lại tâm trạng ngay sau khi khóc xong, thường sẽ tệ hơn trước. Lại nữa, cũng có thể người tham gia thí nghiệm đang khóc trong một phòng thí nghiệm, nước mắt có tác dụng viện tìm trợ giúp, và nhà nghiên cứu không mấy ủi an những người chính họ đã làm cho phải khóc.
*
Rachel không đồng tình, bảo rằng với cô khóc lóc mang lại sự giải tỏa rất lớn. Cô ấy cũng nói nửa mặt trăng nom như một chiếc taco, càn khiến tôi tin tưởng vào khả năng nói sự thật và tận hưởng niềm vui của cô.
*
Đó là Tháng Sáu, và Chris cùng với tôi dự định sẽ dạy tại một học viện cho người viết tại Massachusetts, nhưng đứa bé – nay đã tròn một tuổi – bị nhiễm trùng tai rất nặng, và tôi phải ở nhà với con ở Ohio. Chris đi một mình. Tôi khóc vì mất đi thời gian quý báu vớu bạn thân, khóc trước cơ may trở thành một ai đó và một cái gì đó khác hơn là làm mẹ. Chris dự điịnh sẽ đọc cùng với Jim, thầy giáo cũ của chúng tôi, nhà thơ yêu thích của hai chúng tôi, chồng của Dara, mẹ của Emily và Guy. Chris về nhà. Jim qua đời. Tôi, như ai cũng vậy, tìm đến các bài thơ ông viết:
Em không thể khóc;
Anh chẳng thể làm điều gì
đã từng mang chút gì ý nghĩa
cho chúng ta
Anh phủ lên em
gai lá thông.
Khi sớm hôm đến
Anh sẽ xây một thánh đường
quanh xác đôi ta
Và lũ dế
đang gáy
sẽ đến
vào ban đêm
để thấy buồn
khi chúng không thể gáy nữa.
*
Emily và tôi chia sẻ nhau các cách để ngừng khóc. Chúng tôi bảo nhau rằng có lúc một người thật sự không có hứng. Hãy chọn một màu, cô ấy bảo tôi, và tìm mọi hiện diện của nó trong căn phòng. Tôi chọn màu xanh dương. Tôi chọn xanh lá sẫm. Một ngày kia tôi gọi cô ấy bảo rằng nếu bắt đầu khóc tôi muốn cô ấy cạp cạp như một con gà. Khi giọng tôi bắt đầu rung rung cô ấy hoảng lên và quác như một con vịt. Rồi tôi vừa cười to lại vừa khóc – ướt át và ồn ào và biết ơn – và cảm giác của chuyện này giống như thể tim tôi đã lộn trái từ trong ra ngoài.
*
Có những cách khác nữa để ngưng khóc. Một ngày kia, khi đọc Joan Didion, tôi học được một phương pháp:
Có người từng gợi ý với tôi rằng, thuốc giải của khóc là cho đầu vào trong một cái túi giấy. Khi điều này xảy ra, có một giải thích về cơ thể học thuyết phục liên quan tới oxy, khi làm như thế, nhưng tác động tâm lý của riêng việc ấy là không thể tính toán được: cực kỳ khó tiếp tục tưởng tượng mình là Cathy trong Đỉnh gió hú với chiếc đầu bên trong một túi Food Fair.
*
Trên wikiHow “Làm sao để ngưng khóc,” bước yêu thích nhất của tôi chính là “Bỏ đi trái cổ.” Một phẫu thuật theo ý của người muốn. Tôi tưởng tượng cảnh nó rơi vào tay tôi như núm vú cao su cho búp bê.
*
Nếu bạn không thể ngừng nước mắt, hoặc phải mang cái bộ mặt thất thểu ra đường, ta có thể trốn đằng sau lời nói kiểu như dị ứng hay cảm lạnh. Ta có thể, như Roland Barthes, đeo kính râm:
Ý định của cử chỉ này đã được tính toán: Tôi muốn giữ ưu thế đạo đức của của chủ nghĩa stoic, của “đức hạnh” (Tôi cho mình là Clotilde de Vaux), và đồng thời, rất mâu thuẫn, tôi muốn gợi tới câu hỏi nhẹ nhàng (“Chị bị làm sao vậy?”)
*
Tôi sợ câu hỏi nhẹ nhàng, mà câu trả lời luôn lẩn tránh của nó sẽ chỉ gây ra thêm nước mắt. Sự giấu giếm là một cách can ngăn người khác giúp đỡ. Một cách để không giải thích đích xác theo cách nào và vì sao không ai có thể giúp được ta. Tôi muốn treo một tấm biển lên trên từng tròng kính: NGƯNG HOẠT ĐỘNG.
*
Khi Gabrielle gửi tôi một đoạn văn từ tiểu thuyết Black Wave của Michelle Tea, cô ấy đang cố giúp tôi viết, chẳng giúp tôi khóc, nhưng tôi thấy nhiều ý tưởng trong đó có thể thử trên chính cuộc sống của mình.
Chị ta giữ những chiếc muỗng cà phê trong tủ lạnh, đặt đầu muỗng lên mi mắt… Chị ta giữ những túi trà lài đã ngâm vào trong tủ lạnh. Chị giữ dưa leo trong tay và thái lát rồi đắp lên mặt. Ở một cửa hiệu làm đẹp, chị ta chọn một sản phẩm có chiết xấu mâm xôi hứa hẹn sẽ làm tan đi bọng mắt.
Trong quyển tiểu thuyết, Michelle không thấy gợi ý sử dụng Preparation H trên mắt thâm hữu hiệu, nhưng tôi cũng cứ mua. Dạng dầu thì mỡ quá, nhưng dạng kem có vẻ có tác dụng.
*
Tôi yêu sao cách người ta đưa cho nhau những phương pháp, muốn chăm sóc người khác, cách họ tìm cách đưa ra một câu trả lời cho vấn đề mà không bao giờ tự đặt ra cho mình cùng câu hỏi đó. Người ta muốn biết: “Liệu nước mắt phượng hoàng có mang lại sự sống cho ai hay không?” Họ lên Yahoo! Answers và ai cũng góp ý:
Không, nước mắt phượng hoàng chỉ có thể làm lành vết thương, nhưng chẳng thể làm lành vết thương của người chết vì nước mắt chỉ làm da liền lại nhanh hơn và da người chết không liền lại và thậm chí nếu có liền lại đi chăng nữa nước mắt cũng không thể khiến họ sống lại được bằng cách lay trái tim của họ trở lại.
Đọc thứ này cũng giống như trượt ván trong bể nước mắt. Tôi cứ đi xuống ngày một sâu hơn. Chẳng có phượng hoàng, chẳng ccó nước mắt phượng hoàng, và chẳng gì có thể làm người chết sống lại, nhưng những lời lẽ kia – những hy vọng và những phản hồi nín thở kia – chúng có thể làm lay động một trái tim đã chết. Tôi đã cảm thấy. Đã thấy mình còn sống.
Heather Christle là tác giả các tuyển tập thơ The Difficult Farm; The Trees The Trees, đoạt giả Believer Poetry; What Is Amazing; và Heliopause. Thơ của cô xuất hiện trên The New Yorker, London Review of Books, Poetry, và nhiều tạp chí khác. Cô dạy viết sáng tạo tại ĐH Emory, Atlanta. The Crying Book là tác phẩm phi hư cấu đầu tiên của Heather Christie.