Viết cho tất cả những người bạn trong ngành dịch vụ của mình. Bản thân mình cũng có tour du lịch, cũng thích la cà quán xá cafe. Dù có thể không hiểu được 100% nỗi niềm của dân chuyên, hay của những ông chủ mà thu nhập chính dựa hết vào những nghề trải nghiệm, nhưng mình biết, và cũng đã từng nếm trải cảm giác từng đồng bạc của mình bị ăn mòn là thế nào.

Có lẽ, thành phần bị ảnh hưởng nhất trong mùa Covid19, chính là những người làm dịch vụ.
Mình không phải dân chuyên. Nghĩa là "dịch vụ" không phải nguồn thu nhập chính. Với tư cách một người thích đem lại trải nghiệm tốt đẹp cho người khác, tôi hiểu được phần nào tâm tư của những người làm dịch vụ.
Mùa Covid và những tháng ngày thấp thỏm lo âu:
Từ trong Tết Nguyên Đán, Covid19 đã đến Việt Nam. Khởi đầu là 02 ba con người Trung Quốc từ Vũ Hán sang, rồi một đoàn người lao động quê Vĩnh Phúc trở về. Từ tháng 12 đến tháng 2 là cao điểm của mùa du lịch. Biết bao hướng dẫn viên, bao công ty bán tour mong chờ thời điểm vàng này để "cá kiếm" cho cả năm. Nhưng năm nay, chúng ta phải cá kiếm trong nơm nớp lo sợ. Lo chứ, vì đâu biết những khách du lịch đó đã đi đâu, ở trên chuyến bay nào. Đâu biết rằng họ đã tiếp xúc với ai. Những công ty tour (chắc là mấy công ty nhỏ chu đáo thôi) bắt đầu cẩn thận: dò hỏi lịch trình của khách, đưa họ những chai nước rửa tay và những chiếc khẩu trang. Tháng 02 trôi qua khá bình yên. Lượng tour ít đi chỉ có từ người Tàu, mà chắc người Việt ta cũng vốn chả ưa gì họ - vừa keo kiệt mà lại hay đòi hỏi. Những bạn tour guide trẻ tung tăng trên con phố với những vị khách Âu lịch thiệp, những vị khách Mỹ với những lần tips khủng.
Thế rồi tháng 03 ập đến. Thành phố tôi ở bắt đầu có thêm người nhiễm bệnh. Rồi một loạt đất nước xinh đẹp ở châu Âu gia tăng khủng khiếp số người bị Covid. Tour đóng, bây giờ lo bệnh còn hơn cả lo đói. 
Nhiều quán cafe xinh xắn thì vẫn mở. Nhưng mở hé, chỉ dám cho take away. Có một bạn lễ tân ở Khánh Hoà thì phải, đã nhiễm Covid19 do tiếp xúc với khách Tây - những vị khách mà chúng ta thường săn đón. Giờ đây, những con người hàng ngày phải "đứng đầu chiến tuyến", phải giao tiếp với khách hàng đang ở trong thời kỳ nguy hiểm nhất. Nhiều người chủ tham lam, và cũng là do khó khăn quá, không dám để quán đóng vì sợ chết bẹp trong tiền thuê nhà. Vậy là họ đành làm dịch vụ trong trạng thái "trốn chui, trốn nhủi". Ngày ngày lo sợ công an ập đến lập biên bản, nhưng cũng không dám liều lĩnh bỏ đi vốn đầu tư tâm huyết của mình. Vừa thương, vừa hơi cảm thấy sao sao đó.
Thế rồi, lệnh cấm toàn thành phố mở hàng quán được thực hiện. Có tham mấy, tiếc rẻ mấy thì cũng không được nữa rồi.
Mùa Covid - khi sự tử tế trở nên thật đắt đỏ:
Nói chuyện với ai cũng sợ, cũng dè dặt hơn. Vậy mà vẫn phải tiếp tục làm dịch vụ, quả thật là một sự ngược tâm như truyện ngôn tình Trung Quốc. 
Nếu như bình thường, người Việt niềm nở và quan tâm tới du khách, thì giờ đây, đi tới đâu, họ bị "xua đuổi" tới đó. Hỏi ai cũng trả lời qua loa, đặc biệt với những người không đeo khẩu trang thì chắc dân mình sợ chạy mất dép. Kể cũng tội họ, nhưng "nhập gia tuỳ tục". Ở nước các anh có thể chủ quan, nhưng người Việt chúng tôi sợ chết, sợ thế hệ sau vẫn còn cần mình, sợ lây bệnh cho ông bà bố mẹ, nên không thể bỏ mặc chính mình được. Không chỉ vậy, những hàng ăn ngon cũng đã dần đóng, thành phố lớn nào giờ đây cũng như Busan trong bộ phim chiếu rạp zombie nổi tiếng mấy năm trước. Đội ngũ tiếp viên hàng không, lễ tân khách sạn, ... giờ đây chắc đều phải nở nụ cười gượng gạo. 
Khách là một chuyện, bây giờ còn phải lo công an. Ngày xưa có thể xuề xoà ra mời các anh bữa trà đá, thì từ chuyện gửi cái xe đến chuyện mở đêm muộn một tí cũng êm thấm. Nhưng giờ đây, mọi thứ phải chấp hành đúng luật lệ. Mà như thế là đúng rồi, lúc nào chả phải làm vậy. Chả qua là quen lách luật, cũng mong những lần này nhẹ tay được một ít, nhưng nhẹ sao được. "Hôm nay tung tăng ngoài đường, năm sau mộ xanh cỏ". Những anh dân phường thân thiện ngày nào, giờ cũng trở thành "kẻ địch" đối với những người làm dịch vụ đang tìm cách chống đối. "Sự tử tế" bây giờ không mua được bằng Bác Hồ nữa, mà phải thật sự mua bằng ý thức. Và chỉ ý thức mà thôi.
Sau cơn mưa trời lại sáng. 
Viết cho tất cả những người bạn trong ngành dịch vụ của mình. Bản thân mình cũng có tour du lịch, cũng thích la cà quán xá cafe. Dù có thể không hiểu được 100% nỗi niềm của dân chuyên, hay của những ông chủ mà thu nhập chính dựa hết vào những nghề trải nghiệm, nhưng mình biết, và cũng đã từng nếm trải cảm giác từng đồng bạc của mình bị ăn mòn là thế nào.
Chỉ mong mọi người, thời gian này dù gian nan đến đâu, cũng đừng vì một chút lòng ham muốn ích kỉ mà chuốc bệnh vào thân. Không chỉ là bệnh Covid, mà còn là bệnh tủn mủn, bệnh sân si, hay bệnh sợ hãi. Nếu đã làm, thì làm cho đến nơi đến chốn. Đừng để thứ dịch vụ mình đưa ra trở nên hời hợt, chui lủi, và "kém sang".
Nhân thời gian này, mong mọi người hãy chững lại. Bình tĩnh đóng cửa quán, đóng khách sạn, đóng tour, vân vân và mây mây. Ngồi review lại dịch vụ, xem cái gì còn chưa ổn. Ngồi làm thương hiệu trên mạng xã hội, xây dựng website, gửi email hay những món quà nhỏ tri ân cho những vị khách đã sử dụng dịch vụ của mình.
Mình tin rằng, chậm mà chắc. Nếu sử dụng thời điểm này đúng cách, các bạn sẽ vụt sáng trong tương lai.