Bài viết này được viết trong mớ cảm xúc xuất hiện sau khi đọc bài:

http://spiderum.com/bai-dang/LAM-THEM-CO-CAN-THIET-KHONG-Chu-de-cu-nhung-trai-long-moi-492#

Hoàn cảnh của mình và người viết bài không giống nhau. Bạn này ở nước ngoài. Mình ở Việt Nam. Bạn này là một người nghiện làm việc. Mình thì không. Công việc là thứ giúp mình sống, mình không nghiện nó. Bạn nuôi ước mơ làm việc từ năm thứ 3, chắc là năm thứ 3 đại học. Mình nuôi ước mơ làm việc và thực hiện nó vào năm học lớp 10. 

Đầu tiên, mình xin khẳng định, toàn thể các bạn sinh viên đang học tập ở Việt Nam, mọi chuyên ngành, mọi trường, nếu có thể thì nên cố gắng sắp xếp thời gian để đi làm thêm. Đó là từ kinh nghiệm thực tế của mình. 


Luận điểm đầu tiên: Hãy đi làm thêm, vì khi làm thêm, bạn được làm điều mình thích


Xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân của mình. Mình yêu nấu ăn. Mình yêu viết. Gia đình buộc mình phải học kinh doanh. Mình nghĩ rất nhiều người giống mình. Bị gia đình ép buộc phải học một ngành, hoặc một trường nào đó mà mình không thích. Thực trạng này sẽ vẫn còn tiếp diễn, nhất là ở những vùng nông thôn chưa kịp phát triển. 

Cách giáo dục kiểu : "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" đã in quá sâu, quá quá quá quá sâu rồi. Phận làm con, thật khổ. Nhưng than trách đời không làm ta tốt lên các bạn ạ. Nếu không thể thay đổi định kiến của phụ huynh, hãy chọn con đường ấy. Nhưng hãy đi theo cách của mình.

Quay về câu chuyện của mình. Vì  yêu nấu ăn, và yêu viết. Ngày còn trên giảng đường, mình sắp xếp để làm cộng tác viên cho vài trang báo, ở nhà viết linh tinh (việc linh tinh này rất có ích). Sau đó mình xin làm phục vụ ở một nhà hàng nhỏ, tích lũy kinh nghiệm từ ngoài vào trong, từ phục vụ vào tới....trong bếp, 1 năm nhất làm thêm, mình thành chân phụ bếp. Những ích lợi từ hai công việc làm thêm này, mình không thể kể hết. Vì sợ bài dài quá, các bạn KHÔNG THÈM ĐỌC.

Chú ý: có thể gia đình một số bạn sẽ không thích việc bạn đi làm thêm. Hãy thuyết phục bằng những lý do sau:

1. Giảm bớt áp lực tài chính cho bố mẹ.

2. Tích lũy kinh nghiệm làm việc, va chạm với đời.

3. Cải thiện kỹ năng mềm.


Luận điểm thứ hai: Ai (không) yêu Bác Hồ Chí Minh? 



Từ kinh nghiệm bản thân, cụ thể là quá trình làm những công việc: phục vụ, phụ bếp và cộng tác viên viết lách. Đây là mức thu nhập hồi đó của mình (cách đây 4 năm):

- Phục vụ: 90k - làm việc từ 5h30 đến khi hết khách, khoảng 11h. Nhưng đừng vội chê, các bạn phục vụ còn có một khoản bự nữa là tiền boa, tip, đôi khi, nó nhiều hơn cả lương (có thể mình sẽ có một bài viết về việc làm thế nào để khách bo nhiều :) ).

- Phụ bếp: Lương cứng cá 8 tiếng: 200k (việc này mình làm vào năm 2).

- Cộng tác viên viết lách: Cái này thì mình cáo lỗi, trí nhớ cá vàng khiến mình không thể đưa ra một con số chi tiết, nhưng thu nhập 1 tháng không kém lương phụ bếp.

Bạn thấy đấy, một khoản tiền không nhỏ. Mình chắc chắn một điều đó là thu nhập hàng tháng của mình lúc ấy không thua gì thu nhập trung bình của một bạn sinh viên vừa mới ra trường. Dĩ nhiên, lúc ấy là mình vẫn còn trên giảng đường.


Luận điểm thứ ba: Kỹ năng, kỹ năng và kỹ năng.


Đi làm thêm, bạn học được vô vàn thứ. VÔ VÀN. Sau đây là vài thứ mình học được, mình sẽ không chia sẻ toàn bộ, vì nếu làm như vậy thì các bạn sinh viên đọc bài này xong thì học được hết cả. Mình muốn các bạn đi làm thêm rồi tự học hơn. Haha.



Làm phục vụ: 

- Tính kiên nhẫn: Nghề phục vụ đòi hỏi tính kiên nhẫn và nhẫn nhịn cực kỳ cao. Nhất là những người làm ở nhà hàng nhỏ nhỏ như mình. Những khi khách đông, bạn thật sự cần phải làm việc với một cái đầu lạnh và một trái tim nóng. Cái đầu lạnh để bình tĩnh trước những vị khách khó tính. Và trái tim nóng để moi tiền bo từ túi khách mà không gây phản cảm.

- Tính tỉ mỉ: Từ chén nước chấm cho đến đĩa thức ăn. Từ động tác châm đá cho đến lúc rót rượu. Tất cả phải thật hoàn hảo, nhưng lại không được quá máy móc, phải tự nhiên.

- Tính thích nghi: Bạn phải thích nghi được với nhiều môi trường làm việc khác nhau, thích nghi với nhiều tuyp khách khác nhau.

- Khả năng giao tiếp.

Làm phụ bếp: Khá tương tự với việc làm phục vụ. Mình không bàn thêm về những kỹ năng này, vì nó phụ thuộc khá nhiều về...chuyên môn. Bạn cần một tình yêu lớn với bếp núc :)

Làm cộng tác viên viết lách: Đơn giản nó chỉ là kỹ năng viết. 


Cuối cùng, bài cũng đã dài với tâm lý lười đọc của rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Mình chỉ muốn đúc kết lại như thế này. Mình là người đặc biệt rất mất lòng tin với chất lượng giáo dục ở Việt Nam. Những kỹ năng hiện tại nuôi sống mình, đều là mình tự học được, ở trường đời, không phải trường đại học. Đáng buồn? Hay đáng vui, mình cũng không rõ.

Nhưng nếu bạn là sinh viên, bạn cảm thấy trường học dạy cho bạn nhiều thứ có ích với bạn. Đừng bỏ học để đi làm thêm. Hãy cố gắng sắp xếp thời gian nhé! 

Đừng như mình. Bọn bạn mình thời đi học bảo: "Việc mày tốt nghiệp được đúng là một kỳ tích"