Có một câu chuyện ngụ ngôn thế này: Một chú voi con bị xích vào cọc. Dù nó có vùng vẫy đến mấy, thanh cọc vẫn chẳng hề xê dịch. Dần dần, nó bỏ cuộc và tin rằng mình sẽ không bao giờ có thể thoát ra được (1).
Thời gian trôi đi và chú voi con ngày nào bây giờ đã to lớn gấp bội. Ngỡ tưởng chỉ với một cú quật vòi, nó có thể nhổ thanh cọc lên ngay tắp lự. Nhưng vì đã quá quen với suy nghĩ rằng thanh cọc là bất di bất dịch nên mặc dù đã lớn, voi ta vẫn ngoan ngoãn nằm yên một chỗ.

1. Niềm tin giới hạn là gì?

Niềm tin giới hạn là những quan niệm sai lầm ngăn cản chúng ta theo đuổi mục đích của mình như ứng tuyển vào vị trí hằng mơ ước, ngỏ lời với người bạn thầm thương trộm nhớ hoặc từ bỏ một mối quan hệ độc hại. Không những thế, chúng còn khuyến khích bạn tiếp tục lãng phí thời gian vào những điều vớ vẩn như liên tục lướt Tiktok hoặc bày tỏ quan điểm về tình hình chính trị.
Tương tự chuẩn mực xã hội, niềm tin đặt ra ranh giới về hành vi ta có thể làm trong các trường hợp cụ thể (2). Ví dụ nếu tôi tin rằng ăn cắp là xấu, tôi sẽ không cố gắng bắt chước các nhân vật trong GTA. Có thể thấy không phải tất cả niềm tin giới hạn đều tiêu cực. Trên thực tế, chúng giúp ta không làm những điều ngu xuẩn.
Nhưng cũng có không ít những quan niệm ngăn cản ta được sống là chính mình. Tương tự cách chú voi – dù đã lớn – vẫn ngoan ngoãn không chống cự, có những quan niệm liên tục kìm hãm chúng ta mà ta không nhận ra. Đây là những niềm tin hạn chế mà tôi sẽ đề cập trong bài viết này.
Niềm tin hạn chế thường chia ra làm ba loại:
1. Niềm tin giới hạn về bản thân: rằng bạn cảm thấy bạn không thể làm điều gì đó vì chính bản thân bạn có vấn đề.
2. Niềm tin giới hạn về thế giới: rằng bạn cảm thấy bạn không thể làm điều gì đó vì như thế không đúng với chuẩn mực xã hội.
3. Niềm tin giới hạn về cuộc sống: rằng bạn cảm thấy bạn không thể làm điều gì đó vì nó quá khó để thực hiện.
Để các bạn dễ hình dung, mỗi loại tôi sẽ lấy một số ví dụ và đưa ra biện pháp giải quyết nhé. Bắt đầu nào.

2. Niềm tin giới hạn về bản thân

Suốt một thời gian dài, tôi đã từng chắc nịch rằng mình viết như cứt.
Tôi biết điều này nghe thật khôi hài nhỉ - thế quái nào một tay viết với những tác phẩm bán đắt như tôm tươi lại cho rằng mình chẳng thể viết gì ra hồn. Sự thật là hồi còn đi học tôi luôn bị điểm kém môn viết. Việc đó như một bằng chứng hùng hồn chứng minh cho sự bất tài của tôi.
Phải mất nhiều năm tôi mới nhận ra rằng mình bị điểm kém không phải do mình viết tệ, mà do tôi không bao giờ làm những gì giáo viên yêu cầu. Thay vì viết luận về Gorge Washington, tôi dành thời gian viết ra những câu chuyện viễn tưởng nơi mà chính phủ Hoa Kỳ được thành lập bởi người ngoài hành tinh như một cách thí nghiệm lên loài người.
Tất nhiên ông thầy già của tôi ghét việc đó cực. Nhưng chính sự sáng tạo đó giúp tôi trở thành một tay viết có số má.
Không gì kìm hãm cuộc sống ta cho bằng những quan niệm sai lầm về bản thân (3) vì đa phần chúng hình thành từ những gánh nặng cảm xúc và sự tự ti. Để thay đổi quan điểm, trước tiên ta cần gỡ bỏ được những nút thắt trong lòng.
Dưới đây là một vài quan niệm sai lầm về bản thân và cách giải quyết chúng.

a. Tuổi Tác

Nhiều người dùng tuổi tác như một lý do biện minh cho sự lười biếng của mình. Họ cho rằng mình đã quá tuổi để đi học, thay đổi công việc, bắt đầu hẹn hò hoặc hoặc một năng mới.
Ở chiều hướng ngược lại, không ít người than rằng họ còn quá trẻ để ứng tuyển vào vị trí trong mơ, chuyển đến sống ở một thành phố khác hoặc nhảy việc.
Những quan điểm này rõ là tầm phào. Bất kỳ ai ở bất kỳ độ tuổi nào đều có thể dùng lý do này cho cùng một việc: vài người nghĩ rằng họ quá già nên không thể bắt đầu kinh doanh, trong khi số khác lại cho rằng mình chưa đủ tuổi.
Vậy rồi ai đúng ai sai?

b. Đặc Điểm Tính Cách

Chắc hẳn không ít lần bạn cho rằng vì một nét tính cách nào đó mà bạn không thể làm được một điều gì đó.
Có thể bạn nghĩ mình quá đần độn nên không dám nộp đơn xin học bổng, hoặc ứng tuyển vào một công ty nào đó. Thậm chí đến cả việc nói chuyện với một người (có vẻ) thông minh cũng khiến bạn sợ đái ra quần.
Hoặc bạn nghĩ vẻ ngoài của mình thật xúc phạm người nhìn nên không dám bắt chuyện với người khác.
Cũng có thể vì chân này ngắn hơn chân kia, bạn tự ti rằng mình không thể diện quần short và quyết định lúc nào cũng mặc quần dài kể cả lúc đi tắm biển.
Vấn đề ở đây là: một khi đã mặc định quan điểm nào đó là một phần tính cách, ta khó có thể thay đổi chúng. Việc bạn cho rằng cả thế giới đều ghét mình chỉ đơn giản vì mình lùn thì mọi thứ coi như xác định – không gì có thể giúp bạn thay đổi suy nghĩ đó.

c. Cảm Xúc

Bạn tin hay không thì tùy, chúng ta rất hay dùng cảm xúc của mình để tạo nên những quan điểm sai lầm.
“Tôi không muốn gặp gỡ ai cả vì tôi thường thấy buồn phiền vô cớ và chắc hẳn không ai muốn nói chuyện với một đứa như vậy.”
“Tôi không thể tiếp tục làm việc ở chỗ đó vì tôi cảm thấy xấu hổ.”
“Tôi không thể yêu ai được vì lúc nào tính tôi lúc nào cũng cáu bẳn.”
Nhưng mọi chuyện lại ngược đời như này: Những điều ta ra sức tránh né hóa ra lại chính là những điều giúp ta thoát khỏi tình trạng đó.
Nếu bạn mắc chứng trầm cảm và lúc nào cũng buồn bã, dành thời gian nói chuyện với người khác sẽ giúp bạn thấy khá hơn (trừ khi bạn nói chuyện với mấy đứa hãm l.ồ.n). Nếu bạn hay cảm thấy xấu hổ, đối mặt với đánh giá từ người khác là cách duy nhất giúp bạn vượt qua. Nếu lúc nào bạn cũng cáu gắt, khả năng cao là khi nói chuyện với người khác, cơn giận dữ của bạn sẽ biến mất.
Chính những điều bạn từ chối làm khiến bạn mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn của những niềm tin giới hạn: ta quyết định không làm những điều ta nên làm vì cảm xúc hiện tại không cho phép, và việc ta không làm gì khiến cho những cảm xúc tiêu cực trong ta ngày càng trầm trọng. Không tin bạn có thể tự kiểm chứng.

3. Niềm tin giới hạn về thế giới

Không chỉ quan niệm sai lầm về bản thân, chúng ta còn tích cực xây dựng cho riêng mình một thế giới méo mó.
Lúc nhỏ tôi có một suy nghĩ kỳ quái thế này: tôi cho rằng những ai nói chuyện với mình chỉ làm thế vì họ muốn điều gì đó ở tôi. Tôi chẳng biết suy nghĩ đó từ đâu ra – có thể do hồi nhỏ liên tục bị bắt nạt hoặc thường xuyên phải ở nhà một mình.
Suy nghĩ này khiến tôi không tin tưởng ai trong suốt một thời gian dài. Và cũng do luôn nghi ngờ, tôi từ chối tiếp xúc với mọi người. Và càng thu mình lại, tôi càng chẳng thể khám phá ra bản thân đã sai lầm như thế nào.
Dưới đây là một số quan niệm sai lầm về thế giới ta thường mắc phải:

a. Sự Phủ Nhận

Đây có lẽ là niềm tin giới hạn phổ biến nhất.
“Tôi không thể nói chuyện với ai cả vì họ sẽ nghĩ tôi thật kỳ cục.”
“Tôi không thể bỏ học được vì như thế ông bà già tôi sẽ buồn lắm.”
“Tôi không thể từ bỏ công việc nhàn hạ đang làm để làm thứ tôi thích nhưng lương sẽ thấp hơn vì như thế mọi người sẽ coi thường tôi.”
“Tôi không thể ly hôn vì như thế hóa ra tôi là thằng tồi và chả ai muốn hẹn hò với tôi nữa.”
Nếu bạn đang cân nhắc điều gì đó và suy nghĩ đầu tiên xuất hiện là “Không biết mọi người nghĩ gì nhỉ?” thì coi như tới công chuyện luôn. Bạn khó mà có thể nghĩ gì xa hơn được.
Trên thực tế, chả có ai buồn quan tâm đến bạn như bạn tưởng vì họ còn bận nghe ngóng xem người khác nói gì về họ.
Chưa kệ nếu họ có không đồng ý với việc bạn làm thì cũng kệ m.ẹ họ. “Việc tôi, tôi làm” Ok?
Họ nào có phải làm công việc tẻ nhạt của bạn hết ngày này qua ngày khác. Họ cũng đâu có ở trong mối quan hệ độc hại giống bạn. Họ cũng đâu phải ngồi hằng giờ đắn đo “Nếu mà …” như bạn từ năm này qua năm nọ.

b. Định Kiến

Thật đáng buồn rằng định kiến và vấn nạn phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại. Chúng ta là tập hợp của nào là phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc và tất tần tật những sự thiên vị khác. Nhận thức được việc này, điều chúng ta cần làm là không vì thế mà thu mình lại. Tôi sẽ cho bạn thấy vài ví dụ cụ thể:
“Tôi là người Châu Á, mà phụ nữ thì không thích người Châu Á nên tôi sẽ không bao giờ có thể có bạn gái.”
“Tôi lùn và những đứa lùn thì kiếm được ít tiền hơn những người cao, thế thì việc quái gì tôi phải cố gắng để được thăng chức.”
“Tôi là phụ nữ và mọi người không muốn lắng nghe ý kiến ​​của phụ nữ, nên lúc họp tôi sẽ im lặng.”
Đúng là trên bình diện vĩ mô, những điều này có thể đúng, nhưng không phải tất cả mọi người đều như vậy. Đúng, có thể người ta không thích nghe ý kiến của phụ nữ, nhưng điều đó không có nghĩa rằng đồng nghiệp của bạn sẽ muốn cướp lời bạn (4).
Ngoài ra, cách duy nhất để vượt qua những định kiến xã hội kiểu này là phải có người dám đứng lên tự đứng đối diện với chúng. Đừng nói với tôi là bạn đang đợi ông hàng xóm đứng lên thay cho bạn nhé?

c. “Tôi Đặc Biệt”

Có thế thấy, niềm tin của ta đa phần bị giới hạn bởi những viễn cảnh tiêu cực quá mức. Nhưng đôi khi, chính sự lạc quan tếu cũng góp một phần không nhỏ trong việc hình thành những quan niệm sai lầm. Đôi khi, ta thấy mình đặc biệt vãi chưởng, đến nỗi không từ ngữ nào có thể diễn tả được:
“Tôi muốn trở thành nhạc sĩ, nhưng tôi sợ chả ai có đủ khả năng hiểu được phong cách chiết trung của mình.”
“Tôi muốn viết chuyện hài, nhưng liệu bọn thiểu năng ngoài kia có thể hiểu được khiếu hài hước độc đáo của tôi hay không?”
“Tôi có một ý tưởng kinh doanh, nhưng dám chắc là đ ai hiểu được tầm nhìn của tôi.”
Đây rõ ràng là biểu hiện của chứng cuồng dâm sinh hoang tưởng. Ta cho rằng cả thế giới này phải trân trọng ta vì ta quá đỗi xuất chúng nhưng mọi người lại không đủ tầm để nhận ra sự đặc biệt của ta. Thế thì việc quái gì ta phải cố gắng cho mệt? Bạn sẽ chẳng nhận được cái đinh gì nếu vẫn giữ khư khư quan điểm đó.
Vì thế giới này chả nợ bạn cái quần què gì cả. Trên thực tế điều cần để tâm ở đây là: liệu thế giới này đều mù cả hay sao mà không thấy bạn đặc biệt? Hoặc khả năng cao là bạn chỉ đang ảo tưởng rằng mình đặc biệt mà thôi.

4. Niềm Tin Giới Hạn Về Cuộc Sống

Dựa trên vốn sống (hạn hẹp) của bản thân, ta thường có cho riêng mình một số niềm tin giới hạn, hòng trả lời cho câu hỏi cuộc sống bình thường là thế nào, thường sẽ liên quan đến những vấn đề như sớm – muộn, đúng – sai, thật – giả, v.v.

a. Bỏ Lỡ Cơ Hội

Chúng ta thường từ bỏ một điều gì đó – trước cả khi bắt tay vào làm - với lý do “có người đã làm rồi.”
Những ai mới bắt đầu kinh doanh cũng đều than rằng “chắc cái này có người làm rồi.” Nhưng liệu đã bao giờ bạn coi đó là một bằng chứng cho việc bạn cũng có thể bắt đầu kinh doanh và cạnh tranh với họ không?
Bạn quyết định không viết ý tưởng của mình xuống vì cho rằng “chắc cái này có người làm rồi.” Việc quái gì phải sợ, bạn có thể viết nó hay hơn mà!
Sau khi ly hôn năm 40 tuổi, bạn liên tục than thở rằng “chắc ngoài kia ai cũng yên bề gia thất cả rồi.”
Tất cả chúng ta đều cho rằng bản thân mình sẽ chẳng có phần, rằng sẽ không có đủ khách hàng, đủ ý tưởng, đủ thời gian, đủ yêu thương cho một kẻ như ta.
Suy nghĩ đó hết sức vỡ vẩn. Thế giới này có đủ cơ hội cho bạn, cho tôi và cho bất kỳ ai dám dấn thân.

b. Thời Gian

Rõ ràng đây là lý do phổ biến nhất tôi từng thấy. Mỗi khi ai đó cân nhắc thay đổi một điều gì đó như ăn uống lành mạnh hơn, tập thể dục nhiều hơn, đọc sách nhiều hơn, v.v, thì cuối cùng điều duy nhất bạn có thể nghe được từ họ là:
“Tôi bận lắm, làm gì mà có thời gian!”
Nhưng bạn biết đấy, khi một ai đó thực sự thích bạn, họ sẽ luôn tìm cách để dành thời gian ở bên bạn. Tương tự như thế, nếu bạn thực sự muốn điều gì đó, bạn cũng sẽ tìm cách để có được điều mình muốn.
Khi ai đó nói “Tôi không có thời gian!”, tôi ngầm hiểu điều đó nghĩa là “Thực ra tôi cũng không quan tâm đến thứ đó lắm!” Vì nếu đó là thứ bạn ưu tiên, hẳn bạn sẽ sắp xếp thời gian để có thể hoàn thành nó.
Suy cho cùng, chẳng phải do ta không có thời gian, ta đơn giản chỉ không muốn bước ra khỏi vùng an toàn.
Ta thích an phận với những điều được sắp đặt từ trước và ném hết mớ thời gian còn lại vào những trò tiêu khiển vô bổ; cốt để cuộc sống của ta không phải thay đổi quá nhiều.

c. "Thứ Đó Không Có Thật"

Có lẽ niềm tin giới hạn khó bị phá bỏ nhất là việc ta tin rằng thứ gì đó tồn tại/không tồn tại. Cũng giống như các niềm tin giới hạn khác, đôi lúc ta cho rằng điều gì đó là không thể như một cách bào chữa cho sự chây lười của bản thân.
1.“Tình yêu chỉ là thứ chóng qua và cuộc tình nào cũng kết thúc trong đau khổ cả. Thế thì việc quái gì mình phải có người yêu?”
2. “Thành công chỉ là khái niệm do xã hội tạo ra để điều khiển ta, nên việc gì tôi phải cố gắng?”
3. “Con người lúc nào cũng ích kỷ và đối xử tệ bạc với nhau, sao tôi cần phải kết thân với họ?”
Khó ở chỗ là chúng ta luôn tin tưởng hết mực vào lý lẽ của bản thân vì ta cho rằng mình là thiên tài, một thiên tài vượt trội hơn bất kỳ người nào khác. Ta tin những điều mình nghĩ là đúng, trong khi thế giới ngoài kia toàn bọn đầu óc ngu si, tứ chi phát triển (5).

5. Làm Cách nào để có thể vượt qua niềm tin giới hạn của bản thân?

Thú thực thì chỉ riêng việc nhận ra được đâu là niềm tin giới hạn của bản thân cũng đã đủ khó rồi, chứ chưa nói đến việc có thể vượt qua chúng. Nhưng không phải là không có cách. Dưới đây là một vài gợi ý của tôi giúp bạn bước đầu nhìn ra được đâu là vấn đề của mình.

a. “Liệu tôi nghĩ vậy có đúng?”

Nhìn chung, niềm tin sẽ dễ dàng bị lung lay khi ta bắt đầu hoài nghi về độ chính xác của chúng. Liệu lùn quá thì không thể có bồ như đó giờ mình nghĩ có đúng không nhỉ? Liệu có thật chỉ vì mình là nữ nên không được thăng chức không?
Bằng cách này, bạn sẽ dần phát triển khả năng nghi ngờ những điều mình tin là đúng và tìm kiếm các khả năng thay thế. Cố gắng tưởng tượng ra viễn cảnh mà tất cả quan niệm của bạn đều không hoàn toàn chính xác.
Bạn sẽ thấy rằng có nhiều trường hợp có thể xảy ra hơn bạn tưởng.

b. “Điều này có lợi gì cho tôi?”

Chúng ta thường thích chơi trò nạn nhân, kể cả đối với niềm tin giới hạn của bản thân. Nhưng sự thật là chúng ta chấp nhận tin một điều gì đó vì nó làm lợi cho ta bằng cách này hay cách khác. Bạn còn nhớ con voi tôi đề cập ở đầu bài chứ? Nó tin rằng bản thân không thể thoát ra được bởi vì như thế nó không cần phải mệt mỏi nghĩ cách thoát ra nữa.
Tương tự như vậy, đôi khi ta giữ khư khư cho mình những quan niệm sai lầm vì như thế, ta có lý do để tiếp tục nằm phè ra ghế, nghe “Bài Này Chill Phết” và mơ tưởng đến viễn cảnh “về quê trồng rau, nuôi cá” (thay vì nhấc đít lên tìm hiểu cách đào ao cá như thế nào).
Một số niềm tin khác thậm chí còn khó có thể thay đổi hơn vì nhờ có chúng, ta được quyền cảm thấy bản thân mình đặc biệt hơn người khác và mọi người phải giành sự quan tâm đặc biệt cho ta. Nếu tôi quá lớn tuổi để có thể thay đổi công việc, thì đó không phải là lỗi của tôi và tất cả mọi người cần phải cảm thấy có lỗi vì việc đó.
Niềm tin sẽ chỉ có thể tồn tại nếu chúng phục vụ mục đích của chúng ta. Hãy cố gắng xác định được đâu là thứ chúng mang đến cho bạn và liệu những điều đó có đáng hay không (so với những điều tốt đẹp khác).

c. Hình thành niềm tin thay thế

Đến lúc cần dùng não rồi này.
Đầu tiên, hãy nghĩ ra những khả năng khác cho mỗi một quan điểm của mình. Có thể người bình thường sẽ không muốn hẹn hò với một đứa lùn tịt như bạn. Nhưng cái bạn cần tìm không phải là cao hay thấp, mà là tìm được một người thật sự đặc biệt – người mà trong mắt họ, cái bụng mỡ của bạn là thứ sexy nhất trên đời.
Có thể ở tuổi của bạn, chẳng có mấy người nhảy việc nữa. Nhưng ai dám chắc rằng bạn không thể thành công với công việc mới? Ngoài bản thân bạn ra, không ai có thể ngăn bạn làm điều mình muốn cả.
Rõ ràng, mọi chuyện không đơn giản chỉ là với đại một quan niệm mới và ép bản thân tin rằng nó đúng. Điều bạn cần làm là tập thói quen nghi ngờ những quan niệm vốn có của bản thân, sau đó cố gắng nghĩ ra khoảng 4 – 5 khả năng thay thế có thể xảy ra. Tốt nhất bạn nên viết tất cả ra giấy nhé.
Cách này không chỉ giúp bạn nhìn thấy những niềm tin giới hạn của bản thân mà còn nhận ra rằng đối với mỗi một niềm tin, bạn đều có nhiều hơn một lựa chọn để bạn có thể tin theo. Mỗi giây mỗi phút trên cuộc đời này, bạn luôn chọn điều bạn muốn tin (thay vì điều đúng) kể cả khi bạn không nhận ra việc đó.
Bằng cách liên tục tự vấn bản thân rằng bạn chọn tin vào điều gì, sau đó nghĩ ra các phương án thay thế cho niềm tin của mình, bạn sẽ nhận ra rằng niềm tin hạn chế đã chi phối cách quyết định của bạn như thế nào (đôi khi chỉ là vô thức). Thứ ngăn bạn tìm kiếm một công việc mới, ăn món ăn bạn yêu thích hay mặc quần áo bạn muốn mặc thực chất chỉ là một – và bạn sẽ có thể nhận ra điều đó lố bịch nhường nào.
Đó cũng là lúc bạn nhận ra mình có thể lựa chọn niềm tin một cách có ý thức (6).

d. Kiểm tra các khả năng thay thế xem liệu chúng có phù hợp

Giống như các giả thuyết của một thí nghiệm, bạn cần kiểm tra xem liệu những niềm tin mới có hợp lý hay không.
Hãy coi đó giống như việc đi shopping: thay vì ngay lập tức vớ lấy đôi giày trông thật bắt mắt những không mấy vừa chân, hãy cố gắng tìm thêm những đôi khác, có thể không đẹp như đôi đầu, nhưng cân bằng được giữa kiểu dáng thiết kế và sự thoải mái.
Ta chẳng thể nào biết được liệu những quan niệm thay thế này có đúng hay không, nếu ta không áp dụng chúng vào thực tế. Và thường thì sau vài lần thử, chúng ta nhận ra lúc trước mình đã ngu ngốc như thế nào. Ta cần nghĩ thoáng hơn hòng nhận ra chúng ta hoàn toàn có thể sai, từ đó ta có đủ can đảm bước ra ngoài thế giới để xem xem liệu những điều mình tin có thực sự đúng.
Hãy liên tục đặt câu hỏi với những điều bạn cho là đúng. Sau đó kiểm tra những ý tưởng mới. Vì chắc hẳn bạn sẽ không bao giờ thấu hiểu được hết mọi sự trên đời. Sẽ luôn có chỗ cho sự thay đổi và phát triển.
Chỉ cần chắc chắn rằng, bản thân bạn không phải tác nhân ngăn cản quá trình phát triển đó diễn ra.
Nguồn: How to Overcome Your Limiting Beliefs - Mark Manson
Link: https://markmanson.net/limiting-beliefs