Born this way là một sự ồn ào cần thiết. Bây giờ khi nghe lại Born this way, ta thấy nó mang một thông điệp ấu trĩ theo khuynh hướng essentialism: “tôi sinh ra đã vậy và tôi không thể thay đổi”. Trên thực tế, sống giữa một xã hội quá dễ dãi trong việc thỏa mãn khoái lạc, thông điệp đó không còn relevant nữa. Giờ đây, tôi là gay hay bi hay trans không quan trọng, quan trọng là tôi có tìm được người phù hợp cùng phiêu lưu tình ái hay tình dục với mình hay không. Chẳng phải vậy sao? Nhưng cái thời điểm năm 2011 đó, thời điểm của It gets better, của việc bãi bỏ Don’t ask don’t tell ở Mỹ, và nhiều sự kiện quan trọng khác của cộng đồng LGBTQ, một thông điệp kiểu essentialist sẽ có giá trị chống lại đàn áp của phái bảo thủ. Lúc đó mà bảo rằng, tất cả chỉ là lựa chọn, thì các ông bố bà mẹ sẽ hỏi: “Sao con không chọn làm vui lòng bố mẹ” thì ối giời ơi. Nhưng với riêng sự nghiệp của Lady Gaga, Born this way đã đưa cô ấy trở thành một trong những thần tượng lớn nhất của bê đê muôn nơi, sau Madonna và Britney Spears. Với Born this way, âm nhạc của Lady Gaga không còn thuần túy giải trí mà là câu chuyện về chính trị căn tính, và theo đó Lady Gaga trở thành một biểu tượng văn hóa quan trọng của thập kỷ.
Nhưng thành công quá lớn của Born this way gây khó khăn cho Lady Gaga trong các dự án âm nhạc tiếp theo. Vì đã quá quen với suy nghĩ Lady Gaga sẽ luôn gây sốc, phá vỡ các giới hạn nhận thức thông thường, người ta tiếp tục chờ đợi những cú sốc mới vượt qua những thứ như váy thịt bò, giả trai, hay nuốt thánh giá. Nhưng dường như ranh giới đã bị xô ngã và không còn một ranh giới nào khác nữa ngoài việc nhìn lại cái giới hạn đã băng qua, Artpop không phải là một đột phá nào về mặt giải trí hay chính trị. Có lẽ đã đến lúc gác lại chiến lược cũ, “I’m not real. I’m theatre”.
Sau các công việc đóng phim, thời trang, vân vân, nguồn cảm hứng tiếp theo của Lady Gaga lại là trở về những điều giản dị căn bản đã truyền cảm hứng cho mình đến với âm nhạc ngày xưa. Đó là lúc ta có Joanne
Nhìn lại discography của Lady Gaga, từ The Fame (2008) đến Chromatica (2020) là một sự sụt giảm doanh số liên tục, chừng như nó cho thấy Lady Gaga không thể trở lại cái hào quang mà cô từng có vào cuối thập niên trước. Nhưng nếu ta quan niệm rằng, mỗi nhân vật đều có một câu chuyện để kể, một vai trò nào đó trong cái tự sự chung của thời đại, thì Lady Gaga đã hoàn thành câu chuyện của mình. Đó không phải là câu chuyện về giới và tính dục, không phải câu chuyện về nghệ thuật hay thời trang, mà là câu chuyện về fame, danh vọng, một câu chuyện luôn trở đi trở lại xuyên suốt sự nghiệp Lady Gaga từ lúc cô chưa nổi tiếng đến tận bây giờ.
Lady Gaga xuất hiện vào thời điểm sau khi gương mặt pop lớn nhất của thập niên 2000, Britney Spears, rơi vào tình trạng khủng hoảng vì chính sự nổi tiếng. Cô cạo đầu, tấn công paparazzi bằng dù, kết hôn rồi ly hôn chóng vánh, vân vân. Britney Spears là trường hợp điển hình cho thấy ảnh hưởng của sự nổi tiếng lên đời tư trong giai đoạn chuyển tiếp từ báo lá cải sang mạng xã hội, mà ở đó dường như người ta chưa thể vượt qua được cách nghĩ quen thuộc của thế kỷ 20 về lằn ranh giữa cuộc sống riêng và ánh nhìn của công chúng. Lady Gaga xuất hiện, không hề né tránh paparazzi mà thậm chí thèm khát paparazzi, bởi vì lúc này với cô, càng được báo lá cải quan tâm thì cô sẽ càng nổi tiếng. 
I’m your biggest fan, I’ll follow you until you love me Papa-paparazzi
Lady Gaga hiểu rõ cái giá của danh vọng, bất kể có phải hy sinh sự riêng tư, cô luôn trình bày ra trước mắt công chúng một cái gì để người ta bàn tán và tranh cãi. Đó là chiến lược để Lady Gaga trở thành cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong giai đoạn 2008-2011. Qua những trình bày trong Paparazzi, trong Bad Romance, ta thấy dường như Lady Gaga hiểu rõ mình phải trở thành một dạng đĩ điếm chiều lòng vị thần danh vọng, mình phải biết cách thao túng báo chí chứ không còn để báo chí thao túng đời tư của mình. Trong khi Britney Spears hãy còn là một cô gái ngây thơ trước báo chí cáo già, Lady Gaga tận dụng chính báo chí để làm mình nổi tiếng hơn.
Lady Gaga trước khi nổi tiếng
Lady Gaga trước khi nổi tiếng
Nguồn cảm hứng lớn nhất của sự nghiệp Lady Gaga không phải là các trải nghiệm về tình dục và giới tính, cũng không hẳn là tính nghệ sĩ của bà dì hay ông chú trong nhà, mà chính là cái đời sống của một nghệ sĩ vô danh trình diễn ở các câu lạc bộ hay sân khấu nhỏ ở New York. Muốn hiểu cái thèm muốn của Lady Gaga cho danh vọng, phải trở lại với cô gái Stefani Germanotta làm đủ trò từ diễn kịch, ca hát, chơi nhạc cụ, đến nhảy nhót để kiếm sống và để nổi tiếng hơn. Đó là đời sống của những giấc mơ tan vỡ, những kẻ khờ mơ mộng mà ta được thấy rất rõ ở cuộc đời của Sebastian và Mia trong La la land của Damien Chazelle. Chính cái cuộc sống về đêm đó đã tạo nên những tác phẩm tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của Lady Gaga là Marry the Night và The Edge of Glory. Và những người mà Stefani Germanotta đã gặp, đã yêu, đã làm bạn trong cái cuộc đời nghệ sĩ vô danh trước khi Lady Gaga ra đời đó, mới là những thứ kỳ quặc thú vị tạo nên Judas hay You and I trong album Born this wayArtpop (I live for the applause), Joanna (I’ve got a hundred million reasons to walk away. But baby, I just need one good one to stay), cũng như các việc nhảy sang phim ảnh hay thời trang đều là những cuộc đuổi bắt giữa Lady Gaga và người tình the fame trong một bản bad romance, nhằm vượt qua chính cái thành tựu quá khứ của bản thân. Nhưng có lẽ cái duy nhất còn lại để sự nghiệp của Lady Gaga trọn vẹn là một quyển tự truyện mà ở đó từ khóa chính là “fame”.