Đọc cuốn sách “Tuổi 20 - Những Năm Tháng Quyết Định Cuộc Đời Bạn” (The Defining Decade) của Meg Jay, hẳn ai cũng thấy những năm tháng đầu 2 của mình trong đó:
“Tôi thấy như thể mình đang lạc giữa một đại dương. Tôi có thể bơi theo bất kỳ hướng nào tôi muốn nhưng tôi lại chẳng thể thấy đâu là đất liền. Thế nên, tôi chẳng biết nên đi về hướng nào nữa.”
Photo by Andrew Draper on Unsplash
Chúng ta được bảo rằng chẳng có gì sai nếu mình có một thanh xuân nổi loạn. Rằng hãy cứ làm bất  kỳ điều gì bạn thích đi, nghĩ ngợi chi cho lắm. Thực tế thì những gì chúng ta làm trong những năm tháng đó chẳng ảnh hưởng mấy đến quãng đời còn lại của chúng ta đâu. Đúng.Chứ? Nhưng lựa chọn càng nhiều, thách thức càng lớn. Khi mà bạn có thể làm bất kì điều gì, thì việc của bạn không chỉ là tìm một nơi gọi là đất liền đâu, nó phải là vùng đất tốt nhất nữa. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn chọn một hướng rồi bơi miết theo hướng đấy,  nhưng rồi bạn nhận ra vùng đất mình đã tới không phải “tốt nhất” đâu. Và thế là bạn cứ bị kẹt mãi ở đó hả?
Ôi không, bạn không, và sẽ không như thế.
Để tôi kể các bạn nghe câu chuyện của tôi nè. Chuyện làm sao mà trong vòng 2 năm, tôi từ một thằng chẳng có gì để viết vào CV lại có thể đến với công việc trong mơ của mình ấy. Nghe kì diệu nhỉ? tôi sẽ kể lướt qua thôi, rồi sau đó tôi sẽ chỉ bạn cách bơi thế nào nhé. 
Hồi tôi mới quá 20 một xíu, tôi phải tạm biệt trường đại học để bơi sang trường đời. Hồi ấy, tôi đã làm hướng dẫn viên cắm trại suốt cả mùa hè, lau ván trượt tuyết cho tụi nhà giàu suốt cả mùa đông, còn cả kéo tàu lượn ở một sân bay nữa. tôi có bằng Tiếng Anh đấy, nhưng cho đến năm 24 tuổi thì tôi chỉ dùng tấm bằng đó để thấm bia dư ở cửa hàng tôi làm pha chế thôi. Nền móng cho tương lai tôi được xây dựng như thế đấy.
Lời khuyên đầu tiên chỉ tôi nên bơi hướng nào là từ ông sếp Ireland già nua, cáu kỉnh của tôi, lúc ấy tôi còn là một nhân viên PR quèn của ổng:
“Trời ơi, mi phải có chính kiến chứ, làm chủ cuộc đời của mình đi nào.”
Ổng lúc đó chỉ nhằm bóc mẽ tôi thôi, nhưng ai ngờ đâu mọi sự sau đó lại đi ngược với mục đích ban đầu của ổng. Tôi dồn hết dũng khí để bỏ quách công việc đó. Tôi bán tất các đồ không nhét vừa cái xe, tôi rời quê hương để lái xe tới tận San Francisco mà không biết sẽ làm gì và ở đâu khi đến được đó. Chuyện đó đáng sợ lắm, nhưng bạn có  biết cảm giác nào tồi tệ hơn gấp vạn lần vụ “sợ sệt” này không? Nói như thể bạn sẽ mạo hiểm ấy, nhưng thực tế bên trong bạn biết là sẽ không đâu. Cảm giác mình như một tên dối trá chắc chắn tồi tệ hơn việc sợ hãi rồi. Tôi chán ngấy việc cứ nói với người ta là mình sẽ làm một vố lớn, rời quê lập nghiệp nhưng thực tế lại luyến tiếc cuộc sống thoải mái ở nhà. Tôi có thể nói với các bạn rằng chẳng việc gì tôi làm mà thấy sợ bằng vụ  tha hương ấy cả. Nhưng tôi cũng biết cuộc sống đầy nuối tiếc mới là thứ kinh khủng nhất. 
Tôi đến San Francisco với suy nghĩ sẽ làm CEO của một start-up! Trở thành bạn tốt của Zuck! Có lẽ tôi sẽ thử học lập trình và hẳn sẽ kiếm chác được ở #freshtechcoins!
Nhưng không.
Tôi có một người bạn ở thành phố này, cổ là một vú em. Khi gia đình mà cổ đang làm cần tìm người đưa đám trẻ con đến các trò thể thao mỗi thứ 4, tôi đã có công việc danh giá ở vùng vịnh này đấy. Dù sao thì người ta đã bảo “Ăn mày đừng đòi xôi gấc” (hoặc ít nhất mẹ tôi đã nói thế) . Lịch trình của tôi nhanh chóng chuyển thành thứ 4 và thứ 5. Tiếp đó là thứ 4, thứ 5, thứ 6. Rồi nó thành việc cho cả tuần luôn. Thay vì tán nhảm với Elon (một chương trình TV), tôi đã là một ông vú mẫn cán (tôi yêu công việc này thật đấy) trong vòng 2 năm.
Thế là, năm 26 tuổi, tôi là một ông vú toàn thời gian với một cái hồ sơ xin việc chỉ gồm chút xíu kinh nghiệm về ngành dịch vụ công nghiệp và chân PR quèn từ 2 năm trước. Nghe tệ thật đấy, nhưng có tin này tôi cần nói với các bạn đây:
Trước năm 27 tuổi, tôi đã làm việc cho Facebook, và sau đó là Oculus. Khi tôi bước sang tuổi 28, tôi đã thực hiện được ước mơ của mình là làm việc ở tạp chí WIRED .
Tôi sẽ kể các bạn nghe tôi đã bơi như thế nào, mong rằng nó cũng giúp ích cho các bạn.

Cứ giả vờ cho đến khi bạn làm được.

Các bạn chắc hẳn đã nghe câu này rồi, nhưng tôi sẽ bật mí vài nguyên tắc nhé. Tôi không giả vờ thứ gì nếu tôi không chắc chắn có thể học nó trong cuối tuần. Bất cứ cái gì mà tôi có thể học được trong vòng 48 tiếng hoặc ít hơn, thì tôi sẽ nói tôi làm được nó. Nếu tôi thấy mình phải mất cả năm mới học được mà lại nói đã hoàn thiện rồi thì đó chỉ là lời dối trá thôi. Điều đó không những làm hại bạn mà còn gây rắc rối cho người khác nữa. Khi mà bạn nhìn vào yêu cầu công việc, đừng nghĩ xem mình có điều đó không, mà hãy tìm cách có được chúng ấy. Bạn cần biết SQL cho công việc á? Có đầy mấy khóa trên mạng đó thôi. bạn cần kinh nghiệm truyền thông xã hội à? Học một khóa đi, đi theo ai giỏi giỏi ấy, rồi làm miễn phí cho người ta. Đừng ràng buộc bản thân với cái hồ sơ hiện tại, giả vờ một chút có thể khiến bạn tiến xa hơn đấy.
Nhưng các bạn cần phải nhớ là: một khi đã làm được rồi, thì đừng giả vờ nữa nhé. Tôi cảm thấy như mình đã giả vờ suốt ở công việc hiện tại của mình. Nhưng giờ tôi đã thực sự làm chủ việc đó rồi. Giả vờ chỉ là nhất thời thôi. Đừng vì thế mà quên mất bạn thực sự giỏi giang thế nào nhé. 
À, tiện đây thì tôi nói nghe…..

Không ai thực sự biết mình đang làm gì đâu.

Tôi khá chắc là có những người biết nhiều hơn người khác, nhưng không ai là bậc thầy  ở lĩnh vực họ làm cả. Thực tế thì càng tự nhận bản thân là một bậc thầy thì càng chứng tỏ bạn chẳng phải. Đừng bi quan nhé, tôi chỉ muốn nhắc cho các bạn nhớ là con thuyền mà các bạn đang chèo có đầy người giống các bạn thôi.  Ai mà chẳng giả vờ, chỉ khác nhau ở mức độ. Trong lúc lòng họ đang xoắn xuýt thì họ lại nhìn xung quanh là tự hỏi sao người khác lại làm tốt thế. Như bạn ấy. Chúng ta chỉ đang cố làm rõ vấn đề thôi. Phải nói là thật khó khăn khi phải đưa ra một quyết định quan trọng mà bạn cũng chẳng biết nó có phải quyết định đúng hay không nữa. Lời khuyên quan trọng nhất mà tôi nhận được về vụ đua ra quyết định này là từ mẹ của tôi.

Một quyết định lớn cũng chẳng làm nên cuộc đời con đâu.

Bạn sẽ tỉnh dậy vào buổi sáng hôm sau và đưa ra nhiều quyết định hơn, và hơn thế nữa. Bạn có thể dễ dàng bị rơi vào tình thế chọn một quyết định, chọn một lối rẽ ở ngã tư đường, những điều bạn tin là sẽ thay đổi cả cuộc đời bạn ấy. Nhưng vấn đề là sau khi bạn chọn đường đi rồi, bạn lại phải lựa chọn bước tiếp theo nữa. Bạn đi vào rừng? Đi xuống đường mòn? Quay lại ngã tư trước? Hay nhảy xuống hồ? Ai biết! Nhưng đó là những gì bạn phải đối diện sau khi đưa ra quyết định đổi đời của mình. Đừng đặt hết tâm trí vào một hướng duy nhất. Cứ chọn một hướng rồi bơi tới đó. Vùng đất bạn tìm thấy sẽ là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của bạn, nhưng nếu bạn thấy không thích ở lại đấy thì, tùm, nhảy xuống nước và thử lại thôi.
Lời khuyên của tôi á? Thả lòng. Thở một hơi nào. Rồi chuyện gì đến sẽ đến thôi. Nếu có một bài học ở đây thì nó chính là nếu tôi có thể, bạn cũng thế. Một ý chí làm việc chăm chỉ và một sự lạc quan vô độ là tất cả những gì tôi có, và cũng là tất cả những gì bạn cần. Đẩy. Và đẩy. Nếu mà bạn thấy nó chẳng xi nhê chút nào, thì đẩy lần nữa đi. Hãy nói: Đúng thế! Gây cảm hứng, và được gây cảm hứng. Tin vào người khác, và trở thành người đáng tin. Hãy. Cứ. Giả. Vờ. Cho. Đến. Khi. Làm. Được. Và bạn sẽ làm được. Trên tất cả, hãy hạnh phúc, và lạc quan. Chắc chắn với bạn là mọi chuyện nhất định sẽ như ý.
 
Tác giả: Alex Whitcomb
Người dịch : Sunflowering