*Bài viết này được viết theo lối Creative Writing mà mình thử tập thời gian gần đây, vào một buổi sáng, thức dậy với những ý tưởng trong đầu và bắt đầu di chuyển chiếc bút trên trang giấy. Nếu ưa thích chúng, bạn có thể xem nhiều hơn tại: 
Có 1 con đường hắn gọi là “thu phong bộ”, một con đường nhỏ với ngã rẽ khúc khuỷu lẩn khuất trong khu rừng vàng. Khi đi trên con đường này, thi thoảng bạn sẽ thấy 1 vài chú nai nhỏ, ngơ ngác đứng giữa mảnh đất cũng không lớn lắm, cạnh chiếc hồ giữa rừng; đang ngắm nhìn hình ảnh phản chiếu của mình trên mặt nước. Những tiếng động nhỏ sẽ làm chú nai nhận biết nhanh lắm, ngoái cái cổ với bộ lông óng mượt mà, sẽ là khoảnh khắc bạn đắm chìm trong những tinh thể sắc màu, long lanh đến dạt dào của nước, vàng trải khắp đồng bằng của nắng, trên trền nâu tơi bời của các đồng ruộng mới bừa. Bạn cũng sẽ cảm thấy niềm ướt át ở đâu đó đổ về như một sự mơn trớn nhẹ nhàng vào khuôn mặt bạn, lướt xuống chiếc cổ và vuốt ve đôi bàn tay. Một sự trêu đùa nhẹ nhàng như cố ý nhưng thật ra nếu nhìn sâu vào điểm cuối cùng, bạn sẽ không khỏi nhận thấy và bàng hoàng với sự hồn nhiên hết đỗi, một chút ngơ ngác vốn đã như vậy bạn thấy được qua hình ảnh phản chiếu của bản thân mình. Với cách nghiêng đầu, chìm trong tĩnh lặng, là bạn và chú nai, để bộ tai nhỏ rung rinh nhạy bén.
Tôi gọi đấy là “giây phút thần bí khi nhìn vào đôi mắt NAI”.
Ngẫm lại thì, việc gặp vài cô hay cậu nai trên con đường khúc khuỷu này không phải chuyện không thể xảy ra. Con đường này tôi không biết mình đang đi về đâu, tôi mượn 1 hình ảnh người khác_ tức “hắn” với hi vọng mình diễn tả những điều cảm nhận khách quan hơn chăng, nhưng cuối cùng lại không thành. Trong lúc chìm đắm vào việc miêu tả giây phút gặp gỡ ấy, tôi lẫn lộn và đi ra vỏ bọc của mình tự lúc nào. Những sự cố gắng giấu diếm, sự cố gắng mong đợi để khơi gợi cho độc giả, cố gắng vượt lên chính mình lại đều thất bại. Để tiếp câu chuyện này, hãy cười một cái về bộ óc lẩn thẩn của tôi...
- Mình không thể đứng mãi ở đây, trên mặt đất nhỏ ven hồ này.
Tôi nhủ thầm. Dù rằng rất muốn ở lại thêm chút nữa, để nắm bắt những gì còn sót lại qua cảm giác vô hình mà đôi bàn tay dường như chạm tới, tôi vẫn phải bước chân đi tiếp. Tôi biết thế. Và chú nai đã đi về được 1 lúc rồi.
Hít một hơi căng tràn lồng ngực, chiếc bụng kêu “ọt ọt” nhẹ khi dòng khí mát lành trôi từ từ xuống bụng. Một vài cây nấm trên đường về ắt hẳn sẽ ngon miệng, một nguyên liệu độc nhất chỉ có cánh rừng này mới có và quan trọng trong bữa sắp tới. Ngoái đầu sang bên phải theo cách chú nai non, những tán cây vàng óng tẽ cánh mời gọi hành khất bước tiếp. Giòn tan, rột roạt âm thanh dưới chân. Lại thêm một giờ nữa. Quãng đường ẩm ướt và nhão nhoét cũng được đi qua...
Đến nơi, sững trước mặt là một cây cao lớn, dường kích cỡ phải một vòng tay rưỡi người ôm. Lá vàng rơi khe khẽ xuống mặt khi tôi ngẩng đầu lên nhìn. Bầu trời xanh xám được khuất sau những mảng màu vàng đỏ lẫn lộn tầng tầng lớp lớp từ cao xuống thấp, trên mặt gỗ sần những đốt như vỏ ốc sên, chạy dài xuống tận rễ. Như những con ốc sên chạy đua với nhau, về cội nguồn, hoặc cao hơn nữa, tôi nghĩ vậy. Thọc tay vào túi áo, những ngón tay tôi lần mò một vật dụng dài, bản nhỏ, dai dai được cuốn thành cuộn tròn cỡ khoảng 15 cm với đường kính. Tôi gỡ chúng ra từng chút một và bắt đầu buộc vào 1 vị trí lưng chừng của thân cây. Được hơn 1 vòng chút, chiếc cây lần này cao lớn, được lựa lại sau 1 lần chọn quá nhỏ nên chỉ với một cơn bão tầm trung gần đây đã khiến cây đổ rập và gãy quỵ. Ngắm chiếc dây được buộc vào chắc chắn, tôi ước tính: đến khi nào thì chiếc dây sẽ được cao hơn một chút?
- Chắc còn lâu lắm.
Tôi cười thầm. Nào, hãy làm cột mốc để ta chạy đua với thời gian nhé! Tôi đưa bàn tay khẽ chạm vào lớp vỏ nhôn nhổn những hạt “ốc”, sâu trong vỏ là một sự tĩnh lặng đến tận cùng; chỉ có tiếng lá rơi, tiếng chim chóc và tiếng thở vang trong không khí. Cây chuẩn bị ngủ đông trong giai đoạn sắp tới rồi, nhưng dòng nhựa sống vẫn trực trào bất diệt dưới lớp vỏ cứng sần sùi này. Ở cánh rừng này đã bao năm, chắc hẳn chứng kiến đủ bao lớp người và sinh thế, trải qua đủ mưa bão, nắng gió và giá rét.
Chào tạm biệt và quay trở lại đường cũ.
Một màu vàng rực đã hạ nhiệt do trời bắt đầu sẩm tối, tôi bước chân nhanh hơn, khu rừng này còn quá nhiều thứ để khám phá mà tôi chưa biết hết. Tôi đã bảo với các bạn rồi mà. Tôi không biết mình đang đi đâu và cái đích là gì. Nhưng những đoạn tôi đánh dấu trên cây thì vẫn còn đó, một cách cổ điển, không dùng định vị mà dùng những đoạn dây tự mình trải nghiệm. Ở phía trước, tôi vừa nhìn thấy một cái cây tôi đã đánh dấu cách 1 tuần. Khi ấy trời vô cùng nắng chứ không lạnh thế này, tôi đã gặp một đàn bướm rủ nhau bay lượn, những màu sắc đỏ vàng, rồi đen, tím cứ tuần tự bay theo những vòng cung tự tình trong không trung. Và kìa, lại một đoạn dây trên cái cây nữa, lần đó tôi đã thấy một đàn chim nhỏ được mẹ mớm cho ăn, những tiếng chiêm chiếp bé nhỏ thi nhau kêu đòi mẹ chú ý. Những bước chân trở nên gấp gáp hơn. Tôi cua qua những đoạn đường khúc khuỷu, tí nữa thì sảy chân mà ngã bổ nhào. Các bạn hãy thật cẩn thận đi rừng sau những ngày trời vừa mưa xong như thế này, lựa những đôi giày thật tốt và nếu không cần thiết thì đừng đi sâu quá với sự chủ quan cùng hăng hái. Dĩ nhiên, sự tích cực là một điều tốt nhưng để ý những việc nhỏ cũng không phải là thừa. Vì các bạn có thể lạc đấy! Khu rừng này cũng giống như tâm trí của bạn. Để lạc trong đó không có phương hướng khác với việc mình làm chủ từng bước đi mà không mong đợi đích đến. Hãy chậm rãi và cảm nhận với tất cả các giác quan của mình. À đúng rồi, và đừng quên nấm. Đấy là tôi nhắc nhở bản thân mình như thế! Tôi phải hái nấm.
Photo by Kadri Vosumae on Pexels.com
Mùa này lá phong rơi nhiều quá!
Tôi kêu lớn, không giống như năm ngoái, không có chiếc lá phong nào. Mà há có phải vậy không nhỉ? Khi năm ngoái bạo bệnh liên miên, tôi quanh quẩn với những suy nghĩ mình không làm được tích sự gì, những trở ngại rắc rối trong cuộc sống ập tới như cuồng phong vũ bão. Tôi như một cái cây con, oằn mình trước từng đợt gió thổi, mưa sa cắt vào thịt và hàng ngày không thấy bình minh. Điều gì đến cũng phải đến, từng chiếc lá rụng, cành cây gẫy rộp và ngã kèo thân hình mỏng manh trên mặt đất. Một mình, tôi luôn cảm thấy cô độc cận kề; nó tê tái như sự lạnh buốt đến cứng ngắc của hòn băng vĩnh cửu. Tôi không cảm nhận thấy điều gì có thể làm mình ấm lên được. Khi bạo bệnh chưa khỏi, với chứng khó khăn tâm lý lâu năm, những tổn thương về mặt tinh thần được làm dày lên, tự tôi tạo nên cho mình, từ những sự vô tình không tránh khỏi của hoàn cảnh với người khác. Khi thân cây không chỉ sần sùi bởi những hạt ốc, mà còn có những vết cắt nham nhở trên cành, không phải từ người kiếm củi, mà những vết thương trong lòng được lộ diện ra ngoài. Tôi không còn khả năng cảm thấy chính mình nữa, hành xử như những gì theo thói quen, tôi loanh quanh trong những vòng tròn lặp lại: nghi ngờ, tin tưởng, thất vọng và cảm thấy tồi tệ. Cả năm đó, tôi đã không thể bước ra ngoài “ngôi nhà” được cho là sự rộng rãi của vùng đất an toàn xưa cũ, “mắt nai” thế nào tôi cũng không có cơ hội nhận biết.
Ngay trong lúc mơ hồ và chuẩn bị cam chịu những sự thật hiển nhiên thì một chuyện tình cờ xảy đến, tôi được chuyển tới đây, một thành phố đẹp mơ màng mà tĩnh lặng này. Vừa đủ sự huyên náo cho những tiện nghi thuận lợi, vừa đủ sự yên ả cho những ngày lười nhác. Trú trong ngôi nhà gỗ nhỏ, cách khu rừng khoảng 2 dặm, chính không khí nơi đây đã giúp tôi thuyên giảm tình trạng đi nhiều, tôi lại có động lực cuốc bộ mỗi chiều hoặc sáng. Gặp vẻ đẹp của lá phong rơi lần đầu tiên trong năm mà cảm thấy chúng nhiều quá, huyền ảo quá! Cùng đôi mắt nai bất chợt gặp gỡ ấy như khiến tôi chìm trong niềm vỗ về của tự nhiên. Một cái ôm nhỏ cho tâm hồn của kẻ hành khách trên con đường vắng. Và mỗi ngày, tôi đặt ra 1 mục tiêu nhỏ, 1 chút khám phá thêm ngôi rừng cạnh nhà. Tôi cảm thấy mình hoàn toàn tự nhiên với chính mình khi ở đây.
Đi vào rừng mà cứ ngỡ đi sâu trong mình. Không còn đánh giá, không còn tổn hại và không còn buồn đau.
Nhặt vài cây nấm ven đường rừng, nấm này phải lựa kĩ và được thực chứng bởi người dân quanh vùng là ăn được; lúc nhặt nấm, tôi nhìn thấy chiếc cây được đánh dấu bởi những ngày đầu, khi chưa có kinh nghiệm, cành lá tôi chọn quá nhỏ và sau đấy bị dập mất. Đến bây giờ, mọi chuyện đã thay đổi, một con người mới, với những kiến thức mới và những cái cây đánh dấu mới. Tôi thầm cám ơn những trải nghiệm hiện giờ mình đang có. Càng ngày, sức khỏe tốt dần lên, dù trận mưa lạnh đôi khi ở đây có thể khiến da tôi co rúm và hệ hô hấp hặm hè. Nhưng không có gì phải lo lắng cả, tôi đã mạnh mẽ hơn, học cách điều chỉnh cơ thể mình hơn. Và trên tất cả, tôi không cảm thấy cô độc nữa. Tôi ước ao đến một ngày đi xuyên qua con rừng, cuốc hết “thu phong bộ”, khám phá cả một chân trời mới; đi đến điểm tận cùng là để tìm thấy chính mình, để quay trở lại con người tuần hoàn mà càng gần hơn nữa. Những điều đó ngày càng rõ ràng hơn, bước đi càng ngày càng rắn rỏi, càng ngày càng xa điểm ban đầu mà càng ngày lại càng gần gũi.
Giờ, tôi sẽ về nhà, nấu món súp nấm từ số nấm này trên bếp củi ngon lành cho bữa ăn tối cùng với người yêu thương. Có một người đang chia sẻ với tôi trong một mái nhà; cô ấy rất thích súp nấm và dĩ nhiên rằng tôi cũng thế. Chúng tôi luôn hào hứng với nhau để kể những điều nhỏ bé khi những cuối tuần bình yên đến. Vẻ mặt đầy hứng khởi của cô mỗi lần ngó đôi bàn tay tôi và thấy những cây nấm lấp ló trong đôi tay là một điều hạnh phúc giản dị. Cô trông ngóng những bát súp thơm lừng và mỗi khi đưa từng thìa một lên miệng thưởng thức, cô nhắm mắt lại cảm nhận. Khi cô mở mắt ra, bạn biết không, một hình ảnh tuyệt đẹp trước mặt, một đôi mắt nai trước mặt tôi, mang sự ấm áp của nắng vàng trong những ngày đông giá rét.
Chính đôi mắt nai ấy là sự tình cờ hồn nhiên rất đỗi đã đến với cuộc đời tôi và đưa tôi những chiếc lá phong đầu tiên để dẫn tới khu rừng này. Để tôi có thể đặt tên cho lãnh thổ mới đầy bí ẩn mà hiện giờ tôi khám phá. Và để sau đó, tôi được mở rộng ra và thấy lại được những đôi mắt nai khác 1 lần nữa.
Ai chà! Lá phong mùa này rơi nhiều quá!
_Tôi chẹp miệng với niềm hân hoan_