Một trong những điều mình nhớ nhất về La La Land – bộ phim nổi bật của năm 2016, là bài phát biểu của các nhà sản xuất âm nhạc cho phim khi họ nhận được giải thưởng Bài hát hay nhất (Best original song) cho City of stars.
“Giải thưởng này được dành cho những đứa trẻ đã hát trong mưa, và cho cả người mẹ đã cho phép chúng làm vậy.”
Một thành viên trong nhóm sản xuất đã nói vậy. Khi xem lễ trao giải Oscar 2016, mình chưa xem La La Land, nhưng câu nói trong xúc động vừa rồi đã khiến mình nghĩ về bộ phim như một tác phẩm đầy mộng mơ và chứa đựng những khát khao đẹp đẽ của ekip sáng tạo ra nó. Điện ảnh vốn là hiện thân giấc mơ của con người. La La Land là câu chuyện về những giấc mơ trong thành phố thiên thần, nơi có những con người dù bị đời hất văng ra khỏi ngưỡng cửa của đam mê vẫn miệt mài theo đuổi thứ ánh sáng mê hoặc ẩn hiện phía bên kia mộng tưởng.
Mia và Sebastian (gọi tắt là Seb) là hai trong vô số con người như vậy. Một cô gái mong muốn thành diễn viên và một chàng trai nung nấu ý tưởng mở quán nhạc jazz để lưu giữ lại thứ âm nhạc đẹp đẽ phóng khoáng đang dần biến mất. Họ tìm thấy nhau giữa thành phố Los Angeles hoa lệ, sôi động, đầy sắc màu, kể cho nhau về giấc mơ của từng người, hào hứng ủng hộ hết sức hết lòng cho tài năng của người kia. Họ yêu nhau, và yêu cả ước mơ của nhau, còn gì tuyệt vời hơn? 
Seb không nói với Mia rằng “Anh yêu em nhưng anh không yêu nghề nghiệp của em”, Mia không làm Seb hoang mang với mớ giáo huấn “Bây giờ anh nên tìm một công việc ổn định vì ý tưởng về quán nhạc jazz thật điên rồ và vớ vẩn”. Thay vào đó, vào một bữa tối trong không gian riêng của hai người, cô thành thực hỏi Sebastian rằng anh có thích thứ nhạc mà anh đang chơi, và anh nên theo đuổi đam mê của mình chứ không phải lao đầu vào kiếm tiền và cố gắng theo đuổi thị hiếu của công chúng. 
Seb cũng không để Mia vuột mất cơ hội casting quý giá, khi trong lúc giận nhau anh vẫn lao xe đến trước cửa nhà cô, bấm còi inh ỏi đến mức bị hàng xóm ném đồ vào người, thông báo với cô rằng đạo diễn casting cho một bộ phim đã gọi vào chiếc điện thoại cô để lại chỗ anh, nhờ anh nhắn với cô. Trước những lời lẽ của Mia, đầy bi quan và không còn chút tự tin nào vào khả năng của bản thân, Seb đã hét lên rất to “WHAT???” và “NO!!!” bởi anh không tin rằng Mia là một diễn viên dở tệ, rằng ước mơ của cô chỉ là “pipe dreams” (giấc mơ hão huyền”).
Mình luôn bị cuốn hút bởi các câu chuyện liên quan đến hành trình theo đuổi giấc mơ, cả ở trong phim lẫn ngoài đời thực, bởi ở đó con người dù có lúc yếu đuối, mất niềm tin, vẫn rất đẹp khi có một giấc mơ để ôm ấp trong lòng, giúp họ níu giữ hy vọng, dù một cách mong manh, rằng một ngày nào đó sẽ khác.
“Giấc mơ là chiếc bàn là giúp ủi phẳng nếp nhăn của số phận” (Nguyễn Nhật Ánh)
Trong bộ phim Singstreet (2016, đạo diễn John Carney), hai cô cậu Conor và Raphina đã lên thuyền, tự đi từ Ireland sang London với mong muốn thoát khỏi vùng quê quá đỗi quen thuộc, ngôi trường tù túng với thầy giáo cổ hủ để theo đuổi ước mơ nghệ thuật. Không ai tự tin dự đoán những thiếu niên liều lĩnh ấy sẽ thành công, nhưng hình ảnh họ lao đi giữa mặt biển xám xịt, xung quanh là sóng nước bắn tung vào mặt, vào tóc, dù có chút sợ hãi nhưng vẫn nhìn nhau cười, vẫn khiến mình nhớ mãi về khoảnh khắc can đảm của tuổi trẻ. Mia và Seb rất có thể là phiên bản trưởng thành của Conor và Raphina, hai con người vượt khỏi khuôn mẫu để theo đuổi giấc mơ nơi kinh đô nghệ thuật lộng lẫy. 
Los Angeles, hay L.A, La La Land – thành phố của bầu trời xanh ngắt với những rặng núi và hàng cây cọ, nơi ánh đèn rực sáng khi nhìn từ một phía đồi cao ban đêm có thể làm mềm lòng bất cứ ai, kể cả người đang chật vật tìm kiếm một cơ hội khẳng định mình trong hằng hà sa số các “ngôi sao triển vọng”. Đạo diễn Damien Chazelle đã đưa đến cho người xem một câu chuyện tình giữa bối cảnh L.A đẹp như thơ, nhưng không cho hai nhân vật chính một cái kết hạnh phúc.
Mình đã tự hỏi, tại sao khi Mia cũng bắt đầu có cơ hội khẳng định mình, Seb không ngỏ lời cầu hôn cô, và họ sống bên nhau? Tại sao họ đã bên nhau khi cả hai chưa có thành tựu gì, mà đến khi đạt được ước mơ rồi lại bằng lòng xa nhau không một lời níu giữ? Cái kết của phim hẳn đã khiến nhiều người xem hụt hẫng và đặt hàng loạt câu hỏi. Câu trả lời của mình cho những thắc mắc về quyết định rời xa nhau của cặp đôi Mia-Seb chỉ là:
Họ không nhìn thấy người kia trong tương lai của mình.
Seb hiểu rằng, khi Mia nói “Em sẽ luôn yêu anh”, cũng có nghĩa là, trong tương lai của anh sẽ không có cô, và khi anh trả lời “Anh cũng sẽ luôn yêu em”, Mia cũng ngầm hiểu là từ nay con đường cô đi hẳn sẽ không giao với đường Seb chọn. Họ yêu nhau và mong mỏi người mình yêu được thành công, nhưng họ cũng phải theo đuổi giấc mơ của mình, phải đưa ra 100% những gì mình có nên không còn chỗ cho bất cứ một sự cân nhắc nào về việc ở bên người mình yêu. 
Nếu Mia gặp Seb khi cô đã thành diễn viên nổi tiếng như lúc cuối phim, khi anh đã mở được quán nhạc Jazz ăn khách, biết đâu chuyện tình của họ sẽ đẹp như tưởng tượng của Seb khi anh chơi đàn trước mặt Mia và chồng của cô, trong hiện thực. Một tương lai không có em là cái giá phải trả cho giấc mơ của những kẻ yêu nhau khi đang chênh vênh trong bước đầu tạo dựng sự nghiệp. Giấc mơ luôn đẹp, và thực tế luôn phũ phàng. Đôi khi ta không thể ôm trọn cả lý tưởng và tình yêu cùng một lúc, nên đành chọn thứ quan trọng với mình hơn vào thời điểm ấy. La La Land mộng mơ nhưng cũng chân thật đến đau lòng như thế.
Nhưng ai bảo đó không phải là một tình yêu đẹp, tình yêu của những kẻ khờ - như muôn vàn kẻ khờ đang sống trên Trái đất này, hàng ngày giữ trong lòng những mộng tưởng lớn lao về một ngày nào đó sẽ trở thành một phiên bản khác hơn, bớt tầm thường hơn? Và nếu có những kẻ khờ nào mới tìm thấy nhau trong hành trình đuổi theo thứ ánh sáng của đam mê, dù trong tương lai có hay không hình bóng của người kia, thì hiện tại vẫn luôn là hạnh phúc, và nhiều năm sau cũng thế.