Tháng Tự hào sắp đến. Trong niềm hân hoan rực rỡ sáu sắc cầu vồng, một điệp khúc chói tai quen thuộc lại vang lên. “Là LGBT thì có gì đâu mà tự hào? Cũng là người bình thường thôi mà!”
Câu hỏi này không nhằm tìm kiếm câu trả lời. Đây là một lời thách thức. Nó hàm ý rằng phải “có gì đó” mới được cảm thấy và bày tỏ niềm tự hào.
Với họ, là người đồng tính/song tính/chuyển giới/queer chẳng có gì đáng để tự hào. Điều đó quá bình thường, và chẳng có gì nổi trội so với người khác.
Những người “ném đá hội nghị” này không nhận ra rằng, với cùng kiểu lập luận tương tự, ta có thể đạp đổ mọi niềm tự hào, của bất kỳ ai, từ trước tới nay.
“Tốt nghiệp loại giỏi thì có gì đáng tự hào? Hàng ngàn người khác cũng đạt được mà?”
“Huy chương vàng Seagame thì có gì tự hào? Người ta còn được HCV Olympic kia kìa!”
“8.0 IELTS thì có gì tự hào? Được 10. đi rồi hẵng khoe!”
Nếu đặt điều kiện cho niềm tự hào, theo nghĩa phải là thứ gì đó độc nhất vô nhị, lớn lao và vĩ đại, sẽ chẳng có mấy thành tựu/sự kiện/con người nào đáng để tự hào. Bởi vì lúc nào ta chẳng tìm được điều gì đó tương tự, hay lớn lao và “đáng để tự hào” hơn?
Ngay cả chính niềm tự hào của những người thách thức khả năng cao cũng chẳng có gì đáng tự hào lắm, nếu xét theo lập luận của chính họ.
Phải chăng chúng ta nên loại bỏ tất cả niềm tự hào không đạt chuẩn? Biến tự hào trở thành cảm xúc cho một nhóm tinh hoa có đặc quyền? Hiển nhiên là không.
Vậy thì một lần nữa, là LGBT thì có gì đáng tự hào?
1. Tự hào như một quyền cơ bản
Ngay cả khi chỉ cân nhắc tự hào như một cảm xúc cá nhân, mà tạm thời bỏ qua toàn bộ bề dày lịch sử và ý nghĩa, chúng ta sẽ nhận ra chẳng có lý do gì để ngăn cản cộng đồng LGBTQ+ cảm thấy tự hào.
Pháp luật không cấm, đạo đức không cản, vậy nên họ có quyền tự hào. Đơn giản là vậy.
Nhưng phải “như thế nào” thì mới được tự hào chứ?, bạn sẽ hỏi.
Vậy hãy thử nhớ lại những điều khiến bạn tự hào. Đạt điểm cao trong bài thi cuối kỳ, đặt chân đến vùng đất mới, có được công việc mơ ước, cưới người mình yêu. Liệu tất cả thành tựu này có độc nhất và lớn lao “đến thế” hay không, nếu ta đem so sánh với nhân loại?
Khả năng cao là không. Chúng chẳng có ý nghĩa gì quá to tát. Một bước tiến lớn của cá nhân, nhưng chỉ là cú nhích chân của nhân loại. Điểm 10 bài kiểm tra hóa chẳng góp phần phát triển ngành hóa học quốc gia. Công việc mơ ước của bạn có thể chỉ là lựa chọn bất đắc dĩ của kẻ khác. Vậy tại sao bạn lại tự hào?
Bởi vì tôi đã nỗ lực rất nhiều để đạt được điều đó, bạn trả lời.
Vậy tại sao ta có niềm tự hào về quê hương, đất nước, đồng bào? Tại sao bạn tự hào khi làm con của bố mẹ bạn? Chẳng phải việc bạn sinh ra ở đâu, bởi ai, đều là ngẫu nhiên, và nằm ngoài tầm kiểm soát đó hay sao? Tại sao bạn vẫn tự hào?
Bởi vì bạn có quyền làm thế. Bởi vì bạn muốn làm thế. Bởi vì bạn hạnh phúc khi làm thế.
Tương tự, một cá nhân cũng có thể cảm thấy tự hào về danh tính của bản thân. Họ tự hào là người đồng tính/song tính/chuyển giới/queer, bởi vì họ có quyền làm thế, họ muốn làm thế và họ thấy vui khi làm thế. Vậy nên họ tự hào.
Tất nhiên, niềm tự hào của cộng đồng LGBTQ+ không dừng lại ở cảm xúc cá nhân đơn thuần. Tháng Tự hào có một bề dày lịch sử và nhiều tầng ý nghĩa ở phía sau. Điều này dẫn chúng ta đến những lý do tiếp theo.
2. Tự hào như biểu hiện của tình yêu bản thân
“Không ai cấm tự hào, nhưng sao cứ phải tô vẽ, thể hiện trước đám đông làm gì? Sao không sống như bình thường đi?”
Tôi từng thắc mắc điều tương tự. Cho đến khi tôi nhận ra trạng thái “bình thường” của mình rất khác so với cộng đồng LGBTQ+.
Là người dị tính hợp giới, tôi ngẫu nhiên thuộc về đa số nắm quyền lực. Đó là những người chưa bao giờ cảm thấy hoang mang khi nhận ra bản thân quá khác biệt, chưa từng hứng chịu ánh mắt dò xét và lời lẽ khinh miệt, chưa từng bị trêu chọc, bắt nạt và cô lập khi cố gắng “sống thật với chính mình”.
Giới và xu hướng tính dục của tôi nghiễm nhiên được xã hội chấp nhận và coi là chuẩn mực "bình thường". Trạng thái "bình thường" nhiều người sở hữu mà không tốn một giọt mồ hôi, lại là thứ mà nhiều người khác phải đấu tranh để có được.
Cộng đồng LGBTQ+ đã và đang sống ở một trạng thái “bình thường” rất khác. Họ từng phải sống trong một thế giới coi họ như những sinh vật lạ. Họ bị coi là một tội lỗi cần trừng phạt, một căn bệnh cần cứu chữa, một tác nhân đe dọa đến sự sống của loài người, một vấn đề cần phải giải quyết.
Để được sống “bình thường” như những người khác, họ phải bền bỉ lên tiếng, đấu tranh. Vậy thì khi họ giành được sự công bằng và công nhận, khi họ được sống cuộc đời tự do là chính mình, họ có quyền và cũng nên cảm thấy tự hào.
Họ tự hào vì đã dám thách thức những bất công và định kiến. Họ tự hào vì đã nỗ lực để được sống là chính mình. Đó là niềm tự hào của những người đã dám chấp nhận và yêu lấy bản thân, trong một thế giới không phải lúc nào cũng đối xử tốt với họ.
3. Tháng Tự hào như một biểu tượng cho sự đấu tranh
Quán bar Stonewall những đêm hè năm 1969, nơi những thanh niên đồng tính, chuyển giới quyết định phản kháng cuộc tấn công của cảnh sát. Chính sự kiện ấy đã tạo ra một bước ngoặt cho phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng. Chỉ 1 năm sau, ngày 28/06/1970, cuộc Diễu hành Tự hào (Pride Parade) đầu tiên được tổ chức, thắp lên ngọn lửa tự hào của cộng đồng, rực cháy khắp thế giới cho đến tận ngày hôm nay.
Tháng Tự hào là một lời nhắc nhở về cuộc đấu tranh cho bình đẳng và công lý của toàn thể cộng đồng LGBTQ+. Cùng với nhau, họ tôn vinh những thành tựu của thế hệ trước, đồng thời khẳng định niềm tin trong hiện tại và tương lai.
Các sự kiện trong Tháng Tự hào không chỉ nhằm mục đích kỷ niệm, mà còn được kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng. Niềm tự hào ấy thách thức những bất công, khẳng định sự hiện diện và thúc đẩy sự chấp nhận của toàn xã hội.
Niềm tự hào khi ấy đã vượt ra khỏi cảm xúc cá nhân, trở thành một lời khẳng định danh tính, một minh chứng lịch sự và một biểu tượng của sự đoàn kết và khát khao bình đẳng.
Proofread: Khong Linh
Artwork: Leonardo AI
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất