LÝ TƯỞNG CỦA THANH NIÊN VIỆT NAM (NGUYỄN AN NINH, 15/10/1923)
Bài diễn thuyết của Nguyễn An Ninh bằng tiếng Pháp buổi tối ngày 15/10/1923 tại hội trường Hội Khuyến học Nam kỳ Thưa quý vị, Chính...
Bài diễn thuyết của Nguyễn An Ninh bằng tiếng Pháp buổi tối ngày 15/10/1923 tại hội trường Hội Khuyến học Nam kỳ
Thưa quý vị,
Chính tại đây năm ngoái, tôi đã làm một buổi thuyết trình ngắn về sự cần thiết phải có một nền văn hóa cho người Việt Nam. Bài thuyết trình ấy đã bị hiểu rất sai, hay đúng hơn là chẳng được hiểu gì cả.
Chiếu sự suy đồi của nền văn hóa Trung Hoa trên đất nước ta, chiếu sự dốt nát khiến thế hệ hiện nay bị sa lầy, sự không thấu hiểu ấy không làm tôi ngạc nhiên.
Tôi vừa nói là “Chiếu sự suy đồi của nền văn hóa Trung Hoa”. Tôi xin giải thích rõ hơn ý đó và đồng thời cũng sẽ giải thích vì sao tôi đã không được thiên hạ hiểu. Tôi nói rằng: ”Chiếu sự suy đồi của nền văn hóa Trung Hoa trên đất nước ta”, nói thế thì tựa hồ như ở nước ta đã từng có một thời đại thăng hoa của nền văn hóa Trung Hoa. Nhưng thực ra, tôi tự hỏi nền văn hóa Trung Hoa đã từng thích nghi được ở Việt Nam hay không. Hai từ “văn hóa” tự nó bao hàm một ý niệm về sự quảng bác, một ý niệm về cái tột đỉnh mà ta đã đạt đến được bởi sự thụ hưởng những chân trời rộng rãi - Nhiều biết bao, tên tuổi của những kẻ mà tác phẩm của họ góp phần vào sự giáo dục cho trí tuệ người Trung Hoa. Ấy thế nhưng khi nghe họ đàm đạo thì theo tôi, hình như các nhà nho hiện đại của ta không biết đến bất kì cái tên nào khác ngoài Khổng Tử. Đối với những đầu óc học thức, “Khổng Phu Tử” chiếm một vị trí không thể chối cãi, một vị trí đáng tôn kính trong kí ức và trong lòng tri ân của giới thanh niên. Nhưng các tâm hồn cao thượng chưa bao giờ chọn lựa một cách không do dự nhà đạo đức của quần chúng, vị triết gia của quần chúng ấy làm người hướng đạo cho những khát vọng về trí tuệ và tinh thần của họ. Trang Tử đã lắm lúc lên tiếng phản đối cái luân lí hẹp hòi và những tư tưởng kì quặc của Khổng Tử. Các tác phẩm của ông là cả một chiến dịch chống lại vị triết gia Trung Hoa lừng lẫy ấy. Những lời đả kích khéo léo của ông ta lắm lúc đã buộc các môn hạ của Khổng Tử phải mỉm những nụ cười làm lung lay uy thế và sự trang nghiêm của vị đại triết gia.
Chúng ta công nhận Khổng Tử đã góp phần vĩ đại đem lại cho quần chúng một nền trật tự từ đó đưa đến cộc sống yên ổn, đã mang lại cho họ không ít những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi. Nhưng xuất phát từ đó mà tuyên xưng lý tưởng của Khổng Tử như là tột điểm tinh thần của trí tuệ loài người thì đó lại là một bước mà chúng tôi không bao giờ dám quyết định bước tới. Khổng giáo hãy cứ giữ nguyên vai trò của nó thì rồi chúng tôi sẽ nín lặng để không gây trở ngại cho sứ mạng và sự bành trướng của nó. Nhưng cũng chưa hẳn! Vào thời đại đấu tranh này, tự mãn với những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi mang tính chất điền viên và gia đạo ấy là dọn sẵn một mảnh đất mà trên đó bạo lực và sức mạnh dễ dàng an vị làm chủ nhân. Dĩ nhiên, những tư tưởng của Khổng Tử, nếu được hiểu tường tận, sẽ nâng con người lên đến một nhân sinh quan rộng rãi và bao dung. Mấu chốt của học thuyết Khổng Tử nằm ngay chính nơi bản thân con người, nằm trong sự tự hoàn thiện lấy mình. Cái đòi hỏi tiên quyết của nó “Hãy tìm hiểu tường tận nguyên nhân và căn cơ của các hành động con người” đồng hóa công lý với sự thấu hiểu hành vi con người.
Hãy hiểu trước khi phán xét. Hãy thấu đáo trước khi phán xét. Nhưng thử hỏi ai là người có thể phán xét và lên án những hành vi mà mình đã nắm vững được căn cơ. Lòng khoan thứ, sự bao dung, tính rộng lượng, đều là hậu quả đương nhiên của nguyên lý ấy. Kẻ nào ít nghiêm khác với kẻ khác hơn chính mình ắt sẽ đòi hỏi nơi mình mà thôi. Sự trung thành, nghĩa là cái sức mạnh giúp cho kẻ ấy tôn trọng lời đã hứa, là một hậu quả khác của cái nguyên lý lớn lao làm nền tảng cho học thuyết Khổng Tử.
Bao dung – Trung thành (Trung dung) là hai điểm then chốt nơi con người đạo đức theo kiểu Khổng Tử.
Nhưng với thời gian, Khổng giáo ở Trung Quốc đã được biến thành mặt hàng xuất khẩu. Chính để chống lại những tác hại của cái mặt hàng xuất khẩu ấy trong tầng lớp tinh hoa ở Việt Nam, của cái văn hóa giả tạo gây nên thái độ “kiêu căng thô lậu” quá phổ biến nơi các bậc lão nho của ta, chính để chống lại sự hạ thấp trình độ trí thức do cái mặt hàng xuất khẩu Khổng giáo ấy gây nên mà hôm nay tôi xin mạn phép nói sơ qua. Tôi bảo là nói sơ qua thôi, bởi vì để nêu cho quý vị thấy cái vị trí cần phải dành cho Khổng Tử trong hàng ngũ các bậc Thầy của tư tưởng loài người thì tôi phải cần đến nhiều pho sách.
Tôi mong sao ơn trên và vận mệnh ban cho tôi đủ thời gian để giúp cho ra đời những tác phẩm khả dĩ hữu dụng cho quý vị trong việc tìm hiểu tinh thần Viễn Đông và tinh thần phương Tây. Tối này, tôi chỉ có thể vạch cho quý vị thấy cái vị trí mà Khổng Tử phải chiếm giữ trong tư tưởng của những ai muốn tự nâng mình lên đến một trình độ trình độ tinh thần nào đó, bởi vì chính bản thân Khổng Tử thuở sinh thời cũng chưa từng bao giờ dám xem cái lý tưởng của mình như khát vọng cao siêu nhất của trí tuệ loài người.
Chính ông đã từng đến nghiêng mình trước Lão Tử mà ông gọi bằng Thầy và như thế có nghĩa rằng ông công nhận sự ưu việt của ông này mặc dù giữa hai học thuyết có sự khác biệt. Khi nói về Lão Tử, so sánh ông với một con Rồng, Khổng Tử bảo:”Ta biết chim thì bay, cá thì lội, nhưng quyền lực của Rồng thì ta đây vô phương đo lường”.
Và khả năng chính Lão Tử đã từng kề tai nói nhỏ với Khổng Tử rằng:”Học thuyết của ông tự hồ như một con ruồi vo ve trong vò”.
Chuyện này được kể nhằm chứng tỏ cho quý vị thấy sự tuyên xưng lý tưởng của Khổng Tử tại nước ta như là lý tưởng thanh cao nhất, cao trọng nhất của loài người nên phải được hiểu thế nào khi mà chính Khổng Tử cũng đã công nhận sự ưu việt của một kẻ khác trên mình. Đó phải chăng là dấu hiệu tỏ tường của sự hèn kém của nòi giống ta, là biểu thị của sự bất lực nơi những đầu óc cao siêu ở đất nước ta? Thật vậy, thử hỏi mấy ai là người có khả năng đọc sách Lão Tử? Những kẻ táo bạo nhất đã hao công tổn sức làm việc ấy và thậm trí đã dựng lên cả tòa tháp chây lười để rồi từ trên đỉnh tháp ấy nhiều kẻ bất tài đã không ngại ngùng tung ra hai chữ “tà thuật” để làm nản lòng những ai muốn thử tìm hiểu Lão Tử.
Nhưng điều ấy vẫn còn chưa có thể gọi là tác hại. Sau đây mới là mối nguy cơ mà mặt hành xuất khẩu Khổng giáo đã mang đến cho Việt Nam. Được nhào nặn bởi những tư tưởng Khổng Tử, các bậc túc nho của ta, giả sử có làm được thế chăng nữa, thì cũng khó mà tự lột xác mình đặt vào vị trí của những tác giả họ đang nghiền ngẫm, hoặc nếu được thì chắc chắc không phải ở mọi trường hợp. Các nhà nho của ta Khổng hóa tất cả những gì họ động đến và bằng cách ấy, họ thường thay đổi cho phù hợp với những tư tưởng hẹp hòi của mình cái nơi nương tựa độc nhất vô song của những đầu óc cao siêu. Và sau đây là một ví dụ. Chuyện nói về Trang Tử, môn đệ lẫy lừng của Lão tử. Chắc chắn quý vị đều biết đến câu truyện truyền tụng rất phổ biến về giấc mơ của Trang Tử, thấy mình hóa bướm, và câu chuyện xảy đến cho vợ ông ta. Này nhé, nếu trong đám tang của vợ mình, Trang Tử lại gảy đàn, đó không phải là để tìm an ủi trong một biến cố đớn đau hay để dùng âm nhạc nói lên cái tối độc của phụ nhân muôn thuở. Bởi lẽ cái tinh túy của mọi sự mỉa mai địch thực được tạo thành từ nỗi đơn đau, và một sự mỉa mai được đẩy đến mức độ ấy ắt phải nằm trong số những điều mỉa mai đau đớn nhất.
Nếu đấy quả đúng là tâm tình của Trang Tử thì chắc chắn là những tư tưởng của thầy Lão Tử thanh thản đã không mang đến lợi ích gì nhiều cho môn đệ của ông ta. Sự giải thích chính xác có lẽ là sự giải thích được đưa ra trong chính các tác phẩm của Trang Tử. Để đáp lại những lời trách móc mà bạn ông ta là Huệ Tử đã thốt lên: ”Anh đã từng sống với chị ấy, nhưng khi chị ấy qua đời, anh lại không khóc lóc, điều ấy đã nói lên rất nhiều rồi thế nhưng anh lại còn khẩy đàn nữa thì tôi cho là thật thái quá”, Trang Tử đáp như sau:”Không phải thế đâu. Khi vợ tôi mất, nỗi u sầu cũng xâm chiếm lòng tôi. Nhưng rồi tôi chợt nghĩ ngay đến những gì có trước lúc khai thiên lập địa, thuở mà chưa có Sinh, cũng chẳng có Hình. Tôi nghĩ đến sự đột biến vô phương hiểu nổi đã thình lình biến Vô khí thành Hữu khí và tượng nên Hình, rồi nên Sinh để cuối cùng lại đưa về với cái Tử, và bởi đó cống hiến một hình ảnh tương tự như các mùa nối tiếp nhau để hiện rồi ẩn trong một sự tuần hoàn vĩnh cửu. Giờ đây, khi mà vợ tôi đã an nhàn quay trở về nhà mình, trở về cội nguồn nguyên thủy của mình thì khóc than nàng phải chăng là chứng tỏ sự không am tường những quy luật của vũ trụ?”
Đối với một ai đó đã nắm vững được triết lý Ấn Độ và tư tưởng Lão Tử, thì lối giải thích này có vẻ phù hợp nhất, có vẻ đích thực, bởi vì lối giải thích kia quá thiên về nhân tính và mang màu sắc Khổng Tử hơn. Khi thú nhận rằng lúc ban sơ, nỗi ưu sầu đã có xâm chiếm lòng mình thì như thế là chính ông ra đã tự thúc nhận mình đã không noi sát được tư tưởng của Thầy mình. Nhưng thôi, ta không nên đào sâu quá vì thời giờ eo hẹp và cũng phải tránh gây nhàm chán cho cử tọa. Nếu tôi có hơi dông dài về Khổng giáo, đó cũng chỉ là vì, qua một trong hằng ngàn ví dụ, tôi muốn nêu cho quý vị thấy những hiểu biết của ta liên quan đến Trung Quốc còn duy trì ở ta một khoảng cách xa biết bao nhiêu đối với nền văn hóa Trung Hoa đích thực. Nhận định ấy nói lên cho quý vị lý do vì sao tôi không dễ dàng được các nhà nho hiểu thấu. Chỉ những đầu óc đã thấm nhuần nền văn hóa Trung Hoa đích thực mới khả dĩ tiếp thu mọi cách tư duy của con người. Còn về nguyên nhân vì sao đối tượng không thể được thấu hiểu bởi những đầu óc do nước Pháp nhào nặn thì nó đơn giản lắm. Cho đến nay, không một người Việt Nam nào đã có thể năm vững ý nghĩa của nền văn hóa Pháp. Và như tôi đã từng nói trong bải thuyết trình lần trước: “Không phải chính tại Đông Dương mà giới thành niên Việt Nam, chỉ được đào tạo nhằm phục vụ guồng máy hành chánh, có thể có được một ý niệm cho dù mơ hồ về nền văn hóa Pháp, cho dù được ưu đãi bởi sự kế thừa truyền thống gia đình hay bởi hoàn cảnh thuận lợi, không mấy ai trong chúng tôi đủ khả năng để nỗ lực vươn lên ngang tầm với một đầu óc uyên bác ở châu Âu. Và vào giờ phút này, trong thời kì hiện nay, mọi đầu óc Á Đông phải được nuôi dưỡng bằng hai nền văn hóa, một nền văn hóa Tây phương và một nền văn hóa Đông phương. Tôi đã nói đến cái “Phản xạ”, đến sự tổng hợp, đến sự hai lần chiến thắng, nhưng chẳng ai nắm được ý nghĩ của tôi. Có thể vì những lời tôi nói còn quá không hợp thì hợp lúc và cũng lắm chỉ có thể mang giá trị tiên tri? Tối hôm ấy, thiên hạ đã vỗ tay hoan nghênh đoạn thuyết trình trong đó tôi công kích chủ nghĩa công chức. Cử tọa vỗ tay hoan nghênh tôi, nhưng đồng thời đã tự hoan nghênh lấy mình – Họ hoan nghênh niềm tự hào của chính họ khi không tham gia vào guồng máy công chức. Nếu tôi đã lớn tiếng như thế để chỉ trích mối nguy hại đang đầu độc những nghị lực nhiệt thành nhất của nòi giống ta, chính là để ủng hộ cho những kẻ khát khao đạt đến một trình độ trí thức nào đó, hoặc một địa vị xã hội cao hơn đối với những ai tin tưởng vào một vai trò xã hội mà trí tuệ của họ giao phó cho họ. Tôi sắp nói với quý vị về cái nghĩa vụ xã hội mà những người thông minh nhất, những người tài giỏi nhất trong chúng ta phải đảm nhận. Tôi xin mạn phép nói thêm một chút nữa về sự cần thiết phải có một nền văn hóa trí thức cho nòi giống ta. Khi đề cập đến nền văn hóa trí thức cho nói giống ta, có lẽ quý vị sẽ tự hỏi tại sao tôi không dùng tiếng nước ta.
Dĩ nhiên, tôi không dám có cao vọng tự xếp mình vào những nhà văn giỏi quốc ngữ nhất hiện nay, nhưng tôi có thể nói rằng tôi đủ khả năng diễn đạt tư tưởng của mình băng tiếng nước mình một cách kha khá. Tôi xấu hổ về việc ấy, tôi thú nhận với quý vị, nhưng những cố gắng của tôi để quay về với tiếng mẹ đẻ vừa là một sự tạ tội, vừa là một niềm an ủi đối với tôi.
Tuy nhiên việc sử dụng tiếng Pháp có lẽ là một điều bắt buộc đối với thanh niên Việt Nam, những nhà trí thức tương lai của ta, mà tư tưởng sẽ dìu dắt nòi giống Việt Nam để am hiểu sâu xa nên văn hóa Viễn Đông thông qua một nền văn hóa châu Âu.
Nếu tôi nói chuyện với quý vị bằng tiếng Pháp, đó có lẽ cũng vì muốn phô bày được hết mọi ý tưởng của tôi, đặt chúng trong tầm tay của một quần chúng đông đảo hơn ngõ hầu đưa ra một lời thanh minh với những mối nghi ngờ ngu xuẩn đang lảng vảng quanh cuộc đời tôi.
Giờ đây, quý vị sắp biết vì sao tôi đã nói về sự “cần thiết” có một nền văn hóa trí thức cho nòi giống ta. Chính nhờ nơi nền văn hóa của họ mà nhiều dân tộc đã được tên tuổi trường tồn, đã gây được ảnh hưởng trên thế giới. Mọi dân tộc bị thống trị bởi một nền văn hóa ngoại lai chỉ có thể biết đến một sự độc lập thật sự khi dân tộc ấy sở hữu một nền văn hóa độc lập. Hơn nữa, văn hóa chính là linh hồn của một dân tộc.
Tỷ như một con người có tâm hồn cao thượng mới biết đến những lạc thú thanh cao của cuộc sống, một dân tộc có nền văn hóa cao mới hưởng được những đặc ân bị cấm đoán đối với các dân tộc kém văn hóa hơn.
Như vậy, một nền văn hóa riêng biệt là điều kiện để sinh tồn, điều kiện để được độc lập hoặc để bành trướng đối với một dân tộc.
Ta hãy lấy ví dụ một nền văn hóa mà chúng ta vẫn còn chịu ảnh hưởng, tức nền văn hóa Trung Hoa. Thường xuyên chiến bại trước sức mạnh thô bạo, bị chinh phục bởi những nước láng giềng man di mọi rợ, chính nhờ vào nền văn hóa của mình mà đến nay Trung Quốc vẫn còn tồn tại.
Hơn thế nữa, những biến động xã hội mà lẽ ra phải nô dịch hóa hay hủy hoại Trung Quốc thì ngược lại mở mang thêm bờ cõi và khiến cho ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng hùng mạnh hơn. Những kẻ đô hộ, sau khi đã ra tay chinh phục, đến lượt họ lại bị chinh phục bởi nền văn hóa Trung Hoa. Dần dà, họ từ bỏ phong tục tập quán của xứ sở mình, thậm chí bỏ cả ngôn ngữ của mình để tự hòa đồng vào nền văn hóa Trung Hoa. Cứ thế, sau nhiều lần bị đô hộ, mỗi khi giành lại được tự do thì Trung Quốc lại thấy đế chế của mình được gia tăng thêm một vương quốc.
Không khó khăn lắm để chứng minh sự cần thiết có một nền văn hóa cho nòi giống ta. Điều khiến chúng ta lúng túng nhất, chính là tìm cho ra một di sản tinh thần vững chắc khả dĩ dùng làm viên đá đầu tiên để thực hiện mơ ước của chúng ta. Nếu ta gom góp lại tất cả những gì thuần túy văn chương và thuần túy nghệ thuật đã được sản sinh ở đất nước ta, thì cái vốn tinh thần mà tổ tiên để lại cho ta chắc chắn sẽ èo uột so với những di sản của các dân tộc khác. Và đấy chính là sự nản chí đầu tiên và lớn lao nhất mà lòng nhiệt thành của chúng ta vấp phải. Cái số vốn văn chương được chuyển giao lại cho ta không những quá mỏng mà hơn nữa còn nực mùi sa đọa, bênh hoạn, uể oải, tức là mùi vị báo trước một sự hấp hối cận kề.
Dĩ nhiên, không phải một di sản như vậy có thể đem lại cho nòi giống ta thêm khí lực và sức sống trong cuộc đấu trành giành một chỗ đứng trên thế giới. Phải chăng cái giới tự xưng là tinh hoa được nhào nặn bởi sách vở Trung Hoa đã bị bó buộc phải bám víu vào tư tưởng Khổng Tử tựa hồ như những kẻ đắm thuyền bám vào một mảnh vắn trôi dạt? Ngay cả so sánh với Ấn Độ, nước Việt Nam giống như chú lùn đứng bên cạnh một chàng khổng lồ. Bởi vì Ấn Độ có một quá khứ hết sức vinh quang. Và ngay giờ đây, trong lúc Ấn Độ và Nhật Bản cung cấp cho thế giới những tư tưởng gia và những nghệ sĩ mà tài năng hoặc thiên tài tỏa rạng bên cạnh những tài năng và thiên tài của Châu Âu thì nước Việt Nam vẫn còn là một đứa trẻ chưa có đến ngay cả cái ý niệm và cái tiềm lực để mò mẫm tiến đến một tiền đề tốt đẹp hơn, tiến đến sự giải phóng thật sự. Thế mà người ta dám đề cập đến quyền tự chủ về chính trị, đến sự tự do, người ta đưa ra những bài diễn văn rỗng tuếch nhất, những yêu sách điên rồ nhất làm lãng phí thêm tiềm lực của giống nòi.
Thế người ta đòi hỏi cái Tự do nào? Người ta sẽ làm gì với nó đây? Đứa trẻ vẫn còn chưa bước vững cần chăng sự hỗ trợ của toàn thế giới để tập đi? Tự do không phải là cái có thể được truyền đạt, được cho hay được bán. Tự do có thể đến với mọi người. Kẻ nào đã sinh ra tự do thì luôn luôn tự do, ngay cả trong vòng nô dịch, ngược lại, kẻ đã sinh ra nô lệ thì sẽ mãi mãi là nô lệ ngay cả lúc ngự trên ngai vàng. Ngày nay, chỉ mới có vài đầu óc sáng suốt nghĩ đến việc chuẩn bị một nền tảng vững chắc cho tương lai đất nước. Những kẻ khác, nghĩa là tất cả các kẻ khác, nói nhiều về chính trị cứ như rằng chính bởi đó và chỉ bởi đó lời ước hẹn lớn lao từ lâu mong chờ mới trở thành hiện thực, tựa hồ như vấn đề sống còn của nòi giống ta là một vấn đề chính trị chứ không phải một vấn đề xã hội. Không! Không! Khi cái dốt nát đã đạt đến một mức độ này thì sự khóa chặt môi của những con người sáng suốt có thể gọi là tội ác. Vấn đề sống còn của nòi giống ta là một vấn đề xã hội. Nó còn không hẳn là một vấn đề xã hội. Nó là vấn đề có một lý tưởng chung khả dĩ cung cấp hạt giống từ đó nảy sinh cây tương lai tốt đẹp hơn. Câu nói ấy của Tagore khi đề cập đến Ấn Độ cũng cần phải được suy ngẫm bởi những đầu óc thường nghĩ đến những kiến trức vững bền. Khi nói về một thời đại trước đó, ông ta bảo:”Đầu óc tôi từ chối bị mê hoặc bởi sự tuyên truyền nhồi sọ quá tầm thường của những phong trào chính trị vào thời ấy, những phong trào mà theo tôi hình như rỗng tuếch, không có lấy một sức mạnh nào xuất phát từ một ý thức quốc gia thật sự, hoàn toàn không biết gì về xứ sở mình và nói cho cùng là thờ ơ ngay cả trước việc phụng sự mẫu quốc”. Và bên cạnh sự vinh quang của một thi sĩ, Tagore đã làm gì cho Ấn Độ? Ông đã dốc lòng phục vụ sự nghiệp giáo dục quốc gia, sáng tạo cho lớp học sinh của mình bằng những tác phẩm văn chương kiệt xuất bằng ngôn ngữ Bengali và những bản dịch rải rác toàn khắp Châu Âu. Sau đây là vài thông tin được cung cấp bởi ông Ananda Coomaraswamy, một học giả Ấn Độ, về nền giáo dục của quốc gia ấy.
“Trong số những ngôi trường thuộc ngành quốc gia giáo dục có hai hoặc ba trường đặc biệt quan trọng: các trường của Robindranath Tagore ở Bolpour, trường Kalasala ở Masulipalain, trường Gurukula của Arya Samaj ở Hardwar. Ở các trường ấy, người ta giảng dạy bằng tiếng bản xứ và tiếng Anh chỉ giữ một vai trò thứ yếu mặc dù còn rất quan trọng: cần phải tránh nguy cơ tạo thành một giai cấp có học nhưng không thể nói thông thạo một ngoại ngữ nào. Người ta đã nói rất đúng rằng Gurukula có lẽ là sự thử nghiệm giáo dục hấp dẫn nhất thế giới. Ngôi trường ấy được dành cho phái nam thuộc mọi giai cấp mà hoàn toàn không có một sự kì thị nào. Học sinh được học miễn phí và giáo viên thì không nhận thù lao. Bảy năm học đầu tiên hoàn toàn dành cho học Phạn ngữ, học đạo giáo và rèn luyện thân thể, mười hai năm kế tiếp dành cho văn học phương Tây, cho các môn khoa học, cho thực hành thí nghiệm. Đến năm 25 tuổi thì người thanh niên sẵn sàng để lao vào cuộc sống. Trong suốt thời gian học, học sinh được bàn giao hẳn cho các thầy và không được về với gia đình. Họ không được phép gặp gỡ bất kì một người phụ nữ nào khác ngoài thân mẫu họ. Có những ngôi trường đại loại như thế tuy có phần ít nghiêm khắc hơn, dành cho việc giáo dục phái nữ, vì nền tảng của xã hội Ấn Độ hàm ý khuyến khích các cuộc hôn nhân giữa nam nữ cùng trình độ trí tuệ. Nét độc đáo nhất của hệ thống giáo dục này là sự quay về với những quan niệm văn hóa phi nhân cách và đượm tính triết lí mà xưa nay từng là đặc điểm của phương Đông, đồng thời là sự kết hợp giữa cái khôn ngoan của người xưa với kiến thức thực dụng của thời đại tân tiến. Đó là những thử nghiệm lý thú về công cuộc giáo dục quốc gia, đó là một nhiệm vụ mà định nghĩa của nó đối với quý vị ắt chỉ dừng ở nơi đôi vành tai vì chúng ít quen thuộc với những từ ngữ ấy, đó là lý tưởng của những đầu óc cao đẹp nhất Ấn Độ.
“Đối với những con người vĩ đại có lý tưởng của xứ Ấn Độ non trẻ, Onanda Coomarawamys viết tiếp, chủ nghĩa quốc gia thôi chưa đủ. Chủ nghĩa ái quốc là một quan điểm lợi ích cục bộ, nó đã trở nên tầm thường; những tâm hồn siêu việt có những vai trò đẹp đẽ hơn để hoàn thành mà không phải với tính cách của nhà truyền giáo hay của tuyên truyền gia; đã qua rồi thời kỳ của những nhóm bè phái và của những lời mời mọc về với “phe ta”, nhưng công việc của họ mà cũng là cửa tất cả chúng ta, đó là khám phá hàng ngàn con đường chưa được thám sát. Cuộc sống – không phải chỉ cuộc sống của Ấn Độ thôi đâu – đòi hỏi nơi ta lòng trung thực. Mưu cầu độc lập thôi chưa đủ, kẻ có lý tưởng phải quan tâm đến nhiệm vụ mình hơn đến hạnh phúc mình. Vì những người đeo đuổi một mục đích xa vời không có thì giờ để dành cho những cái phù du. Và cách xa hơn vài dòng:
“Tầm quan trọng duy nhất và thực tiến của Ấn Độ trước mắt thế giới sẽ được biểu lộ qua các bậc vĩ nhân mà đất nước này cống hiến cho cuộc sống chung; một triết gia lơn, một thi sĩ, một họa sĩ, một nhà bác học hay một ca sĩ, vào ngày phán xét, sẽ có giá trị hơn tất cả mọi sự nhượng bộ giành giật được bởi cả trăm năm hội đàm”.
Đối với đôi tai quý vị, những lời vừa rồi phải chăng mang một âm thanh mới mẻ lạ lùng, một giọng điệu cho đến nay vẫn còn xa lạ? Đối với quý vị, ước mơ ấy xa xôi biết bao và còn chưa có thể hình dung ra được. Với những lời trích dẫn ấy, tôi chỉ muốn nêu cho quý vị thấy thế nào là đất nước Ấn Độ non trẻ so với đất nước Việt Nam non trẻ chúng ta. Tôi biết rằng mong chờ sự xuất hiện của những vĩ nhân trên đất nước ta là quá cao vọng. Nói chuyện vĩ nhân với những con người không nghị lực, không ý chí, dễ nạn lòng trước một cố gắng nhỏ nhoi nhất tựa hồ như sống không phải là chiến đấu, nói chuyện vĩ nhân với một dân tộc ngại cố gắng và luôn tìm đến sự biếng nhác và vô trách nhiệm, quả là điều nực cười… Nhưng tại sao ta lại không nói đến chuyện vĩ nhân chứ, bởi vì thế giới đang có những bậc vĩ nhân, cả một rừng hoa vĩ nhân, một rừng những nhân vật đã tạo nên một vị trí xứng đáng cho dân tộc nào có được. Mặc dù dưới ách đô hộ của người Anh, người Ấn Độ vẫn có những triết gia, những thi sĩ, những nhà bác học, những lãnh tụ của mình, những người ấy điều khiển hành động của quảng đại quần chúng. Và hơn cả Ấn Độ, chúng ta cần đến những con người biết tâm hồn của nòi giống ta, biết rõ những nhu cầu và những gì thích hợp với tâm hồn của nòi giống ta. Chúng ta cần đến những con người hướng dẫn bước đi của dân tộc và soi sáng con đường dân tộc ta đi, chúng ta cần đến những nghệ sĩ, những thi sĩ, những họa sĩ, những nhạc sĩ, những nhà bác học để làm giàu thêm di sản tình thần của chúng ta. Thế thì, không những ta phải không ngừng nói về sự cần thiết có những bậc vĩ nhân, mà ta còn phải mong mỏi họ xuất hiện, hơn thế nữa phải kêu gào bằng tất cả sức lực của buồng phổi, nơi chỗ đầm lầy, nơi chốn non cao, khắp nói nào mà ở đó phập phồng bầu không khí của một sức mạnh siêu nhiên, mà ở đó tiếng nói của con người có thể vượt đến những biên giới xa xôi vô hình của không gian, bằng tất cả sức lực của buồng phổi, ta phải kêu gọi những vĩ nhân xuất hiện. Biết đâu khi ấy, từ những tiếng réo gọi chân thành và nồng nhiệt của chúng ta sẽ xuất phát cái tiềm lực làm nảy sinh những bậc thiên tài, những con người siêu việt. Hãy làm sao cho sự mong chờ các vĩ nhân trở thành như một tôn giáo đối với ta, làm sao cho đôi môi ta không ngớt thì thầm như một kinh cầu nguyện lời cầu mong có vĩ nhân.
Ta hãy réo gọi, hãy cầu nguyện, hãy van xin rằng toàn thể đất nước Việt Nam khắc khoải và nóng lòng réo gọi và chờ mong. Khi ấy, tôi đảm bảo với quý vị rằng trong một tương lai rất cận kề, sẽ có tiếng vọng đáp ứng lời ta kêu gọi và sự mong chờ của ta sẽ không vô ích.
Thấp hơn những ước mơ siêu tuyệt ấy, còn có những tham vọng gần với con người hơn, dù còn quá cao siêu đối với đa số, nhưng không phải là vô phương thực hiện đối với những con người giàu nghị lực. Có được cái uy lực của một vị chúa tể, nắm trong tay toàn bộ sức mạnh của một dân tốc, được làm một nhà tài phiệt mà trọng lượng của két tiền cân bằng với vận mạng của cả một dân tộc, đó phải chăng là những tham vọng mà vì đó cuộc sống chúng ta đáng sống! Tôi đang nói với quý vị về những tham vọng còn quá xa vời đối với quý vị. Vì tham vọng của một thanh niên ngày nay chỉ là được trở thành một Bùi Quang Chiêu, một Nguyễn Phan Long, được trở thành bác sĩ như các bác sĩ Thinh và Đôn, được trở thành kỹ sư như ông Lang. Hãy nhìn họ đi, cái giới thanh niên đầy tham vọng ấy, họ vừa rểu rến ngoài đường giữa những thúng mẹt của các chị hàng rong, vừa hểnh mũi đánh hơi những người đàn bà qua lại, hãy nhìn họ một lúc đi, cái giới thanh niên dáng đi như vịt, khoác bộ cánh Châu Âu và rồi quý vị sẽ không thể nào nín cười. Vì quý vị ắt sẽ cười khi nghĩ rằng một tham vọng thế ấy có thể nằm dưới một bộ vó thế kia. Để trở thành một bác sĩ Thinh hay một ký sư Lang thì phải có sự thông minh và kiên trì của bác sĩ Thinh hoặc của kỹ sư Lang – Hơn thế nữa, để được nổi tiếng như họ, phải vượt qua họ về khả năng và tên tuổi. Thế thì giới trẻ hiện nay khả dĩ có những nỗ lực nào? Không ai cấm ta phát họa ra những tham vọng, cấm ta có tham vọng, cấm ta mơ ước – thậm chí còn cần thiết phải ước mơ, bởi vì từ những ước mơ của con người đã nảy sinh vô vàn cái thực tế hùng hậu. Nhưng phải mơ ước để mà hành động. Hãy mơ ước, mơ ước đi, nhưng rồi cũng hãy hành động. Sống tức là hành động. Ai nói đến hành động, kẻ ấy nói đến nỗ lực. Ai nói đến nỗ lực, kẻ ấy nói đến trở ngại, Và những trở ngại cản ngăn tham vọng của ta thì vô số, và trở ngại lớn lao nhất nằm trong chính bản thân ta: ta thiếu sự bền bỉ để duy trì những ước mơ của ta, nhất là ta thiếu ý chí phải thành công. Ngay cả nếu ta có đủ sức thực hiện những điều ta ao ước thì ta còn phải có cái khát vọng vĩnh viễn hướng về cái tốt hơn, cái đẹp hơn, ta còn phải có cái tham vọng vượt lên trước mọi kẻ đồng hành, để trở thành người đầu tiên.
Thiên hạ nói với ta về sự bội ân, về sự vô luân, về sự hỗn loạn, nhưng ta đừng màng để tai đến tất cả nhưng tên phản động, những tên đầu độc ấy.
Họ có đáng để ta tri âm không, những kẻ luôn đếm kĩ những “điều thiện” mình đã làm? Cản trở cuộc sống, giết chết cái nhiệt tình của kẻ khác, đó chẳng là một hành vi vô luân, và hơn cả vô luân, một hành vi man rợ hay sao? Họ nói về sự hỗn loạn, nhưng họ gọi cái gì là hỗn loạn? Họ nói cái gì là trật tự? Cái trật tự của họ là gì nếu không chỉ là sự ép buộc, sự man rợ, sự hỗn loạn?
Nhưng thôi, ta không nên quá nhấn mạnh và chỉ cần biết rằng lòng nhiệt tình luôn luôn tạo ra quanh nó một ít xáo trộn. Quy luật cuộc sống đòi hỏi có sự phi luân. Vả chăng nghĩ cho cùng thì, vì sự trường tồn của xã hội loài người, vì sự tiến bộ của xã hội loài người, sự hỗn loạn há chẳng cần thiết hay sao cho sự hợp nhất, cũng như sự hợp nhất là hệ quả của sự hỗn loạn? Tỷ như cái ác cần có cái thiện và cái thiện cần có cái ác để sống, sự hỗn loạn đưa đến sự hợp nhất và sự hợp nhất cần đến sự hỗn loạn để khỏi bị kết tinh, nghĩa là khỏi chết. Thiên hạ nói về sự hoàn mỹ của những tổ chức được kế thừa từ các bậc tiền nhân, của những học thuyết mà các vị triết xa xưa truyền lại. Nhưng con người sống với hiện tại và sự lãng quên là đức tín độc nhất duy trì ý chí sống nơi họ.
Những mối lo âu lớn nhất về mặt xã hội cũng phải hướng về cái hiện tại và cái trước mắt. Để trị những căn bệnh thời nay, phải có những phương thuốc thời nay. Sự xoay vần vĩnh cửu chỉ là một hình ảnh mà thôi, những kinh nghiệm đã qua của cuộc sống, khuất bóng trong lớp sương mù xa xưa của lịch sử, không còn có ảnh hưởng trước mắt đối với các thế hệ hiện tại. Những tiếng nói yếu ớt nhắc cho ta ý kiến của các nhà hiền triết xưa giờ chỉ còn cất lên nhưng những tiếng vọng xa xôi vừa kịp đến nơi vành tai ta để rồi tắt lịm. Thế hệ hiện nay cần phải có những lý tưởng mới, những lí tưởng của chính mình, có một hoạt động mới, hoạt động của chính mình, có những đam mê mới, những đam mê của chính mình. Với điều kiện ấy, và chỉ với điều kiện ấy mà thôi thì sự hình thành một tương lai tốt đẹp hơn là điều có thể làm được. Cuộc sống – không phải chỉ đơn thuần là cuộc sống của nước Việt Nam thôi mà còn là cuộc sống của toàn thế giới – cần phải mãi mãi mới. Nặng nề thay, cái nhiệm vụ được giao phó cho thế hệ hiện tại. Thời kỳ này của lịch sử nước ta lại càng khiến nhiệm vụ ấy nặng nề gấp đôi. Mọi người đều có quyền chỉ nghĩ đến sự thoải mái của mình, đến cuộc sống đời mình. Nhưng để có được sự thoải mái ấy và cũng để khỏi bị nghi ngờ, ngược đãi, những con người thời nay phải tự bán mình. Trong hoàn cảnh ấy, làm sao họ có thể xứng đáng với một vai trò đòi hỏi trước tiên phải cởi bỏ mọi ràng buộc, mọi áp lực trên mình, đòi hỏi phải ý thức được sứ mạng và ý thức được nghĩa vụ phải luôn luôn xứng đáng với sứ mạng ấy? Chúng ta sinh ra trên một đất nước mà ở đó tất cả đều bị nhìn bằng cặp mắt nghi kỵ. Nơi đây, hai lực lượng, hai cuộc sống, đang đối đầu nhau: một phía thì yếu ớt và đang tìm chỗ đứng dưới ánh mặt trời, phía kia thì hùng mạnh, có lắm vòi bạch tuộc, đang hút đối phương đến cạn kiệt để nuôi dưỡng một thân thể nằm ở tận đâu đâu. Và chính phía yếu kém đang kêu gọi ta giúp đỡ. Sự kiên định đã sinh ra trên đất nước này và trí thông minh của ta áp đặt cho ta một sứ mạng. Vả lại, còn ai xứng đang hơn ta để lãnh nhận sứ mạng ấy? Chỉ dòng máu chảy trong huyết mạch ta mới có thể tiết lộ cho ta những nhu cầu của giống nòi ta. Ngay cả thiện chí của nước Pháp cũng không thể tránh cho nước ấy khỏi mò mẫm tại đây và lãng phí sức lực. Trong công cuộc nêu trên, nước Pháp chỉ có thể làm một điều: đó là giúp đỡ ta. Và nước Pháp có nghĩa vụ phải giúp đỡ ta, bởi vì bảo hộ có nghĩa là giám hộ và giám hộ thì không có nghĩa là mãi mãi vị thành niên.
Vì công trình nêu trên còn chờ được sáng tạo, giới trẻ hiện nay phải hướng tầm nhìn về tương lai để khiến nó càng nhanh càng tốt. Giới trẻ phải chỉ giữ một chân trong hiện tại để đặt chân kia vào tương lai sắp đến mà đối với họ phải là cái hiện tại thật sự. Họ phải vừa hiện tại lại vừa phi hiện tại. Phải hiện tại để cảm nhận được những ước vọng của nòi giống và phải phi hiện tại bởi vì những gì họ cần quan tâm đến không nằm trong hiện tại. Họ phải chấp nhận một số sự kiện, một số trạng thái xem ra không thể tránh được, và sau khi đã thấu đáo những quy luật xã hội, họ phải tạo ra một trật tự để đối chọi với trật tự kia, một lực lượng để đối chọi với lực lượng kia và bằng cách đó tái lập quân bình. Bởi lẽ khi hai lực lượng đương đầu nhau thì khi nào con bất quân bình, khi ấy còn có đấu tranh. Và trong một cuộc đấu tranh hiện diện sự bất công, bởi vì có kẻ thắng người bại và người bại không phải lúc nào cũng thấy sung sướng.
Chúng ta nên chỉ bàn về sáng tạo, chúng ta phải nghĩ đến sáng tạo trên hết, phải trước tiên là những đầu óc sáng tạo. Nhưng bất cứ kẻ nào muốn sáng tạo thì kẻ ấy phải đủ trưởng thành để cưu mang và sinh sản. Cái ta cần không phải là những lối bắt chước một cách câu nệ, chúng ta thay vì giải phóng ta thì lại ràng buộc ta chặt hơn vào những kẻ mà ta bắt chước. Ta cần đến những sự sáng tạo cá nhân hoặc xuất phát từ chính máu của ta, hoặc là thành quả của một phản ứng xảy đến trong chính bản thân ta. Thiên hạ thường đề cập đến vai trò giáo dục và khai sáng của nước Pháp mà đại diện là giới lãnh đạo hiện hành. Thiên hạ đã quỳ mọp tôn vinh những “người mang đến ánh sáng”, những “người ban phép lạ cho châu Á”, tựa hồ như lũ phàm phu thô kệch được cử đến đây bở Bộ Thuộc địa chứ không phải bởi nước Pháp trí thức có thể, chẳng mấy chốc, nhào nặn như một cục bột tâm hồn của cả một giống nòi để biến nó thành một công trình tuyệt mỹ. Thiên hạ đã kháo nhau về cái phép lạ Pháp tại Á châu, thiên hạ lại còn viết hẳn một cuốn sách mang tựa đề “Phép lạ Pháp tại Á châu”. Thế nhưng phép lạ nào đây? Mà quả nhiên đúng là một phép lạ khi mà, trong một thời gian ngắn ngủi, người ta đã có thể hạ thấp đến mức độ ngu si đần độn một trình độ trí thức vốn đã tự nó xuống thấp nhiều. Quả là một phép lạ khi thiên hạ đã có thể, trong một thời gian ngắn đến thế, đẩy vào ách nô dịch hoàn toàn một dân tộc vốn giàu tư tưởng dân chủ. Ai dám phủ nhận đó là một phép lạ, một phép lạ xã hội khi mà trong phút chốc đã hình thành một trạng thái mà nhiều dân tộc đã phải mất hàng mấy nghìn năm mới rơi vào sự ngu dốt, ù lỳ, theo họ, phải chăng là điều kiện kiên quyết đưa đến hạnh phúc. Nói đến vai trò giáo hóa, vai trò khai sáng của các chủ nhân ông xứ Đông Dương, thưa quý vị, thật là nực cười. Những kẻ chính thức đại diện cho nước Pháp tại Đông Dương chỉ có thể nói đến những công trình xây dựng đường sắt tốn kém, đến những công trình hao tài tốn của để đặt dây cáp ngầm dưới biển, đến sự duy trì cả một đạo quân công chức khổng lồ, đến những đợt phát hành quốc trái hàng năm, nói tóm lại, là sự khai thác Đông Dương đến cùng cực, với từ khai thác hiểu theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Vai trì nước Pháp trước hết phải là vai trò kinh tế, nghĩa là triệt để lợi dụng ăn sống nuốt tươi. Nhưng khi va chạm đến những vấn đề tế nhị hơn như giáo dục, như đào tạo trí thức, nước Pháp cần phải tỏ ra thận trọng khi tiếp cận các vấn đề ấy. Pháp chỉ có thể mang đến cho ta di sản tinh thần của họ để góp phần bồi dưỡng các nhà nghiên cứu và sáng tạo của ta. Sự đồng hóa đòi hỏi có một sự tự do chọn lựa, một sự tự do tuyệt đối. Mọi ép buộc sẽ đưa đến bội thực và chứng bội thực có thể gây tử vong.
Một điều mà tôi xin lưu ý phớt qua và không quyền lực nào có thể phản bác được bởi vì tôi mang trong chính bản thân mình bằng chứng sống của điều tôi nói, đó là khi những con người đầy khát vọng ráo riết chạy tìm cái mà họ cần đến khi những đầu óc cố mò mẫm để đạt đến mức ý thức được bản chất của mình, nghĩa là gặp gỡ được sâu trong nội tâm mình cái bóng dáng của hồn thiêng nòi giống thì tất cả những người ấy, cho đến nay, chưa hề nhận được một mảy may khuyến khích, mà ngược lại…
Tôi nêu lên điều này để chứng tỏ cho giới trẻ hiện nay thấy rằng trong bất kỳ việc gì, họ chỉ có thể trông cậy vào chính mình để tự nâng mình lên đến một trình độ mà ở đó ý thức được sức mạnh của chính mình, con người bắt đầu nhận thức được phẩm cách của mình – để cho họ thấy rằng cuộc đấu tranh còn quá kém phần hưng phấn của họ nhằm thu hoạch kiến thức, nhằm giúp họ biết khát khao có được niềm tự hào và phẩm cách con người sẽ còn gặp vô số những nỗi gian nan bất ngờ được dựng lên bởi những lực lượng hùng hậu. Trên con đường mà họ phải trải qua để đạt đến sự ý thức được bản thân, khi họ muốn tự khẳng định lấy mình, những thanh niên năng động còn phải đương đầu với những bậc tài danh được sắc phong qua gióng trống thổi kèn, với những vị thần giả mạo được tôn vinh giữa một vầng hào quang giả tạo. Quần chúng, vốn hay tin tưởng vào vẻ bề ngoài, quay lưng chối bỏ những tài năng thật sự được vun bồi một cách cần cù và cao thượng. Con đường tự giải thoát bản thân rất gay go. Và hơn nơi nào hết, trên đất nước này, những đầu óc đã được giải phóng, những đầu óc siêu tuyệt, tự hào và cao thượng còn phải trải qua một chặng đường dài gian khổ. Thế thì điều gì giải thích được việc ấy? Nguyên nhân của tất cả sự việc ấy là sao? Đó là sự ngu dốt, sự ngu dốt dày đặc và nặng nề của quảng đại quần chúng; đó là sự ngu dốt được mạ lên một lớp vàng, là cái kiến thức rỗng ruột của cái giới tự xưng là tinh hoa ngày nay. Sự ngu dốt của quần chúng, phải! Nhưng đồng thời cũng là của cái giới tinh hoa tân tiến tự phong được nhào nặn theo cái khuôn thức dân chủ rẻ tiền quá phổ biến ở khắp châu Âu. Sự ngu dốt của quần chúng, phải! Nhưng đồng thời cũng là của cái giới tự xưng tinh hoa mà không biết phân biệt chân với giả. Những nhận định đáng buồn ấy được nêu ra không phải để làm tê liệt những con người thiện chí và nhiệt tình. Chúng được dựng lên để dùng làm mức phân ranh giữa loại nghị lực kiên quyết, cảnh giác, sâu sắc, cần cù, quyết tâm đến cùng, và loại nghị lực thùng rỗng kêu to. Loại vừa kể hãy nên trở bước thoái lui trước tấm biển liệt kê chướng ngại, bởi vì sau này những sự tỉnh ngộ và những điều cay đắng của họ sẽ được thổi phồng ca ngợi qua những vần thơ nổi tiếng giống như những hành động vinh quang của các vị anh hùng mạt lộ cổ xưa. Những nghị lực đắc dụng phải là những nghị lực đã biết tự chứng minh. Và để đạt đến mức độ mà ở đó một nhân cách tự chứng minh được, điều kiện tiên quyết là phải hiện hữu. Và hiện hữu đòi hỏi phải đấu tranh, phải thu hình lại, phải cảnh giác.
Tôi biết rằng giới thanh niên hiện nay không thể quan niệm có nới nào khác đòi hỏi nhiều đấu tranh hơn là trong sinh hoạt chính trị, vả lại cái mà họ gọi là sinh hoạt chính trị khác hẳn với cái lối sôi nổi ồn ào của các quốc gia châu Âu. Đây chỉ là những chuyện bá láp hằng ngày, hùng hồn mà rỗng tuếch được phơi bày trên báo chí Đông Dương. Ôi! Giá như giới thanh niên biết được điều gì đang thực sự xảy ra dưới cái lớp vỏ những chuyện bá láp, hằng ngày hùng hồn mà rỗng tuếch ấy, họ sẽ cảm thấy bất bình và rồi lại sẽ càng nôn nóng dấn thân vào cái mà họ gọi là chính trị từng làm hư hỏng và hoen ố biết bao nghị lực trên một đất nước đã hầu như không còn sinh khí, không còn sức lực. Tôi biết thế, và rất buồn mà biết thế. Tôi biết rằng giới thanh niên hiện nay hướng mọi chú tâm của mình về cái mà họ gọi là chính trị đến mức độ nếu bị một tên mật thám nghi ngờ, rình rập thì đối với những người trẻ tuổi, đó là một điều vinh hạnh, một đề tài để khoe khoang. Tôi biết rằng giới thanh niên, khi đang mò mẫm dò tìm lối đi mà gặp phải một trong vô vàn chướng ngại do chính quyền dựng lên thì thay vì đi vòng để tránh né, lại tiêu mòn hết sức lực để chống lại tảng đá ngăn đường. Thế mà giới thanh niên gọi đó là cuộc sống chiến đấu! Không đâu, cái mà các bạn gọi là cuộc sống chiến đấu ấy chỉ là sự phung phí sức lực chống lại một cái bóng mà thôi. Ta có thể thu đạt được gì qua một cuộc đấu tranh như thế nếu không là sự kiệt sức đặt ta vào một thế hạ phong thường trực và lệ thuộc quyền sinh sát của người chỉ huy cái bóng ấy. Các bạn phải chiến đấu chống lại chính môi trường sống của các bạn, chống lại chính gia đình các bạn để làm tê liệt mọi nỗ lực của các bạn, chống lại cái xã hội tầm thường đè nặng lên các bạn, chống lại những thành kiến hẹp hòi và sự kì quặc lảng vảng quanh mọi hành vi của các bạn, chống lại những lí tưởng kém khí phách, thiếu cao thượng, thấp hèn, thấp hèn một cách đáng xấu hổ, chúng ngày càng hạ thấp hơn vị trí của nòi giống ta. Chính đó mới là những nơi phải tranh đấu, cuộc đấu tranh này khó tiến hành hơn cuộc đấu tranh kia, nhưng chỉ có nó mà thôi mới đem lại cho các bạn chiến thắng đích thực. Những con người vĩ đại nhất có lý tưởng, cho đến nay vẫn luôn khuyên những ai muốn làm môn đệ của mình phải thoát ly khỏi “nhà cha mẹ”. Và với ta cũng vậy, giới trẻ ngày nay, ta phải từ giã nhà cha mẹ ta: Ta phải từ biệt gia đình, thoát ly xã hội, rời xa đất nước. Ta phải sống một cuộc sống đấu tranh để đánh thức dậy cái khí lực ít ỏi còn sót lại trong ta, ta phải tạo ra một xã hội giúp ta thể hiện giá trị thật sự của mình, ta phải xậy dựng một môi trường sống giúp nâng cao trí tuệ và tâm hồn mình. Ta phải vươn đến một đỉnh cao, trên đó, giữa sự cô đơn, ta có thể cảm nhận tất cả sức mạnh của mình và làm chủ tâm hồn mình để rồi từ đó, qua một cái nhìn bao quát tràn trề sức sống và tình yêu, hiểu được thế giới và hiểu sự hài hòa giữa ta và thế giới. Khi ấy, ta sẽ rời bỏ cái đỉnh cao mà ta đã đạt đến được và đã từng là một thời như là đất lưu đày đối với ta, để trở về với xã hội, một xã hội ở đó ta có thể sử dụng tối đa năng lực sáng tạo của ta. Điều ấy có nghĩa là đối với chúng ta, những người Viêt Nam, ai đã từng đạt đến mức ý thức được giá trị của chính mình, ý thức được giá trị cao siêu nhất của mà một cá nhân có thể có được và ý thức được những quy luật điều hành thế giới, chúng ta sẽ trở về Việt Nam, nơi mà sự tình cờ, bởi lẽ đã run rủi ta sinh ra tại đó, nên cũng cho phép ta hiểu rõ hơn mọi ai khác những nhu cầu của giống nòi từ đó ta xuất phát, và đương nhiên là nơi mà những năng lực sáng tạo dồi dào của ta sẽ không bị phí phạm.
Giới thanh niên hiện nay, trên hết, nên tránh nói về “Tổ quốc” và “Lòng ái quốc”. Họ cần tập trung mọi sức lực để đi tìm tòi chính bản thân mình rồi thì ngày ấy những từ “Tổ quốc” và “Lòng ái quốc”, đối với thanh niên, sẽ là những từ bao quát hơn, siêu tuyệt hơn, cao thượng hơn và rồi họ sẽ thấy xấu hổ vì đã từng, do ngu dốt, trộn lẫn vào các từ “Tổ quốc” và “Lòng ái quốc” những tư tưởng kém cao thượng, thậm chí thấp hèn.
Ngày nào mà giới thanh niên Việt Nam, bất cần mảy may để tâm đến bằng cấp, đến thành kiến xã hội, đến bộ phẩm phục hoa hòe của lũ tay sai, đến dáng vẻ bệ vệ bên ngoài của các vị thần giả mạo, đến sự nể vì dành cho những tài năng giả hiệu và cho những năng lực bất lực; ngày nào mà giới thanh niên Việt Nam, bất cần mảy may đếm xỉa đến những vẻ bề ngoài và những lời dối trá, ngẩng cao đầu tiến bước trên vương đạo mà ý thức bản thân đã vạch ra cho họ - ngày ấy, chúng ta mới có thể xem xét cận kề mọi ước mơ đẹp nhất, ngày ấy, trong niềm vui sướng, chúng ta mới có thể giải quyết được vấn đề xây dựng một nền văn hóa cho nòi giống ta.
Hãy chỉ tôn sùng những người mà, bởi thiên tài hay tài năng của họ, đã nâng cao vị trí dân tộc ta trên thế giới, và những ai đã góp phần cải thiện những điều kiện sống của giống nòi
Trần Thanh Quang
(Dịch từ bản tiếng Pháp)
Vấn đề tôi muốn gửi gắm qua bài đăng này, và cả những bài đăng sau nữa, đó là: Nguyễn An Ninh đã suy nghĩ những gì ở thế kỉ XX? Đến thế kỉ XXI thì chúng ta tiếp tục suy nghĩ những gì? Đó là quá trình tư duy trong từng thời đại, tại từng thời thế của dân tộc Việt Nam.
Vận mệnh dân tộc được kí thác trong những trăn trở ấy!
Lê Quang Tùng (Giữa oi ả nắng nồng tháng 6/2019)
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất