Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội do Lý Công Uẩn thành lập là một trong rất ít các thành phố trên thế giới sắp bước vào tuổi nghìn năm. Ngoài việc khai sinh ra thành phố này, Lý Công Uẩn còn là người mở đầu một triều đại mới. Hơn nữa, ông cũng đã đóng góp không nhỏ cho quá trình hình thành dân tộc (Nation) với một quốc gia Đại Việt thống nhất, hùng mạnh và một nền văn hóa Thăng Long cho muôn đời sau.
Sau khi lên làm vua, năm 1010, Lý Công Uẩn viết "Chiếu dời đô " và quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, lấy cớ có điềm rồng bay lên, đổi tên thành Thăng Long.
"Chiếu dời đô" chỉ có 214 chữ nhưng là một bài chính luận ngắn gọn, sắc sảo, bộc lộ tầm nhìn của một nhà lãnh đạo có ý thức về sự trưởng thành và phát triển của đất nước. Trong phần đầu của "Chiếu dời đô", Lý Công Uẩn viết: "Xưa nhà Thương đến đời vua Bàn Canh năm lần dời đô; nhà Chu đến đời vua Thành Vương cũng ba lần dời đô. Phải đâu các vua thời Tam Đại theo ý riêng của mình mà tự chuyển dời? Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời; dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh..." chứ không phải để tranh bá đồ vương, nên được các sử gia xưa đánh giá là "dời đô yên dân". Chỉ 4 chữ nhưng ý nghĩa vô cùng to lớn. Yên dân là phải phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no cho dân vì "Vua lấy dân làm trời" nhưng "dân lấy ăn làm trời".
"Chiếu dời đô" đã khiển trách hai triều Đinh, Lê: "...Thế mà hai nhà Đinh Lê lại theo ý riêng của mình, khinh thường mệnh trời... cứ đóng yên đô thành ở nơi đây khiến cho triều đại không được bền lâu, số phận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không thích nghi". Và coi đó là nguyên nhân khiến "Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi".
Những chê trách đó có phần đúng, có phần không đúng vì nhãn quan chính trị cũng như trình độ kinh tế xã hội phải đến lúc chín muồi mới có thể dời đô chứ không phải muốn làm lúc nào cũng được.
Đến thời Lý Công Uẩn, những yêu cầu đó đã đã hội đủ và chính ông đã được lịch sử giao cho sứ mạng vinh quang đó. Đổi mới đế đô để có được một đế đô tồn tại lâu dài đưa đến đổi mới xã hội Việt Nam, là một thành công to lớn trong quá trình dựng nước. Hơn nữa, ngoài ý nghĩa chính trị trọng đại, nó còn có ý nghĩa kinh tế sâu sắc: khi kinh tế đã phát triển đòi hỏi phải có một thị trường dân tộc thống nhất lấy đế đô làm trung tâm. Hoa Lư không đáp ứng được yêu cầu đó vì chỉ có địa thế núi non hiểm trở, thích hợp với một số vị trí phòng ngự lợi hại về quân sự. Còn Thăng Long ở giữa vùng đồng bằng, với vị trí trung tâm đất nước và những điều kiện giao thông thủy bộ thuận tiện, mới có thể trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của mọi quốc gia độc lập, hùng cường. "Thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương: Ở vào nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú, tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời".
Đoạn cuối của "Chiếu dời đô", nhà vua đặt câu hỏi: "Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?" Và, câu trả lời của các quan trong triều cũng là câu trả lời của toàn dân nước Việt: "Bệ hạ vì thiên hạ lập kế lâu dài, trên cho nghiệp đế được thịnh vượng, dưới cho dân chúng được đông đúc, giàu có, điều lợi như thế, ai dám không theo" .
"Chiếu dời đô" nhưng nội dung và tầm bao quát của nó không chỉ là "dời đô", đó là một "Tuyên ngôn đổi mới, đổi mới triều đại, đổi mới xã hội, đổi mới cả trong tư duy chính trị lẫn kinh tế, đánh dấu sự phát triển và một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc.
Bức Chiếu dời đô tại Đền Đô.
Bức Chiếu dời đô tại Đền Đô.
Trong hành trình gần trọn thiên niên kỷ của mình, đã có lúc Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội mất vai trò thủ đô. Lần thứ nhất, Hồ Quý Ly dời đô vào Thanh Hóa xây dựng Tây Đô (thế kỷ XV). Lần thứ hai, nhà Nguyễn dời đô vào Huế (thế kỷ XIX, 1802 - 1945). Nhưng những nơi này chỉ đóng vai trò kinh đô trong một khoảng thời gian ngắn, thậm chí là rất ngắn. Còn Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội với hình ảnh "rồng bay lên" đẹp đẽ và kiêu hãnh, tượng trưng cho ý chí vươn lên của dân tộc vẫn trường tồn, là thủ đô duy nhất và mãi mãi của Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh sự nghiệp đổi mới có một không hai này của Lý Công Uẩn là hoàn toàn đúng đắn.
Thạc sĩ Vũ Trường Giang (Tạp chí "Kiến thức gia đình" - 1998, số 99)