LƯU Ý CHO NHỮNG NHÀ SÁNG TẠO (Làm sao để luôn dồi dào ý tưởng?)
Có những ngày mình cứ nhìn trân trối vào con trỏ chuột nhấp nháy vì không có gì để viết…Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với các...
Có những ngày mình cứ nhìn trân trối vào con trỏ chuột nhấp nháy vì không có gì để viết…Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với các bạn mười thói quen giúp mình luôn đầy ắp ý tưởng trên hành trình chơi đùa cùng con chữ!
1. Kỉ luật:
Nghe có vẻ hơi trái ngược với công việc sáng tạo khi nhiều người nói với mình rằng phải đợi cảm hứng đến thì mới cầm bút lên để viết, cảm hứng rất quan trọng nhưng giống như chiếc diều bay lên mà không có chiếc cọc dưới đất để giữ, con diều cảm hứng của bạn sẽ lơ lửng bay mãi không có điểm dừng. Chiếc cọc chính là sự kỉ luật để giữ cho trí tưởng tượng của bạn được phát huy tối đa ưu điểm của nó, giữ cho sự sáng tạo không đi quá xa mục tiêu “Tại sao tôi phải viết bài viết này?”. Mỗi ngày mình thường dành thời gian viết khoảng 2000 chữ nhưng giờ mình nâng lên thành 4000 chữ, việc viết nhiều như vậy sẽ nhắc nhở não bộ của mình rằng: “Chưa có gì để viết thì tìm thứ gì đó để viết đi!”. Nó đẩy mình ra khỏi vùng an toàn của sự lười biếng và liên tục tìm kiếm ý tưởng. Làm sáng tạo hay ở chỗ bạn là người tự đặt ra deadline và kỉ luật chính mình, bạn vừa là sếp vừa là nhân viên, không có ai quản lý bạn ngoài việc bạn phải quản lý chính bản thân mình. Đây là thứ mà mình hay gọi là “tự do trong khuôn khổ”.
2. Tập trung:
Thay vì phải hoàn thành mười dự án lớn, bạn nên tập trung hoàn thành một dự án nhỏ, việc làm xong một dự án nhỏ sẽ giúp bạn chứng minh được sự nghiêm túc và kỉ luật cá nhân, từ đó làm tiền đề để bạn tiếp tục bước vào những dự án lớn.
3. Sống:
Để có ý tưởng tốt, chúng ta cần trải nghiệm, hãy yêu lấy một ai đó, yêu một điều gì đó, có thể là niềm đam mê của bạn, bất cứ điều gì khiến bạn tìm lại được động lực và bước tiếp. Yêu là khổ nhưng nếu khổ đau ở mức vừa phải sẽ đem đến cho bạn chất liệu phong phú để dệt nên những con chữ sáng tạo trong tương lai. Đừng quên dành thời gian để đọc và ghi chép, trò chuyện với một ai đó...những điều tưởng chừng rất giản đơn nhưng có thể mở ra cho bạn nguồn cảm hứng vô tận đó.
4. Thiền và chơi thể thao:
Làm sáng tạo sẽ đến một thời điểm, bạn sẽ dừng lại và không muốn viết tiếp nữa, đứa trẻ bên trong bạn hờn dỗi và nói rằng: “Hết ý tưởng rồi!”. Việc bạn cần làm không phải là ngồi cắn bút và chăm chăm tìm idea, hãy đứng lên và rời xa bàn viết, vận động một chút, làm một thú vui nào đó bạn thích, khi tâm trí thoải mái và thư giãn, ý tưởng sẽ tự tìm đến với bạn. Mình hay lựa chọn hai hoạt động sau để làm: chơi thể thao và ngồi thiền. Chơi thể thao giúp bạn rèn luyện thể chất và gắn kết với bạn bè, ngồi thiền sẽ giúp bạn kết nối với bản thân, thực sự khi đã trò chuyện được với chính mình bạn sẽ thấy mình có vô số ý tưởng để viết.
5. Trò chuyện với bản thân:
Cách mà mình đã áp dụng để brainstorm cho ý tưởng là ngồi yên tĩnh một mình trong căn phòng không có bất kì ai. Khi tâm trí an tĩnh, bạn sẽ được kết nối với chính mình, bạn sẽ có cơ hội trò chuyện và quan sát với đứa trẻ bên trong để xem nó thực sự muốn gì? Trong cuộc sống hằng ngày, tiếng ồn và sự xao nhãng khiến bạn không có thời gian để nhận ra và chú ý đến những ý tưởng đó, ý tưởng chỉ đến khi bạn có sự tĩnh lặng và bình ổn trong tâm trí mình.
6. Tìm ra những idol truyền cảm hứng cho mình.
Bill Gates, Elon Musk, nhà tâm lí học Jordan B. Peterson, nhà văn Nail Gaiman …mình thích tìm hiểu về tâm lí học, kinh tế, khoa học…nên mình theo dõi những chuyên gia nổi tiếng trong các lĩnh vực đó. Mình nhận ra mỗi ngày, mỗi ngày trên thế giới đều có những con người đang nỗ lực và làm việc vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng ta chỉ là những người bình thường, việc của chúng ta chỉ đơn giản là nỗ lực sống một ngày bình thường thật trọn vẹn và ý nghĩa!
7. Quên ngay tác phẩm vừa viết.
Mình có một thói quen, sau khi đăng bài viết lên, mình sẽ bật chế độ cho não bộ, đó là quên những gì mình đã viết. Mình luôn muốn bản thân liên tục đưa ra ý tưởng để viết bài tiếp theo, kể cả khi chưa đến lịch đăng, mình có thể viết sẵn để trong laptop.
8. Đọc thần chú khi bắt đầu viết “Tắt Wifi”.
Thông báo facebook, email,…là một trong những tác nhân hàng đầu khiến đứa con tinh thần của bạn không thể thành hình trong một khoảng thời gian ngắn. Tập trung thôi là chưa đủ, bạn cần sự tập trung cao độ, chuông điện thoại hay tiếng rung nhè nhẹ của nó cũng có thể kích thích sự tò mò trong bạn: “Ai đang nhắn tin cho mình nhỉ? post mới có ai like không nhỉ?…”. Nếu tâm trí bạn cứ suy nghĩ vào những vấn đề vụn vặt như thế thì đừng hỏi tại sao não bộ lại không tìm được ý tưởng? Mình hay để một khung giờ nhất định để check mail, sau đó tắt thông báo. Mình đặt đồng hồ và làm việc theo phương pháp Pomodoro (bạn có thể tìm đọc thêm về phương pháp này) nghĩa là làm việc tập trung 25 phút, nghỉ 05 phút. Lặp lại như thế 4 lần, mình sẽ có một quãng nghỉ dài là 15 phút. 05 phút nghỉ mình sẽ thiền hoặc nghe một bản nhạc nhẹ nhàng nào đó. Tập trung là một kĩ năng mà bạn hoàn toàn có thể rèn luyện, nhất là khi chúng ta đang sống trong một thời đại có quá nhiều tác nhân khiến bạn xao nhãng.
9. Nghỉ cách quãng.
Nhiều người cho rằng các quãng nghỉ là lãng phí thời gian. Không! Não bộ cần được nghỉ ngơi hợp lý để sạc năng lượng và sáng tạo ra những tác phẩm chất lượng hơn. Giống như việc bạn phải ngủ ít nhất 20 năm cuộc đời vậy, nếu ai đó nói việc ngủ khiến bạn lãng phí thời gian và bạn quyết định ngủ ít đi, bạn có thể sẽ phải trả giá bằng những giờ làm việc vật vờ mà không mấy hiệu quả. Đôi khi một giấc ngủ ngon sẽ giúp não bộ của bạn kết nối những kí ức để đưa ra những ý tưởng tuyệt vời. Mình hay để một cuốn sổ ở đầu giường để có thể note lại những ý tưởng bất chợt xuất hiện, có thể là nửa đêm hoặc là sáng hôm sau.
10. Viết rồi xóa.
Mình có rất nhiều bài viết trong lap nhưng không đăng. Vì sao ư? Vì nó rất tệ, ít nhất là trên quan điểm đánh giá của mình. Khi làm sáng tạo bạn sẽ nhận ra rằng chẳng có gì hoàn hảo ngay từ ban đầu, quan trọng là bạn dám làm, dám viết, và dám đọc lại tác phẩm của mình và nhận ra “Ôi không, tại sao mình có thể viết ra những dòng này cơ chứ!” Phủ định tác phẩm mà mình viết ra thật không mấy dễ dàng nhưng khi bạn vượt qua nỗi sợ ban đầu đó thì việc bạn biểu đạt ý tưởng của mình sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Ok, bạn muốn viết, lấy giấy ra và viết ngay. Bất cứ thứ gì. Hay hay dở không quan trọng, những bước đi đầu tiên bao giờ cũng khó khăn như vậy đó. Việc chấp nhận bản thân chỉ là một con số không tròn trĩnh và muốn học viết ngay từ đầu không hề dễ dàng. Mình cũng thế, mình giống như các bạn, mình cũng không được đào tạo qua trường lớp bài bản nào về viết nhưng mình vẫn viết, mình lắng nghe các anh chị đi trước góp ý, tham gia các cộng đồng viết lách để học hỏi, gửi bài tham gia các cuộc thi để nhận được những lời góp ý từ những tác giả có chuyên môn…Quá trình viết đến nay của mình đều bắt nguồn từ khả năng tìm tòi và tự học. Mình vẫn đang học và xác định luôn là học từ nay cho đến cuối đời. Chẳng có điểm dừng nào để xác định rằng bạn là một nhà văn nổi tiếng rồi thì bạn không cần phải học nữa! Những người giỏi hơn ta vẫn đang học tập và hoàn thiện mỗi ngày, cớ sao chúng ta lại ngồi đây và không làm gì cả, đừng mơ khi người khác đang nỗ lực, hãy viết nếu đó là điều bạn muốn.
-------------
Cảm ơn bạn đã đọc và chia sẻ với mình, bài viết là những chia sẻ ngắn về những kinh nghiệm cá nhân mà mình tích góp trong quá trình viết để thấu hiểu bản thân và trưởng thành, mong rằng một chút chia sẻ nhỏ bé của mình có thể giúp bạn mạnh dạn hơn trong việc viết và làm sáng tạo. Bạn viết không phải cho ai xem mà viết trước tiên là cho chính bản thân mình. Bạn là độc giả trung thành nhất của chính mình, hãy cổ vũ bản thân và theo đuổi những điều mà bạn hằng mong ước.
Mời bạn ghé thăm một trong những fanpage nho nhỏ của mình:
Tham khảo:
1. Sức Mạnh Của Sự Tập Trung - Bí mật để tạo nên sự xuất sắc - Daniel Goleman
2. "Để trở thành người viết" - Travis Elborough, Helen Gordon
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất