Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là niềm tin rằng một chủng tộc, màu da, hay nói chung hơn, một bộ phận người nào đó, có thể mang bản sắc tôn giáo, quốc gia hoặc dân tộc, vượt trội hơn so với phần còn lại của nhân loại. Rất nhiều nhóm người khác nhau đã phải gánh chịu những gánh nặng từ vấn nạn này, được thể hiện trong các điều luật phân biệt đối xử (mà rõ ràng nhất là Đạo luật Jim Crow [1]), thực tiễn xã hội, và những hành vi phạm tội nhắm vào một nhóm 'mục tiêu'.
Nó đã là một phần của cảnh quan nước Mỹ chủ yếu kể từ khi châu Âu xâm lược Bắc Mỹ bắt đầu vào thế kỷ 17. Dù đã chính thức bị cấm ở giữa thế kỷ 20 và được coi là không thể chấp nhận được về mặt xã hội và đạo đức, nhưng đây vẫn là một hiện tượng lớn, và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tiếp tục là được phản ánh trong bất bình đẳng kinh tế xã hội [2]. Phân tầng chủng tộc tiếp tục xảy ra trong việc làm, nhà ở, giáo dục, cho vay và chính phủ. 
Mới đây nhất, vụ việc về George Floyd [3] lại gây ra một làn sóng biểu tình dữ dội về một vấn nạn đáng lẽ ra đã phải chấm dứt từ nửa thế kỷ trước. Các cuộc biểu tình dữ dội đến mức mỗi ngày lại có thêm hàng loạt các tin tức về những cuộc đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình, không chỉ ở trên mỗi nước Mỹ mà là trên toàn thế giới [4]. 
Sau đây sẽ là khái quát về nạn phân biệt chủng tộc trên đất Hoa Kỳ, đối với những nhóm người cụ thể đã diễn ra xuyên suốt lịch sử 4 thế kỷ, từ khi những người da trắng đổ bộ lên vùng đất này vào thế kỷ 17.

1. Với người Mỹ Bản địa

Họ đã sống ở lục địa Bắc Mỹ trong ít nhất 10.000 năm và hàng triệu người Mỹ bản địa đang sống ở nơi ngày nay là Hoa Kỳ vào thời điểm những người định cư châu Âu mới đến [5]. Những kế hoạch xâm lược có hệ thống của người da trắng đã mang đến sự chết chóc, cùng với đó là sự phân biệt chủng tộc và niềm tin tôn giáo mù quáng chống lại những con người nơi đây. Người châu Âu tin rằng cư dân nguyên thủy của nước Mỹ là những kẻ ngoại đạo man rợ, những người cần phải trở nên văn minh thông qua Kitô giáo và văn hóa châu Âu. Điều này dẫn đến nạn diệt chủng, giết người hàng loạt, đất đai bị đánh cắp, những nỗ lực nhằm xóa sạch truyền thống của người Mỹ bản địa, cũng như sự đồng hóa cưỡng bức thông qua các tổ chức như những ngôi trường [6] và khu dân cư [7] dành riêng cho người da đỏ. 
Đồng thời, việc truyền thông miêu tả những cư dân đầu tiên của lục địa này là những kẻ man rợ khát máu đã giúp biện minh cho sự phân biệt của châu Âu chống lại người Mỹ bản địa. Những hậu quả lâu dài là, theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ (NIMH), người Mỹ bản địa có tỷ lệ tự s.át cao nhất trong số các nhóm người ở đất nước này ngày nay [8].
Một bức tranh biếm họa, 4 đứa trẻ đang bị người da trắng kia "dạy bảo" là người Phillipines, Hawaii, Puerto Rico và Cuba. Một đứa trẻ da đen đang lau cửa sổ, một người bản địa ngồi ở góc phòng và một đứa bé châu Á đứng ngoài cửa lớp.

2. Với người Mỹ gốc Phi

Nhiều người đã bị bắt cóc từ quê hương của họ ở nhiều vùng khác nhau của châu Phi, đưa sang Mỹ bắt đầu từ thế kỷ 17 làm nô lệ. Đàn ông, phụ nữ và trẻ em châu Phi bị tước tên và danh tính của họ, bị buộc phải theo đạo Cơ đốc giáo, bị đánh đập, tra tấn bởi những chủ nhân da trắng, mà nô lệ là chìa khóa để duy trì tài sản và đất đai rộng lớn của họ.
Tư tưởng thống trị trong giới tinh hoa châu Âu, người cấu trúc chính sách quốc gia trong suốt thời đại buôn bán nô lệ Đại Tây Dương là chủ nghĩa trọng thương (mercantilism), với niềm tin rằng chính sách quốc gia nên tập trung vào sức mạnh quân sự và sự giàu có kinh tế. Các thuộc địa là nguồn của cải khoáng sản và cây trồng, được sử dụng để tạo lợi thế cho đất nước thuộc địa. Việc sử dụng người châu Âu làm lao động ở các thuộc địa tỏ ra rất đắt đỏ mà không có tính bền vững, cũng như có hại cho nguồn cung lao động trong nước của các nước thuộc địa. Thay vào đó, các thuộc địa đã nhập khẩu nô lệ châu Phi, những người "có sẵn với số lượng lớn với giá thành trong nông nghiệp trồng trọt ở châu Mỹ có lãi". [9]
Kết quả của việc trên, buôn bán nô lệ Đại Tây Dương đã phát triển thịnh vượng. Theo ước tính trong Cơ sở dữ liệu thương mại nô lệ xuyên Đại Tây Dương, từ năm 1626 đến 1860, hơn 470.000 nô lệ đã bị buộc di chuyển từ châu Phi đến nơi mà ngày nay là Hoa Kỳ. [10] [11]
Mặc dù chế độ nô lệ cuối cùng bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và luật cấm phân biệt đối xử đối với người Mỹ gốc Phi được thông qua, phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng này vẫn còn và được thể hiện theo những cách tinh tế hơn ngày nay. Ví dụ, theo Ủy Ban Thực Hiện Việc Làm Công Bằng Washington DC, cứ mỗi năm cuộc phỏng vấn xin việc, sẽ có một lần những người da đen phải đối mặt với sự phân biệt đối xử [12]. Hiệp hội Xã hội học Hoa Kỳ [13] đã nói rằng, ngày nay, các nhà tuyển dụng sử dụng các giai đoạn khác nhau của quy trình tuyển dụng để phân biệt đối xử với người thiểu số (ví dụ, tuyển dụng từ các trường chủ yếu là da trắng thay vì thông qua các chương trình đào tạo nghề) và cung cấp công việc có địa vị cao hơn và trả lương cho nhân viên da trắng. Sự phân biệt chủng tộc thậm chí vẫn còn đang diễn ra trong tiềm thức của hàng vạn người, và hậu quả của nó là việc người da màu, và đặc biệt là người gốc Phi, có cơ hội việc làm tệ hơn rất nhiều so với người da trắng: lương thấp hơn, phải làm công việc ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều hơn mà chế độ bảo hộ lao động và trợ cấp thì kém hơn nhiều, tỉ lệ thất nghiệp cao hơn, vv [14]. Trong quá trình người da màu cố gắng vươn lên, họ lại bị chà đạp xuống: ví dụ như việc phân biệt chủng tộc nơi công sở, hay việc người da trắng cố gắng phá huỷ phố Wall của người gốc Phi [15]. Người gốc Phi kiếm việc khó hơn rất rất nhiều so với người da trắng, và đặc biệt là phụ nữ gốc Phi, và sự phân biệt giàu nghèo dựa trên chủng tộc ngày càng tăng trên đất Mỹ. [16] 

Vết sẹo của một nô lệ bị đánh (ngày 2 tháng 4 năm 1863, Baton Rouge, Louisiana, Hoa Kỳ).

3. Với người Mỹ gốc Á

Người Mỹ gốc Á, bao gồm cả những người gốc Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á, đã trải qua nạn phân biệt chủng tộc kể từ khi những nhóm di dân lớn đầu tiên của Trung Quốc đến Mỹ. Đạo luật Nhập tịch năm 1790 khiến người châu Á không đủ tư cách công dân [17]: "Đạo luật Nhập tịch được thông qua, quy định rằng người nhập cư có thể nộp đơn xin nhập quốc tịch Mỹ nếu là người da trắng có tư cách đạo đức tốt, và đã định cư tại Mỹ ít nhất 2 năm" [18].
Hai nhóm người chịu ảnh hưởng nhiều nhất là Trung Quốc và Nhật Bản.
_ Trung Quốc: Trong cuộc cách mạng công nghiệp ở Hoa Kỳ, tình trạng thiếu lao động trong ngành khai thác mỏ và đường sắt là một điều phổ biến. Lao động nhập cư Trung Quốc thường được sử dụng để lấp đầy khoảng trống này, đáng chú ý nhất là việc xây dựng Đường sắt xuyên lục địa đầu tiên, dẫn đến sự nhập cư từ Trung Quốc với quy mô lớn [19]. Những người nhập cư Trung Quốc này được cho là nhận những công việc của người da trắng với mức lương rẻ hơn, và cụm từ "Yellow Peril", dùng để dự đoán sự sụp đổ của nền văn minh phương Tây từ kết quả của người nhập cư Trung Quốc, đã trở nên phổ biến [20]. Có thể nói người Trung Quốc lúc này phải chịu sự phân biệt giống với người Mỹ gốc Phi từ thời kỳ nô lệ, chỉ là họ vẫn được xem là con người thôi.
_ Nhật Bản: Bị Nhật Bản ném bom vào tháng 12 năm 1941 (trận Trân Châu Cảng) ở Hawaii, nạn phân biệt chủng tộc đối với người Mỹ gốc Nhật ngày càng gia tăng. Giống như người Hồi giáo sau vụ tấn công 11/9, người Mỹ gốc Nhật là mục tiêu của quấy rối, phân biệt đối xử và giám sát của chính phủ. Các thành viên của cộng đồng bị mất nhà cửa, việc làm và doanh nghiệp. Nhưng cú đánh tồi tệ nhất là Sắc lệnh hành pháp tháng 2 năm 1942 được ký bởi Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã cho phép giam giữ những người Mỹ gốc Nhật [21]. Bây giờ họ được coi là kẻ thù của nhà nước. Hơn một nửa trong số 120.000 người Mỹ gốc Nhật được gửi đến các trại, được sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ và chưa bao giờ đặt chân đến Nhật Bản. Một nửa số đó là trẻ em. Theo một báo cáo năm 1943 được công bố bởi Cơ quan Tái định cư Chiến tranh (WRA) nơi điều hành các trại này [22], người Mỹ gốc Nhật được đặt trong "các doanh trại phủ bạt bằng nhựa, xây dựng theo khung đơn giản mà không cần hệ thống ống nước hoặc nấu nướng." Những chỗ ở quá đông đúc và ảm đạm được bao quanh bởi dây thép gai. Chính Tổng thống Roosevelt đã gọi chúng là "trại tập trung". Một số trong những người bị cầm tù đã chết trong các trại do không được chăm sóc y tế đúng cách. Những người khác bị giết vì không tuân theo mệnh lệnh.
Gần đây nhất, cộng đồng người châu Á tại Mỹ (và cả châu Âu) lại thêm một phen phẫn nộ khi bị phân biệt chủng tộc vì virus corona, thứ mà những người da trắng kia cho rằng người châu Á nào cũng có khả năng mang trong người.
Sau đó ra sao, thì ai cũng biết.
Một tấm poster tuyên truyền chống Nhật Bản trong Thế Chiến II.

4. Với người Mỹ gốc Do Thái

Mặc dù người Do Thái lần đầu tiên đến Mỹ hơn 300 năm trước và được hưởng một mức độ tự do tôn giáo nhất định, nhưng chủ nghĩa bài Do Thái (Anti-Semitism) đã được chấp nhận và phổ biến về mặt xã hội, cũng như về mặt pháp lý trong một số trường hợp. Ví dụ, một số tiểu bang vào cuối thế kỷ 18 đã cấm những người không theo đạo Thiên chúa bỏ phiếu hoặc giữ chức vụ công cộng [23]. Tuy nhiên, những rào cản này sau đó đã được gỡ bỏ, đặc biệt là với việc ban hành Dự luật Nhân quyền (the Bill of Rights).
Nhưng sang đến tận thế kỷ 20, thái độ thù ghét người Do Thái của những người da trắng vẫn còn tiếp diễn, thậm chí còn được thể hiện rõ ràng qua những thống kê. Trong một cuộc thăm dò năm 1938, khoảng 60 phần trăm số người được hỏi có ý kiến không xem trọng về người Do Thái, gán cho họ cái mác "tham lam", "không trung thực" và "tự phụ". [24] 41% số người được hỏi đồng ý rằng người Do Thái có "quá nhiều quyền lực ở Hoa Kỳ" và con số này tăng lên 58% vào năm 1945. Năm 1939, một cuộc thăm dò của Roper cho thấy chỉ có 39% người Mỹ cảm thấy rằng người Do Thái nên đối xử như những người khác, 53% tin rằng "Người Do Thái khác biệt và nên bị hạn chế" và mười phần trăm tin rằng người Do Thái nên bị trục xuất. [25] Một số khảo sát được thực hiện từ năm 1940 đến năm 1946 cho thấy người Do Thái được coi là mối đe dọa lớn hơn đối với phúc lợi của Hoa Kỳ so với bất kỳ nhóm quốc gia, tôn giáo hoặc chủng tộc nào khác. [26]
Trong thời kỳ Holocaust (cuộc diệt chủng của Đức Quốc Xã nhằm vào người Do Thái), chủ nghĩa bài Do Thái là một yếu tố hạn chế những hoạt động của người Do Thái Mỹ trong chiến tranh, và đưa những người Do Thái Mỹ vào thế khó. Rõ ràng chủ nghĩa này là một thái độ phổ biến ở Mỹ, đặc biệt thuận tiện cho nước Mỹ trong thời kỳ Holocaust. Ở Mỹ, chủ nghĩa chống chủ nghĩa, đạt đến mức cao vào cuối những năm 1930, tiếp tục gia tăng vào những năm 1940. Người ta ước tính rằng 190.000 - 200,000 người Do Thái có thể đã được cứu trong Chiến tranh thế giới thứ hai nếu không có những trở ngại quan liêu đối với việc nhập cư do những nhà chính trị Mỹ theo chủ nghĩa bài Do Thái cố tình tạo ra [27]. Đồng thời, sự phân biệt đối xử với người Do Thái đã được thực hiện ở một số trường hợp trong lực lượng lao động, và họ không được phép vào một số khu vực nghỉ dưỡng và câu lạc bộ xã hội. Các trường cao đẳng cũng thực hành phân biệt đối xử bằng cách hạn chế ghi danh của họ. Trong một số trường hợp, người Do Thái bị cấm mua một số loại tài sản.
Một tấm poster vào những năm 1900.

5. Với người Đạo Hồi

Islamophobia là thuật ngữ được đặt ra để mô tả sự thù địch hiện tại đối với người Hồi giáo ở Hoa Kỳ, thể hiện ở định kiến, sự quấy rối và phân biệt đối xử của những người khác. Diễn đàn Pew về tôn giáo và đời sống công cộng năm ngoái cho thấy những ý kiến tích cực về Hồi giáo của người Mỹ đã giảm từ năm 2005 [28]. Islamophobia tăng cường sau vụ khủng bố 11/9, cũng như các cuộc chiến sau đó ở Iraq và Afghanistan. Vì lợi ích cho các cuộc điều tra về vụ 11/9, vào năm 2007, khoảng 700.000 người Hồi giáo ở Mỹ đã bị FBI gọi phỏng vấn. FBI chưa bao giờ chính thức ban hành các số liệu thống kê này. Tuy nhiên, Michael Rolince, đặc vụ phụ trách chống khủng bố của FBI, văn phòng Washington DC đã tuyên bố trong một bài phát biểu năm 2005 tại hội nghị của Ủy ban Công vụ Hồi giáo một tháng sau khi nghỉ hưu, FBI đã thực hiện khoảng 500.000 cuộc phỏng vấn mà không tìm được một người lãnh đạo nào có thể giúp đỡ Cơ quan ngăn chặn vụ tấn công khủng bố 9/11 [29]. Con số đó có nghĩa là gần 40% tất cả các hộ gia đình Hồi giáo ở Hoa Kỳ đã bị ảnh hưởng bởi cuộc điều tra này. Thêm vào đó là những lời hoa mỹ về sự căm ghét và thông tin sai lệch được thúc đẩy bởi những người được gọi là chuyên gia khủng bố, các tác giả cánh hữu, người dẫn chương trình truyền hình và đài phát thanh, cũng như vô số blog và trang web dè bỉu Hồi giáo và tự động liên kết họ với những kẻ khủng bố.
Có tới 30.000 người Hồi giáo đã chờ đợi để trở thành công dân trong hơn ba năm [30], mặc dù luật pháp Hoa Kỳ chỉ yêu cầu thời gian xử lý 120 ngày. Không có nghiên cứu mới nào có sẵn để đánh giá nếu vấn đề này liệu đã biến mất chưa hay vẫn còn tồn tại. Và vẫn còn phải xem chu kỳ của nó sẽ kéo dài bao lâu trước khi không còn sự thiên vị về văn hóa và pháp lý đối với nó, như trường hợp phân biệt chủng tộc đối với các nhóm thiểu số khác ở Hoa Kỳ ngày nay.
How we built a tool that detects the strength of Islamophobic hate ...
Biểu tình chống Islamophobia.

Vấn đề phân biệt chủng tộc đã tồn tại hàng trăm năm nay trên đất nước Hoa Kỳ kể từ khi nó mới được thành lập. Và khi người ta càng đứng lên phản đối vấn nạn này bao nhiêu, họ mới thấy được nó đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người bấy nhiêu. Không chỉ có những người da trắng kỳ thị những nhóm người khác thôi đâu, chính những nhóm người ấy đã và đang có những tư tưởng tiêu cực đè nặng lên nhau, khiến cho đây là một bài toán càng ngày càng nan giải hơn. 
Và thứ gì càng ăn sâu thì càng khó nhổ, tức là càng phải có những biện pháp quyết liệt hơn để triệt tiêu, vấn nạn này cũng không phải ngoại lệ.
Biểu tình, hoặc đấm nhau, chẳng hạn.


Nguồn:
[2]: Henry, P. J., David O. Sears. Race and Politics: The Theory of Symbolic Racism. University of California, Los Angeles. 2002.
[5]: Mann, Charles C., 1491: New Revelations of the Americas Before Columbus, Vintage Books, 2006, c.2005, p. 18
[9]: "Darity Jr., 2005"
[10]: Eltis, David (2008). Extending the Frontiers: Essays on the New Transatlantic Slave Trade Database. United States of America: Yale University Press. p. 31. ISBN 978-0-300-13436-0.
[17]: Schultz, Jeffrey D. (2002). Encyclopedia of Minorities in American Politics: African Americans and Asian Americans. p. 284. ISBN 9781573561488. Retrieved September 29, 2015.
[20]: Chin, Philip (2013). "The Chinese Exclusion Act: Ten Year Exclusion Act Debates and Passage – Part 3"". Chinese American Forum. 29 (1): 24–31.
[24]: Jaher, Frederic Cople (2002). The Jews and the Nation: Revolution, Emancipation, State Formation, and the Liberal Paradigm in America and France. Princeton University Press. p. 230 
[25]: Smitha, Frank E. "Roosevelt and Approaching War: The Economy, Politics and Questions of War, 1937-38". Retrieved April 23, 2008.
[27]: "Breckinridge Long (1881-1958)", Public Broadcasting Service (PBS), accessed March 12, 2006. 
Bài viết có tham khảo từ: