Đây là mớ thông tin dài dòng nhạt toẹt về sự khai sinh ra Vũ Trụ và biên niên sử về hành trình chinh phục trí tuệ của loài Người!

Dĩ nhiên chỉ là một phần trong hành trình vĩ đại ấy mà thôi.

Được ghi chép lại bởi một thanh niên mê khám phá (của ngày xưa), dựa trên nguồn cảm hứng bất tận trong "Nguồn Gốc" của nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận.

Là đống tàn tích của ý tưởng đã chết! Có thể nói đây là mớ kịch bản cho một tập phim phổ biến khoa học trên kênh youtobe "Đèn Đom Đóm" vài năm trước của hai thanh niên có tí lý tưởng, kiểu như series Cosmos: A Spacetime Odyssey của Neil deGrasse Tyson ấy. Không biết có bạn nào thiếu may mắn cùng cực tới nổi chưa xem ko nhờ? Cuối cùng thì sức người có hạn mà trí tưởng tượng thì vô biên, và như các bạn thấy đó, nó đến với ổ nhện =))

Xin nhắc lại, đây là mớ thông tin dài dòng nhạt toẹt. Nếu bạn không muốn phí thời gian đọc về những điều đã biết thì mời đi cho nhé^^.

OK! Không cần giở sách giáo khoa ra, chúng ta bắt đầu quay lại thời cởi truồng tắm mưa nhé!

Tập 1: Sáng Thế

Quyển này cực hay. "Cho dù bị nhốt trong vỏ hạt dẻ, ta cũng là chúa tể của khoảng không vô tận"_ Hamlet

            Thuở bé, khi còn là một thằng nhóc đi chân trần thích tắm mưa, khi “thế giới” là ngôi làng nhỏ có bờ đê, bến nước, gốc đa. Một tối thoáng đãng, nằm dài trên bãi cỏ quanh nhà, ngước mắt nhìn lên vòm trời thăm thẳm bắt trọn trong mình hàng trăm nghìn đốm sáng lắp lánh lúc ẩn lúc hiện tựa như những nàng tiên đang nhảy múa. Đắm chìm vào khung cảnh lãng mạn đó, bạn, bạn và cả bạn nữa, có giống như tôi, say sưa thả hồn vào điệu vũ tuyệt diệu của ánh sáng và tự hỏi: đó là gì?
            Và chưa hết, sáng hơn hàng triệu lần những đốm sáng rãi rác phủ trên nền trời đen như mực đó, to hơn hàng tỉ lần những điều kỳ vĩ nhất mà bạn có thể tưởng tượng ra, đẹp hơn tất cả những gì đẹp đẽ nhất từng hiện hữu trên thế giới này, một vệt sáng bạc hình vòng cung quét ngang bầu trời, tỏa sáng bằng tất cả ánh sáng của hàng triệu vì tinh tú. Cái mà ở phương tây người ta gọi nó là “Milky Way”-Con đường sữa, và trong ngôn ngữ của chúng ta, nó được gọi bằng cái tên thân thương - Ngân Hà! Quê hương, nơi chúng ta thuộc về trong Vũ Trụ bao la.
            Theo một cách nào đó, cho dù đó là sự tiến hóa của tự nhiên hay là sự nhào nặn từ bàn tay của Chúa, con người đã xuất hiện. Và thật may mắn, vượt lên trên những chủng loài mà chúng ta cho là thấp kém hơn, chúng ta có trí tuệ. Trí tuệ trao cho con người khả năng, phương tiện, mục đích để tồn tại. Tạo hóa trao cho đứa con bé bỏng của nó trí tuệ và trí tuệ trao cho chúng ta khả năng thiên phú mà không chủng loài nào có được: sự tự vấn về nơi đã sinh ra mình. Chúng ta là ai? Chúng ta đến từ đâu? Chúng ta sẽ đi về đâu?

VŨ TRỤ CỦA CÁC VỊ THẦN

                Từ xa xưa vào những thuở sơ khai, bằng trí tò mò vô hạn, con người ngước nhìn lên bầu trời và thấy ở đó sự kỳ vĩ của tự nhiên, bản năng khiến con người e sợ. Khiếp sợ trước sức mạnh vĩ đại của tự nhiên tổ tiên chúng ta tự đưa mình vào một vụ trụ mà ở đó họ sống dưới sự bảo vệ của thần linh. Thần Mặt Trời cai quản ban ngày, thần Mặt Trăng trong coi ban đêm, thần Đất, thần Nước, thần Lửa, thần Rừng,... Một vụ mùa bội thu đó là sự ban ơn của thần Rừng, lũ lụt hạn hán là sự phẫn nộ của thần Nước, núi lửa phun trào là sự giận dữ của thần Lửa. Niềm tin vào một thế giới được cai quản bởi các vị thần khiến con người sống hòa hợp với tự nhiên, ở đó con người có sự giao hòa với các thần linh ngự trong cỏ cây đất đá.
            Theo thời gian cùng với sự phát triển của trí tuệ con người và tham vọng chinh phục tự nhiên, các vị thần giờ đây không còn là hiện thân của tự nhiên nữa mà họ mang dáng hình của con người. “Vũ trụ thần linh” dần chuyển sang “Vũ trụ thần thoại”. Các vị thần không còn là đại diện các thế lực siêu nhiên nữa mà họ có quyền lực của riêng mình, không gắn kết với tự nhiên mà tách biệt hẳn với thế giới trần tục. Các vị thần trong Vũ trụ thần thoại cư ngụ ở những nơi linh thiên “cao” hơn thế giới mà con nguời tồn tại, họ đại diện cho quyền lực của Vũ Trụ và được con nguời tôn thờ. Zeus, Vua các vị thần ngự trên đỉnh Olympus trong thần thoại Hy Lạp, Odin-Godfather xứ Asgard trị vị Chín Cõi trong thần thoại Bắc Âu hay Ngọc Hoàng Thượng Đế ngự cao trên chín tầng mây ở Linh Tiêu Điện trong thần thoại Đông phương. Cho dù thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau,các vị thần luôn là hiện thân của con người, đại diện cho sức mạnh và tham vọng làm chủ thiên nhiên của nhân loại.

VŨ TRỤ CỦA KHOA HỌC

                Với trí tuệ siêu phàm cùng óc tò mò đáng ngưỡng mộ không cho phép con người tự nhốt mình trong vũ trụ thần thoại huyễn hoặc. Các thần linh trên bầu trời không phải là mối quan tâm duy nhất của họ. Ngày qua ngày thành tháng rồi năm, từ thời đại này sang thời đại khác, cùng với sự ra đời của chữ viết và toán học con người biết quan sát và tính toán chuyển động của các thiên thể. Vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên, xuất hiện một nền văn minh thịnh vượng và kéo dài suốt tám thế kỷ sau đó, văn minh Hy Lạp. Những người Hy Lạp đã đặt nền móng đầu tiên cho “Vũ trụ khoa học” bằng một ý tưởng mang tính cách mạng rằng: tự nhiên không phải thuần túy bị cai trị bởi sức mạnh của thần thánh mà chịu chi phối của những quy luật mà trí tuệ con người có thể hiểu được.

                Aristote (384-322 trước CN) tin rằng thế giới đươc cấu thành từ bốn nguyên tố nguyên thủy là Đất, Nước, Lửa và Khí. Cũng như bao thế hệ tổ tiên trước đây, ông đặt con người vào trung tâm của Vũ trụ, Vũ trụ tồn tại là vì sự xuất hiện của con người. Cùng với những quan sát về chuyển động từ đông sang tây của các thiên thể trên bầu trời, một cách hết sức tự nhiên ông cho rằng Trái Đất nằm ở tâm của Vũ trụ, đứng yên, còn Mặt Trời, Mặt Trăng và các thiên thể khác thì chuyển động xung quanh Trái Đất với quỹ đạo hoàn hảo nhất, hình tròn. Mô hình Vũ trụ Địa tâm với Trái Đất hình cầu chiếm vị trí trung tâm của thế giới cùng với chuyển động tròn đều của các thiên thể xung quanh của Aristote đã được chấp nhận một cách tuyệt đối trong suốt 15 thế kỷ trước khi một linh mục người Ba Lan trục xuất hoàn toàn sự thống trị của Trái Đất ra khỏi trung tâm của Vũ trụ.
                15 Thế kỷ sau, Đế quốc Hy Lạp bị sáp nhập vào đế quốc La Mã vào cuối thế kỷ thứ II trước công nguyên và Thiên Chúa giáo trở thành tôn giáo chính thống. Người La Mã không mấy quan tâm đến việc quan sát các vì tinh tú trên bầu trời mà thay vào đó sự quan tâm của họ dồn vào những cuộc xâm lăng liên miên của các thế lực bên ngoài. Đế quốc La Mã suy yếu dần rồi sụp đổ kéo theo sự biến mất hoàn toàn của nền tri thức Hy Lạp được tích lũy hàng thế kỷ trước đó. Ngọn đuốt văn minh chuyển sang tay của Đế quốc Ảrập Hồi giáo trải dài từ Tây Ban Nha sang Ấn Độ. Trong vòng 250 năm từ năm 750 đến năm 1000 Tây Ban Nha trở thành trung tâm trí tuệ của thế giới.
Nicolas Copernicus (1473-1543)
                Theo thời gian những quan sát và tính toán chuyển động của các tinh cầu ngày càng chính xác mà ở đó Vũ trụ Địa tâm với sự đứng yên của Trái Đất và chuyển động tròn đều xung quanh của các thiên thể ngày càng không phù hợp. Năm 1543, một linh mục người Ba Lan là Nicolas Copernicus (1473-1543) đã cách mạng hóa nhận thức của con người về thế giới bằng cách đưa Mặt Trời vào vị trí trung tâm và đẩy Trái Đất xuống hàng các hành tinh bình thường. Tuy nhiên ông cũng không thể quét sạch một số quan niệm của Vũ trụ Aristote rằng chuyển động của các thiên thể vẫn là tròn đều. Vũ trụ Nhật tâm mà ở đó Trái Đất bị trục xuất khỏi vị trí độc tôn của mình đã giáng một đòn nặng nề vào nhận thức ,tâm lí của nhân loại. Con người không còn là trung tâm của thế giới nữa, Vũ trụ không sinh ra để phục vụ nhu cầu và lợi ích của con người thay vào đó vai trò của con người trở thành thứ yếu và điều này cũng gián tiếp khẳng định: Vũ trụ rộng lớn hơn rất nhiều.
Johannes Kepler (1571-1630)
                Johannes Kepler (1571-1630) giả thuyết và đặc biệt có niềm tin mãnh liệt vào giả thuyết của mình rằng các hành tinh chuyển động với một quỹ đạo tuyệt đối tròn đều, một quan niệm có từ thời Aristote. Tuy nhiên với tư cách là một nhà khoa học đích thực, sau nhiều năm miệt mài với hàng trăm ngàn phép tính, Kepler đã đạp đổ hoàn toàn học thuyết về chuyển động tròn đều tuyệt đối của các hành tinh của Aristote cũng như đi ngược hoàn toàn với giả thuyết của mình. Theo đó, quỹ đạo chuyển động của các hành tinh không phải tròn đều tuyệt đối mà thay vào đó là chuyển động theo hình elip quay xung quanh Mặt Trời, có điều Mặt Trời không còn là trung tâm nữa mà là một trong hai tiêu điểm của quỹ đạo elip của mỗi hành tinh. Các hành tinh không còn chuyển động đều nữa mà thay vào đó chúng đi chuyển nhanh hơn khi đến gần Mặt Trời và chậm hơn khi rời xa Mặt Trời. Phát hiện này tiếp tục giáng một đòn nặng nề vào học thuyết của Aristote, xóa sổ hoàn toàn những quan niệm của ông về thuyết Địa tâm. Tuy nhiên sau khi ống kinh thiên văn đầu tiên được con người hướng lên bầu trời thì học thuyết của Aristote mới sụp đổ hoàn toàn.
Galileo Galilei (1564-1642)
                Galileo Galilei (1564-1642), một nhà thiên văn học người Ý, người đàn ông đầu tiên hướng “con mắt vĩ đại” của mình  lên bầu trời và phát hiện ra sự thật trần trụi của nó. Năm 1609, Galileo hướng ống kính thiên văn đầu tiên của nhân loại lên Mặt Trăng trên nền trời nước Ý, chiếc kính có độ phóng đại gấp 20 lần kích thước bình thường giúp ông nhìn thấy nhiều điều mới lạ. Galileo phát hiện ra nhiều miệng núi lửa, núi non và các miệng hố trên Mặt Trăng và tự dùng tài năng hội họa của mình ghi lại những hình ảnh đó hết sức chân thật, những vùng tối xuất hiện trên Mặt trời gọi là “vết Mặt Trời”. Ông còn phát hiện ra bốn vệ tinh tự nhiên (tựa như Mặt Trăng của Trái Đất) quay xung quanh sao Thổ mà ngày nay người ta gọi là các “vệ tinh Gallileo”, điều này trực tiếp khẳng định sự sai lầm của học thuyết Aristote khi cho rằng Trái Đất đứng yên, là trung tâm của thế giới và mọi thứ đều quay xung quanh nó. Nhờ vào những phát hiện của mình Galileo kịch liệt ủng hộ học thuyết Nhật tâm của Copernicus, và cũng vì thế ông bị Nhà thờ buộc từ bỏ vũ trụ Copernicus và phải chịu cảnh quản thúc tại gia đến cuối đời. Mặc dù bị buộc phải im lặng, ông vẫn thốt lên “Dù sao, nó (Trái Đất) vẫn quay” sau khi bị kết án. Đến năm 1979, hơn 300 năm sau khi ông mất, Tòa thánh Vatican mới chính thức thừa nhận là ông đã đúng.
Isaac Newton (1642-1727)
                Năm 1642 Galileo mất, đây cũng là năm mà thế giới chào đón sự ra đời của một trong những bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại, Isaac Newton (1642-1727). Dường như là định mệnh, Newton tiếp nối những thành quả mà Johannes Kepler cũng như Galileo Galilei đã để lại, đồng thời trả lời những câu hỏi mà các bậc tiền nhân còn bỏ ngỏ. Tại sao các thiên thể tinh cầu lại trôi lơ lửng trong khoảng không vô hạn của Vũ trụ? Tại sao chúng có thể đi chuyển (quay) xung quanh Mặt Trời, cái gì đã giữ cho chúng không rơi về phía Mặt Trời? Tại sao chúng lại đi nhanh hơn khi đến gần và đi chậm hơn khi rời xa Mặt Trời? Tại sao một quả táo bị ném lên không trung lại rơi xuống mặt đất còn Mặt Trăng đều đặn quay xung quanh ngày qua ngày mà không đâm sầm vào Trái Đất ? Bằng trí tuệ siêu phàm của mình Newton đã phát hiện ra một quy luật vô cùng đẹp đẽ chi phối toàn bộ Vũ trụ mà ngày nay chúng ta gọi nó là “Định luật vạn vật hấp dẫn”. Luật hấp dẫn cho rằng vạn vật trên thế giới này dù xa hay gần, lớn hay nhỏ đều hút nhau với một lực tỉ lệ thuận với tích khối lượng của chúng và tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa hai vật. Lí do quả táo không bay quanh Trái Đất như Mặt Trăng vì nó không nhận đủ lực đẩy từ tay người ném, nếu lực này đủ lớn đến mức điểm rơi của quả táo lớn hơn đường kính của Trái Đất thì nó sẽ mãi mãi quay xung quanh Trái Đất mà không bao giờ rơi xuống. Một hành tinh quay đến gần Mặt Trời sẽ bị Mặt Trời hút với một lực mạnh hơn khi ở xa do đó nó di chuyển nhanh hơn khi đi về phía Mặt Trời, và ngược lại đi chậm hơn khi rời xa Mặt Trời. Thuyết hấp dẫn ra đời đã khiến cho Vũ trụ trở nên thống nhất hơn bao giờ hết. Một nhành cây khô đã chấm dứt cuộc đời của mình với nắng và nóng, một chú nai vàng ung dung gậm cỏ dưới nền trời xanh thẳm, chú mục đồng chăn trâu thả hồn vào tiếng sáo thanh tao buổi trưa hè yên ả, hay thậm chí là vầng trăng tròn tỏa sáng đêm trung thu vui vẻ, giờ đây không còn tách biệt nữa, dưới tác dụng của một lực vô hình chúng liên kết với nhau hơn bao giờ hết. Dưới sự khai sáng của thiên tài Newton, vạn vật giờ đây tập hợp dưới ngọn cờ thống nhất mà chủ soái chính là lực hấp dẫn.

BIG BANG

            Kể từ khi Galileo ngước nhìn lên bầu trời ta đã biết: Vũ trụ vô cùng rộng lớn. Nhưng nó lớn đến mức nào? Vũ trụ có hình dạng gì? Vũ trụ là hữu hạng hay vô hạng? Vũ trụ xuất hiện từ khi nào và liệu có thời khắc nào đã khai sinh ra Vũ trụ hay Vũ trụ có đi đến hồi kết của cuộc đời vĩ đại của nó hay không? Đểt trả lời những câu hỏi này chúng ta cần tìm đến gã, gã là đứa em hoang đàng của Vũ trụ, gã sống cuộc đời lang thang phiêu bạt cùng với hư không, đôi khi gã hiện diện trước mắt ta mang đến cho ta vẽ đẹp tuyệt diệu của tự nhiên, đôi khi gã tự giấu mình đi đâu đó mà ta không thể tìm thấy được, gã mang trong mình bí mật vĩ đại nhất của Vũ Trụ. Gã là Ánh sáng!

            Thật vậy! Ánh sáng là diều kỳ điệu nhất mà tự nhiên đã ban tặng cho thế giới này. Ánh sáng mang trong mình quyền năng của Chúa: năng lượng nuôi dưỡng sự sống. Ánh sáng còn ban phát cho chúng ta vẻ đẹp của màu sắc, và ánh sáng còn làm được nhiều hơn thế nữa.
            Như đã biết, chúng ta nhìn thấy được một vật khi có ánh sáng từ vật đó chiếu vào mắt ta và ánh sáng không phải lan truyền tức thời mà cần có thời gian để di chuyển vì vậy ánh sáng có vận tốc. Vận tốc ánh sáng rất lớn (300.000km/s, 7,5 vòng quanh Trái Đất trong 1 giây) nhưng ở thang đo của Vũ trụ thì vận tốc này cũng như rùa bò. Vì ánh sáng không phải lan truyền tức thời mà nó có vận tốc, do đó khi chúng ta nhìn thấy một vật cũng có nghĩa là chúng ta đang nhìn thấy hình ảnh của vật đó trước một khoảng thời gian bằng với thời gian ánh sáng đi từ vật đó đến mắt ta. Điều này có nghĩa là chúng ta đang nhìn về quá khứ, mặc dù ở thang đo của chúng ta khoảng thời gian này là rất nhỏ, nhưng chúng ta luôn luôn nhìn thấy quá khứ. Còn điều gì tuyệt vời hơn khi nhìn về quá khứ mà không cần đến cỗ máy thời gian, và đây chính là chía khóa để các nhà thiên văn học mở cánh cửa bí mật ẩn giấu tuổi thơ của Vũ trụ.
Kính thiên văn Hubble
            Bằng việc hướng ống kính thiên văn đến những nơi xa xôi nhất trên bầu trời, mà nhìn xa hơn tức là nhìn sớm hơn, các nhà khoa học đã tiến một bước dài trong hành trình tìm về cội nguồn của thế giới cũng như đo đạt kích thước của Vũ trụ. Năm 1990 kính thiên văn Hubble được phóng lên quỹ đạo bắt đầu cho hành trình chu du thiên liêng của nó. Sự kiện này mang tính cách mạng tương đương với thời điểm Galileo hướng chiếc kính thiên văn khúc xạ đầu tiên lên bầu trời vào năm 1609. Hubble được đặt theo tên nhà thiên văn học Edwin Hubble (1889-1953), chiếc kính nặng 11,6 tấn, ống kính hình trụ đường kính 2,4m dài tới 13,1m. Sức mạnh của Hubble rất kỳ diệu, nó có thể nhận biết một vật 10cm ở khoảng cách 20 km hay nhìn thấy ánh sáng của một con đom đóm cách xa 16.000 km. Với sức mạnh khủng khiếp của mình Hubble có thể nhìn xa về quá khứ 12 tỉ năm!
                Tuy nhiên trước khi Hubble ra đời, với những nỗ lực của mình các nhà thiên văn học đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn với những chiếc kính thiên văn ngày càng hoàn thiện của họ. Với việc sử dụng kính thiên văn kết hợp với những phương pháp đo đạt và tính toán phức tạp chúng ta biết được rằng Trái Đất cách Mặt Trời khoảng cách trung bình là 149 triệu km hay 8 phút ánh sáng. Thổ tinh, hành tinh xa nhất trước khi phát hiện ra Thiên Vương tinh năm 1981 cách Trái Đất 1,3h ánh sáng, Thiên Vương tinh cách cúng ta 2,7h ánh sáng, Hải Vương tinh được phát hiện nhờ các phép toán cách chúng ta 4,2h ánh sáng. Và Diêm Vương tinh hành tinh xa nhất Hệ Mặt Trời được phát hiện năm 1930 cách chúng ta 5,5h ánh sáng. Tuy nhiên ngày này chúng ta biết được rằng Diêm Vương tinh không còn được xem là một trong 9 hành tinh thuộc Hệ Mặt Trời nữa mà thay vào đó là một tiểu hành tinh vì quỹ đạo lệch phương so với các hành tinh khác của mình.

                Ngày nay chúng ta biết được rằng dãi Ngân Hà chứa vài trăm tỉ ngôi sao, nó có dạng hình đĩa dẹt rất “mỏng” đường kính khoảng 100.000 năm ánh sáng và dày khoảng 1000 năm ánh sáng. Năm ánh sáng là đơn vị đo chiều dài trong thiên văn học, 1 năm ánh sáng tức là khoảng sách ánh sáng đi được trong 1 năm và tương đương với 9,5 tỉ km! Trái Đất quay quanh Mặt Trời với vận tốc 30km/s, đến lược mình Mặt trời của chúng ta không không mệt mỏi đều đặng quay xung quanh tâm Ngân Hà với vận tốc 220 km/s và cách tâm Ngân Hà khoảng 26.000 năm ánh sáng. Từ khi sinh ra cách đây 4,5 tỷ năm Mặt Trời thực hiện 20 vòng quay quanh Ngân Hà, mỗi vòng mất 220 triệu năm.
                Xưa nay con người luôn tự cho mình quyền được làm chủ thế giới, nhưng so với những gì mà chúng ta phát hiện ra được thì con người cũng chỉ là cát bụi trong Vũ trụ bao là này mà thôi. Giờ đây “Thế giới”  không còn là ngôi làng với bờ đê bến nước gốc đa, cũng không phải là Quả đất quanh năm bốn mùa xanh tươi trù phú nuôi dưỡng hàng triệu sinh linh bằng quyền năng vĩ đại của mình. Thế giới rộng lớn hơn thế nhiều lắm! Nhưng liệu Thế giới lớn như thế đã đủ chưa? Chưa! Trí tuệ và óc tò mò của nhân loại cộng với niềm tin mãnh liệt về một Vũ trụ vô hạn thôi thúc con người tiếp tục khám phá. Hàng loạt các câu hỏi tiếp tục được con người đặt ra. Thế giới này có phải duy nhất một dãy Ngân Hà rộng lớn hay còn nhiều hơn thế nữa? Nếu thế thì có gì ở rìa bên kia thế giới? Khoảng trống của hư không trong đêm tối mịch mù hay các anh chị em của Ngân hà trôi lơ lững như những hòn đảo của Vũ Trụ?
                Để trả lời cho những câu hỏi này con người chỉ cần tiếp tục cộng tác với ánh sánh bằng cách hướng “những con mắt vĩ đại” của mình lên bầu trời. Edwin Hubble (1889-1953) đã trời cho những câu hỏi này nhờ vào việc sử dụng chiếc kính viễn vọng 2,5m trên núi Wilson bang California. Hubble quan sát và đo được khoảng cách đến tinh vân Tiên Nữ (Andromede), thiên hà này cách chúng ta 2,3 triệu năm ánh sáng lớn hơn rất nhiều kích thước của Ngân Hà. Ánh sáng mà chúng ta thu nhận được từ Tiên Nữ đã chu du trong Vũ trụ kể từ khi những con người đầu tiên xuất hiện trên Trái Đất. Như vậy, thế giới mà ở đó Ngân hà chiếm vị trí độc tôn đã không còn nữa, điều này lại tiếp tục giáng xuống con người một đòn tâm lí nữa rằng: cũng như Trái Đất, hay Hệ Mặt Trời, Ngân Hà giờ đây trở nên quá nhỏ nhoi trong Vũ trụ bao la vô tận.
                Tiếp tục với những quan sát và tính toán của mình về các thiên hà. Năm 1929 Hubble đã có một phát hiện làm thay đổi toàn bộ lịch sử Vũ trụ. Ông nhận thấy rằng các thiên hà cũng giống như Trái Đất hay Hệ Mặt Trời, chúng không đứng yên mà luôn đi chuyển đều đặng rời xa Ngân Hà. Chúng ta không nên nghĩ rằng các thiên hà khác chỉ rời xa Ngân hà cứ như chúng ta đang mang bệnh truyền nhiễm vậy, sự thật thì nếu quan sát từ một thiên hà khác chúng ta vẫn thấy điều tương tự, Ngân Hà và các thiên hà khác đang rời xa nó. Giống như ta thổi căng một quả bóng mà trên đó có vẽ những hình thù trông thật vui mắt, quả bóng càng căng lên thì các hình thù đó càng rời xa nhau. Đây chính là sự giãn nở không gian kéo theo các thiên hà đứng yên chứ không phải các thiên hà đang di chuyển! Nếu thật sự là như vậy, mà hiển nhiên là như vậy, các thiên hà đang đều đặng “di chuyển” rời xa nhau, bây giờ ta hãy cho chạy ngược cuốn phim của Vũ trụ, các thiên hà không chạy trốn nhau nữa mà chúng quay lại đến gần nhau hơn, tiếp tục đến gần nhau mãi cho đến một thời điểm xa xưa nào đó trong quá khứ (14 tỉ năm) chúng tụ lại thành một điểm! Thả cuộn phim ra và BÙM!!! Đây chính là thời khắc khai sinh ra Vũ Trụ! Từ đó ra đời khái niệm Vụ nổ Lớn (Big Bang). Từ một điểm kỳ dị, đặc quánh, cực nóng, chứa toàn bộ vật chất và năng lương cấu thành thế giới, một vụ nổ nguyên thủy khai phóng tất cả, bắn vào không gian toàn bộ quyền năng vĩ đại của nó mà lí trí con người không bao giờ có thể tưởng tượng được.
Thời gian có hình quả lê! Mọi chi tiết xin liên hệ "Vũ trũ trong vỏ hạt dẻ", Stephen Hawking
                    Vũ trụ được sinh ra theo cách như thế đấy, một vụ nổ nguyên thủy mà ngày này chúng ta có thể cảm nhận được thông qua sự rời xa nhau của các thiên hà. Trí tuệ con người chưa thể hiểu được điều gì đã châm ngòi cho nó, Vụ nổ Lớn, nhưng con người là vậy, cho dù là được nhào nặn từ bàn tay của Chúa hay ngẫu nhiên theo một cách nào đó, con người đã xuất hiện và mang theo trí tuệ. So với sự già cõi của nơi đã sinh ra mình, con người chỉ là đứa bé con mới chập chững biết đi, tò mò như một đứa trẻ, từ thời đại này sang thời đại khác chúng ta không ngừng đặt ra cho mình vô vàn câu hỏi về nơi mà chúng ta thuộc về, trả lời câu hỏi này chúng ta lại tự đặt ra cho mình câu hỏi khác, tin rằng một ngày nào đó bức màn bí ẩn nhất về Vũ trụ sẽ được chính những đứa con bé bỏng của nó hé mở.
__________
Tài liệu tham khảo
“Ngồn Gốc: nỗi hoài niệm về những thuở ban đầu”, tác giả Trịnh Xuân Thuận.