Orpheus, người nghệ sĩ và nhà thơ thần thoại nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp, được biết đến không chỉ vì tài năng âm nhạc của mình mà còn bởi câu chuyện tình yêu bi kịch với Eurydice. Khi Eurydice chết vì bị rắn cắn, Orpheus đã không ngần ngại xuống địa ngục để tìm cách cứu cô. Nhờ khả năng âm nhạc kỳ diệu, anh đã làm mềm lòng thần Hades và nữ thần Persephone, và được phép đưa Eurydice trở lại thế giới sống với điều kiện anh không được quay lại nhìn cô cho đến khi họ ra khỏi địa ngục. Tuy nhiên, do lo lắng và nghi ngờ, Orpheus đã quay lại nhìn Eurydice và cô biến mất mãi mãi. Sau này, Orpheus sống cuộc đời cô độc và bị giết chết bởi những phụ nữ Maenad của Dionysus. Đầu của Orpheus và cây đàn lyre của anh được ném xuống sông Hebrus, cuối cùng trôi ra đảo Lesbos, nơi chúng trở thành biểu tượng thiêng liêng.
Orpheus & Eurydice
Orpheus & Eurydice
Câu chuyện đầy bi kịch và cảm động của nhạc công Orpheus, người đã du hành vào miền địa phủ không chỉ là một phần của thần thoại Hy Lạp mà còn là cảm hứng cho tên gọi của một phong trào tôn giáo cổ xưa - Orphism. Orphism ra đời và phát triển vào quãng thế kỉ VI TCN, du nhập vào vùng Athens sau đó lan truyền khắp đất Hy Lạp. Tôn giáo Orphism có những đặc điểm và giáo lý độc đáo, khác biệt với các tôn giáo chính thống của Hy Lạp cổ đại.
Dưới đây là một số đặc điểm chính của Orphism mà bài viết sẽ đề cập:
1. Niềm tin vào sự bất tử của linh hồn
2. Niềm tin rằng linh hồn đã bị giam cầm trong cơ thể vật chất
3. Niềm tin vào Luân hồi
4. Mục tiêu giải phóng linh hồn khỏi cơ thể 
5. Niềm tin vào một lối sống thanh tao
6. Việc sử dụng các nghi lễ và nghi thức để đạt được sự giác ngộ
Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Orphism là các văn bản Orphic. Orpheus được coi là người sáng lập và nhà tiên tri của tôn giáo này. Các văn bản Orphic, như Orphic Hymns và Orphic Argonautica, chứa đựng các bài thơ, nghi thức và giáo lý tôn giáo. Chúng không chỉ là những tài liệu thiêng liêng mà còn là những hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện các nghi lễ và tuân thủ các quy tắc đạo đức trong cuộc sống hàng ngày.

I. Niềm tin vào sự bất tử của linh hồn và linh hồn đã bị giam cầm trong cơ thể vật chất

Trước hết để hiểu sâu về Tôn giáo – thần thoại Orphism, chúng ta cần đi qua nền tảng của biểu tượng tôn giáo này, đó là Thần thoại về Dionysus và các Titan: 
Semele, công chúa của thành Thebes, là con gái của anh hùng Cadmus và nữ thần Harmonia (nữ thần của sự hài hòa, hòa hợp, hòa bình) Nàng nổi tiếng với nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, và điều đó đã không qua khỏi con mắt của Zeus, vị thần tối cao trên đỉnh Olmpus, nổi tiếng với một thói xấu là “đa tình”. Chính vì vậy, Zeus hóa thân thành nhiều hình dạng khác nhau để tới thăm nàng một cách lén lút. Mối tình này đã sinh ra Dionysus, vị thần rượu nho. 
Thế nhưng, mọi chuyện đã đến tai Hera, người vợ chính thê của Zeus, ghen tức với sự ra đời của Dionysus, đã kích động các Titan giết thần trẻ. Các Titan đã dụ dỗ Dionysus bằng đồ chơi và gương. Khi Dionysus bị mê hoặc bởi các Titan, họ đã bắt và xé xác hắn thành nhiều mảnh. Sau đó, họ đã luộc và nướng các mảnh này trước khi nuốt chửng chúng.
Biết được điều đáy, Zeus, tức giận với hành động của các Titan, đã đánh họ bằng tia sét của mình, biến chúng thành tro bụi. Từ tro bụi của các Titan, con người đã được tạo ra, thể hiện cả bản chất thiêng liêng và ác độc (thiêng liêng từ Dionysus đã bị tiêu diệt và ác độc từ các Titan).
Trái tim của Dionysus đã được cứu vớt bởi Athena, Rhea hoặc Demeter, tùy thuộc vào phiên bản thần thoại. Zeus đã sử dụng trái tim này để tái sinh Dionysus, cho phép hắn được sinh lại. Sự phục sinh này tượng trưng cho những chủ đề tái sinh và bất tử, là những yếu tố cốt lõi trong tín ngưỡng Orpheus.
"Sự thất thế của các Titan" _ Giulio Romano
"Sự thất thế của các Titan" _ Giulio Romano
Dựa vào thần thoại này, tư tưởng Orpheus giải thích bản chất hai mặt của con người: sự cao cả của thần thánh và sự thấp hèn của Titan. Từ đó quan niệm rằng, mỗi người sống trong cuộc đời này phải luôn quan tâm đến việc tẩy rửa bản thân mình những chất thấp hèn, tàn dư của các Titan, để chuẩn bị cho một cuộc sống đẹp đẽ hơn, cao thượng hơn ở thế giới bên kia. 
Orphism cũng nhấn mạnh khái niệm về linh hồn. Theo đó, linh hồn con người là bất tử nhưng lại trú ngụ trong một thể xác không bất tử, thể xác này in dấu mang trên mình biết bao tội lỗi xấu xa từ các thế hệ trước truyền lại. Sự chết và phục sinh của Dionysus cũng tượng trưng cho hành trình của linh hồn qua cái chết và sự tái sinh, các linh hồn trải qua quá trình luân hồi. Khi thể xác chết, linh hồn đi xuống địa ngục, nơi thần Hades cai quản, và phải đối mặt với phán quyết của các vị thần. Dựa trên, phán quyết của các vị thần, tội lỗi mà linh hồn đó mang nặng hay là nhẹ mà linh hồn sau đó sẽ nhập hóa vào một hình hài khác, có thể là con người, hoặc con vật, cứ tiếp diễn như vậy, trải qua hiều lần nhập hóa, chiếc bánh xe luân hồi cứ thế quay vòng cho đến khi linh hồn hoàn toàn trở nên thanh khiết và chỉ có thể được giải thoát khỏi chu kỳ này thông qua sự thanh tẩy và nghi thức tôn giáo. Điều này tạo ra một sự phân biệt rõ ràng giữa Orphism và các tôn giáo khác của Hy Lạp cổ đại, nơi thường không có quan niệm rõ ràng về sự bất tử của linh hồn.

II. Vòng đời và Tái sinh: Nghi lễ và thanh tẩy

Chính vì tin rằng linh hồn con người trải qua nhiều kiếp sống và cái chết. Orphism nhấn mạnh các nghi lễ thanh tẩy và hành động đạo đức là cần thiết để giải thoát linh hồn khỏi chu kỳ luân hồi. Những nghi lễ này bao gồm việc tuân thủ các quy tắc đạo đức, thực hiện các nghi thức thanh tẩy đặc biệt và tham gia vào các lễ hội tôn giáo nhằm thanh lọc linh hồn và chuẩn bị cho cuộc sống sau cái chết.
Nghi thức thanh tẩy là một phần quan trọng của Orphism. Các nghi thức này và nghi lễ đặc biệt được thực hiện để giúp linh hồn đạt được sự thanh sạch và chuẩn bị cho cuộc sống sau cái chết. Những nghi lễ này bao gồm việc tuân thủ các quy tắc đạo đức, thực hiện các nghi thức thanh tẩy đặc biệt và tham gia vào các lễ hội tôn giáo nhằm thanh lọc linh hồn và chuẩn bị cho cuộc sống sau cái chết, trong đó có việc kiêng giết súc vật và ăn thịt. Ngoài ra, trong khi thực hành nghi lễ họ được rửa tội bằng sữa để nhờ đó họ có thể thấy được con đường lên cõi phúc đời đời, thoát khỏi vòng sinh tử.
Bên cạnh đó, việc tôn thờ Dionysus còn gắn liền với một nghi lễ quan trọng – Orgi. Nghi lễ tôn giáo này cho phép con người được thoát khỏi những ràng buộc, cấm đoán thường nhật, được phá bỏ mọi phép tắc trong sinh hoạt hàng ngày.
“Nghi lễ được tiến hành vào ban đêm, trong rừng núi. Những người hành lễ hình thành một đám rưỡu đuốc, nhảy múa điên cuồng trong điệu nhạc giậm giật, kích động. Nghi lễ Orgi không áp dụng với tất cả các thần ở Olympia mà chỉ thờ cúng các vị thần Demeter, Persephone, Dionysus. Ngày nay, từ ngữ “orgi” ngoài ý nghĩa lịch sử là một nghi lễ tôn giáo còn mang thêm một nghĩa nữa chỉ sự phóng đãng, trụy lạc, điên loạn. Do nguồn gốc đó, Dionysus có biệt danh là Lysye (tiếng Hy Lạp có nghĩa là “giải thoát”, “buông thả”, “nở tung”, “bung ra”.) Bản chất của nghi lễ này là sự buông thả trong hoan lạc, phóng túng, cuồng loạn. Khi hành lễ, con người thả lỏng, nhảy múa trong sự say sưa ngây ngất, để thần Dionysus hóa nhập vào mình. Và như vậy, cái khoảng cách tác biệt giữa con người và thần thánh dần dần bị xóa bỏ. Một mối quan hệ đã được thiết lập: Con người thần thánh và Thần thánh con người. Tức là các vị thần đã được thế tục hóa. Vì lẽ đó mới có cơ sở để từ những nghi lễ thờ cúng thần Rượu nho mà nảy sinh ra hài kịch.” [1]

III. Tác động và Di sản

Thần thoại Dionysus không chỉ cung cấp một giải thích về bản chất con người trong tư tưởng Orpheus mà còn thiết lập Dionysus như một biểu tượng của sự thay đổi và sự sống, bao gồm cả sự phá hủy và tái sinh. Từ đó, Orphism đã ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của triết học và tôn giáo Hy Lạp, đặc biệt là các khái niệm về sự thanh tẩy của linh hồn và thế giới sau khi chết và các truyền thống triết học sau này. Ngoài ra, sự phục sinh của Dionysus tương tự như những chủ đề trong các tôn giáo bí ẩn và trong các câu chuyện sớm của Kitô giáo, góp phần vào cuộc tranh luận rộng rãi về cái chết và tái sinh.
Orphism đã góp phần hình thành nên tôn giáo và triết học Hy Lạp cổ đại và có ảnh hưởng sâu sắc đến cách nhìn nhận về linh hồn và cuộc sống sau cái chết trong nền văn minh phương Tây. Orphism không chỉ là một phong trào tôn giáo mà còn là một triết lý sống, ảnh hưởng đến các nhà tư tưởng và triết gia lớn như Pythagoras, người sáng lập Pythagoreanism, đã bị ảnh hưởng bởi các giáo lý Orphic, đặc biệt là quan niệm về sự bất tử của linh hồn và sự thanh tẩy thông qua nghi lễ và hành động đạo đức. Bên cạnh đó, Plato, triết gia vĩ đại người Hy Lạp  cũng đã tiếp thu nhiều ý tưởng từ Orphism trong triết lý của mình, bao gồm khái niệm về linh hồn bất tử và sự tái sinh. Một số điểm tương đồng giữa Platon và Orphism bao gồm:
Niềm tin vào sự bất tử của linh hồn: Cả Platon và Orphism đều tin rằng linh hồn là bất tử và tồn tại sau khi chết.
1. Quan niệm về luân hồi: Cả Platon và Orphism đều tin rằng linh hồn có thể luân hồi vào nhiều cơ thể khác nhau.
2. Sử dụng các biểu tượng và nghi lễ: Cả Platon và Orphism đều sử dụng các biểu tượng và nghi lễ để truyền đạt niềm tin của họ.
3. Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thanh lọc: Cả Platon và Orphism đều tin rằng con người cần được thanh lọc để đạt được sự cứu rỗi.
Tuy nhiên, cũng có một số điểm khác biệt quan trọng giữa Platon và Orphism. Ví dụ, Platon nhấn mạnh tầm quan trọng của lý trí, trong khi Orphism nhấn mạnh tầm quan trọng của cảm xúc và sự mặc khải. [2]
Triết gia Plato
Triết gia Plato
Như vậy, có thể thấy, bên cạnh Phật Giáo ở phương Đông, thì trong nền văn minh Phương Tây, từ thời Hy Lạp cổ đã có những ý thức và quan niệm về Luân Hồi. Tuy không được biết đến quá rộng rãi và  chỉ dừng lại ở những cơ sở thần thoại, truyền thuyết, song chúng đã góp phần xây dựng nền tảng cho nhiều tư tưởng triết học và tôn giáo sau này, đóng góp vào sự phát triển của nền văn minh phương Tây.
_________________________
Tham khảo:
[1]
[2]
[3]