Phần 1: Lựa chọn - Niềm tin - Lẽ sống
Phần 1: Lựa chọn - Niềm tin - Lẽ sống
Đứng giữa ngã ba đường, Khánh Linh buộc phải đưa ra lựa chọn: đi về con đường cũ, an toàn, quen thuộc để tiếp tục cuộc hành trình hoặc trải nghiệm khung trời mới nhưng không biết mọi người sẽ phải đối mặt với điều gì. Người ta thường mông lung khi có nhiều đường, và cách giải quyết đơn giản nhất là cứ chọn một cái để đi. Vì ngay sau đó, thay vì dành thời gian hối hận, họ sẽ phải tập trung, sáng tạo hành trình mới để tìm đến đích. Và rõ ràng, kế hoạch sẽ phụ thuộc vào lựa chọn thay vì ngược lại, quan trọng là thích nghi với nó và tiếp tục đi về phía mục tiêu cuối cùng. Một lời phàn nàn chả mới mẻ lắm để kết lại đoạn này: chẳng nên nuối tiếc về những điều mình không có khả năng thay đổi, điển hình là quá khứ.
Không bất ngờ, với niềm tin chưa bị lung lạc phía bên trên, Khánh Linh chọn mạo hiểm khi tự tin rằng bản thân đang nắm giữ thứ công cụ quyền năng dẫn mọi người đến đích - Google Maps. Hành trình tiếp tục, giữa con đường ngập tràn hương thơm của tự nhiên, thi thoảng Khánh Linh còn giật mình khe khẽ khi bỗng thấy Mặt Trời to rực đứng ngay ngắn ngang tầm với ngọn cây trước mặt. Hôm nay, Mặt Trời đi ngủ sớm.
Thời gian cứ trôi, rồi mọi người cũng nhận ra điều bất thường. Con đường mòn ngày càng quanh co, khúc khuỷu, không có dấu vết của cuộc sống sinh hoạt, điện thoại đã bắt đầu mất hết tín hiệu. Đôi khi, đặt niềm tin vào một thứ hữu hạn không hẳn là lựa chọn tốt hơn, Khánh Linh nhận ra điều đó khi cả gia đình đang ở trên đỉnh đèo với độ cao gần 3000m. Mặt Trời không lười biếng, chỉ có Khánh Linh dẫn mọi người “play hard”.
Và, hẳn là ta có thể sống nhiều cuộc đời trong một kiếp người, nên khi ấy Khánh Linh lựa chọn sống cuộc đời của Madeline (nhân vật chính trong “Nếu chỉ còn một ngày để sống”). Thế giới đẹp đẽ đến thế, ta phải đi cùng thế giới. Phút giây tận hưởng tự nhiên nơi đất trời xa lạ và biết rằng hơi thở của bản thân vẫn đang còn đây, Khánh Linh được đứng bên trong lẽ sống của chính mình.
Phần 2: Trách nhiệm - Hiện sinh - Câu trả lời
Phần 2: Trách nhiệm - Hiện sinh - Câu trả lời
Trời ngày càng tối, khi nhìn thấy ai cũng lo lắng vì đoạn đường quá nguy hiểm, Khánh Linh bắt đầu nghi ngờ niềm tin của chính mình. “Ở đây có gia đình mình, vô tình mình đã đẩy mọi người vào nguy hiểm chỉ vì một khát khao bé nhỏ từ sâu bên trong - mong muốn khám phá thế giới…”. Thật ra nhiều lúc ta nghĩ mình đã đi ra khỏi cái lối cũ mèm nhưng thực chất lại bị một sự quen thuộc khác chi phối. Đó là lý do tiềm thức tồn tại. Đi qua độ cao gần 3000m, Khánh Linh hiểu, hóa ra đây chẳng phải là con đường mới, Khánh Linh đã đưa gia đình đi theo lối mòn suy nghĩ đã luôn ở đó, còn an toàn có lẽ nên là một lựa chọn mới mẻ.
Đêm đen phủ xuống, không một ánh đèn đường leo lắt, biển báo thưa thớt, trách nhiệm của Khánh Linh và ba trở nên to lớn. Nguy cơ không dừng lại trên đỉnh đèo, cuộc sống sẽ chẳng phải cảm thông cho bất kỳ ai chỉ vì họ vừa trải qua khó khăn. Xuống đến chân núi, Google Maps trở về, nhưng vẫn còn gần 100km đường rừng hiểm trở. Khánh Linh bắt đầu tự vấn, phải làm gì để hành trình tiếp theo có thể suôn sẻ hơn. “Mình có quyền quyết định lẽ sống của mình, nhưng khi mọi người đã trao cho ta niềm tin tưởng, ta phải suy nghĩ cho tất cả. So với sự an tâm và sinh mạng của ai đó, mà hết thảy lại là những người ta yêu, thứ khát khao nhỏ bé tí theo bản năng ấy chẳng hề ý nghĩa gì. Trước khi ta là chính mình trọn vẹn, ta là con, là cháu, là em, là chị.”
Lần này, lựa chọn của Khánh Linh tốt hơn hẳn, ít nhất 50km cuối cùng không phải đi xuyên qua rừng rậm nữa. Trở về tới con đường quen thuộc, chẳng còn nữa nỗi sợ lạc đường hay đèo núi cheo leo, ai cũng có thể yên lòng mà chợp mắt chút ít (tất nhiên là trừ ba). Và nếu lại cần một lời gì đó để kết thúc hành trình này thì: đi thám hiểm cùng giáo viên Địa Lý chắc chắn sẽ là trải nghiệm tuyệt vời, nhất là khi không có Google Maps.