Bài viết có sự tham khảo các bản dịch sử liệu cũng như quan điểm, lập luận của thành viên Nguyên Hoàng, Quốc Bảo, Phú Võ và Cuong Vu từ Hội những người thích tìm hiểu Lịch sử. Xin chân thành cảm ơn. - Backturn -
Bấy lâu nay, chúng ta vẫn thường nghe câu khẩu ngữ “đông như quân Nguyên” được mọi người sử dụng khi muốn nói tới một số lượng cực kì to lớn. Lí giải cho câu khẩu ngữ này, nhiều người khẳng định rằng đó là bởi thực tế rằng số quân Nguyên sang xâm chiếm nước ta thật sự rất đông, tổng cộng cả 3 lần là khoảng hơn 1 triệu quân. Chà... nghe qua thì thấy cũng… đông thật đấy. Tuy nhiên, như mọi khi đối với các vấn đề được đem ra bàn luận trong series này, câu hỏi được đặt ra đó là liệu đây có phải là sự thật không?
Giai đoạn nhà Trần nổi tiếng với 3 lần kháng chiến chống quân Mông Nguyên.
Giai đoạn nhà Trần nổi tiếng với 3 lần kháng chiến chống quân Mông Nguyên.
Rất tiếc, câu trả lời sẽ khiến nhiều người bất ngờ đó là… KHÔNG. Sự thực thì nếu nói đông như quân Nguyên là bởi số quân mà đế quốc này đem sang xâm lược Đại Việt, thì người ta nên nói “đông như quân Trần” mới đúng… Chà, đến đây thì hẳn các bạn đang cảm thấy vô cùng bất ngờ và nghi hoặc đúng không? Vậy thì cùng chúng mình đến ngay với những phân tích sử liệu về quân số thực tế của quân Mông Nguyên trong 3 lần xâm lược Đại Việt dưới đây thôi nào.

I, Khái niệm tumen (vạn hộ) và những nguồn sử liệu sẽ được sử dụng trong bài viết

1, Tumen (vạn hộ)

Trước khi bắt đầu với những so sánh, chúng ta cần phải làm rõ một khái niệm cơ bản sẽ được nhắc đến rất, rất nhiều trong bài này, đó là tumen (vạn hộ). Nếu nghe qua cái tên, thì có lẽ ai cũng sẽ nghĩ rằng 1 tumen ở đây tương ứng với 10000 quân. Ờm thì… ngay cái từ “vạn” chẳng phải đã mang nghĩa là 10000 rồi còn gì?
Bình thường thì thế, nhưng mà với người Mông Cổ thì lại khác. Thực tế, có 3 loại vạn hộ khác nhau, với quân số dao động từ 3000 cho đến hơn 7000 (nhưng có lẽ không thể vượt quá mức 10000 để có thể gọi là “vạn”). Binh chế trong Nguyên sử có chép rằng: 
Chư lộ vạn hộ phủ: Thượng vạn hộ phủ, quản quân trên 7000. Đạt lỗ hoa xích một viên, vạn hộ một viên, đều chính tam phẩm, hổ phù; phó vạn hộ một viên, từ tam phẩm, hổ phù. Trung vạn hộ phủ, quản quân trên 5000. Đạt lỗ hoa xích một viên, vạn hộ một viên, đều từ tam phẩm, hổ phù; phó vạn hộ một viên, chính tứ phẩm, kim bài. Hạ vạn hộ phủ, quản quân trên 3000. Đạt lỗ hoa xích một viên, vạn hộ một viên, đều từ tam phẩm, hổ phù; phó vạn hộ một viên, từ tứ phẩm, kim bài. Này quan toàn thừa kế, có công tắc thăng chi. Mỗi phủ thiết trải qua một viên, từ thất phẩm; tri sự một viên, từ bát phẩm; đề khống công văn một viên. - Nguyên sử, Bách quan thất (quyển thứ XCI) -
Như vậy, với đơn vị tumen này, chúng ta sẽ phải xem xét bối cảnh lịch sử của từng thời điểm được nhắc tới để đưa ra một ước lượng chính xác nhất về quân số phía Mông Cổ, nhằm có một cái nhìn khách quan nhất.
2, Các nguồn sử liệu
Bấy lâu nay, do thiên kiến xác nhận, chúng ta thường chỉ sử dụng các tư liệu có nguồn gốc Việt Nam để phân tích cho 3 lần kháng chiến chống quân Mông Nguyên, mà chủ yếu là sử dụng Đại Việt Sử ký Toàn thư. Tuy nhiên, các học giả hiện đại đã chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý trong các ghi chép của Toàn thư, cũng như việc chỉ tham khảo các sử liệu ghi chép từ một phía là không hề phù hợp với một góc nhìn khách quan và công tâm đối với việc nghiên cứu lịch sử. Do đó, để tăng tính khách quan và độ tin cậy, bài viết sẽ tổng hợp và sử dụng thông tin từ các sử liệu có nguồn gốc Việt Nam như Đại Việt Sử ký Toàn thư, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục... và cả các sử liệu có nguồn gốc nước ngoài, mà cụ thể ở đây là các sử liệu của người Trung Quốc như Nguyên sử, Tân Nguyên sử, Nguyên sử tín thư nhật truyện, Phó dữ lệ thi văn tập, các bia ký khai quật được... hay những sử liệu được viết bởi người Nam sống lưu vong trên đất Bắc như Am Nam Chí lược... cho tới những sử liệu của các Hãn Quốc khác như Những người kế vị của Thành Cát Tư Hãn, Tập Sử Biên Niên...

II, Tương quan quân số Mông Cổ - nhà Trần trong cuộc chiến lần thứ nhất (năm 1257-1258)

1, Quân Mông Cổ

Trong 3 lần đối đầu với quân Mông Cổ, đây là lần duy nhất mà Đại Việt Sử ký toàn thư không ghi chép về quân số của đối thủ lẫn nhà Trần. Do đó, chúng ta chỉ có thể xem xét quân số của quân Mông Cổ dựa trên các nguồn ghi chép nước ngoài và sự ước lượng về quân số nhà Trần dựa trên tình hình kinh tế, chính trị và dân số của nhà Trần vào thời điểm đương thời.
Trong trận Bình Lệ Nguyên, kỵ binh Mông Cổ đã có dịp đối đầu với tượng binh phương Nam.
Trong trận Bình Lệ Nguyên, kỵ binh Mông Cổ đã có dịp đối đầu với tượng binh phương Nam.
Trước hết, chúng ta có thể xem xét những ghi chép trong tác phẩm Những người kế vị Thành Cát Tư Hãn của học giả Rashid al-Din Hamadani, người từng giữ chức tể tướng của của Y Nhi Hãn Quốc và sống gần với thời điểm các sự kiện diễn ra nhất để thấy được quy mô quân số phía Mông Cổ:
Hốt Tất Liệt khởi hành và đi đến Nam Tống. Và bởi vì đường xá xa xôi và hiểm trở, nổi loạn khắp vùng, khí hậu khó ở, chúng phải chiến đấu 2 đến 3 lần 1 ngày và tiếp tục di chuyển cho đến Côn Minh, chúng tiến hành vây hãm nơi đây cho đến khi 10 tumen chỉ còn lại 2. Sau đó Hốt Tất Liệt rút khỏi chiến dịch, để lại Ngột Lương Hợp Thai cùng tướng Bạt Đô (cháu của Quốc vương Mộc Hoa Lê) với một đội quân gồm 5 tumen. - Rashid al-Din Hamadani, Những người kế vị Thành Cát Tư Hãn, Mông Kha truyện -
[...] Mông Kha đã phái một đội quân gồm 3 tumen vòng qua phía bên kia của Nam Tống, chỉ huy bởi Ngột Lương Hợp Thai, con trai của Dũng sĩ Tốc Bất Đài [...] - Rashid al-Din Hamadani, Những người kế vị Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt truyện -
Như vậy theo Rashid ad-Din thì lực lượng của Ngột Lương Hợp Thai xuất phát ở Vân Nam có cả thảy 3 tumen, lấy ra từ 5 tumen để lại của Hốt Tất Liệt. Do sử liệu ghi rõ tên của 2 chỉ huy được Hốt Tất Liệt để lại trước khi rời đi và được Mông Kha tiếp quản chỉ huy, cho nên chúng ta có thể phỏng đoán khá chắc chắn rằng 2 tumen quân Mông Cổ ban đầu sẽ được chia đều cho 2 người, mỗi người 1 tumen. Và chắc chắn lực lượng vòng xuống phía sau của Nam Tống không có Bát Đột Nhi tham gia, bởi trước đó Bát Đột Nhi phải rút về Bắc để giúp Hốt Tất Liệt đánh Ngạc Châu (cả Nguyên sử lẫn Tập Sử Biên Niên đều xác nhận Bát Đột Nhi là chỉ huy quân tiên phong của Hốt Tất Liệt, và có mặt ở Ngạc Châu khi Hốt Tất Liệt biết tin Mông Kha qua đời). Vậy, nguồn gốc của 2 tumen còn lại trong đội quân của Ngột Lương Hợp Thai đến từ đâu?
Ngột Lương Hợp Thai, hay còn gọi là Cốt Đãi Ngột Lang là chỉ huy chính trong cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ nhất.
Ngột Lương Hợp Thai, hay còn gọi là Cốt Đãi Ngột Lang là chỉ huy chính trong cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ nhất.
Trong trích đoạn từ Mông Kha truyện, chúng ta có thể thấy quân số của Hốt Tất Liệt từ 10 tumen giảm xuống còn 2 tumen, sau đó tăng lên thành 5 mà không có ghi chép gì về các quân đoàn viện trợ từ đế chế Mông Cổ. Vậy nên, khả năng cao 3 tumen kia là quân tuyển mộ bản địa và hàng binh. Và tuy sử liệu cũng không có nói rõ 3 tumen kia là quân gì, nhưng dễ đoán được ngay đó chắc chắn là quân của Đại Lý - quốc gia đã bị Mông Cổ khuất phục trong khoảng thời gian đó. Đối chiếu với Nguyên sử, các tình tiết trùng khớp một cách chuẩn mực:
[Đoàn] Hưng Trí [...] tự cùng Tín Thư Phúc cầm 2 vạn quân Bặc, Thoán làm tiên phong, dẫn đường cho đại tướng Ngột Lương Hợp Thai đánh dẹp các quận chưa quy phụ, tấn công thu hàng Giao Chỉ. - Nguyên sử tín thư nhật truyện -
Ngoài các nguồn sử liệu, thông tin này cũng được chứng thực trong bài bia chùa Đại Sùng Thánh ở Vân Nam do Lý Nguyên Đạo soạn năm 1325, bia này do viên tổng quản Vân Nam là Đoàn Long (thay Tín Thư Long), cháu Đoàn Hưng Trí dựng.
Như vậy, ta xác định lực lượng của đội quân Mông Cổ xâm lược nước ta lần thứ nhất bao gồm 3 tumen với 1 tumen Mông Cổ, 2 tumen người Bặc, Thoán được tuyển mộ tại chỗ do đích thân vua Đại Lý đã quy hàng lãnh quyền chỉ huy. 2 tumen bổ sung được xác nhận là tổng 2 vạn người, tương ứng với mức trần của thượng vạn hộ, như đã nói. Cũng từ đây có thể ngoại suy rằng tumen người Mông Cổ cũng không thể ở dưới ngưỡng thượng vạn hộ để có thể áp chế và quản lí 2 tumen kia, tức là cũng phải ít nhất cũng phải khoảng 7000 quân trở lên.
Tổng hợp lại, ta có được tổng quân số Mông Cổ trong cuộc chiến năm 1258 là khoảng 2,7 đến 3 vạn quân. Trong đó, chỉ có tối đa 1/3 là kỵ binh Mông Cổ, 2/3 còn lại là người Đại Lý được tuyển mộ ở Vân Nam. Tuy không phải là kỵ binh Mông Cổ, nhưng lực lượng bổ sung này cũng rất thiện chiến nhờ sự điều hành chiến dịch của các tướng lĩnh Mông Cổ tài giỏi như Ngột Lương Hợp Thai, đồng thời cũng có kinh nghiệm chiến đấu cao khi đã tham gia đánh dẹp các cuộc nổi dậy ở vùng Vân Nam.

2, Nhà Trần

Về phía nhà Trần, Đại Việt Sử ký Toàn thư đã không nêu một cách tương đối rõ ràng về quân số, nhưng việc quân đội nhà Trần tự tin dàn quân đánh chặn tại Bình Lệ Nguyên sau khi liên tiếp thất bại tại các tuyến phòng thủ từ biên giới đến Thăng Long cũng cho thấy rằng lực lượng quân sự mà nhà Trần đã tập hợp được ở khu vực đồng bằng sông Hồng không hề nhỏ, tạm cho là ít nhất là có thể ngang bằng với kẻ địch.
Dân số của Đại Việt thời Trần vào giữa thế kỷ XIII ước tính khoảng 3 triệu người vùng đồng bằng và 2 triệu người vùng cao. Trong đó, chúng ta có thể ước tính một cách tương đối là quân đội chỉ có thể tuyển người trưởng thành (có khả năng chiến đấu) từ vùng đồng bằng (nơi nhà Trần có quyền kiểm soát thực tế). Theo đó thì:
Nhâm Dần, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 11 [1242], (Tống Thuần Hựu năm thứ 2). […] Làm đơn số hộ khẩu. Con trai lớn gọi là đại hoàng nam, con trai nhỏ gọi là tiểu hoàng nam, 60 tuổi gọi là lão, già lắm thì gọi là long lão. Nhân đinh có ruộng đất thì nộp tiền thóc, người không có ruộng đất thì miễn cả. Có 1, 2 mẫu ruộng thì nộp 1 quan tiền, có 3, 3 mẫu thì nộp 2 quan tiền, có từ 5 mẫu trở lên thì nộp 3 quan tiền. Tô ruộng mỗi mẫu nộp 100 thăng thóc. - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Thái Tông Hoàng đế -
Một số nghiên cứu của các học giả Việt Nam dựa vào các sách địa chí chỉ ra rằng, vào nửa cuối thế kỉ XIII, số đại hoàng nam thống kê được dao động trên dưới khoảng 1,9 triệu. Cứ theo tỷ lệ 10 dân nuôi 1 binh tức hai hộ tuyển một lính, tổng quân số thường trực toàn quốc trên lý thuyết khoảng 1/10 dân số, khả năng huy động có thể trên dưới 19 vạn quân. Tuy nhiên do phải áp dụng chính sách kinh tế trong thời bình, nên quân số thường trực trên thực tế không đông như thế. Trong những năm thiên tai mất mùa, quân số có thể giảm xuống mức thấp hơn nữa.
Trái với tưởng tượng của nhiều người, nhà Trần sở hữu một lực lượng quân sự đông đảo và mạnh mẽ.
Trái với tưởng tượng của nhiều người, nhà Trần sở hữu một lực lượng quân sự đông đảo và mạnh mẽ.
Trên đây mới chỉ ước tính là lực lượng quân đội tuyển theo binh chế của triều đình, chưa tính tới tư binh của các vương hầu quý tộc. Quân Đại Việt thời Trần có thể phân ra làm 2 kiểu quân chính là quân đội thuộc quyền quản lý của triều đình và quân đội thuộc quyền quản lý của các quý tộc. Lực lượng thứ hai tuy không phải quân chính quy, nhưng cũng có những đóng góp quan trọng trong các cuộc chiến của đất nước. Học giả thời Nguyễn là Phan Huy Chú có nhận định về sự hùng mạnh của hai lực lượng trên:
Số quân triều nhà Trần lúc trước, mỗi đội quân 2 ngàn 4 trăm người, quân ở trong Cấm vệ và quân ở đơn vị thuộc các lộ không đầy 10 vạn người. Nay xét: về khoảng niên hiệu Thiệu Bảo đời Trần Nhân Tông (1279-1284), lúc quân nhà Nguyên sang xâm lấn, các vương đem quân hội họp đến 20 vạn. Có lẽ vì chế độ nhà Trần, các tước vương cũng được chiêu mộ dân tráng làm lính. Nhưng số quân điều động lúc ấy cũng chỉ mới có mấy lộ về mặt đông nam, còn từ Thanh Hóa trở vào nam chưa hề trưng triệu xuất phát. Đến năm Long Khánh thứ 2 (1374) đời Trần Duệ Tông mới biên định danh hiệu cho quân ngũ. Như vậy thì lúc bấy giờ thế quân cường thịnh cũng có thể biết được đại khái. Đại để khi trong nước không có việc, thì cho quân lính về làm ruộng; khi có việc chinh chiến, thì hết thảy mọi người dân đều là quân lính. Danh hiệu quân lính nhà Trần sau này cũng thường có thay đổi, nhưng số quân nhiều hay ít, chế độ quân đội theo cũ hay đổi mới, không thể khảo cứu cho tường tận được. - Phan Huy Chú, Lịch triều Hiến chương Loại chí -
Tóm lại có thể tạm tính rằng quân số của nhà Trần tham gia trong kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần thứ nhất khoảng trên 10 vạn cho đến dưới 20 vạn, tính cả quân phòng thủ biên giới lẫn quân đội được tập trung tại khu vực đồng vằng Bắc Bộ. Con số này nhiều gấp 3 cho tới 6 lần quân số kẻ thù, tuy nhiên, như đã được Phan Huy Chú lưu ý, đây là quân không thường trực, do đó hẳn việc huấn luyện sẽ kém bài bản và kinh nghiệm thực chiến sẽ không cao. Vì vậy, thất bại của lực lượng thiếu kinh nghiệm chiến đấu của nhà Trần tại Bình Lệ Nguyên cũng là điều tương đối dễ hiểu.

III, Tương quan quân số Mông Cổ - nhà Trần trong cuộc chiến lần thứ hai (năm 1285)

Trong 3 lần đối đầu với quân Mông Cổ, đây có thể nói là lần mà nhà Trần đứng sát nhất bên mép vực của sự diệt vong khi suốt 5 tháng ròng rã dài hơi của cuộc chiến, đầu não kháng chiến đã gần như bị đánh bật hoàn toàn khỏi khu vực đồng bằng Bắc Bộ, liên tục bị truy đuổi bởi nhiều cánh quân của kẻ thù và rất nhiều lần vua Trần nếu thiếu một chút may mắn nữa thì đã sa vào lưới giặc. Vậy nên, các ghi chép về cuộc chiến lần này hẳn sẽ nhiều và chi tiết hơn so với cuộc chiến chóng vánh lần thứ nhất.
Cuộc chiến chống quân Nguyên xâm lược lần thứ 2 là cuộc chiến cam go nhất mà nhà Trần phải đối mặt.
Cuộc chiến chống quân Nguyên xâm lược lần thứ 2 là cuộc chiến cam go nhất mà nhà Trần phải đối mặt.

1, Quân Nguyên

Về phía quân nhà Nguyên, Đại Việt Sử ký Toàn thư đã có những ghi chép về quân số tham chiến, cụ thể như sau:
 Nhâm Ngọ, [ Thiệu Bảo] năm thứ 4 [1282], (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 19). [...] Mùa thu, tháng 8, thú thần Lạng Châu là Lương Uất chạy trạm tâu báo rằng, Hữu thừa tướng Nguyên là Toa Đô đem 50 vạn quân, nói phao là mượn đường đi đánh Chiêm Thành, nhưng thực ra là sang xâm lược nước ta. - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Nhân Tông Hoàng đế -
Quý Mùi, [ Thiệu Bảo] năm thứ 5 [1283], (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 20). [...] Mùa thu, tháng 7, sai trung phẩm Hoàng Ư Lệnh, nội thư gia Nguyễn Chương sang Nguyên, gặp thái tử A Thai , Bình Chương A Lạt, ở Hồ Quảng (lúc đó đang) hội 50 vạn quân ở các xứ định sang năm vào cướp nước ta. - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Nhân Tông Hoàng đế -
Nguyên soái Toa Đô đem 50 vạn quân từ Vân Nam qua nước Lão Qua, thẳng đến Chiêm Thành, hội với quân Nguyên ở Châu Ô Lý rồi cướp châu Hoan, châu Ái, tiến đóng ở Tây Kết, hẹn trong ba năm sẽ san phẳng nước ta.  - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Nhân Tông Hoàng đế -
Ngoài ra, cũng theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, phía nhà Trần từng bắt sống được 5 vạn quân Nguyên trong một trận đánh:
Ất Dậu, [Thiệu Bảo] năm thứ 7 [1285], (từ tháng 9 về sau là Trùng Hưng năm thứ nhất, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 22). [...] Tháng 5 [...] Ngày 20, hai vua tiến đóng ở Đại Mang Bộ. Tổng quản giặc Nguyên là Trương Hiển đầu hàng. Hôm đó, ta đánh bại giặc ở Tây Kết, giết và làm bị thương rất nhiều, chém đầu Nguyên Soái Toa Đô. Nửa đêm Ô Mã Nhi trốn qua cửa sông Thanh Hoá, hai vua đuổi theo nhưng không kịp bắt được hơn 5 vạn dư đảng giặc đem về, Ô Mã Nhi chỉ còn một chiếc thuyền vượt biển trốn thoát. - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Nhân Tông Hoàng đế -
Như vậy, theo sử sách nước ta thì tổng số quân Nguyên sang đánh Đại Việt thấp nhất là 50 vạn, nhiều nhất thì có thể lên đến… 100 vạn người, chưa kể lực lượng hàng binh được thu nạp sung quân sau đó. Con số này, tất nhiên, nhìn qua cũng thấy có gì đó sai sai… mà chúng ta sẽ cùng làm rõ ở phía sau.
Trong cuộc chiến lần 2, nhà Trần đã phải hy sinh công chúa An Tư cho Thoát Hoan để nhằm kéo dài thời gian cho đầu não kháng chiến rút lui.
Trong cuộc chiến lần 2, nhà Trần đã phải hy sinh công chúa An Tư cho Thoát Hoan để nhằm kéo dài thời gian cho đầu não kháng chiến rút lui.
Tạm gác về các sử liệu nước nhà, chúng ta có thể tham khảo các thông tin được ghi chép trong sử liệu Trung Quốc. Tiếc rằng các tài liệu của phía Mông Cổ lại không nêu rõ quân số nhà Nguyên tham gia cuộc xâm lược nước ta lần 2 này nhưng vẫn còn có một cách khác để phỏng đoán về lực lượng của quân Nguyên, đó là thông qua các đầu lĩnh. Như chúng ta đã biết, quân đội của nhà Nguyên dựa theo binh chế của Mông Cổ, tức là phân chia lực lượng thành những tumen và đứng đầu các tumen là những vạn hộ phủ. Cho nên nếu thống kê được số lượng vạn hộ phủ tham chiến thì có thể ước lượng được quân số. Một ví dụ cho cách ước tính này là bài viết về chiến dịch Liêu Đông giữa quân Minh và quân Mãn của học giả Ray Huang:
Also, after the battle, Nuharci handed out awards to 220 niru commanders. Since each niru contained 300 bodied men, 220 niru constituted a reservoir of 66,000 soldiers. Dịch: “Cũng vậy, sau trận đánh, Nuharci ban thưởng cho 220 viên chỉ huy niru. Vì mỗi niru chứa khoảng 300 người, 220 niru có 66,000 binh sĩ.” - Ray Huang (1981), The Liao-tung Campaign of 1619, Oriens Extremus-
Rất may mắn, Nguyên sử đã có chép về việc cánh quân của Thoát Hoan có sự góp mặt của 8 viên vạn hộ phủ là:

1) Triệu Tu Kỷ (趙修己) 

2) Lý Bang Hiến (李邦憲) 

3) Lưu Thế Anh (劉世英) 

4) Mãng Cổ (忙古)

5) Bột La Hợp Đáp Nhi (孛羅哈荅兒)

6) Nghê Nhuận (倪閏) 

7) Mã Vinh (馬榮) 

8) Lưu Khuê (劉圭) 

Tức là quân số cánh này có khoảng 8 tumen. Vấn đề nảy sinh ở đây là quân số của các tumen rất khác nhau: thượng vạn hộ phủ, quản trên 7000 quân; trung vạn hộ phủ, quản trên 5000 quân; hạ vạn hộ phủ, quản trên 3000 quân. Vậy thì quân số cánh Thoát Hoan có thể dao động từ 2,4 vạn đến 8 vạn người, rất khó để xác định. Tuy nhiên, như đã nói, đây là lần mà nhà Trần bị đẩy đến gần bờ vực của sự diệt vong nhất trong cả 3 cuộc chiến, nên có thể ước chừng rằng quân Nguyên không thể ở mức tầm 2,4 vạn được. Do đó, quân số cánh của Thoát Hoan dao động ở mức 4 vạn cho đến 8 vạn người xem chừng khả dĩ nhất.
Ngoài cánh quân của Thoát Hoan, chúng ta cần phải xem xét thêm cả quân số của cánh Toa Đô nữa. Khác với Đại Việt Sử ký Toàn thư, Nguyên sử lại chép cánh quân này có một số lượng cực kì khiêm tốn:
Năm thứ 19 (1282), [...]tháng 6, mậu tuất, vì Chiêm Thành đã phục rồi lại phản, phát quân Giang Hoài, Triết Giang, Phúc Kiến, Hồ Quảng 5000 người, hải thuyền 100 chiếc, chiến thuyền 250 chiếc, mệnh Toa Đô làm tướng đánh nước ấy. - Nguyên sử, Bản kỷ XII, Thế Tổ cửu -
Năm thứ 19 (1282), đem 1000 chiến thuyền ra khỏi Quảng Châu, đi biển đánh Chiêm Thành. - Nguyên Sử, Toa Đô truyện -
Về số quân, tuy đều có sự thống nhất, nhưng số lượng chiến thuyền lại có sự khác biệt. Do đó, có thể xem đây là lỗi nội dung không thống nhất. Dù vậy, vì quân lực của Toa Đô trong các trận đánh được xác định là tương đối gần với con số 5000:
Năm thứ 20 (1283), tháng giêng, Hành Tỉnh (Toa Đô) truyền lệnh trong quân, lấy ngày 15 giữa đêm phát thuyền công thành. Đến hẹn, sai Quỳnh Châu An Phủ Sứ Trần Trọng Đạt, Tổng Bả Lưu Kim, Tổng Bả Lật Toàn Dĩ, lấy binh một 1 ngàn 6 trăm người phân thành ba đường tấn công phía bắc. Tổng Bả Trương Bân, Bách Hộ Triệu Đạt lấy 3 trăm người tấn công doi cát ở phía đông, hành quan 3 ngàn người phân thành ba đường tấn công mặt nam. - Nguyên sử, Chiêm Thành truyện -
Như vậy tổng quân số 3 cánh quân của Toa Đô trong trận đánh kể trên là 4900 người, rất khớp với con số 5000 quân mang đi, cho thấy đây là một thông tin đáng tin cậy.
Tuy nhiên, đó lại không phải là số quân Toa Đô đem tới hội quân với cánh của Thoát Hoan. Theo Tân Nguyên sử, suýt chút nữa thì Toa Đô đã có được sự tiếp ứng của A Lý Hải Nha, nhưng lại bị Hốt Tất Liệt hoãn lại:
Năm thứ 21 (1284), sắc dụ cho A Lý Hải Nha điều 7000 quân Hán, 8000 quân Tân phụ theo Trấn Nam Vương đi chinh phạt An Nam. A Lý Hải Nha tự xin đến bờ biển thu tập lại tàn quân từ Chiêm Thành, đặng lại sai đi đánh An Nam cùng những kẻ chưa đến. Trao cho (A Lý Hải Nha) chức An Nam Hành Trung Thư Tỉnh Tả Thừa. Lúc ấy Hồ Quảng Tỉnh thần dâng tấu xin hoãn binh, Thế Tổ đồng ý, nên chiếu A Lý Hải Nha quay về. - Tân Nguyên sử, A Lý Hải Nha truyện -
Như vậy, thấy rõ lực lượng của Toa Đô lúc tiến đánh Đại Việt không còn đầy đủ 5000 quân nữa mà đã thương vong ít nhiều, đến mức triều đình nhà Nguyên từng có dự định gửi quân cứu viện. Chúng ta có thể tạm coi cánh quân này khi ấy chỉ còn lại tương đương với 1 hạ vạn hộ, tức khoảng trên dưới 3000 người. Như vậy vẫn nằm trong giới hạn một hộ phủ, đủ để khiến hoàng đế nhà Nguyên sau khi suy tính lại theo lời tâu của Hồ Quảng Tỉnh đã quyết định rằng chưa cần gửi cứu viện tới ngay.
Lực lượng của Toa Đô hóa ra không đông như mọi người nghĩ...
Lực lượng của Toa Đô hóa ra không đông như mọi người nghĩ...
Tóm lại, theo sử sách Trung Quốc, quân Mông Cổ trong cuộc chiến lần thứ 2 là khoảng trên dưới 8,3 vạn quân. Con số này nếu đem so sánh với sử liệu nước ta, thì nhỏ hơn rất rất nhiều. Vậy, nguyên do vì đâu mà có sự khác biệt lớn đến thế, và số liệu của bên nào đáng tin hơn? Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần phải xem xét mốc thời gian được viết ra của sử liệu các bên:
Nguyên sử được biên soạn theo lệnh Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (người đã lật đổ triều Nguyên trước đó) và được hoàn thiện trong khoảng những năm 1369-1370. Sử liệu này được biên soạn dựa trên các ghi chép do nhà Nguyên bỏ lại khi rút chạy khỏi Trung Quốc, do đó phần nào đáng tin cậy hơn sử liệu của Đại Việt đương thời. Dù rằng các học giả sau này đã chỉ ra trong Nguyên sử có tương đối nhiều lỗi sai, nhưng chủ yếu là các lỗi sao chép nội dung từ đoạn này sang đoạn khác (ví dụ có thể kể đến như lỗi sai lệch về số thuyền từ 100 thành 1000 ở trên, đã chỉ ra), cũng như nhầm lẫn đôi chút về tiểu tiết lặt vặt khác. Ít nhất các tình tiết được trích dẫn ở trên đều là các sự kiện lớn và không thấy có sự mâu thuẫn logic nào với nhau, nên vẫn có thể sử dụng như bằng chứng đáng tin cậy. Về Tân Nguyên sử, tuy được biên soạn dưới thời nhà Thanh, nhưng vẫn được các học giả đánh giá là có thể sử dụng làm tư liệu nghiên cứu do mục tiêu chủ yếu là chỉnh sửa và khắc phục các sai sót của bản Nguyên sử mà thôi. Dù vậy, các số liệu liên quan đến quân lương thì hầu hết đều được giữ nguyên, chỉ trừ một vài chỗ dính đến lỗi sao chép nội dung thì phải sửa lại. Tựu chung, các thông tin đến từ những tài liệu này hoàn toàn có thể để chúng ta tin tưởng.
Về Đại Việt Sử ký Toàn thư, chính sử đầu tiên của nước ta có đề cập đến cuộc chiến Mông Nguyên - Đại Việt lần 2 này, được viết và hoàn thiện phiên bản đầu tiên bởi sử gia Ngô Sĩ Liên vào những năm dưới thời vua Lê Thánh Tông, tức là khoảng hơn 200 năm sau những sự kiện đã xảy ra. Đồng thời, đây lại là một bộ sử được biên soạn tại Đại Việt, nên chắc chắn không thể tiếp cận các tư liệu được lưu giữ trong kho tàng của nhà Nguyên. Do đó, độ tin cậy về những thông tin liên quan tới kẻ thù chắc chắn không thể cao bằng.
Để ví dụ, chúng ta có thể thấy ngay nhiều thông tin trong cuốn chính sử này về cuộc chiến đưa ra một cách tương đối khó tin và cũng không ít thông tin bị sai lệch so với ghi nhận từ các nguồn thông tin khác. Đầu tiên, đó là việc Toa Đô xâm lược Chăm Pa: Đại Việt Sử ký Toàn thư cho rằng Toa Đô đánh xuống Chăm Pa qua khu vực Lào, trong khi thực tế thì cánh quân Toa Đô di chuyển theo đường biển. Tiếp theo, cuốn chính sử này cũng cho rằng A Lý Hải Nha và Bình chương A Lạt là… hai người khác nhau. Trong khi thực tế thì A Lý Hải Nha giữ chức Bình chương và có phiên âm tên khác là A Lạt mà thôi…
Trên đây mới chỉ là nhận định về ghi chép liên quan đến cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần 2 trong Đại Việt Sử ký Toàn thư. Những cuốn chính sử khác về sau như Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục về sau đã sửa lại một số những nội dung không chính xác kể trên, đồng thời tuy không chỉnh sửa số liệu trong Toàn thư đã nêu ra, nhưng cũng đặt ra nhiều nghi vấn về các thống kê quân số phi thực tế kia:
Khi quân Nguyên kéo sang nước ta, thống tướng là thái tử Thoát Hoan, thế mà sứ thần nước ta về lại nói thái tử là A Thai, và nói quân Nguyên nhiều đến 50 vạn. Có lẽ sứ thần cũng chỉ nghe lời đồn đại ở ngoài, cho nên không thể nào khỏi sai lầm được. - Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Chính biên, Quyển thứ VII -
Như vậy, do được biên soạn gần thời điểm diễn ra sự kiện chiến tranh Mông Nguyên - Đại Việt lần 2 hơn, lại được biên soạn bởi các học giả thuộc đất nước mà nhà Nguyên từng cai trị (do đó được tiếp cận với các tài liệu, những thông tin trong nước của nhà Nguyên mà người biên soạn sống tại những khu vực khác không thể dễ dàng tiếp cận) nên số liệu của các sử liệu Trung Quốc đáng tin cậy hơn.
PS: Tất nhiên, nhiều người sẽ cho rằng, việc người Trung Quốc “chữa thẹn” cho nhà Nguyên là điều dĩ nhiên. Thế nhưng, nên nhớ rằng sử sách không phải là thứ để lưu truyền cho đại chúng vào thời kì ấy, do đó không có giá trị tuyên truyền cao. Đồng thời, vào khoảng thời gian này thì triều đại Bắc Nguyên vẫn đang đe dọa phía Bắc Trung Quốc và nhà Trần thì đang là chư hầu của nhà Minh, thậm chí còn được chính vua Minh ban thơ khen ngợi là trung thành với văn hóa Hán thay vì bị ảnh hưởng bởi tập quán rợ Hồ (Mông Cổ). Liệu có chuyện nhà Minh lại đi tâng bốc cho thế lực đang là kẻ thù của mình và từng là kẻ thù với phiên thuộc thân tín của mình? Câu trả lời thì hẳn bất kì ai đọc đến đây cũng sẽ rõ.
Bản dịch <i>Dư địa chí</i> của Nguyễn Trãi, được thực hiện bởi sử gia Hà Văn Tấn.
Bản dịch Dư địa chí của Nguyễn Trãi, được thực hiện bởi sử gia Hà Văn Tấn.

2, Nhà Trần

Về quân số của nhà Trần tham chiến trong lần 2 này, Đại Việt Sử ký Toàn thư tuy không chép rõ tổng cộng có bao nhiêu quân, nhưng có một chi tiết cho thấy con số ấy ít nhất phải trên ngưỡng 20 vạn:
Hưng Vũ Vương Nghiễn, Minh Hiến Vương Uất, Hưng Nhượng Vương Tảng, Hưng Trí Vương Hiện đốc suất 20 vạn quân các xứ Bàng Hà, Na Sầm, Trà Hương, Yên Sinh, Long Nhãn đến hội ở Vạn Kiếp, theo quyền điều khiển của Hưng Đạo Vương để chống quân Nguyên. - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Nhân Tông Hoàng đế -
Ngoài ra, Toàn thư cũng ghi chép về 2 câu thơ của Trần Nhân Tông khi vua ngự thuyền nhẹ ra tới Hải Đông:
Vua làm thơ đề ở đuôi thuyền rằng: "Cối Kê cựu sự quân tu ký, Hoan Diễn do tồn thập vạn binh." - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Nhân Tông Hoàng đế -
Đại khái, 2 câu thơ này muốn nói việc cũ ở Cối Kê nên nhớ lấy, rằng ở Hoan Diễn vẫn còn sẵn 1 vạn quân để dùng. Như vậy, nếu hai câu thơ này không phải là một cách nói ví von, thì ngoài 20 vạn quân các xứ được tướng lĩnh dẫn đến hội quân ở Vạn Kiếp thì vua Trần khi ấy nắm giữ đội quân khoảng hơn 10 vạn người.
Chi tiết này của Toàn thư có thể liên kết với ghi chép của một cựu quan nhà Trần đã đầu hàng nhà Nguyên và sau này sống lưu vong trên đất Bắc là Lê Tắc về việc vua Trần từng đích thân đốc suất 10 vạn quân lính chiến đấu:
Năm Ất Dậu, Chí Nguyên (1285), mồng chín tháng giêng ngày nhâm ngọ, Thế Tử (vua Trần) tự làm tướng đem 10 vạn quân đánh một trận lớn nơi sông Bài Than, nguyên soái Ô Mã Nhi, Chiêu Thảo Nạp Hải, Trấn Vũ Tống Lâm Đức, dùng những thuyền đã bắt được để đánh phá quân nhà Trần. Ngày 13 Bính Tuất, Thế Tử giữ sông Lư Giang lại tan rã bỏ chạy. Trấn Nam Vương qua sông mở tiệc tại cung đình An Nam, các tướng người thì hiến tù binh, kẻ thì dâng đầu người đã chém được. - Lê Tắc, An Nam Chí lược, Quyển Đệ tứ, mục Chính Thảo Vận Hướng -
Do đó, tạm xác định rằng quân số nhà Trần theo sử liệu nước ta có thể rơi vào khoảng ít nhất 30 vạn tất cả. Tuy nhiên, con số này thực sự không đáng tin chút nào. Như đã nói, vào nửa cuối thế kỉ XIII, số đại hoàng nam dao động trên dưới khoảng 1,9 triệu. Cứ theo tỷ lệ 10 dân nuôi 1 binh tức hai hộ tuyển một lính, khả năng huy động có thể trên dưới 19 vạn quân đã là ở mức tối đa. Trên 30 vạn quân, tức là cao hơn gấp rưỡi ngưỡng mà hệ thống hạ tầng lẫn thượng tầng Đại Việt đương thời có thể duy trì. Đây quả thực là một con số không tưởng. Vậy nên, chúng ta có thể kết luận tương đối chắc chắn rằng quân số của Đại Việt trong cuộc chiến lần 2 này đã có phần bị phóng đại. Do đó, trên tinh thần của các nhà nghiên cứu hiện đại, chúng ta có thể tinh chỉnh số liệu xuống còn khoảng đâu đó trên dưới 20 vạn quân cho phù hợp.

III, Tương quan quân số Mông Cổ - nhà Trần trong cuộc chiến lần thứ ba (năm 1287-1288)

Trong 3 lần đối đầu với quân Mông Cổ, đây là lần có thể nói là “dễ thở nhất”, như Hưng Đạo vương nói: “Năm nay đánh giặc nhàn”. Đây cũng là lần mà các ghi chép về quân số của nhà Nguyên trong sử liệu của hai bên được đầy đủ nhất, chi tiết nhất so với những lần trước.

1, Quân Nguyên

Đại Việt Sử ký Toàn thư một lần nữa đưa ra số liệu ít nhất là 50 vạn quân cho kẻ địch trong cuộc chiến lần này:
Bính Tuất, Trùng Hưng năm thứ 2 [1286], Nguyên Chí Nguyên năm thứ 23). [...] Tháng 3, vua Nguyên sắc phong cho Thượng thư tỉnh Áo Lỗ Xích, Bình Chương sự Ô Mã Nhi, Đại tướng Trương Văn Hổ điều 50 vạn quân, hạ lệnh Hồ Quảng đóng 300 chiếc thuyền biển, hẹn tháng 8 hội cả ở Khâm Châu, Liêm Châu. Lại ra lệnh quân ba hành tỉnh Giang Chiết, Hồ Quảng, Giang Tây xâm lược phương Nam, mượn cớ đưa người đầu hàng là Trần Ích Tắc về nước lập làm An Nam Quốc vương. - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Nhân Tông Hoàng đế -
Trong hơn 50 vạn quân kể trên, khoảng 30 vạn quân được Toàn thư xác định là dẫn đầu bởi Thoát Hoan và Ô Mã Nhi:
Đinh Hợi, Trùng Hưng năm thứ 3 [1287], (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 24). [...] Tháng 12 [...] Ngày 30, thái tử Nguyên A Thai cùng Ô Mã Nhi họp 30 vạn quân đánh vào Vạn Kiếp rối thuận dòng xuôi về phía đông. Người các hương Ba Điểm, Bàng Hà đều đầu hàng chúng. - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Nhân Tông Hoàng đế -
Từ đó, cũng có thể suy luận ra rằng nếu chiếu theo ghi chép của Toàn thư thì hơn 20 vạn quân còn lại thuộc về đoàn vận lương của Trương Văn Hổ.
Tóm lại, quân số nhà Nguyên trong cuộc xâm lược này theo các sử liệu bên ta vẫn cao một cách vô lý giống như các ghi chép về quân số của cuộc kháng chiến lần 2. Như đã chỉ ra, quân Nguyên trong lần xâm lượcnăm 1285 trước đó chỉ có tối đa 8,3 vạn. Liệu rằng Hốt Tất Liệt có sẵn sàng huy động gấp 6 lần quân số cho một cuộc chiến khác tại An Nam không, khi mà vào lúc này nhà Nguyên đang phải lo về nhiều mặt trận khác?
Về phía các ghi chép nước ngoài, chúng ta có thể yên tâm kết luận rằng chúng đáng tin cậy nhất trong tất cả các ghi chép về những lần quân Nguyên đánh An Nam vì các nội dung hầu hết đều nhất quán với nhau. Vẫn như mọi khi, Nguyên sử là tài liệu ghi chép cụ thể hơn cả:
Năm thứ 24 (1287), chính nguyệt, phát quân Tân Phụ nghìn người, theo A Bát Xích đánh An Nam. Lại chiếu phát quân Mông Cổ, Hán, Khoán 7 vạn người ở ba tỉnh Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Nghiểm, thuyền năm trăm chiếc, quân Vân Nam 6 ngàn người, Lê binh bốn châu ngoài biển 1 vạn 5 ngàn người, Hải Đạo Vận Lương Vạn Hộ Trương Văn Hổ, Phí Củng Thìn, Đào Đại Minh chở 17 vạn thạch lương, phân đường để tiến. Đặt Chinh Giao Chỉ Hành Thượng Thư Tỉnh, đều do Bình chương Chính sự Áo Lỗ Xích, Tham tri Chính sự Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp trông coi, đều chịu sự tiết chế của Trấn Nam vương. Tháng sáu, Khu Mật Viện lại tấu, lệnh Ô Mã Nhi cùng Tham chính Phàn Tiếp lĩnh suất quân sĩ thủy lục cùng tiến. Tháng chín, sai Quỳnh Châu Lộ An Phủ sứ Trần Trọng Đạt, Nam Ninh Quân dân Tổng quản Tạ Hữu Khuê, Duyên Lan Quân dân Tổng quản Phù Tí Thành xuất binh thuyền giúp đánh Giao Chỉ, đều lệnh theo chinh phạt. - Nguyên sử, An Nam truyện -
Ngoài Nguyên sử, An Nam Chí lược và một ghi chép của một nhà thơ tên là Phó Nhược Kim cũng đề cập đến quân số của nhà Nguyên trong lần này:
Năm Đinh Hợi, hiệu Chí Nguyên (1287), triều đình lại dấy binh đưa An nam quốc vương về nước. Hoàng Thượng (Hốt Tất Liệt) sai Bình chương Áo Lỗ Xích đem Mông Cổ và Hán quân của bốn tỉnh Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Quảng và Vân Nam, động binh của Quảng Tây, lê binh của Hải Nam do đường bể vận lương; bọn Vạn hộ Trương Văn Hổ suất mười vạn quân, theo mệnh lệnh của Trấn Nam vương. Tháng 9 mùa đông khởi binh từ châu Ngạc. Ngày Ất Dậu, 28 tháng 10, đến huyện Lai Tân, chia đường tiến quân: Tham Chính Ô Mã Nhi cùng Phàn Tiếp suất quân 1 vạn 8 ngàn người; bọn Ô Vị, Trương Ngọc và Lưu Khuê cầm quân vài ba vạn, chiến thuyền 500 chiếc, thuyền chở đồ 70 chiếc, bắt đầu từ Khâm Châu mà tiến. - Lê Tắc, An Nam Chí lược, Chính Thảo Vận Hướng -
Đông, tháng 10, Trấn Nam Vương hội các đạo quân gồm 10 vạn ở Lai Tân (Quảng Tây), rồi phân đạo mà tiến, hẹn tất cả đến Lư Giang. Ông (Phàn Tiếp) cùng Tham Chính Ô Mã Nhi dẫn chu sư ra khỏi Khâm Châu. - Phó Nhược Kim, Phó dữ lệ thi văn tập, Quyển IX -
Ghi chép của An Nam Chí lược rất quan trọng vì nó bổ khuyết cho những chỗ mà Nguyên sử chưa ghi rõ, và ngược lại. Trước tiên là thành phần "động binh của Quảng Tây". Cộng hết tất cả các số quân từ Nguyên sử ta chỉ mới được 9 vạn 2 ngàn người, nhưng An Nam Chí lược lại ghi có đến 10 vạn quân, vậy số động binh Quảng Tây ấy ắt phải là lực lượng 8 ngàn người được thêm vào trong đó. Nguyên sử ghi chép khá sơ sài về thủy quân thì An Nam Chí lược giúp ta biết luôn lực lượng thủy quân ấy chính là 500 thuyền chiến (thay vì chủ yếu là thuyền vận lương như Toàn thư chép) và còn cho ta biết thêm thuyền vận tải gồm 70 chiếc chở tổng cộng 17 vạn thạch lương.
Tổng hợp các tài liệu kể trên thì quân số nhà Nguyên trong cuộc xâm lược lần thứ 3 là khoảng 10 vạn. Đây rõ ràng là một con số đông hơn hẳn so với cuộc chiến lần 2. Như vậy, trái với tưởng tượng của nhiều người, đây mới chính là lần động binh lớn nhất của Mông Nguyên đối với nước ta.

2, Nhà Trần

Về quân số của nhà Trần, trong lần kháng chiến thứ 3 này, có vẻ không thay đổi quá nhiều so với lần trước. Tuy nhiên, có một lưu ý rằng dường như khả năng gia tăng lực lượng quân sự của Đại Việt đã đạt tới giới hạn sau cuộc chiến lần thứ 2. Bằng chứng cho việc này chính là việc Trần Hưng Đạo từ chối kiến nghị tuyển thêm quân, được sử liệu nước ta ghi lại như sau:
Quan chấp chính xin bọn tráng đinh sung quân để tăng quân số lên nhiều. Trần Hưng Đạo nói: “Quân quý ở tinh nhuệ, không quý ở số đông. Dẫu đến 100 vạn quân mà như Bồ Kiên thì cũng làm gì được?" - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Nhân Tông Hoàng đế -
Câu nói ấy của Trần Hưng Đạo xét thấy không phù hợp với logic thông thường, khi mà trong lần 2 thì nhà Trần đã huy động rất nhiều quân binh để chiến đấu, thậm chí đạt đến giới hạn quân phủ binh (như đã phân tích lúc trước) nhưng vẫn thất thế trước quân Mông Cổ thiện chiến hơn và hiển nhiên thương vong kéo theo cũng phải lớn. Vậy thì lí do gì mà chỉ trong 1 năm ngắn ngủi (chắc chắn không thể đủ để gia tăng sức chiến đấu đại trà cho lực lượng quân binh một cách đột biến được), quân Nguyên nay còn đưa sang một lực lượng xâm lược đông đảo hơn trước mà nhà Trần lại quyết định không tuyển thêm quân binh bổ sung? Thêm nữa, đó là các ghi chép về giai đoạn sau của cuộc chiến lần 3 cho thấy lực lượng được huy động của quân nhà Trần đã tham chiến trên rất nhiều mặt trận, số lượng trận đánh cũng rất nhiều. Thật chẳng giống như là không cần một lực lượng đông đảo một chút nào. Do đó, đây khả năng cao chỉ là cách để nói tránh việc quốc lực của nhà Trần vẫn chưa thể phục hồi sau cuộc chiến mới chỉ xảy ra ngay trước đó chưa lâu mà thôi.
Vậy nên, có thể ước chừng quân đội nhà Trần vào giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ 3 không thể đạt tới con số 19 vạn trên lý thuyết, nhưng chắc chắn phải ở mức trên 10 vạn (con số tối thiểu cho tổng Cấm quân và quân các lộ). Đây là một lực lượng không quá đông đảo so với những lần kháng chiến trước, nhưng do đã có được thêm kinh nghiệm chiến đấu với quân Nguyên từ nhiều trận đánh trong năm 1285 nên có thể xem là có phần tinh nhuệ hơn. Cũng bởi vậy mà cuộc chiến lần thứ 3 được diễn ra tương đối "dễ dàng" đối với nhà Trần dù rằng kẻ địch đông hơn hẳn những lần trước.

V, Một vài kiến giải

Trước khi đi đến phần kết luận, xin phép được đưa ra một số kiến giải về sự sai khác trong sử liệu nước nhà so với những nguồn sử liệu khác như sau: thực ra, cần phải làm rõ một điều rằng Đại Việt Sử ký Toàn thư không phải là nguồn sử liệu duy nhất tạo cho người đọc có một ấn tượng về “biển người” khi đối đầu với quân Mông Cổ. Thông qua sử liệu từ Đông sang Tây, ta đều thấy rõ là số lượng quân Mông Cổ đều bị phóng đại bằng cách này hay cách khác. Đó có thể là cách so sánh tương đối như “đông tựa đàn châu chấu” hay “nhiều như hạt cát ngoài sa mạc”, hoặc “mênh mông như nước ngoài đại dương”, hay những con số to lớn, áp đảo tuyệt đối như 30 vạn, 60 vạn hay 70 vạn… Một điều chắc chắn là chẳng học giả nghiên cứu lịch sử thời hiện đại nào lại công nhận những dữ liệu này theo đúng nghĩa đen, hay ít nhất chẳng ai lại dựa vào những dữ liệu này để xác định số quân Mông Cổ cả.
Vậy là ta thấy rõ có một motif chung của các sử của những nước từng đối đầu với quân Mông Cổ, đó là phóng đại quân số của kẻ thù tới mức phi lý. Vậy lối ghi chép này từ đâu mà ra? Có nhiều cách giải thích, cả chủ quan lẫn khách quan.
"Để tô điểm cho chiến thắng của phe mình, và cũng để các thất bại của quân ta trở nên hợp lí hơn" - đây có lẽ là nguyên nhân quan trọng nhất. Việc phóng đại quân số của một đội quân không phải là chuyện hiếm, dữ liệu nhiễu là một đặc thù của sử liệu, bởi vì nó thể hiện thế giới quan của người chép sử, và người chép sử thường bị ảnh hưởng bởi các tác nhân chủ quan hoặc khách quan khiến cho sử liệu không còn phản ánh đúng khi nói về quân số. Ví dụ thì chúng ta có thể thấy ngay như Toàn thư viết về quân số Mông Cổ đã nêu nhiều lần ở trên, hoặc như việc sử gia Hy Lạp là Herodotus phóng đại quân số Ba Tư lên tới 1 triệu quân trong trận Cổng Lửa (cái trận mà được làm thành bộ phim ảo ma 300 ấy).
Ngoài ra, cũng phải kể đến những nhân tố đến từ chính quân Mông Cổ nữa. Có lẽ quân Mông Cổ không đông đảo như người ta nghĩ, nhưng các chỉ huy quân Mông Cổ luôn có cách để khiến kẻ thù nghĩ rằng họ có quân số đông hơn thế nhiều lần. Đây là một chiến thuật nhằm làm phá hủy ý chí chiến đấu của kẻ thù, bên cạnh việc đồ thành và để danh tiếng khát máu của quân Mông Cổ vang xa. Vậy, người Mông Cổ đã làm thế nào để khiến cho kẻ thù nghĩ rằng họ có một lực lượng áp đảo chuẩn bị ập tới?
Kế đơn giản nhất chính là tung tin đồn. Trước thời hiện đại, việc kiểm chứng thông tin là một hành trình nan giải. Do đó, chỉ cần tung ra vài tin đồn là đã có thể làm cho đối thủ bị nhiễu loạn thông tin nghiêm trọng. Trước khi tiến đánh một đất nước nào đó, quân Mông Cổ luôn thực hiện một chuỗi các hành động nhằm khiến cho việc nhiễu thông tin kia xảy ra.
Đó là cho sứ giả chiêu hàng, nhưng mục đích thật sự là khoe khoang về thế lực của mình hòng khuất phục ý chí chiến đấu của kẻ địch:
Ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thoả lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu vàng bạc, để vét của kho có hạn. Thật khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi để tai vạ về sau! - Trần Hưng Đạo, Dụ chư tì tướng hịch văn (Hịch tướng sĩ) -
Đồng thời, quân Mông Cổ cũng phao tin đồn về lực lượng của mình trước khi chuẩn bị tiến công để làm nhụt chí đối thủ. Kế này thì chắc hẳn là các tình báo của Đại Việt khi ấy đã cắn câu. Chúng ta có thể xem xét lại ghi chép sau trong Đại Việt Sử ký Toàn thư:
Nhâm Ngọ, [ Thiệu Bảo] năm thứ 4 [1282], (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 19) [...] Mùa thu, tháng 8, thú thần Lạng Châu là Lương Uất chạy trạm tâu báo rằng, Hữu thừa tướng Nguyên là Toa Đô đem 50 vạn quân, nói phao là mượn đường đi đánh Chiêm Thành, nhưng thực ra là sang xâm lược nước ta. - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Nhân Tông Hoàng đế -
Về ghi chép này, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục đã có các nhận xét hàm ý rằng tác giả của Toàn thư đã chép theo nguồn tin giả mà quân Nguyên đồn đại:
Khi quân Nguyên kéo sang nước ta, thống tướng là thái tử Thoát Hoan, thế mà sứ thần nước ta về lại nói thái tử là A Thai, và nói quân Nguyên nhiều đến 50 vạn. Có lẽ sứ thần cũng chỉ nghe lời đồn đại ở ngoài, cho nên không thể nào khỏi sai lầm được. - Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Chính biên, Quyển thứ VII -
Xét thấy, dựa vào ghi chép và nhận xét trong chính các sử liệu của nước ta, rõ ràng là nhà Trần đã trúng phải kế phao tin của quân Mông Nguyên nên mới tưởng rằng kẻ địch đông đến thế.
Ngoài ra, còn có một khả năng nữa, đó là mỗi khi viễn chinh, binh lính Mông Cổ luôn đem theo cả gia đình mình, hay nói cách khác, một đội quân Mông Cổ cũng không khác mấy với một bộ lạc di động. Hơn nữa, quân Mông Cổ lại có chiến thuật để phụ nữ và trẻ em hoặc là bù nhìn rơm lên lưng ngựa rồi dàn phía cuối cùng của đội hình chiến đấu cho đông đảo hơn nhằm hù dọa đối thủ, chiến thuật này suýt thành công ở Trận Parwan năm 1221.
Song song với đó thì còn quân Mông Cổ cũng thực hiện những mưu mẹo đánh lừa khả năng ước lượng của thám báo kẻ thù như nhóm nhiều đốm lửa trại (trong Trận Quyli 1218/1219 và Trận Kelgetei 1204) hay độc đáo hơn một chút là dàn tù binh lên trước, chia thành từng nhóm rồi phát cho mỗi nhóm một lá cờ mà phất (như Trận Sarmaqand 1220)... Tựu chung, tất cả những cách này đều đem tới hiệu quả tâm lí nhất định cũng như cũng cố cái hình ảnh về “biển người” áp đảo quân số đối thủ của người Mông Cổ.
Thêm một điều nữa chúng ta cần xét tới, đó là chiến lược của quân Mông Cổ khi xâm lược. Thứ nhất, chúng luôn chia thành nhiều mũi tấn công. Chúng ta có thể thấy, trong những lần xâm lược Đại Việt thứ 2 và thứ 3 thì quân Mông Cổ đánh theo nhiều ngả, tạo thành các gọng kìm nhằm chia cắt lực lượng đối thủ cũng như khiến cho đối thủ mù mờ về mục tiêu chiến dịch của mình. Thứ hai, chúng có thể bức tốc nước rút cực kỳ nhanh khi hành quân nhằm tạo những cuộc tấn công chớp nhoáng gây bất ngờ cho đối thủ. Ngoài ra thì khi hành quân, quân Mông Cổ cũng không hành quân theo hình con rắn, mà hành quân theo hình một vòng cung rộng (với cái tên Đội hình Nerge – nghĩa đen là "cái lưới" trong tiếng Mông Cổ). Cách hành quân này làm tăng diện tích bao phủ và giúp các cánh quân hỗ trợ nhau dễ dàng hơn, bao vây, dồn ép đối thủ tiện hơn, và trên hết, khiến cho đối thủ có cảm giác là "ở đâu cũng có quân Mông Cổ". Kết hợp những yếu tố chiến thuật này, bất kì đội quân nào khi đối mặt với quân Mông Cổ cũng sẽ có suy nghĩ "chắc hẳn là đám rợ Thát Đát phải đông quân lắm mới làm được như thế".

KẾT

Có thể nói, “Đông như quân Nguyên” là một thành ngữ thường thấy, và nó hay được dùng để làm dẫn chứng cho cái luận điểm quân Nguyên đem hàng chục vạn quân sang đánh An Nam. Tuy nhiên, như đã chứng minh qua các phân tích ở trên, quân Mông Nguyên thực tế không quá đông và trong cả 3 lần xâm lược đều có lực lượng ít hơn quân đội nhà Trần. Trong bài tiếp theo của series LS này, chúng ta sẽ cùng đến với một vài phân tích khác về tương quan quân số giữa Nhật Bản và nhà Nguyên trong hai cuộc chiến tranh Nguyên - Nhật Bản. Hân hạnh mời các bạn đón đọc.