Bài viết dựa trên cảm nhận cá nhân, không cổ xúy hành vi bắt cóc, ấu dâm, lạm dụng tình dục và các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức, phong tục tập quán khác.
Ảnh bởi
Fleur
trên
Unsplash
“Lolita” không phải là cuốn sách đọc tranh thủ khi ngồi trên xe buýt, tàu điện ngầm hay trong một giờ giải lao ngắn ngủi. Đọc “Lolita” là cả một nghi lễ trang trọng cần nhiều thời gian và cả không gian yên tĩnh, cách biệt. Nhiều người cho rằng “Lolita” là một cuốn sách đồi trụy, giả nghệ thuật và cần bị cấm như nhiều cuốn sách khó đọc khác như “Ulysses” của James Joyce, hay “Làm đĩ” – Vũ Trọng Phụng. Nhưng việc cuốn sách vẫn tồn tại và thực tế đã đạt đến tầm kinh điển là minh chứng cho giá trị không thể phủ nhận của nó. Nabokov là bậc thầy của ngôn ngữ, điều đó được minh chứng bởi mật độ đầy đặc những phúng dụ, ẩn dụ, chơi chữ,... xuất hiện trong cuốn sách. Một cuốn sách có dung lượng không quá đồ sộ (chỉ 362 trang trên khổ 15*24 cm), nhưng những trang giấy thì đặc kín chữ nghĩa và bản dịch chi chít chú thích cho thấy đây là một cuốn sách khó đọc. Và không ngạc nhiên khi dịch giả Dương Tường-cây đại thụ của làng dịch thuật cũng từng khẳng định, “Lolita” là một trong những cuốn sách khó dịch nhất từ trước tới nay.
Có lẽ tôi đã quá ngạo mạn khi viết nên những dòng này về “Lolita”, bởi ba lí do:
- Khả năng ngôn ngữ và cảm thụ hạn chế của một tay viết không chuyên như tôi có thể sẽ làm chau mày những độc giả uyên thâm.
- Dung lượng bài viết không đủ để bao quát một tác phẩm đồ sộ như Lolita.
- Tôi không muốn áp đặt những suy nghĩ chủ quan làm ảnh hưởng đến sự tiếp nhận của các bạn chưa đọc và có ý định đọc tác phẩm. Bởi tôi tin, ai cũng có Lolita của riêng mình, và sự cảm nhận của bạn là thứ không thể bị xâm phạm.Nhưng bài viết này bạn có thể xem như một lời tâm sự của một kẻ hay suy ngẫm, thích đọc sách và thích bày tỏ những quan điểm cá nhân.

1. Morpho.   

Ấn tượng đầu tiên với tôi khi đọc cuốn sách và tìm hiểu những thông tin ngoài lề là: tác giả vốn dĩ là một nhà khoa học tài ba, có đóng góp quan trọng trong lĩnh vực côn trùng học. Và bìa cuốn sách, nếu bạn để ý, trong hầu hết các ấn bản, đều in hình một chú bướm màu xanh da trời- một sự sắp đặt không thể tuyệt vời hơn khi Nabokov thực đã nghiên cứu rất nhiều về loài bướm. Tôi tình cờ biết được, loài bướm đó có tên là Morpho, loài bướm cánh xanh xuất hiện ở Nam Mỹ, Trung Mĩ và Mexico. Nhưng điểm đặc biệt là màu sắc trên cánh bướm không xuất phát từ màu nhuộm mà xuất phát từ cấu trúc đặc biệt của nó. Những đường "gân" tinh tế có hình như những cây thông nhỏ xíu có khả năng hấp thụ tất cả những sắc độ trong ánh sáng, trừ màu xanh da trời. Điều đó lí giải vì sao khi nhìn ở những góc độ khác nhau, ta sẽ trông thấy màu xanh ấy như đang "nhảy múa" với những sắc độ khác nhau. Thứ chúng ta nhìn thấy, yêu mến ở đối tượng thực chất là thứ mà đối tượng không có. Tình yêu với cái đẹp mà chúng ta dành cho chú bướm đó thực chất là thứ nó không cần, không để ý, thậm chí chú bướm còn không nhận thức được vẻ đẹp của riêng mình. Một ẩn dụ hoàn hảo cho cô bé Lolita và tình yêu mà Humbert dành cho cô bé. Một tình yêu trong sáng, thần thánh nhưng vô vọng, đáng thương và cũng đầy tội lỗi.        
Cốt truyện lấy cảm hứng về một câu chuyện có thực ở Mĩ những năm 50 của thế kỉ trước. Cô bé Sally Horner, 11 tuổi bị một gã trung niên giả làm FBI bắt cóc, giam giữ và lạm dụng trong suốt 2 năm. Trong quãng thời gian đó, tên tội phạm đã đưa cô bé chạy trốn khắp nước Mỹ, cuối cùng bị một người "hàng xóm" phát hiện và báo cảnh sát.  Một câu chuyện buồn với số phận của cô bé vị thành niên đã thật sự là nguồn cảm hứng cho Nabokov, thúc giục ông hoàn tất cuốn sách trong 3 năm và cho xuất bản nó vào năm 1955. Nabokov thực sự đã cường điệu hóa, thêm thắt diễn biến câu chuyện và biến nó trở thành lời tự thú của một bệnh nhân tâm thần có niềm say mê đặc biệt với các bé gái mà hắn gọi là "tiểu nữ thần". Lolita còn có tên gọi khác là "Lời tự thú của một người đàn ông da trắng góa vợ " là vì lí do đó.

2. Tình yêu tuyệt vọng. 

Tôi không biết có còn sự phóng đại nào lãng mạn hơn là cuộc bắt cóc-chạy trốn của một tên ấu dâm đồi trụy được nhào nặn thành một chuyến du ngoạn qua mọi nẻo đường nước Mĩ? Và lão phù thủy đại tài Nabokov đã làm được điều đó. Humbert Humbert là khách trọ trong gia đình cô bé Lolita, cưới mẹ cô, và sau này trở thành người bảo hộ duy nhất cho Lolita khi mẹ cô qua đời vì tai nạn giao thông (mà nguồn cơn gián tiếp là do Humbert). Humbert, ngay sau cái chết của vợ, đã đón Lolita, vốn đang ở một trại hè, bắt đầu cuộc hành trình xuyên Mĩ trên chiếc xe hơi của hắn. Cô bé Lolita, trong truyện được miêu tả như một thiếu nữ "đứng thẳng cao một mét bốn mươi sáu, chân đi độc một chiếc tất", "đôi vai mảnh màu mật ong ấy, tấm lưng trần mềm như lụa ấy, mái tóc màu hạt dẻ ấy. Một chiếc khăn đen có chấm bi buộc quanh ngực che kín đôi bầu vú thanh tân tôi từng ve vuốt vào một ngày bất tử..." Đó hoàn toàn là những cảm nhận đầy chủ quan và có phần thậm xưng theo chiều hướng nhục dục để, phải chăng thỏa mãn trí tưởng tượng, sự lí tưởng hóa của Humbert về một "tiểu nữ thần"?
 Nhưng ngoài những miêu tả rất đỗi chân thực và gợi cảm ấy, ta tuyệt nhiên không thể tìm, dù cố gắng, một cảnh khiêu dâm tục tĩu khiến người đọc cảm thấy bị xúc phạm. Humbert đơn giản chỉ muốn tôn thờ cô bé như một nữ thần tuyệt bích, thiêng liêng không thể làm cho vấy bẩn, không thể bị đánh mất. Nhưng vấn đề của Humbert là hắn đã biến mình thành một nô lệ trong tòa thánh của chính mình. Theo lẽ thông thường, ta sẽ thấy chính Lolita là người bị lạm dụng, được "dỗ dành" bằng những phần thưởng trẻ thơ, những khoản tiền vặt vãnh để đổi lại tham gia những trò chơi tình dục đồi bại của Humbert. Nhưng thực sự Humbert là người yêu cô bé say đắm, tôn thờ cô bé một cách đầy cực đoan và tuyệt vọng. Đó là thứ tình cảm mà ta có thể hiểu, mặc dù tình yêu đó đầy tội lỗi, trái ngang. 
Tình yêu mà Humbert dành cho Lolita, gần với tình yêu nguyên thủy, đầy trần tục mà con người có thuở khai thiên lập địa. Thật đáng thương cho Humbert là thứ tình yêu đó không được đáp lại và không thể không rơi vào vòng lao lí trong xã hội có luật pháp. Đứa trẻ duy nhất trong truyện này là Humbert, gã trai tân mắc kẹt trong quá khứ với tiểu nữ thần mình yêu mến tuổi thiếu niên để rồi bị ám ảnh bởi sự ra đi của người yêu (Tôi nhận ra tầm quan trọng của người tình trong quá khứ của Humbert, cô bé đã chết vì bệnh sởi sau một mùa hè đầy tình ái cùng Humbert). Điều đó biện minh cho sự cố chấp luôn muốn giữ chặt đến mức giam cầm, kiểm soát Lolita của hắn. Và trong những dòng cuối cùng khép lại cuốn sách dầy dặn này, Humbert vẫn một mực khẳng định: "Như vậy, không ai trong hai chúng tôi còn sống khi độc giả mở cuốn sách này. Nhưng trong khi mạch máu còn đập trong bàn tay cầm bút này, em vẫn còn là một phần của vật chất đầy ân phước như tôi, và tôi vẫn còn có thể trò chuyện với em từ đây cho đến Alaska...". Ta có thể thấy rõ sự thần thánh hóa mà Humbert dành cho tình yêu này. "Không ai trong chúng tôi còn sống", hay nói cách khác đó là sự khẳng định cái chết của những giá trị cốt lõi làm nên cả Humbert và Lolita. Lolita- “tiểu nữ thần”, ngây thơ, hồn nhiên đã chết, Humbert-người đàn ông say mê “em” giờ cũng bị rút cạn ngọn lửa tình yêu, hay nói đúng hơn là ngọn nguồn của sự sống. Mặc dù Humbert vẫn sẵn sàng trao cho em một số tiền lớn để trang trải cuộc sống (em đã có chồng và chuẩn bị sinh đứa con đầu lòng), chỉ để em được vui, một niềm vui muộn màng mà Humbert có thể thấy rõ nét trẻ thơ đã phai màu gần hết trên nụ cười xa lạ.       
Và đây nữa: "Hãy chung thủy với Dick của em. Đừng để kẻ khác đụng vào em. Đừng nói chuyện với người lạ. Tôi hi vọng em sẽ yêu đứa con nhỏ của mình. Tôi hi vọng đó sẽ là một bé trai. Cái cậu thanh niên chồng em, tôi hi vọng cậu ta sẽ luôn luôn đối xử tốt với em, bởi vì nếu không, hồn ma của tôi sẽ ập xuống cậu ta như một đám khói đen, như một gã khổng lồ cuồng dại, và xé tơi cậu ta thành từng thớ thần kinh..." Tôi nghĩ đó là một tình yêu cao thượng, thần thánh và đáng cảm phục.

3. Bi kịch của cái Đẹp.

Cái Đẹp được lí tưởng hóa       
Cái Đẹp trong truyện hiển nhiên núp mình sau làn váy áo mỏng manh của cô bé Lolita. Đó là cái đẹp trong trắng, tinh khôi và hấp dẫn. Như đã nói ở trên, Nabokov nhất định đã cường điệu hóa ngoại hình của cô bé sao cho phù hợp với tâm lí của một tên "biến thái" lúc nào cũng ngấu nghiến bóng hình của các thiếu nữ tuổi 12,13. Tôi liên tưởng cô bé như những tiên nữ (Nymphs) trong Thần thoại Hi Lạp, tự nhiên, xinh đẹp và gần như lõa thể trong con mắt của Humbert. Thực tế tác giả đã cố gắng tìm hiểu về các bé gái Mỹ qua việc nghiền ngẫm những tạp chí mà trẻ con thời đó thường đọc. Điều đó chứng tỏ sự trân trọng và sự hiếu kì mà nhà văn dành cho nhân vật. Rằng Nabokov thực sự quan tâm đến điều mình đang viết và cố gắng chăm chút nó thành một biểu tượng bất hủ trong văn học. Những sự đùa cợt lém lỉnh có phần bốc đồng, ngang ngạnh của cô bé cũng là lí do để Humbert yêu cô nhiều hơn. Ở phần đầu, khi còn trong tầm kiểm soát của Humbert, Lolita đẹp một vẻ đẹp không tì vết, lúc nào cũng tỏa rạng nguồn ánh sáng tích cực trong cuộc đời của Humbert.
Cái Đẹp sa ngã
Nhưng cái Đẹp đã một mực thoát khỏi vòng tay bao bọc của Humbert, bắt đầu sa chân vào "bùn nhơ" khi chạy trốn cùng lão Gustav đáng ghê tởm, một lão già đồi trụy đã bám theo hai người trên những tuyến đường xuyên Mĩ. Và đau đớn thay Lolita tình nguyện theo hắn, thú nhận chưa bao giờ sung sướng được như vậy...       
Lolita trốn thoát khỏi tay Humbert trong vòng 3 năm trước khi chủ động liên lạc lại với "cha". Nhưng lá thư đó không hơn một lời năn nỉ ngọt ngào mà cô bé đã quá quen khi còn ở cùng Humbert. Và lần nào cô bé cũng thành công. 
Cái Đẹp tàn phai       
Nét trẻ thơ hồn nhiên thực đã bay màu theo những bước chân trốn chạy năm ấy, chỉ còn lại đây, trên gương mặt lạ lẫm, tàn dư của một vẻ đẹp thanh tân, tươi trẻ. Trông cô mệt mỏi hệt như một chú chó ướt nhẹp. Đó phải chăng là sự khai tử của cái đẹp hay sự trưởng thành tất yếu của một con người hiện sinh? Tôi không chắc về phần mình, nhưng với Humbert thì nó chắc chắn nằm ở ý thứ nhất. Lolita đã chết. Và cái chết của hắn không đến muộn hơn.        
Trong bộ phim chuyển thể cùng tên năm 1997 của đạo diễn Adrian Lyne, có một chi tiết khá ấn tượng trong cảnh kết mà truyện không viết: Humbert, đứng trên một cánh đồng trên cao nhìn xuống thấp, nơi có những ngôi nhà lao xao tiếng trẻ thơ, nhưng tuyệt nhiên hắn không nghe thấy tiếng của Lolita, mãi mãi không cho đến khi chẳng còn nghe thấy được gì nữa. Nhưng tôi không thích cái kết đó, và nó hẳn đã lệch hướng với những gì mà tác giả muốn thể hiện ở trong truyện. Dù tuyệt vọng thì Humbert trong trang sách vẫn giữ một giọng điệu đầy giận giữ nhưng rất tỉnh táo và tự chủ, lời nói cuối cùng vẫn cứng rắn như thét ra từ kẽ răng. Nhưng cũng có thể hắn chỉ cố tổ ra như thế, để che giấu đi sự hủy hoại đang xâm lấn, ăn mòn linh hồn hắn từ bên trong. Mà "che giấu" chẳng phải là ngón nghề của Vladimir Nabokov thì là gì?        
Sự tha hóa của cái Đẹp nhắc nhớ tôi về nhân vật Caddie trong tiểu thuyết bất hủ "Âm thanh và cuồng nộ" của William Faulkner. Cũng là hình dung về cái đẹp tuyệt mĩ, Caddie đã dần đánh mất (hay bị làm cho đánh mất) sự trinh nguyên, trong trắng ban đầu. Trong sự đánh giá của "thằng ngốc" Benji thì chị mình từng có "mùi như cây", mùi hương gần gũi và thanh sạch nhất với hắn, nay đã không còn khi Caddie để thân xác mình hòa quện trong thân xác khác. Cái đẹp trong "Âm thanh và cuồng nộ" là cái đẹp bị hủ hóa, xâm hại trong sự phát triển của nước Mỹ, cả về kinh tế, xã hội và chính trị. Với “Lolita”, tôi không dám chắc có hàm ý nào gần với ý đó không, nhưng tôi không đồng ý với quan điểm của một số người rằng, “Lolita” là câu chuyện của Châu Âu già hủ hóa Châu Mĩ trẻ. Vấn đề trong truyện đã vượt qua biên giới của sắc tộc, tôn giáo, nó gần hơn một câu chuyện về nhân loại, về tất cả chúng ta. Đây là câu chuyện về tâm hồn khao khát cái Đẹp mãi mãi không được thỏa ước nguyện.
Những gì tôi viết trên đây chỉ đơn giản là những suy nghĩ rời rạc của bản thân trong, và sau trải nghiệm cùng “Lolita”. Nói là trải nghiệm vì sự thực, những cuốn sách hay luôn có ma lực làm người đọc đắm chìm trong thế giới tưởng tượng mà nó miêu tả, đến nỗi ta khó lòng giữ vững sự độc lập lạnh lùng của người đứng ngoài tác phẩm mà bị cuốn đi theo những dòng chữ còn trải ra mãi trong óc ngay cả khi gấp lại trang sách cuối cùng. Và đó cũng chính là sự tác động tuyệt vời mà tôi mong các bạn cũng có được khi đến với thế giới phong phú điệu kì của “Lolita”.
*Mọi trích dẫn trong bài viết được lấy từ bản dịch “Lolita” của Dương Tường, NxB Hội Nhà Văn, tái bản 2015.
Mikodmi.