Bức thư của Thỏ Ngọc
Bức thư của Thỏ Ngọc
Nếu cuộc đời là một trò chơi có lộ trình sẵn cho mỗi người thì hẳn chẳng ai phải tìm kiếm lời khuyên từ kẻ khác. Nhưng vì tương lai là thứ mắt ta không thể nhìn thấy chính xác nên quyết định một điều gì đó thật khó khăn. Mà chắc chắn sẽ càng khó khăn hơn nếu phải lựa chọn giữa những lý do lớn lao cho ta được nếm trải trọn vẹn cuộc sống.
Đào ít khi tìm ai đó để xin lời khuyên. Cô ta không sợ sai và còn giữ trong mình một niềm tin mãnh liệt rằng: mỗi trải nghiệm trên đời đều mang ý nghĩa riêng của nó, dù đôi khi kết quả chẳng phải là tốt lắm. Tuy nhiên, cuộc sống cũng nhiều lần đưa Đào vào cảnh khốn cùng của lựa chọn, mãi không thấy đường ra. Đào phải tìm đến những người mình tin tưởng, không phải chỉ là giãi bày, mà thật lòng muốn biết họ sẽ quyết định thế nào, để rồi sau cùng cô ta vẫn bước theo suy nghĩ của bản thân.
- Vậy thì lời khuyên có ích gì?
Đào dừng lại bên ngoài cửa hàng tạp hóa, lắng nghe người đàn ông hỏi vị cha già đáng kính.
Lời khuyên, trước hết là sự phản hồi, để một người biết họ không cần trải qua những day dứt, đau khổ đó một mình. Khi người nào đã tìm đến và nói cho ta điều yếu đuối nhất trong lòng họ, thì việc cần thiết là hãy cho họ một điểm tựa, nhưng chỉ giới hạn ở đây thôi, vì chẳng ai có thể sống thay cuộc đời người khác. Con người thường tin vào những điều bản thân nghĩ là thật thay vì sự thật. Vậy nên, suy cho cùng, lời khuyên là tấm gương để một người tự soi chiếu lòng mình, cũng là góc nhìn tương quan để họ có thể so sánh rồi lựa chọn.
Thỏ Ngọc cung trăng dù cho được biết trước tương lai sau khi nhận bức thư phản hồi từ tiệm tạp hóa, vẫn quyết định đi theo niềm tin của mình. Đối với Thỏ Ngọc, lời khuyên trở thành cơ hội để tự chất vấn bản thân. Rốt cuộc, ngay từ đầu, cán cân trong lòng đã không còn công bằng cho những lựa chọn, chẳng qua ta chưa thành thật với mong muốn của chính mình mà thôi.
*Thỏ Ngọc cung trăng - nhân vật trong tiểu thuyết “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya”.