PHẬT GIÁO TRONG TÔI PHẦN 2 - LOANH QUANH VỀ CHỮ NGHIỆP VÀ LUẬT NHÂN QUẢ.
Cuộc đời ni ngắn lắm đừng bận lời thị phi thấy điều chi có ích lặng lẽ làm rồi đi.
Trong bài này mình sẽ chỉ nói rõ những ý mà bản thân mình cho là cần thiết cho chủ đề này thôi nhé, sâu hơn mình sẽ nói trong các chủ đề sau. Mình sợ nhiều thông tin quá sẽ gây loãng và khiến người đọc buồn ngủ.
Thứ nhất, khái niệm về nghiệp xuất hiện trước khi Phật Thích - Ca ra đời.
Khái niệm này cùng với luân hồi - tái sính, giải thoát đã xuất hiện ở hầu hết các tôn giáo tại Ấn Độ. Đức Phật Thích Ca chỉ tiếp nhận lại vào giáo lý của ngài, đồng thời thay đổi 1 số điểm mà thôi. (Ai muốn có thể tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này).
Thứ hai, Nghiệp là 1 hành động tạo tác có chủ ý, có ý thức (tác ý).
Có nghĩa nếu như hành động là vô tình, vô ý thì không phải là nghiệp. Ví dụ: trong giới Không trộm cắp phải có đủ 5 yếu tố (5 chi) mới cấu thành nên tội trộm cắp, thiếu 1 trong 5 thì chỉ tổn phước chứ không tạo thành nghiệp. 5 chi đó là:
1. Vật đó có chủ sở hữu.
2. Bản thân biết rõ vật đó có chủ sở hữu.
3. Bản thân có ý muốn lấy.
4. Bản thân thực hiện hành vi cố gắng lấy.
5. Vật đó đã bị dời chỗ do sự cố ý lấy của mình.
Có thể thấy 2/5 chi hình thành nên nghiệp trộm cắp đều thuộc về ý. Khi chúng ta vô ý, không có ý định, không khởi lên tâm muốn lấy thì
đó chưa hình thành nên nghiệp.
Ý dẫn đầu các Pháp, ý làm chủ, ý tạo. Nếu với ý thanh tịnh, nói lên hay hành động, an lạc bước theo sau, như bóng không rời hình.
Thứ ba, Đừng nghĩ chữ nghiệp là xấu.
Vì nhiều lý do mà khi nhắc đến chữ nghiệp, hầu hết mọi người đều chỉ nghĩ đến chuyện NGHIỆP là nghiệp báo, là cái xấu. Những trên thực tế. Nghiệp không phải là quả mà chỉ là HÀNH VI tạo tác, mà hành vi thì sẽ có hành vi tốt, hành vi xấu và hành vi không tốt không xấu. Vậy nên nghiệp cũng chia ra nghiệp lành, nghiệp dữ (ác) và nghiệp không lành không dữ (vô ký).
NGHIỆP LÀNH là nghiệp đem đến lợi ích cho chúng sinh trong hiện tại và cả trong tương lai. (chúng sinh ở đây bao gồm cả chính bản thân mình, người khác và các loài động vật nhé).
NGHIỆP DỮ là nghiệp gây hại cho chúng sinh trong cả hiện tại và tương lại.
Nghiệp không lành không dữ (VÔ KÝ có nghĩa không được ghi nhận vào chỗ nào cả) có thể bỏ qua vì không tạo thành quả.
Ví dụ: Chúng ta vì tốt cho con nên hạn chế việc xem tivi và chơi điện tử. Ở thời điểm hiện tại, nhìn vào thì thấy là ta đang quá khắt khe với con. Nhưng xét về tương lai sau này thì đây là vì muốn tốt cho con.
Hay như việc con trẻ đòi ăn kẹo buổi tối và không chịu đánh răng chẳng hạn. Cha mẹ chiều cho con ăn và nghĩ rằng hành động đó là tốt,
chỉ là cái kẹo thôi, có gì đâu. Nhưng về tương lai, con sẽ bị sâu răng, chịu đau đớn vì những chiếc răng sâu đó, thì hành vi ở hiện tại của cha mẹ lại trở thành nghiệp xấu.
Thứ tư, nghiệp được điều hành bởi quy luật nhân quả.
Những đặc tính của quy luật nhân quả như sau:
1. Nhân thế nào thì quả thế ấy.
Muốn có quả cam thì không thể gieo hạt đậu. Người học đàn chăm chỉ thì sau đó sẽ biết đàn chứ không thể vì đàn chăm chỉ là lại biết nhảy cao được.
Muốn có quả lành thì gieo nhân lành.
2. Bản thân một nhân không thể sinh ra quả được.
Mọi sự vật trong vũ trụ đều hình thành từ nhiều nhân duyên. Cho nên không có nhân nào tự tác thành quả được. 1 quả muốn hình thành thì phải do nhiều nhân tạo thành.
Ví dụ: ươm hạt cam để được cây cảm, quả cam. Nhưng ta cần có đất, nước, gió, côn trùng, phân bón,... thì 1 cây cam mới hình thành và cho quả được. Không đủ những yếu tố đó (nhân duyên đó) thì hạt không thể nảy mầm thành cây được.Thậm chí có đất mà đất ngập hoặc không có nước thì hạt sẽ chết mà không thể nảy mầm.
3. Trong nhân có quả trong quả có nhân
Chính trong nhân hiện tại đã hàm chứa quả vị lại, cũng chính trong quả hiện tại ta nhìn thấy nhân trong quá khứ.
Ví dụ: Quả cam ta ăn đã có hạt trong đó. Còn nếu bạn nào thắc mắc về quả không hạt thì giờ công nghệ tế bào phát triển, nuôi cấy mô để nhân giống vô tính cây trồng vô cùng phát triển nhé. Ngoài ra, quả cam ta ăn không chỉ tạo từ nhân “hạt cam” đó mà còn từ nhiều nhân khác nữa như gió, nước, thổ nhưỡng,....
Trong hạt cam thì ta lại nhìn thấy rằng 1 cây cam hoàn toàn có thể được hình thành từ hạt cam này.
4. Sự phát triển nhanh và chậm từ nhân đến quả.
Sự phát triển từ nhân đến quả có khi nhanh, có khi chậm, chứ không hề có quy định về thời gian.
Có những nhân hình thành quả ngay lập tức, như khi ta đánh chuông, chuông sẽ kêu.
Có những nhân phải sau vài tuần, vài tháng mới cho ra kết quả, như khi ta trồng 1 cái cây từ hạt. Sau 1 thời gian, đủ nắng gió độ ẩm, hạt sẽ nảy mầm thành cây.
Có nhân phải sau vài năm, vài chục năm mới cho ra quả như ta mong đợi. Như việc học tập của ta, sau 12 năm trên ghế nhà trường, cộng thêm vài năm học nghề hoặc đại học nữa thì mới ra đời đi làm, kiếm tiền.
Có những nhân phải sau đến cả trăm năm mới nhận được quả. Ví như dân tộc 1 quốc gia đấu tranh giành độc lập. Không thể ngày 1 ngày 2 mà nhận được kết quả như ý muốn.
“Đủ nắng hoa sẽ nở
Đủ gió chong chóng sẽ quay,
Đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy.”
Chưa hội đủ duyên thì quả chưa thể thành được (Chữ duyên này mình sẽ nói kỹ hơn trong những chủ đề sau).
Thứ năm, Nghiệp có biệt nghiệp (nghiệp riêng) và cộng nghiệp (nghiệp chung). Hai loại nghiệp này có liên hệ mật thiết không tách rời và tương tác lẫn nhau.
Ví dụ: Trong cùng 1 gia đình, 1 hoàn cảnh sống lớn lên, cùng cách chăm sóc của cha mẹ nhưng 2 người con lại có cuộc sống hoàn toàn
khác nhau, người sống tốt, người sống không tốt. Đây chính là biệt nghiệp.
Trong 1 gia đình mà cha mẹ làm nghiệp dữ nhưng con lại là người gánh chịu lấy cái quả dữ ấy. Thì đây là do cộng nghiệp.
Hay như việc nói xấu người khác. Thường ta không thích ngồi 1 mình nói xấu người đâu (biệt nghiệp), mà chỉ có niềm vui khi cùng nhiều
người khác nói xấu ai đó thôi (cộng nghiệp).
Hiểu đơn giản.
BIỆT NGHIỆP là ta làm ta tự chịu.
CỘNG NGHIỆP thì phức tạp hơn,
1. Chúng ta cùng làm chúng ta cùng chịu.
2. Hãy tưởng tượng mỗi người là 1 mảnh ghép, và cái nghiệp của chúng ta ghép lại với nhau sẽ tạo thành 1 chuỗi quả báo mà chúng ta
phải nhận, nghiệp và quả đan xen, ảnh hưởng lẫn nhau. Có nghĩa hành động của ta không chỉ ảnh hưởng đến mình ta mà còn ảnh hưởng đến cả những người xung quanh ta nữa.
Như đã nói ở trên 1 quả được tạo thành từ nhiều nhân, trong thực tế, phần lớn mỗi quả chúng ta nhận đều có sự góp mặt của cả biệt nghiệp và cộng nghiệp, tương tác qua lại không có sự tách rời.
Tổng kết lại nhé:
1. Khái niệm về nghiệp có trước cả Đạo Phật và xuất hiện nhiều trong các tôn giáo khác ở Ấn Độ.
2. Nghiệp không phải là KẾT QUẢ mà là 1 HÀNH ĐỘNG tạo tác có chủ ý.
3. Nghiệp có: nghiệp lành, nghiệp dữ và nghiệp không lành không dữ.
4. Nghiệp được điều hành bởi quy luật nhân quả.
5. Nghiệp có: biệt nghiệp và cộng nghiệp.
Đặc tính của quy luật nhân quả:
1. Nhân nào quả ấy.
2. Quả được hình thành từ nhiều nhân. 1 nhân không đủ để trổ quả.
3. Trong nhân có quả, trong quả có nhân.
4. Thời gian từ nhân tạo thành quả nhanh chậm khác nhau.
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất