Bài viết gốc được đăng tải tại Đây . Hãy like page Ăn sách trên Facebook để ủng hộ tác giả.
Luyện Ngục cá nhân, đó là thứ tôi gọi cái nhà nghỉ tôi đang sống.
Đáng lẽ ra tôi đã chuẩn bị quay lại Việt Nam. Nhưng chuyến bay mà tôi đáng ra phải lên đã bị hoãn lại đến vài lần. Thành phố đắt đỏ đang rút cạn dần nguồn sống của tôi. Sự tự do mà tôi hằng mong đợi trở thành một dấu hỏi khổng lồ.
Ở một bài viết trước đây, tôi có nhắc đến Heidegger và Being-towards-death. Khi cuộc sống có một giới hạn, nó đặt một mỏ neo trong suy nghĩ con người. Bắt họ phải suy nghĩ về mọi hành động họ làm, chắc chắn rằng nó phải có ý nghĩa. Cái Chết luôn ở bên ta và nhận thức được giới hạn đấy khiến ta trân trọng và tận hưởng mỗi giây phút được sống.
Khi viết ra những điều sáo rỗng đó, tôi chỉ nghĩ về quãng đời học sinh của mình. Suốt 12 năm học ở trường và những năm ở Đại Học, tôi học với niềm tin vào lời hứa của gia đình và xã hội rằng học là để có 1 tương lai tốt đẹp, một sự nghiệp nhàn hạ.
Những câu chuyện về những cô bé cậu bé nhà nghèo học giỏi kết thúc với việc họ trở thành một công dân có ích cho xã hội, có một cuộc sống thành đạt, hoặc ít nhất cũng là dễ dàng. Những người có học được tôn trọng, cộng đồng mạng đem bằng cấp ra khè nhau, TV thầm đá xoáy những người kém suy nghĩ,... . Chúng ta đánh giá nhau qua lăng kính của bằng cấp, và đó trở thành tiêu chuẩn của xã hội.
Cái này chẳng có gì mới. Kể cả mấy thằng nhóc tiểu học, đi học thêm 3 ca 1 ngày cũng có thể nói với bạn tất cả những điều đó. Xét cho cùng, con người chưa có khả năng đong đếm tài năng để xã hội sử dụng. Vấn đề chính là, tôi không cần phải học hết Đại học để nhận ra điều đó. Không ai cần cả.
Cái tôi nhận ra sau khi học hết đại học là, hóa ra tôi đã chờ đợi gần 20 năm qua.
Tôi học với một mục đích, cuộc đời của tôi xoay quanh nhà trường là vì 1 mục đích, một mục đích nằm ở tương lai xa, một lời hứa mà xã hội, mà gia đình nói với tôi. Tôi làm việc vì tương lai ấy. Tôi không thu thập kiến thức cho bản thân (bởi vì nếu có, tôi sẽ không cần quay phao...). Tôi không học toán đề sau này ra trường có thể hy vọng dùng hàm số để mua cá, người ta không học triết vì họ có một cái nhà máy triết học mới mở và yêu cầu công nhân đọc Marx, Adorno, hay Zizek... .
Tôi học vì cái bằng, một tương lai đẹp đẽ mơ hồ nào đó mà họ nói với tôi. Chúng ta không coi trẻ em, học sinh là một cá thể người đầy đủ, với một cuộc sống đầy đủ, với khó khăn, hạnh phúc, riêng tư... . Cuộc sống của học sinh là một phần phụ thuộc vào gia đình, xã hội, phụ huynh và những quyết định của họ.
Cuộc đời học sinh của tôi chưa bao giờ là một cuộc đời hoàn chỉnh. Nó chỉ là một bước chuẩn bị, cho bước tiếp theo là cuộc sống thực sự. Tôi tự nhủ, “lớn lên sẽ biết”, “lên cấp 3 sẽ đỡ’, “lên đại học tha hồ”,... . Một cuộc đời luôn diễn tiến ở thì tương lai, luôn luôn chỉ là một bước chuẩn bị cho tương lai.
Như những con chiên ngoan đạo, những học sinh như tôi ngoan ngoãn, tin tưởng và chăm chú học hành, cư xử theo giáo lý chặt chẽ và nghiêm khắc với hy vọng sau cõi tạm này sẽ là 1 Thiên Đường vĩnh hằng.
Nhưng tương lai không tồn tại, quá khứ cũng vậy. Chỉ có 1 thứ đang tồn tại, đó là thực tại. Cuộc sống đang ở đây, và nó trôi đi mỗi phút, mỗi giây, mỗi tíc tắc.
Căn phòng tôi đang ở là luyện ngục. Bởi dù cuộc đời học sinh sinh viên đã kết thúc, Thiên Đường và Địa Ngục của cuộc sống hậu sinh viên là một cõi xa vời, gần như vô tận. Chính Phủ không có bất kì động thái nào về việc cho chuyến bay của tôi nhập cảnh. Tôi có thể ở lại đây, vô thời hạn. Những con số trên Visa đang dần đếm ngược. Không có “Cái Chết” nào thúc đẩy tôi tạo ra mục đích. Không có phần thưởng hay trừng phạt rõ ràng nào cho những hành động tôi làm. Không điểm, không kiểm tra.
Không ý nghĩa.
Tôi bị ép đối mặt với cuộc đời trống rỗng của mình. Và khi trường học, bài tập,... không còn là cái cớ. Cái gì thực sự còn lại? Tôi đang lo sợ và né tránh điều gì với cuộc sống? Trách nhiệm thực sự? Cuộc sống thực sự?
Tôi chưa từng sống.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất