LIVERPOOL, EVERTON VÀ BIÊN NIÊN SỬ "DERBY MERSEYSIDE".
Ở Merseyside, hoặc là bạn chọn màu áo đỏ, hoặc là màu áo xanh, không có chỗ cho sự lưỡng lự ở Liverpool, một trong những thành phố...

Tất thảy những fan hâm mộ The Kop đều rùng mình khi biết được nếu không có sự ra đời của Everton thì sẽ không có Liverpool hùng mạnh ngày nay. The Toffees là một phần quan trọng của nền bóng đá Anh kể từ khi giải đấu bắt đầu khởi tranh vào năm 1888, thách thức sự thống trị của một Preston North End bất khả chiến bại. Sân vận động Anfield của Liverpool được dựng nên bởi chính kình địch của họ ở phía bên kia công viên Stanley, cho đến khi một vấn đề liên quan đến tiền thuê đất đã khiến cho John Houlding – người sở hữu mảnh đất quyết định thành lập một câu lạc bộ mới mang tên Liverpool. Sự ra đời của Liverpool đánh dấu một mối quan hệ không đội trời chung giữa hai câu lạc bộ ở vùng Merseyside.
Trong một khoảng thời gian, do tính chất bạo lực hiếm khi xuất hiện giữa những cổ động viên của Liverpool và Everton mà trận đấu của hai đội đã được gọi là “Trận Derby thân thiện”. Những trận derby khắp thế giới nổi tiếng nhờ những cuộc ẩu đả giữa hai nhóm cổ động viên, lấy ví dụ như trận "Superclásico" của bóng đá Nam Mỹ giữa River Plate là Boca Juniors. Trước khi cuộc đọ sức diễn ra, các sân vận động tràn ngập những màu sắc độc đáo đến từ cả hai đội. Nhưng khi trọng tài cho trận đấu được bắt đầu, những hành động trên khán đài ở những trân derby thật đáng xấu hổ.
Trong những trận derby vùng Merseyside, phần lớn những fan hâm mộ đến xem và cổ vũ đều không thuộc những fandom nguy hiểm nhờ vào cái mác “thân thiện” của trận đấu. Nhưng trên sân, không có chỗ cho sự thông cảm giữa các cầu thủ. Nhịp độ trận đấu được đẩy lên cao mỗi khi một trong hai đội phải rơi vào tính thế bám đuổi. Trận derby giữa Liverpool và Everton chứng kiến nhiều thẻ đỏ hơn bất kỳ trận đấu nào khác trong lịch sử Premier League. Những sai lầm đến từ cả hai bên và những cuộc ẩu đả giữa cầu thủ trên sân được gói gọn trong 90 phút đã tạo nên màu sắc rất riêng cho trận đấu.


Liverpool thắng trận và Whelan mô tả ngày hôm chứa đựng một “bầu không khí ma thuật”, với cường độ và tốc độ sinh hoạt chẳng nơi đâu sánh kịp. Whelan thừa nhận rằng, mỗi khi ông được nếm trải chiến thắng ở mỗi trận Derby Merseyside, ông luôn bị cuốn vào cái cảm giác “ma thuật” ấy. Dần đà, ông trở nên nghiện và hăng say hơn. Quả là một niềm “ham muốn” tuyệt đối của một cầu thủ mà các CĐV có thể khoe khoang khắp tận cùng ngõ hẹp của thành phố. Một cầu thủ có thể chơi hàng trăm trận nội chiến Merseyside và sự thù hận cứ thế leo thang. Steven Gerrard, trước trận Derby cuối cùng trong sự nghiệp vào tháng 2/2015, đã nói với cánh báo giới rằng cho đến tận hôm nay, anh vẫn khao khát hành hạ Everton:
“Tôi nhận nhiều lời phỉ báng từ các CĐV quá khích của Everton ngày hôm qua, nhưng đó là một phần lớn lao cuộc sống của tôi ở thành phố này. Tôi yêu tất thảy những lời lẽ đó từ những NHM Everton. Ganh đua giữa những đội bóng vĩ đại với nhau phải là như vậy. Tôi chiến đấu cả sự nghiệp cũng vì lẽ đó. Tôi bây giờ chẳng còn thiết tha gì nữa. Mang Everton đến đây, và rồi tôi sẽ cho họ thấy điều phi thường như thường lệ!”
Niềm đam mê vẫn bùng cháy sâu trong Gerrard, giống như khi anh còn là một cậu thiếu niên có gương mặt búng ra sữa trong trận Derby “debut”. Liverpool so với Everton là kiểu trận đấu như vậy, luôn có tuổi thọ cao trong ý thức của các huyền thoại. Rồi một ngày khi Gerrard tâm sự lại với con cháu lúc về già, anh sẽ tự hào hồi tưởng những chiến quả từng gặt hái được cùng Liverpool. Những trận đấu sau chắc chắn sẽ được xướng tên: là buổi tối huy hoàng Gerrard lập hẳn một cú hat-trick vào lưới Tim Howard, nã một phát súng đại bác sấm sét khiến các fan The Kop sướng đến điên dại. Steven Gerrard đã truyền cảm hứng cho cái đêm đặc biệt mà nửa đỏ thành phố Cảng hát vang bài ca “You’ll never walk alone”, với người bắt nhịp không ai khác đội trưởng vĩ đại của họ.
Tuy nhiên, những đêm reo hò ấy không chỉ bắt nguồn từ mỗi Anfield. Everton cũng có niềm kiêu hãnh của riêng họ ở các trận đấu để phần nào đó là sánh ngang cùng Steven Gerrard. Tiêu biểu nhất có thể kể đến cầu thủ người Úc Tim Cahill. Anh từng cho biết, những trận Derby Merseyside là một phần quan trọng trong cuộc đời anh ấy suốt 8 năm chơi tại Goodison Park.
Cahill là tất cả những gì một CĐV Everton cần và yêu mến. Một ngôi sao chiến đấu trên mọi con phố bằng sự kiên trì và trái tim của một con sư tử dũng mãnh. Khi anh bước lên thảm cỏ Goodison Park và đối diện với nhiệm vụ đánh bại Quỷ đỏ, Cahill ngay lập tức tận hưởng sức nóng của trận chiến. Anh tận lực luyện tập để đạt đến đỉnh cao của bóng đá chuyên nghiệp. Cahill, theo nhiều cách, đã thể hiện rõ tinh thần của tầng lớp lao động nghèo của thành phố. Anh rời quê hương Úc xa xôi từ khi còn là một cậu thiếu niên để theo đuổi ước mơ của mình, một cuộc phiêu lưu đầy rủi ro. Và may mắn thay, ông trời đã thương Cahill khi Everton kí với anh hợp đồng chính thức từ Millwall năm 2004.
Hiểu chính xác ý nghĩa của huy hiệu trên ngực trái và màu áo xanh đang khoác của Everton, anh tiếp cận trận Derby với sự hung hăng thậm chí còn dữ dội hơn bình thường. “Đi vào trận đấu, cho dù là chấn thương hay vấn đề nào khác không phải bóng đá, điều đó lập tức bị gạt phăng. Mọi thức còn lại trên sân là cuộc chơi của những gã đàn ông. Đối với tôi, một cầu thủ Úc, cũng cảm nhận rõ tinh thần tương tự.” Cahill trở thành một trong những người hùng vĩ đại nhất của Everton, là đối trọng thực sự của Gerrard trong những tháng ngày anh còn chơi bóng. Anh ghi 5 bàn chọc thủng lưới The Kop. Cả hai con người, Cahill và Gerrard là hai hình mẫu lẫn tính cách của cả thành phố Liverpool nếu xét trên phương diện bóng đá.

Tất nhiên, không có sự cạnh tranh nào trong bóng đá mà không có một trận cầu biểu tượng. Derby vùng Merseyside cũng vậy, cũng sở hữu một kiệt tác kinh điển trong vô số những lần đối đầu giữa hai đội. Liverpool và Everton đã quyết liệt với nhau từ trước kỷ nguyên Premier League. Trở lại năm 1991, vòng 5 FA Cup chiêm ngưỡng một màn so tài khó lòng rơi vào quên lãng.
Sau trận hòa 0-0 buồn tẻ và chẳng có gì đáng bàn tại Anfield, Kenny Dalglish đã dẫn đưa dàn sao Liverpool của ông đến Goodison Park. Và thành phố Cảng khi ấy được chứng kiến một trận cầu đầy cảm xúc với 8 bàn thắng chia đều cho hai đội, minh chứng quá đậm nét về một Liverpool hào hoa ngay ở mùa giải cuối cùng mà Dalglish dẫn dắt Quỷ đỏ (ít nhất là trong mắt các CĐV Liverpool). “Tôi đã không thể tin được những gì vừa xảy ra trước mắt.” Ray Houghton nhớ lại, “Trận đấu ấy sở hữu mọi tinh túy của bóng đá: thăng hoa có, lắng đọng có, những thách thức thực sự khó nhằn cho cả hai bên. Chưa kể còn có những cầu thủ tỏa sáng rực rỡ mặc cho sai lầm của các đồng đội ở hàng phòng ngự. Tôi còn nhớ Glenn Hysen đã bọc lót tuyệt đến nhường nào cho thủ thành Bruce Grobbelaar.”
Thời điểm đó, Liverpool của ông thầy Kenny Dalglish luôn có những màn trình diễn hết sức ấn tượng. Dẫn đầu với khoảng cách 3 điểm, họ chơi một thứ bóng đá đẹp mắt nhờ sự tỏa sáng lâu bền từ những chân sút thượng hạng như Ian Rush, John Barnes và Peter Beardsley. Mặt khác, Everton phần nào bị áp đảo dưới thời Howard Kendall. Họ xếp thứ 12 chung cuộc, và phải chịu nép đằng sau ánh hào quang của gã hàng xóm tràn trề danh vọng. Thật vậy, Liverpool đã thoải mái hất văng đối thủ “The Toffees” của họ với chiến thắng 3-1 tại Anfield chỉ 3 tuần trước đó nhờ công của Jan Mølby và cú đúp từ David Speedie. Tuy nhiên, vào một buổi tối thứ 4 mùa đông lạnh lẽo đến nao lòng ở thành phố cảng nước Anh, đã không còn một lối đi nào giúp đoàn quân của Dalglish tìm được chiến thắng trước Everton nữa. Khác biệt bắt đầu xảy đến.
Trong chuyến hành quân đến Goodison Park, Quỷ đỏ vươn lên dẫn trước nhờ cú volley của Beardsley ở cự ly gần. Đội khách thể hiện rõ sự tự tin và vênh váo trước khi bước vào phòng thay đồ khi tạm dẫn 1-0 sau 45 phút đầu tiên. Không có dấu hiệu ngay lập tức rằng Liverpool sẽ dễ dàng chấp nhận lợi thế mong manh này của họ. Nhưng khi hiệp 2 chỉ vừa mới bắt đầu được một phút, Everton đã đưa trận đấu trở về thế cân bằng sau khi Graeme Sharp tận dụng thành công cú tạt chính xác từ đồng đội Andy Hinchcliffe. Tỷ số là 1-1. Trận đấu cởi mở hẳn từ sau bàn thắng quân bình ấy.
Beardsley và Sharp lại tiếp tục lập công lần nữa cho mỗi đội, trước khi Ian Rush xuất hiện trên bảng tỷ số để nhen nhóm hy vọng chạm đến đỉnh cao chiến thắng cho Liverpool trong một trận Derby nghẹt thở. Nhưng những chàng trai áo xanh láng giềng vẫn dứt khoát từ chối Tử thần. Tony Cottee góp mặt như một quân bài tẩy từ băng ghế dự bị, và với tiếng gầm rú kiêu hãnh từ khắp các khán đài Goodison Park đang thôi thúc mình, ông gạt phăng lưỡi hái của bầy Quỷ đỏ bằng bàn thắng quý giá cân bằng tỷ số. 3-3 và trận đấu có thêm thời gian. Ở thời điểm căng thẳng nhất của trận đấu, John Barnes đã ghi một bàn thắng ngoạn ngục ở hiệp phụ, một cú cứa lòng giật gân từ khoảng cách 25 mét chệch về phía cánh phải khung thành Everton để đưa Liverpool vươn lên dẫn 4-3. Nhưng trận đấu chưa kết thúc, và tỷ số đó cũng vậy. Cottee, một lần nữa, điên cuồng tấn công bằng mọi nỗ lực dù cho là nhỏ nhất, đưa “The Toffees” trở về từ cõi chết lần thứ tư.

Sự thoái trào từ vị thế một siêu cường của Liverpool đã chứng kiến họ dần bị đánh giá ngang tầm rồi dưới cửa những đối thủ sừng sỏ trong một thập kỷ qua. Dù thường xuyên chiến thắng trong những trận Derby, nhưng khoảng cách giữa Liverpool và Everton chắc chắn có sự thu hẹp nếu đem so với những 1980, thời điểm Liverpool thống trị châu Âu và liên tiếp mang về phòng truyền thống những danh hiệu tầm cỡ. Đến năm 2005, khi Everton kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 4, cao hơn Liverpool, các tín đồ của thánh đường Goodison Park đã điên cuồng tổ chức một cuộc diễu hành ăn mừng đám tang của đại kình địch.
Điều đó chưa bao giờ xảy ra ở Premier League, nhưng David Moyes đã khéo léo xoay sở để điều khiển đoàn quân “The Toffees” của mình đạt được thành tích có lợi, khi họ có thể hả hê nhìn xuống kình địch của mình đang oán thán sau 38 trận đấu của mùa giải. Rafael Benítez “kích hoạt” cơn giận dữ và cuồng loạn của mình khi mô tả Everton là một “đội bóng nhỏ” trong suốt thời gian dẫn dắt Liverpool, nhưng Everton vẫn có lý do để vỗ ngực vào tháng 5 năm 2005.

Sau thảm họa Hillsborough vào tháng 4 năm 1989 - khi 96 người hâm mộ Liverpool thiệt mạng trong một bi kịch khó lòng lý giải, nửa đỏ vùng Merseyside đã bị lay động bởi tình cảm và sự ủng hộ từ những CĐV Everton. Để kỷ niệm 25 năm sau sự kiện ấy, chủ tịch của Everton, Bill Kenwright đã tổ chức một buổi mặc niệm tưởng nhớ tai ương Hillsborough tại Goodison Park như bày tỏ lòng thành, sự tôn vinh dành cho những người quá cố.

Bị thúc đẩy bởi niềm đam mê bất tận với bóng đá, nhưng vẫn vô cùng rạch ròi bởi danh dự và niềm kiêu hãnh vì màu áo đang mang, cuộc cạnh tranh giữa Liverpool và Everton, trận Derby vùng Merseyside là một điều độc đáo có nguồn gốc sâu xa như bất cứ nơi đâu của bóng đá Anh cũng như Thế giới. “Rivalries” định hình bản sắc và văn hóa bóng đá ở Liverpool, một trung tâm văn hóa đặc biệt bậc nhất châu Âu mà không nơi nào có được.
Người Everton và Liverpool sẽ mãi chẳng là bạn. Họ cũng sẽ không đứng cạnh nhau, uống, hát và reo hò suốt đêm, vì đó sẽ là điều mâu thuẫn thái quá đối với những gì được cho là ý nghĩa ở thành phố này. Hãy nhớ rằng, ở Liverpool, bạn chỉ có thể chọn màu đỏ hoặc màu xanh. Đó là cách tình yêu bóng đá tồn tại, là cách dòng chảy tình yêu bền vững, và chắc chắn là cách cả thành phố Liverpool tôn sùng.

Người dịch: Kinh Luân và Minh Đức.
Dịch và biên soạn từ bài viết trên These Football Times, ra ngày 04/06/2015 với title: “A TALE OF ONE CITY: LIVERPOOL.”
Link gốc: https://goo.gl/zMg72Q

Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất