Khi nói về một bộ phim chiến tranh chúng ta thường nghĩ về điều gì? Bom rơi, đạn nổ, máu đổ đầu rơi, sự man rợ đáng sợ của thực dân hay ý chí kiên cường của phe chống đối? Nếu vậy, La vita è bella sẽ nằm ngoài những quy chuẩn trên vì đơn giản bởi sự nhẹ nhàng mà đầy sâu lắng của nó như đúng cách mà các nhà làm phim đã gọi nó “tươi đẹp”.

Nạn diệt chủng Do Thái và lời nói dối vĩ đại

Mở đầu bộ phim, chúng ta sẽ được giới thiệu ngay với Guido Orefice, một người Do Thái trẻ, khờ khệch mà hài hước, đang kiếm tìm một cuộc sống mới, mong muốn được làm chủ tiệm sách. Anh làm việc dưới vai trò một gã bồi bàn tại nơi chú anh sống. Tại đây, anh rơi vào lưới tình với một cô giáo trẻ Dora. Sau nhiều tình huống đầy bất ngờ và hài hước, anh sau cùng đã chiếm trọn trái tim của cô, giải phóng cô khỏi hôn sự được sắp đặt bởi gia đình. Hai người có với nhau một người con, chú bé Giosuè thông minh và kháu khỉnh. Thế nhưng hạnh phúc của họ không kéo dài được lâu. Cả gia đình anh bị Đức quốc xã bắt vào đúng ngày sinh nhật của Giosuè. Tại đây, anh đã tạo ra một lời nói dối vĩ đại nhất để cứu tâm hồn non nớt của con khỏi chốn địa ngục trần gian này. Anh nói dối cậu bé rằng hai cha con anh bị bắt đem tới nơi đây là để cùng nhau chơi một trò chơi và người chiến thắng với 1.000 điểm sẽ nhận phần thưởng là một chiếc xe tăng. Bất cứ hành động khóc, phàn nàn nào của Giosuè đều sẽ khiến hai bố con bị trừ điểm.
Life Is Beautiful là một câu chuyện đơn giản và được kể lại bằng trí tưởng tượng phong phú của tác giả Roberto Benigni. Ông vừa là người đồng viết kịch bản, là đạo diễn và là diễn viên chính của bộ phim. Một câu chuyện nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, tinh tế và ẩn chứa đầy tình yêu bao la của người cha dành cho đứa con trai của mình và tình cảm vợ chồng sâu đậm.

“White lie” và câu chuyện cảm động về một người cha

Theo như định nghĩa tiếng anh của từ này, ” white lie” có nghĩa là một lời nói dối vô hại, thế nhưng trong bộ phim, “white lie” còn mang một ý nghĩa sâu sắc hơn thế. Không chỉ là một lời nói dối để bảo vệ con, mà đó còn là một sự nuôi dưỡng cho tâm hồn non nớt của con để có một niềm tin vững chắc cho con vào một tương lai tươi sáng hơn. Một lời nói dối như vậy của người cha không những không làm hại ai mà còn góp phần bảo vệ, nuôi dưỡng niềm tin, hy vọng của cậu con trai. Được biết, phần kịch bản cho bộ phim là được lấy từ câu chuyện gia đình của Roberto Benigni khi cha của ông đã từng bị Đức quốc xã bắt và khổ sai tại trại tập trung người Do Thái Bergen – Belsen. Tưởng chừng như ông sẽ bị ám ảnh bởi những kí ức kinh hoàng của mình tại chốn địa ngục trần gian ấy, nhưng không, ông chỉ càng thêm yêu quý cuộc sống của mình, ông còn kể lại câu chuyện của mình cho các con một cách hài hước và đầy dí dỏm. Chính đó là động lực cho Robert để viết nên một tuyệt tác sau này.

Tình cảm gia đình sâu sắc, cảm động

Được bấm máy và sản xuất bởi cây hài Roberto Benigni, bộ phim có thể được chia làm hai giai đoạn, phần đầu là về cuộc sống của Guido trước khi lấy vợ, phần sau về cuộc sống của cả gia đình tại nơi cửa “địa ngục”. Bất chấp khung cảnh khác nhau một trời một vực đó, cả hai vẫn mang đầy ắp tiếng cười: nửa đầu là những nụ cười hạnh phúc của tình yêu đôi lứa, trong khi phần sau là những tiếng cười ngạo nghễ vào chủ nghĩa Phát-xít tàn độc. Nếu đã coi những bộ phim cũng nói về đề tài chiến tranh như Saving private Ryan; The pianist; Schindler’s List;… ta sẽ dễ dàng nhận thấy ở đó là sự lên án tội ác chiến tranh đầy mạnh mẽ thông qua những cảnh phim bạo lực trần trụi, những âm mưu chính trị độc tài, hay những thí nghiệm vô nhân tính của bè lũ phát xít. Trong phim, không có một cảnh quay chiến trận nào nhưng người xem vẫn cảm thấy được sự bạo tàn của chủ nghĩa Phát-xít và thương tiếc những người vô tội đã thiệt mạng trong Thế chiến thứ hai qua cách kể chuyện tinh tế của Benigni. Điều làm cho bộ phim mang thông điệp phản chiến tranh mạnh mẽ nhất, đó chính là nhờ vào những thứ tưởng chừng đơn giản nhưng lại vô cùng quý giá, mà nổi trội nhất trong phim chính là tình cảm vợ chồng và tình phụ tử.

Tình cảm vợ chồng – yếu tố của một gia đình hạnh phúc

Trong phim, nhân vật Guido có thể không có “sự chuẩn mực” khiến các cô gái mê đắm, nhưng anh có cách yêu thương và thái độ với gia đình là “hoàn hảo” trong mắt vợ con của mình. Dù cuộc sống của họ rất đỗi bình dị nhưng trong ánh mắt của mọi người luôn ánh lên niềm rạng rỡ và hạnh phúc. Mặc dù chỉ là một gã bồi bàn nghèo hèn, không giàu sang, càng không có địa vị. Thế nhưng anh sẵn sàng làm tất cả để có được trái tim của người con gái mà anh đã lỡ rơi vào lưới tình, mặc cho những sự khác nhau về địa vị xã hội chả khác gì “đũa mốc mà chòi mâm son”. Thế nhưng khác với gã hôn phu giàu có mà hợm hĩnh của Dora, anh sẵn sàng làm tất cả vì cô. Anh sẵn sàng làm trò hề trước lớp học để lấy nụ cười của cô, sẵn sàng đến rạp hát, nghe những thứ anh không thích để được gặp và mời cô đi ăn kem chocolate mà cô thích. Anh ta cướp cô từ bữa tiệc đính hôn của cô trên một con ngựa, đó là sự nhục nhã với vị hôn phu của cô và mẹ cô, nhưng đồng thời cũng là sự giải phóng cho Dora và rồi cô đã phải lòng Guido.
Có lẽ chỉ khi gặp hoạn nạn, người ta mới biết sự hi sinh của người thân dành cho mình nó vĩ đại đến thế nào, người ta mới biết rõ bản thân mình yêu quý ai và nguyện sống chết vì ai. Tình yêu thương đó ngày càng được gắn bó hơn sau khi hai người đã kết hôn. Anh yêu cô như những ngày đầu, có phần còn sâu đậm hơn thế. Con người bình dị với nụ cười luôn nở trên môi ấy như một nhân vật hiện ra từ cổ tích bởi năng lượng và tình yêu cuộc sống như không bao giờ cạn. Có người chồng nào vẫn âu yếm gọi vợ là “công chúa” như lúc mới yêu dù họ đã có một mặt con? Sẵn sàng bất chấp nguy hiểm để gửi một bản tình ca cho người vợ đang sống ở khu của nữ qua loa phát thanh trại giam, đủ để cho Dora biết hai cha con vẫn sống và yêu thương cô. Được biết, diễn viên đóng vai cô gái Dora – Nicoletta Braschi cũng chính là vợ của nam diễn viên kiêm đạo diễn của phim. Họ ắt phải có một tình yêu mặn nồng lắm mới có thể diễn nhập tâm như vậy.

Tình phụ tử và bài học về sự lạc quan

Hồi hai của bộ phim bắt đầu với hình ảnh hạnh phúc của Guido. Anh giờ đây đã trở thành chủ một hiệu sách mà anh vẫn hằng mong muốn. Quan trọng hơn thế, Guido giờ đã là chồng, là cha, là trụ cột của một gia đình hạnh phúc. Cậu bé Giosuè thông minh, kháu khỉnh, là niềm hạnh phúc, tự hào của Guido. Vì lẽ đó anh yêu thương nó hết mực như thể Dora và Giosuè là những gì quan trọng nhất của anh. Tình yêu anh dành cho chú bé Giosuè được thể hiện rõ nét nhất khi hai cha con anh sống những ngày tháng khổ cực trong trại tạm giam. Tại nơi mà cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, người đàn ông ấy vẫn nở nụ cười bởi ông biết nếu ông bị đánh gục trong nỗi thất vọng và sợ hãi, bé Giosuè cũng sẽ sụp đổ.
Ngay từ khi bước chân lên xe lửa để đến nơi mà Guido biết chắc là số phận của cả gia đình, anh đã nói dối con trai về một chuyến đi chơi xa. Khán giả đã rất tò mò và thắc mắc liệu Guido có thể nói dối cậu bé được đến khi nào? Tuy nhiên với lối kể chuyện thông minh, Guido đã làm cho cậu bé đinh ninh rằng họ chắc chắn sẽ là người chiến thắng trong cuộc chơi này. Ông khéo léo giải thích sự vắng mặt của những cậu bé đồng trang lứa với Joshua là do chúng “trốn rất giỏi để kiếm điểm trong trò chơi”, hay việc các tên lính đối xử tệ bạc với tù nhân là do “chúng rất muốn phần thưởng là chiếc xe tăng”. Bằng những lời nói dối vô hại như vậy, ông nuôi dưỡng niềm tin trong tim và nụ cười trên môi của cậu con trai bé bỏng, giúp Joshua vượt qua được một trong những thời khắc đen tối nhất của lịch sử loài người mà vẫn còn niềm tin vào tương lai, vào cuộc sống.
Anh bác bỏ yêu cầu của Giosuè rằng hãy kết thúc trò chơi để trở về nhà bằng cách thuyết phục con rằng họ đang đứng đầu, sắp có được xe tăng và chỉ cần chờ một thời gian ngắn nữa là họ có thể trở về nhà với cái xe tăng. Guido có thêm thời gian bằng cách cố tình cho Giosuè trộn lẫn với học sinh Đức gần đó. Anh làm người hầu cho những đứa trẻ đó để không ai nhận ra Giosuè thực ra là người Ý. Dám làm những việc đầy hiểm nguy ấy ngay dưới mũi của bè lũ thực dân đáng sợ ấy chỉ có thể là một người cha yêu thương con hơn bất cứ điều gì khác. Dù trong hoàn cảnh sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc nhưng để bảo vệ suy nghĩ và cái nhìn về cuộc sống, người cha không chỉ nghĩ, hành động mà còn hướng cho con mình một cái nhìn đẹp đẽ nhất, trong sáng nhất về cuộc sống.
Hình ảnh cuối cùng của Guido khiến khán giả cười trong nước mắt bởi dáng đi thể hiện sự lạc quan vui vẻ giữa 2 tên lính Đức tay lăm lăm súng ống và cái nháy mắt đầy ẩn ý. Đây chắc chắn là hình ảnh đẹp nhất mà cậu bé Joshua ghi khắc trong tâm hồn, mà sau này khi nhớ lại, cậu gọi đó “Là món quà cha đã tặng tôi…”. Chỉ dài có vài giây, song dáng đi cùng gương mặt, cái nháy mắt ẩn ý của Guido với cậu con trai có lẽ là một trong những cảnh quay xúc động nhất lịch sử điện ảnh. Một người thực sự lạc quan chính là khi anh ta đã nếm những sự đau khổ, đắng cay ở đời, mà vẫn giữ lấy nụ cười, vẫn vui tươi hài hước dí dỏm, và thực sự như thế chứ không phải cố gắng, thì đó mới đúng là một người lạc quan.

Kết quả xứng đáng cho một kiệt tác:

Từ khi ra mắt năm 1997, La Vita è Bella gây sốt không chỉ ở quê nhà Italy mà còn trên toàn thế giới bởi nội dung sâu sắc, xúc động mà vẫn không kém phần vui tươi. Mở đầu với giải Grand Pix tại LHP Cannes, bộ phim thu về tới hơn 200 triệu USD và đoạt 3 giải Oscar năm đó, với tượng vàng “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc” và “Nam diễn viên chính xuất sắc” cho Roberto Benigni. Khi lên nhận giải, ông phấn khích nhảy qua hàng ghế khán giả, chạy lên bục háo hức với vẻ mặt của một cậu học trò, làm người ta nhớ tới sự lạc quan của Guido.
Sau cùng, đây là một bộ phim rất hay và sâu lắng, nó không chỉ cho ta thêm tin yêu cuộc sống của mình mà còn gợi cho ta tầm quan trọng của tình cảm gia đình. Bởi cuộc sống vẫn đẹp, đẹp cho đến lúc chết, cả sau khi ta chết, nó vẫn đẹp như thế và như gia đình Guido, dù phải đấu tranh trong địa ngục trần gian, nhưng với họ, cuộc sống vẫn luôn tươi đẹp.