LIỆT KÊ MỘT SỐ PHẢN ĐỀ NHẰM VÀO BÀI VIẾT (*) CỦA MONSTERBOX
(*) CÓ THẬT LÀ “PHONG BA BÃO TÁP KHÔNG BẰNG NGỮ PHÁP TIẾNG VIỆT”? Như tiêu đề đã chỉ ra, bài viết này đơn thuần là một bài phụ...
Như tiêu đề đã chỉ ra, bài viết này đơn thuần là một bài phụ lục bổ sung mang tính phản đề đối với những đặc trưng ngôn ngữ được đề cập trong phần II trong bài đã dẫn. Bên cạnh mục đích tham gia cuộc đối thoại mà MonsterBox đã khởi xướng bằng bài viết ấy, bài liệt kê này thể hiện sự ủng hộ với trích đoạn gởi gắm sau đây, tuy theo một quan điểm ngược lại về vấn đề "phong ba bão táp" đương bàn.
Tạm kết luận, chúng tôi đồng ý rằng việc tự hào với ngôn ngữ mẹ đẻ, hay rộng hơn là văn hóa là vô cùng cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra. Tuy vậy, sự tự hào nên được dựa trên những giá trị cốt lõi đúng đắn và có cơ sở bền vững. (*) (người viết gạch chân)
I. HAI BỊ CHÚ VỀ KHÁI NIỆM
1. NGỮ PHÁP VÀ NGỮ PHÁP HỌC
Cần có một sự phân biệt mang tính định nghĩa giữa "ngữ pháp" và "ngữ pháp học", nhất là khi bài gốc chưa chủ động rạch ròi đối với sự phân biệt đó, tuy đã có mô tả qua trong mấy câu sau:
Thú vị là trong ngót 4000 trang tài liệu tra cứu ấy, thậm chí từ “ngữ pháp” hoặc những từ liên quan không hề xuất hiện một lần nào. Điều này cho thấy ngữ pháp không phải thứ tri thức mà người xưa quan tâm nhiều đến mức được đi vào thành ngữ & tục ngữ. Thật vậy, ngôn ngữ đã có từ rất lâu trước khi ngành ngôn ngữ học được định hình, người bản ngữ học tiếng mẹ đẻ của họ bằng cách bắt chước người khác một cách tự nhiên chứ không cần đến ngôn ngữ học thì mới học được, dù không thể phủ nhận ngôn ngữ học hỗ trợ cho việc học tốt hơn. (*) (người viết gạch chân)
Ở đây, có thể do tính chất đại chúng của bài viết mà có lỗi viết nhịu ở danh ngữ "ngữ pháp"; nó đúng ra phải là "ngữ pháp học". Hai chỗ viết nhịu còn lại (phần gạch chân) cần hiểu như sau: i. không cần đến nội dung kiến thức được mô tả bằng siêu ngôn ngữ, ii. một bản mô tả siêu ngôn ngữ kiểu vậy giúp cho việc học được tốt hơn. Trước khi giải thích, người viết nhấn mạnh tính chất quan trọng của bị chú này, do nó làm thành tiền giả định cho hai điều: "Ra sao gọi là dễ/ khó?" và "Dễ/khó là dễ/khó ở điểm nào?"
//bên lề: chữ "dù" trong đoạn trích hiểu là "tuy", thay vì có ý nghĩa phiếm chỉ "dù có thể hay không".
a. Ngữ pháp của một ngôn ngữ, hiểu theo nghĩa rộng nhất, là toàn bộ những sự ràng buộc đối với cách người bản ngữ nói năng. Tính chất ràng buộc ấy thể hiện ở chỗ nếu nó không được thực hiện thì việc giao tiếp sẽ gặp trở ngại, hoặc thậm chí là không thể diễn ra giao tiếp. Sự ràng buộc ấy có mặt ở việc phát âm (hay. âm pháp, hay. phonotactique, là kiểu cấu trúc âm thanh có thể nghe và nắm bắt được dáng hình của nó trong ngôn ngữ hữu quan), việc giữ cho phát ngôn được trọn vẹn (bằng cách đảm bảo về cú pháp và mạch lạc) và việc giữ cho nội dung phát ngôn ấy chấp nhận được trong tình huống giao tiếp hoặc không gian sinh hoạt hữu quan (từ pháp). Nó là một phạm trù có tính chất tự nhiên; tuy nó là một hiện tượng xã hội thay vì hiện tượng thiên nhiên (trong khi phạm trù "số lượng" lại là một hiện tượng có tính thiên nhiên), nội dung sự tồn tại của nó được quyết định không bởi gì khác ngoài chính nó. Nếu định ngữ "tự nhiên" dễ gây mơ hồ do dễ nhầm thành "thiên nhiên", có thể hình dung ngữ pháp là một hiện tượng có thực và khách quan.
Ngược lại, ngữ pháp học - môn học về ngữ pháp, bao gồm toàn bộ hoạt động tìm hiểu ngữ pháp, cũng như khối tri thức con người thu thập từ hoạt động đó và truyền lại cho đời sau - có tính chất nhân tạo, chủ quan và khối tri thức ấy không hẳn luôn phản ánh cái gì đó có thực.
Người bản ngữ khi học tiếng mẹ đẻ một cách tự nhiên rất khó ý thức được mức độ dễ hay khó, hoặc thậm chí là không hề ý thức được. Chẳng hạn, người Việt vẫn được dạy rằng tiếng Việt có 6 thanh điệu (ngang, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng), nhưng theo nghiên cứu của Phạm Thị Hoà thì tiếng Việt có 8 thanh điệu chứ không phải 6 [2]. Nghiên cứu này được công nhận và trích dẫn bởi Jack Halpern, ông cho rằng hệ thống 8 thanh điệu sẽ dễ dàng với người học hơn [3]. Bất chấp những điều đó, xưa nay người bản ngữ Việt học tiếng mẹ đẻ không hề quan tâm đến, nhưng họ vẫn phát âm rất chuẩn. Bởi vì cách học giữa người bản ngữ và người ngoại quốc rất khác nhau. (*) (người viết gạch chân)
Xoay quanh hoạt động và tri thức ngữ pháp học là dạng thức siêu ngôn ngữ - thứ ngôn ngữ được người ngữ học dùng để bàn về ngôn ngữ, khác biệt với ngôn ngữ sinh hoạt, thường khó hiểu đối với người bình dân. Xét trong một cộng đồng ngôn ngữ, sự ra đời và tồn tại của (những thứ) ngữ pháp học, độc lập với sự thường hằng của ngữ pháp; không có một ánh xạ toàn ánh nào giữa hai vế ấy. Có những cộng đồng cho tới hiện nay vẫn chưa có hoạt động nào tương tự như ngữ pháp học (hay rộng hơn là ngôn ngữ học), nhưng ngôn ngữ của họ vẫn được duy trì trong những trạng thái ngữ pháp nối tiếp nhau. Nếu điều đó - thuộc góc nhìn lịch đại - là khó tưởng tượng với ai vốn quen nhìn nhận ngôn ngữ chỉ bằng ngôn ngữ trong đời mình - thuộc góc nhìn đồng đại, có thể hình dung là xoay quanh cộng đồng ấy vẫn còn tồn tại một thứ ngữ pháp gắn liền với hoạt động ngôn ngữ của họ.
b. Chỉ có thể nói tri thức ngôn ngữ học - hẹp hơn là ngữ pháp học - giúp ích cho việc học ngôn ngữ ("học tiếng") với sự ngầm định rằng trải rộng trên không gian địa lí và thời gian lịch sử của một vùng đất có những đặc tính ngữ pháp thường hằng. Điều đó không đúng lắm trước tình hình hiện nay; khi mà câu nói sau vốn thường xuất hiện trong sinh hoạt không có từ "và" lại (bắt đầu) được nhiều người thêm từ ấy vào mà không thấy trúc trắc gì khi tự mình đọc lên.
Tiếng Việt: Hôm qua tôi đi thủy cung và thấy rất nhiều cá đẹp. (12 âm tiết.) (người viết nhấn mạnh)
So sánh với câu sau:
"Ê mày, hôm qua tao tới nhà nó dắt nó đi chọn áo cưới (?? và) thấy nó đang lướt Facebook tìm cho ra tuesday của ông chồng nó sắp cưới." Không biết liệu có bao nhiêu người tự để ý trong sinh hoạt thường nhật có bao nhiêu lần bản thân hay người khác nói câu ấy lên có từ "và" mà không thấy có cảm giác cầu kì trong cách nói.
Để dễ dàng mổ xẻ hơn, ta tạm chấp nhận có một thứ ngữ pháp nào đó đủ sức bao quát khắp mọi người bản ngữ tiếng Việt trên thế giới hiện nay. Lúc này, có thể nói tới công năng của thứ công cụ mang tên ngữ pháp học. Một mặt, nó giúp người ta học được nhiều hơn bởi kiến thức dạy, học có tính hệ thống và đúc kết; nếu không được học ngữ pháp, một người bản ngữ chỉ còn cách kinh qua tất cả các tình huống nói năng, có thực lẫn viễn tưởng, để mà hấp thụ được khía cạnh của ngữ pháp có và chỉ có hiện ra trong các tình huống ấy mà thôi. Mặt khác, nó có công năng thống nhất và đặt ra tiêu chuẩn cho hoạt động ngôn ngữ, chưa nói đến tiêu chuẩn ấy đem lại những lợi ích và gây ra những cản trở nào.
2. CHUYỆN KHÓ VÀ DỄ
Có hai khả năng: thứ nhất, dễ là khi đã làm được và khó là chưa làm được; thứ hai, khó là mất rất nhiều sức lực để làm và ngược lại là dễ, bất kể ở đây có phải lần đầu tiên làm việc gì đó hay không.
a. Nói ngữ pháp tiếng Việt khó, có nghĩa là người nói cảm thấy mình chưa nắm bắt đủ được những điều cần biết để có thể giao tiếp suôn sẻ. Không có gì khác nếu ta hiểu nhận định ấy theo hướng mỗi lần đặt câu, tạo phát ngôn tiếng Việt đều rất khó. Cả hai cách hiểu ấy đều ứng với sự thật là cách giao tiếp của người ấy vẫn còn bị người bản ngữ thấy có chỗ "không đúng" (tuy có thể không biết làm sao để toát lên cái lỗi ấy). Vấn đề này phụ thuộc vào mức độ tham gia giao tiếp, đồng thời là để luyện tập ngôn ngữ; bởi tính chủ quan cá nhân (khác với chủ quan tập thể) ấy, ta bỏ qua hướng đánh giá khó/dễ này.
Thêm vào đó, nhận xét về độ khó/dễ không thể xuất phát từ những người học theo kiểu "không cần học ngữ pháp, chỉ cần học giao tiếp" đương thịnh hành hiện này; mà nhận xét ấy chỉ có thể đến từ những người dám bỏ sức tham gia các mức thử thách khác nhau từ ngôn ngữ sinh hoạt thường nhật có tính suồng sã, dễ dãi, đến ngôn ngữ hành chính - công vụ có chuẩn mực, sau cùng là ngôn ngữ văn chương với những tầng bậc ý nghĩa sâu rộng.
Liệu kết quả nhận xét có trung thực hay không khi cuộc đánh giá khó/dễ có hai bên, một bên là người Việt học để làm bài kiểm tra IELTS với các nội dung trọng yếu của xã hội, bên kia là người Anh học tiếng Việt chỉ để dùng trong khuôn khổ gia đình?
b. Nói ngữ pháp học tiếng Việt khó, có nghĩa là kiến thức ngữ pháp mà người nói đang tiếp thụ hoặc đang giảng dạy cho người khác không mang lại hiệu quả nắm bắt ngôn ngữ xứng đáng với công sức bỏ ra cho việc học hay dạy. Nếu có một thứ ngữ pháp học đem lại nhiều lời lãi hơn giữa công dạy, học và hiệu quả thu được (giao tiếp thành công; bày được cho người khác giao tiếp thành công) thì thứ ngữ pháp đầu tiên được mô tả là không tinh gọn, không trang nhã bằng thứ pháp còn lại.
Trong thực tế thường có một thứ ngữ pháp học chiếm ưu thế; đối với Việt Nam có thể gọi tên thứ ngữ pháp chính thống ấy là "ngữ pháp chủ - vị". Tính chính thống này sinh ra từ nhiều nguyên do: (i) dòng tri thức kế thừa vốn kiên cố khó phá vỡ, chuyển dời hay quá độ sang trạng thái trang nhã hơn; (ii) công năng của giải pháp ngữ pháp học ấy vẫn tốt, chưa đáng để thay đổi (dựa theo đánh giá của một ban chuyên trách), (iii) giải pháp ấy có thể được bổ sung bằng các chuyên đề ngữ pháp khác dành cho những ai có nhu cầu. Như vậy, độ khó/dễ theo hướng này phụ thuộc vào ngữ pháp học chính thống. Nếu một người ngoại quốc gặp một thứ ngữ pháp học có dáng dấp y hệt ngữ pháp học tiếng mẹ đẻ của họ, thì đối với họ quả là không có gì là khó, thậm chí còn có vẻ đơn giản và dễ dàng hơn nhiều.
2. Ngữ pháp không chia giống3. Ngữ pháp không chia số lượng4. Ngữ pháp tiếng Việt không cần chia động từ5. Có quá nhiều cái “không bắt buộc” trong ngữ pháp tiếng Việt(*) (người viết gạch chân, bôi đậm)Ở đây có ẩn chứa một tư duy như sau: những đặc tính hình thức được nêu ra (phạm trù. giống, số, cách, tương hợp vị từ hữu tận hay "chia động từ", thì, tương hợp giữa danh từ và tính từ, mạo từ) phải được lấy làm khởi điểm để so sánh. Hình thức, nghĩa là nó hiện lên trên dáng dấp của âm thanh trong lời nói hay của chữ viết trong câu văn, ngược lại với những đặc tính tầng sâu thuộc về phần ngữ nghĩa (nghĩa hẹp). Tư duy này sẽ tiêu cực khi ta quên mất khởi điểm so sánh ấy mang tính tương đối, và đôi khi nó là thứ thừa thãi đối với những ngôn ngữ không có hình thức phản ánh những phạm trù ấy.
Ngược lại, nếu người ấy gặp một thứ ngữ pháp học quá xa lạ, dám chắc là họ cần phải trả qua rất nhiều cơn vã mồ hôi hột luyện tập ngữ pháp mới an tâm đi đọc tài liệu của thứ ngoại ngữ nọ, rồi phải nhiều cơn như vậy nữa mới an tâm đặt bút xuống viết ra những dòng văn có trách nhiệm trước những ai sẽ đọc và lĩnh hội kiến thức từ đó.
Như vậy, hướng đánh giá khó/dễ này sẽ khả thi nếu ta viện đến những điểm vừa đặc trưng, vừa lạ lẫm trong ngữ pháp tiếng Việt - bất kể có được ngữ pháp học chính thống mô tả hoặc công nhận hay không - để xem thái độ đánh giá của người học, nhất là khi bài gốc đã gợi ý một lựa chọn đúng đắn là chọn người ngoại quốc học tiếng Việt làm nghiệm viên. Cách viện ra những đặc trưng lạ lẫm là cách để đánh giá chân thành và trung thực, mà trang NativLang đã thực hiện với hai băng hình sau:
Features English is missing - but most other languages have
(những nét đặc trưng thiếu vắng trong tiếng Anh nhưng lại có ở hầu hết các ngôn ngữ khác)
(những nét đặc trưng thiếu vắng trong tiếng Anh nhưng lại có ở hầu hết các ngôn ngữ khác)
What English does - but most languages can't
(những điều tiếng Anh làm được mà hầu như lại không có ngôn ngữ nào làm được)
(những điều tiếng Anh làm được mà hầu như lại không có ngôn ngữ nào làm được)
II. DANH SÁCH PHẢN ĐỀ
Với nội dung bị chú đã nêu ở phần trước nhằm phân biệt giữa "ngữ pháp" và "ngữ pháp học", cũng như nêu ra những hướng đánh giá khó/dễ dựa trên hai phạm trù ấy, sau đây người viết sẽ trình bày những phản đề dưới một tâm thế "sang chảnh", "sĩ diện" và "cao ngạo" cốt để bù vào thực tế tiếng Việt chưa có một biểu tượng nào làm thành chỗ dựa như vậy, trong khi ở các nước Anh, Pháp, Đức có các thiết chế British Council, L'Académie française, Das Goethe-Institut thực hiện một phần chức trách ấy. Có như vậy, những phản đề sau đây mới toát lên được sự quý nể mà người viết muốn dành cho thứ tiếng Việt đỉnh cao luôn thấp thoáng hiện ra trong văn chương lẫn tiếng nói binh dân sinh hoạt (đúng, kể cả phương diện này); theo một cách fair-play trước các ngôn ngữ lớn của châu Âu, mà không theo lối nói sáo rỗng. Đồng thời là sự khiêm nhường trước việc có những phạm trù không phải chỉ trong tiếng Việt mới khó, mà còn khó cả trong các ngôn ngữ "bên kia võ đài". Ở đây, người viết viện một hình dung về ngữ pháp và thứ ngữ pháp học mà bản thân đang theo đuổi; nó sẽ khác biệt với bài gốc ở chuyện cái nào thì bị ràng buộc, cái nào thì không. Tuy vậy, mục đích sau cùng vẫn là chứng minh người ta thực sự có thể nói đến tính "phong ba bão táp" trong ngữ pháp học tiếng Việt.
* Phản đề nhằm vào nội dung "từ ghép" trong phần a1.1 và a1.2:
Mặc dù thống kê dựa trên từ đơn, nhưng do đặc điểm của tiếng Việt là từ ghép (tập con của từ phức) được ghép từ nhiều từ đơn có quan hệ với nhau về mặt nghĩa, nên nhìn chung việc học từ vẫn nhẹ nhàng vì tính chất từ ngắn. Ví dụ, “xe đạp” là từ ghép, nhưng người học chỉ cần học hai từ đơn “xe” & “đạp” là có thể nhớ được từ ghép “xe đạp”, thay vì phải nhớ cả từ có 5 kí tự. [...]Chính vì tính chất của từ ghép nên việc nhớ các từ càng thêm dễ vì việc ghép rất logic và hệ thống. “Xe máy, xe hơi, xe đạp, xe kéo” sẽ dễ nhớ hơn so với “motorcycle, car, cycle, cart”. Điều đó càng dễ hơn trong việc giúp người học đoán nghĩa của từ. (*) (người viết gạch chân)
Việc nhận ra nghĩa của "từ ghép" (danh/vị ngữ) sẽ không dễ dàng như vậy trước những ngữ mà mối quan hệ ý nghĩa giữa phần trung tâm và phần định/bổ ngữ của nó mang tính thành ngữ (tức A + B không bằng AB) hoặc khá lắt léo (tức không trùng với logic của thiên nhiên ta thường gặp trong các môn toán, lí, hóa). Người ta không thể chỉ biết mỗi hai từ "hoa" và "hồng" mà nhận ra được sự vật thực tế được gán tên "hoa hồng" (hay. sở thị của danh ngữ "hoa hồng"), bởi trong thực tế có rất nhiều loại hoa có màu hồng, khác với chỉ có "xe đạp" mới có đặc trưng hoạt động bằng "đạp", do đó mà giúp nhanh chóng nhận diện sở thị. Minh họa cho trường hợp này còn có "bình thủy" (so với "bình nước"), "mặt trời" (so với "bề mặt bầu trời"), "bàn chân" (so với "bàn phím"), "đêm trường" (khác "đêm dài" ở sắc thái văn chương, không thể dùng số đơn "một đêm trường" trừ khi "đêm" hoán dụ, chẳng hạn, một giai đoạn lịch sử), "bể dâu" (so với "bể khơi"). Đối với trường hợp mà định ngữ/bổ ngữ liên hệ một cách lắt léo với trung tâm danh/vị ngữ, có thể kể ra "trắng bóc" (trắng như trứng đã bóc vỏ - quan hệ giữa hành động và kết quả; so với "trứng bóc" - quan hệ hành động và đối thể của nó), "xanh than" (nói tắt của "xanh giấy than"), "áo vạt bầu" ("bầu" là hình bán nguyệt, thay vì dáng thùng thình như "áo bà bầu").
Như vậy, nếu một người Việt phải bỏ sức ra học những phần từ vựng tiếng Anh/ Pháp nào không phân tích, chắp ghép cho lắm như trong tiếng Việt (mà đôi khi có người thấy như vậy thì "không tiện bằng"), thì ngược lại người Anh/ Pháp cũng phải bỏ sức ra học thuộc lấy những mối liên hệ lắm lúc bất ngờ giữa định/bổ ngữ với phần trung tâm của một danh/vị ngữ (thường nói một "từ").
=> Huề nhau.
* Phản đề nhằm vào nội dung "mở rộng câu" trong phần a1.3:
Tiếng Việt: Hôm qua tôi đi thủy cung và thấy rất nhiều cá đẹp. (12 âm tiết.)
Tất nhiên chúng ta có thể cố ý thêm âm tiết vào câu tiếng Việt như là “ngày hôm qua”, “con cá xinh đẹp”, tuy nhiên cái cốt lõi là phiên bản ngắn gọn ấy hoàn toàn là một câu tiếng Việt hợp lệ và tự nhiên, việc làm cho nó dài thêm là tuỳ chọn chứ không phải bắt buộc. (*) (người viết gạch chân)
Hình như tác giả bài gốc không nhận ra danh ngữ "con cá xinh đẹp" không hợp với câu ấy (có thể thử sau khi bỏ bớt từ "và"), mà ngược lại khi chen thêm âm tiết người nói phải biết cách thay đổi lại ít nhiều trong câu (thêm từ "có") bởi tính chất hạn định của danh từ khối "con" yêu cầu có sự dẫn nhập, giới thiệu (sẽ nhắc lại ở phản đề về mạo từ). Như vậy, dù có ý thức hay không, người nói vẫn cần phải học - đúng hơn là tìm cách cảm giác lấy - cảm thức trọn vẹn, gãy gọn của một câu. Ở đây không phải không có sự "bắt buộc" (ràng buộc) nào, tuy không phải trong đôi câu mà nêu nó ra cho tường tận được.
"Hôm qua tôi đi thủy cung, thấy có rất nhiều con cá xinh đẹp."
So sánh với những câu sau:
"Hôm qua tôi ghé trang trại của bà ấy, thấy rất nhiều bò con."
"Hôm qua tôi ghé trang trại của bà ấy, thấy có rất nhiều con bò con."
?? Hôm qua tôi ghé trang trại của bà ấy, thấy rất nhiều con bò con.
"Hôm qua tôi ghé trang trại của bà ấy, thấy có rất nhiều con bò con."
?? Hôm qua tôi ghé trang trại của bà ấy, thấy rất nhiều con bò con.
=> Không hẳn đã dễ.
* Phản đề nhằm vào nội dung "giống" và "mạo từ" trong phần a2:
2. Ngữ pháp không chia giống
Giới tính của danh từ hoàn toàn bất quy tắc và chỉ có cách là nhớ từng từ trong tổng số hàng ngàn danh từ. [...]
2.2. Việc danh từ có chia giống kéo theo việc biến đổi cả mạo từ và tính từ bổ nghĩa cho danh từ đó. [...]
2.3. Ngữ pháp Tiếng Việt hoàn toàn không chia giống. Mà thậm chí tiếng Việt còn không có cả mạo từ. Người học tiếng Việt không phải ghi nhớ một lượng khổng lồ các quy tắc và bất quy tắc. (*) (người viết gạch chân)
Nhân đã có cơ hội đọc sách, người viết biết chỉ cần dành công sức và thời gian quan sát trong ngôn ngữ sinh hoạt thường ngày thì ai cũng dễ dàng phát hiện ra rằng trong tiếng Việt, tuy đúng là không có phạm trù về giống nói chi đến sự tương hợp giống trong toàn danh ngữ, vẫn có một khối lượng quy tắc khổng lồ. Đương nhiên, khi nói đến quy tắc là nói đến người không có sẵn một trực giác để lựa chọn tự ngữ, không thể nhầm lẫn sang những người đã xây dựng được trực giác ấy sau quá trình sơ tập với quy tắc. "Bù đắp" cho việc không cần học mạo từ, tiếng Việt trao cho người học cơ hội luyện tập một nội dung ngữ pháp tương ứng với nội dung mạo từ (hay. quán từ) của tiếng Anh/ Pháp: danh từ đơn vị (hay. danh từ khung) - mà bài gốc gọi là "loại từ" (từ chỉ loại, phân loại, classifier).
Ví dụ câu “Tôi có nuôi chó” có thể tham chiếu đến cả số ít và số nhiều của danh từ chó, nhà nuôi nhiều chó mà chỉ nói là “nuôi chó” cũng không sai, trong khi với tiếng Pháp người dùng bắt buộc phải lựa chọn hoặc số nhiều hoặc số ít “J'ai le chien”, “J'ai un chien” hoặc “J'ai les chiens”. (*) (người viết gạch chân)
Theo hiểu biết tiếng Pháp cá nhân, người viết cho rằng "J'ai le chien" hay "J'ai les chiens" không ứng với câu "Tôi (có) nuôi chó", mà ứng với hai câu sau:
"(Mấy) con chó ấy, tôi có nuôi"
hoặc "Tôi có nuôi (mấy) con chó ấy".
hoặc "Tôi có nuôi (mấy) con chó ấy".
bởi mạo từ hạn định "le" và "les" có thái độ đòi hỏi danh ngữ mà nó đi kèm phải có tính chất đơn lập (giống chó nâu, Mặt Trời, Trái Đất), xác định (đã được nhắc đến trong cuộc giao tiếp hoặc trong hiểu biết của đôi bên) hoặc phạm trù hóa (cái Tôi, cái Đẹp, cái Bi). Tuy có thái độ ngữ pháp không hoàn toàn trùng với các mạo từ, danh từ khung vẫn cần được đặt vào một chương lớn của ngữ pháp học tiếng Việt để tránh những câu không rõ sở chỉ (thường được tả chung chung là "tối nghĩa"). Thậm chí, danh từ khung còn quan trọng hơn hẳn danh từ khối ("chó") ở chỗ nó không thể tỉnh lược. Cuộc đối thoại sau đây minh họa cho hai điều trên:
- (Mấy) con chó mà hôm bữa bác Hoa gởi cho anh, anh thấy tính nó ra sao?
??? Chó hiền.
- (Mấy) con (chó) ấy hiền.
??? Chó hiền.
- (Mấy) con (chó) ấy hiền.
Ở đây còn thấy một điều chưa được nói rõ. Đúng là nuôi một con hay nhiều con cũng nói là "nuôi chó", nhưng chỉ trong ngôn cảnh số lượng không phải chuyện đáng bàn. Điều này có thể kiểm nghiệm bằng cách xóa mất từ "mấy" ở câu đáp, sẽ khiến người nghe thắc mắc "những con còn lại thì sao?".
Thêm vào những điều trên, nói một cách bi đát, trong khi người Việt phải học thuộc cách dùng một nhóm hữu hạn các mạo từ hoặc những danh từ khung hiếm hoi (a bolt of lightning, a head of cattle), người Anh/Pháp phải học một loạt dài ngoẵng nhiều danh từ khung khác nhau về ý nghĩa, từ rõ rệt (so sánh "cái" với "con") đến hết sức tinh tế (so sánh "sự", "việc", "tính", "điều", "chuyện"). Trong nhóm tinh tế ấy có những danh từ khung vốn là danh từ gọi tên các vai quan hệ họ hàng, tham gia giữ chức năng xưng - hô (các "đại từ" nhân xưng không chính danh).
=> Huề nhau.
* Phản đề nhằm vào nội dung "không chia số lượng" trong phần a2:
3. Ngữ pháp không chia số lượng [...]
3.2. Việc danh từ có chia số lượng tiếp tục kéo theo việc biến đổi mạo từ và tính từ bổ nghĩa. Ví dụ tiếng Pháp “le petit prince” (hoàng tử bé) nếu chuyển sang số nhiều thì phải chuyển cả 3 từ: mạo từ, tính từ, danh từ, để cuối cùng sẽ trở thành “les petits princes” và chỉ như vậy mới đúng. [...]
3.4. Ngữ pháp Tiếng Việt hoàn toàn không chia số lượng. Tiếng Việt có hệ thống các loại từ (không được nhầm với từ loại) để chỉ số nhiều “những, các, v.v.” nhưng về cơ bản thì danh từ vẫn giữ nguyên. Điều này, lại một lần nữa, khiến người học không phải nhớ một lượng khổng lồ các quy tắc. (*) (người viết gạch chân)
Lời nhận xét đường đột ấy (phần bôi đậm) chỉ có thể được giải thích bởi sự bất phân giữa cái gì là hình thức, cái gì là nội dung; nói theo ngôn ngữ học là sự phân biệt giữa năng biểu và sở biểu. Nếu không, câu nói ấy hoàn toàn là việc cố tình viết nhịu; như thể người bản ngữ tiếng Việt không quan tâm dùng tiếng nói của mình thể hiện nhu cầu cân đo đong đếm vậy. Khó hiểu hơn là sau từ "hoàn toàn" ấy, bài viết lại công nhận sự tồn tại của các từ ngữ chuyên chỉ (ý nghĩa?) số nhiều. Sự mâu thuẫn này, tới lượt nó, chỉ có thể giải thích bởi sự bất phân giữa cái gì là hình thái học và cái gì là ngữ nghĩa học (nghĩa hẹp). Sau đây là đoạn bị chú ngắn về hình thái học.
Hình thái là một phương tiện có thấy trong tiếng Anh/ Pháp và không có ở tiếng Việt; nó thuộc về cú pháp. Cú pháp là một phần của ngữ pháp, thể hiện sự ràng buộc trong cách lắp ghép từ ngữ thành một câu. Mối quan hệ cú pháp là mối quan hệ giữa các hình thức (âm thanh) hiện ra trong câu. Trong khi cú pháp tiếng Việt thể hiện qua trật tự và hư từ, cú pháp của tiếng Anh/ Pháp (ngôn ngữ hòa kết) hay tiếng Nhật/ Hàn (ngôn ngữ biến hình) còn được thể hiện bởi hình thái học. Ví von mà nói, thay vì được nhận ra nhờ trật tự từ ngữ "Tôi yêu crush" và "Crush ghét tôi", ý nghĩa ấy được nhận ra nhờ hình thái. Hình thái giống như những cái nametag, nếu "tôi" có nametag "đối thể" thì cái việc ghét là họ ghét tôi, chứ không phải tôi ghét ai (sự khác biệt về nơi phát ra cảm giác và nguồn kích thích phát sinh), bất kể vị trí giữa tôi và người nào đó.
Đúng là trong câu tiếng Việt không thứ nametag điển hình như vậy; tuy nhiên, chính điều này nói lên tính thừa thãi của hình thái học ở đây - nó không đáng bận tâm đến thế. Người học tiếng Việt cũng vậy. Cho nên, nếu vẫn đề cập đến một phương diện không đáng đề cập như vậy, sẽ tạo ra một cảm giác "dễ" không thực tế cho lắm ở người học. Nghĩa là tuy họ thực thấy có chút nhẹ nhõm, nó không đồng nghĩa với việc không có những khó khăn ít nhiều tương đương.
Phạm trù ý nghĩa - thay vì hình thức - về số lượng vẫn quan trọng trong cú pháp - từ pháp tiếng Việt. Những từ như "đều", "hết", "cả", "luôn", "cũng" đều có thái độ đòi hỏi ý nghĩa số nhiều trong câu; thậm chí là đòi hỏi một vị trí xác định.
Cái áo này tôi thích, mà cái áo kia tôi cũng thích.
- Anh có quen bạn này không?
? Bạn này anh cũng có quen.
- Bạn này anh có quen.
? Bạn này anh cũng có quen.
- Bạn này anh có quen.
Áo denim với áo đũi, cái nào cháu nó cũng thích hết.
Áo denim với áo đũi, cháu nó đều thích hết.
??? Cháu nó thích hết áo denim với áo đũi.
Áo denim với áo đũi, cháu nó đều thích hết.
??? Cháu nó thích hết áo denim với áo đũi.
Có một sự khó khăn tương đương với việc học hình thái về số, đó là việc tuyển lựa danh từ khung tùy theo số (ít hay nhiều) và lượng (chiếm một vùng không - thời gian rộng bao nhiêu). Không chú ý tới số lượng thì không phải dễ gì mà biết nên chọn danh ngữ nào trong "nhóm người", "bầy người", "đoàn người", "toán người", "dòng người".
=> Huề nhau.
* Phản đề nhằm vào nội dung "thì" và "ngữ pháp cách thể" trong phần a4.2-4.4:
4.2. [...] Các thì ở tiếng Việt được biểu đạt bằng các từ chỉ định thì đứng trước động từ, như “đã, đang, sắp, sẽ, v.v.”. Thay vì phải tốn hàng năm để làm chủ các thì và đặt câu cho đúng như đa phần ngôn ngữ trên thế giới, người học tiếng Việt chỉ cần vài ngày để thuộc các từ chỉ định thì. (*) (người viết gạch chân)
Và sau mấy ngày đó, ta chưa dám vắt tay vuốt giọt mồ hôi đang lăn trên trán bởi không biết liệu họ có viết ra những câu kiểu như vầy hay không.
“Chỉ tháng trước, những cây đã xanh, mà nay chúng đang vàng.”
thay vì “Mới tháng trước, cây cối đang xanh, mà nay đã vàng rực.”
(Cao Xuân Hạo)
thay vì “Mới tháng trước, cây cối đang xanh, mà nay đã vàng rực.”
(Cao Xuân Hạo)
Nhận định trên nhầm lẫn ở chỗ: Trong "hàng năm" đã tốn để "làm chủ các thì", người ta không chỉ đơn giản là học cách hạn định vị từ, cách lựa chọn vị từ bổ trợ và các phân từ tương ứng với từng thì, mà người ta đa số mất thời gian học cách làm sao để nhận ra cái ý nghĩa về thời gian trong một ngữ cảnh nhất định, từ đó mới biết câu ấy đòi hỏi dùng thì nào. Việc ấy hiện ra trong khi học tiếng Việt lẫn học tiếng Anh/ Pháp; chỉ khác ở chỗ tiếng Anh/Pháp cần ý nghĩa đó để xác định hình thái học, còn tiếng Việt thì đi xác định những biện pháp nào về từ pháp - cú pháp để tạo thành những ý nghĩa về thể (meaning of aspects) mang sở chỉ trùng với thứ thời gian/ thời điểm được nhắc đến. Rõ ràng là việc học tiếng Việt không có vẻ gì là "chỉ cần vài ngày" như được ám chỉ trong đoạn trích.
4.3. Để tăng thêm phần dễ, thậm chí tiếng Việt không đòi hỏi cả từ chỉ định thì nếu như ngữ cảnh đã rõ ràng. Ví dụ, “Hôm qua, tôi lên Hà Nội” là một câu đúng ngữ pháp mà vẫn biểu đạt thì quá khứ nhờ trạng ngữ chỉ thời gian. “Hôm qua, tôi lên Hà Nội. Sau đó, tôi bay vào Đà Nẵng”, câu thứ hai có trạng ngữ “sau đó” mập mờ nhưng vẫn biểu đạt tốt thì quá khứ nhờ văn cảnh. Người đọc vẫn hiểu tốt và câu nói ấy vẫn đúng ngữ pháp. (*) (người viết gạch chân)
Ở đây có ba sự ngộ nhận - trên nội dung hiển ngôn hoặc trong tiền giả định: (1) tiếng Việt có phạm trù ngữ pháp thì, (2) việc đòi hỏi cần có từ chỉ định hình như là cái gì đó bình thường phải có, nếu không có sẽ có vẻ bất thường, đơn giản, (3) hình như phạm trù ngữ pháp là cái gì đó bình thường phải có, nếu câu văn không có nó sẽ có vẻ mập mờ.
(1) Một lần nữa, cần phân biệt giữa các thứ ý nghĩa về thời gian nằm trong phần sở biểu (hoặc. ý nghĩa, nội dung, ngữ nghĩa) và các hình thức thể hiện trong đó ý nghĩa thời gian được nhúng vào (embedded into). Thời gian là một phạm trù có cả trong tiếng Anh/Pháp và tiếng Việt, được nhìn nhận khác nhau, thể hiện thái độ "nhúng" khác nhau. Tiếng Việt có thể chọn bất kì thời điểm nào làm vật mốc để xét hai thứ tương lai và quá khứ tương đối; trong khi hệ quy chiếu hiện tại, tương lai và quá khứ của tiếng Anh/ Pháp có ái lực mạnh mẽ với dòng thời gian hiện thực của người nói, ít khi sai khác. Câu tiếng Việt không nhất thiết phải chỉ ra thời gian của sự việc bởi vì nó không chịu sự ràng buộc ấy - không có phạm trù hình thức ấy trong ngữ pháp tiếng Việt; chứ đó không phải là một sự đơn giản hóa từ một mẫu hình nào có sẵn. Ngược lại, câu văn tiếng Anh/ Pháp luôn phải thể hiện ý nghĩa thời gian trong câu bằng cách gắn chặt nó với vị từ; có không muốn cũng không được. Cái mà ta hay gọi là "thì quá khứ", người viết cho rằng nên gọi là "tense quá khứ" để tiện phân biệt giữa "tense" (một thứ hình thức) với "thì" (một thứ ý nghĩa).
(2), (3) Hai ngộ nhận này là từ nhận định (1) mà ra. Như đã nói, tiếng Việt làm viêc với thời gian bằng ý nghĩa thể. Ví von mà nói, tuy trong tay không có đồng hồ, ta vẫn biết một thứ đã xong thì đi trước một thứ đang làm, một thứ không hiện ra thì có thời điểm ở sau thứ hiện ra trước mắt (nếu quả thực nó phải có), hoặc ở trước nếu có để lại dấu hiệu cho ta biết. Đó mới là ý nghĩa thực sự của các từ "sẽ", "đang", "đã". Chỉ có một trường hợp hiện lên rõ ý nghĩa về thời gian trùng với thời gian thực tế, là trong cách kết hợp "đã, đang và sẽ". Một thứ "đã" (xong xuôi, hoàn tất) thì phải trước thứ "đang" (chưa xong), và thứ "sẽ" (không hiện thực) thì phải sau thứ "đang", và trong khi "đang" chính là hiện tại thì đương nhiên "đã" là quá khứ và "sẽ" là tương lai.
4.4. Ngoài ra, tiếng Việt không tồn tại phạm trù ngữ pháp cách thể (grammatical case). Các từ không thay đổi tùy theo việc chúng là chủ ngữ (danh cách), tân ngữ trực tiếp (đối cách), tân ngữ gián tiếp (tặng cách), hoặc là chủ sở hữu (sở hữu cách). Chức năng của từ được xác định tuỳ vào văn cảnh. “Tôi viết thư” và “Lá thư được viết bởi tôi”, hai từ “tôi” này có chức năng ngữ pháp khác nhau nhưng về mặt ngữ âm và chữ viết, chúng không thay đổi. (*) (người viết gạch chân)
Tới đây, ta vẫn thấy một thái độ luyến lưu đối với hình thái học - một thứ không biết vì lí do gì phải bàn đến trong tiếng Việt nếu không phải là vì chính sự luyến lưu ấy ngầm định rằng có hình thái học ở mọi ngôn ngữ.
Khi nói chức năng của từ được xác định tùy vào văn cảnh, người nói quên rằng người học tiếng còn cần phải tham gia tạo ra văn cảnh bằng phát ngôn của chính mình nữa. Ngay cả việc làm sao dựa vào văn cảnh xác định được chức năng của từng ngữ đoạn (của "từ") cũng đã là một thử thách đối với người Anh/ Pháp vốn quen xác định nhờ hình thái; hình như người nói vẫn thấy thử thách này chẳng đáng là bao so với cái tiện lợi được giảm bớt hình thái học (vốn dĩ không có thì làm sao mà giảm bớt?) - tức tính chất "không thay đổi".
Tiếng Việt có tồn tại phạm trù ngữ pháp cách (case) và thể (aspect). Sự ngộ nhận được gạch chân có lí do bởi người nói nghĩ rằng phạm trù (hay. ý nghĩa) ấy chỉ có thể thể hiện bằng hình thái học, trong khi tiếng Việt thể hiện phạm trù này qua từ pháp (những ràng buộc về từ ngữ được vận dụng) hoặc bằng trật tự. Cách đây cả trăm năm, Trương Vĩnh Kí đã nhận ra ý nghĩa cách (chứ không phải hình thức) của tiếng Việt. Câu văn "chỉ tháng trước" nêu trên là một minh họa về từ pháp đối với thể. Còn sau đây là minh họa cho từ pháp về cách:
"Trong nhà tôi có cất năm thỏi vàng. Anh mau lấy ra, đập bằng búa cho bể mà giấu ngay đi."
?Trong nhà tôi có cất năm thỏi vàng. Anh mau lấy ra, đập búa cho bể mà giấu ngay đi.
(khi "búa" ở bên cạnh "đập" hầu như chỉ có thể hiểu "búa" mang ý nghĩa cách là "đối thể nhận tác động", trong khi ngôn cảnh cần "búa" mang ý nghĩa cách "công cụ").
(khi "búa" ở bên cạnh "đập" hầu như chỉ có thể hiểu "búa" mang ý nghĩa cách là "đối thể nhận tác động", trong khi ngôn cảnh cần "búa" mang ý nghĩa cách "công cụ").
?Nhà tôi có cất năm thỏi vàng. Anh mau lấy ra, đập bằng búa cho bể mà giấu ngay đi. (sự tình "có" đòi hỏi một ý nghĩa cách "không gian", trong khi "nhà tôi" ở bên cạnh "có" thường có ý nghĩa cách "đối tượng mang tính chất").
=> Huề nhau.
* Phản đề nhằm vào nội dung "số lượng âm tiết" trong phần b2.1:
2.1. Mặc dù tỉ lệ âm tiết trên một mật độ thông tin nhất định của tiếng Việt ít hơn nhiều lần so với một số ngôn ngữ, như đã trình bày ở phần a, nhưng số lượng âm tiết trong tiếng Việt thì lại nhiều gấp nhiều lần các ngôn ngữ khác. Theo nghiên cứu của Jack Halpern thì “tiếng Việt là một ngôn ngữ giàu và phức tạp về mặt âm vị: 11 nguyên âm, 19 (hay 20) phụ âm đầu, 8 âm cuối và 8 thanh điệu kết hợp lại với nhau để tạo ra gần 7000 âm tiết, so với khoảng 1200 âm tiết trong tiếng Trung và vỏn vẹn 108 âm tiết trong tiếng Nhật.” [9] Nhiều hơn đồng nghĩa với khó nhớ hơn, và khó phân biệt hơn khi có nhiều âm tiết khá giống nhau. (*) (người viết gạch chân)
Tạm thời bỏ qua những thuật ngữ ngôn ngữ học được dùng một cách không phản ánh đúng đắn lắm ngôn ngữ tiếng Việt như "âm vị", "nguyên âm", "phụ âm".
Tương đương với độ phức tạp về cấu trúc của tiếng ("âm tiết") của tiếng Việt, là khả năng kết hợp mà về nguyên lí là vô hạn giữa các âm vị tiếng Anh/ Pháp. Trước khi có khả năng phát âm nhuần nhuyễn tiếng Anh/ Pháp, hẳn không ít lần một người bản ngữ tiếng Việt bị tréo lưỡi trước các chùm âm (clusters) lạ lẫm như: (Anh) strange, lisps, upbringing, harvestful; (Pháp) progression, vouloir, acceuillir. Kèm theo đó là cả tá những đặc trưng nhược âm, luyến âm, nối âm, trọng âm tuy có thể không được tài liệu ngữ pháp học nhắc đến (do mô tả không xuể), nhưng vẫn cần rèn luyện bởi tính quan trọng trong giao tiếp.
=> Tương đối là huề nhau.
Một thắc mắc nho nhỏ đối với phần kết luận c:
Để khách quan, chúng ta xem cả ý kiến của một số người ngoại quốc về vấn đề này.
“Tóm lại, mặc dù việc học tiếng Việt có những trở ngại, đặc biệt là về phần phát âm và phân biệt các thanh điệu và nhiều âm khó, ta có thể nói rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ khá dễ học: từ ngắn, chính tả ổn định, không giới tính, không số nhiều, không chia động từ, không cách thể, không mạo từ, vân vân và vân vân.” [12] Trích lời Jack Halpern, nhà từ điển học biết 15 ngôn ngữ, nói trôi chảy 10 ngôn ngữ.
“Đa phần người nước ngoài ở Việt Nam (gồm cả tôi, trong một năm) đều không nhận ra phát âm là điểm khó duy nhất của tiếng Việt. Mọi khía cạnh khác của ngôn ngữ này đều hết sức dễ học – dễ hơn bạn nghĩ nhiều, đặc biệt nếu so sánh với phần lớn ngôn ngữ châu Âu.” [13] Trích lời George Julian, người viết nội dung, biết 6 ngôn ngữ. (*) (người viết gạch chân)
(1) Giả sử ông Jack Halpern có nói trôi chảy được tiếng Việt, liệu ở đây "trôi chảy" chỉ có nghĩa là ông giao tiếp thành công, không ai thấy khó hiểu hay là còn gì khác nữa? Nếu chỉ là giao tiếp thành công, ta thấy cảm giác "dễ" ở đây là cảm giác dễ ở mục I.2.a. Nó không điển hình cho nội dung "phong ba bão táp" liên đới tới cộng đồng nói tiếng Việt, tức là xét ở nhiều tình huống ngôn ngữ khác nữa. Liệu ông Jack Halpern có thể đọc hiểu trôi chảy những tác phẩm hiện đại hay trung đại tiếng Việt được không? Và ông có thể "produce" ra những văn bản có mức trau chuốt ngang cỡ đó được hay không? Đáp án đối với hai câu hỏi này quyết định phạm vi ứng dụng của việc nhận định "ta có thể nói rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ khá dễ học".
(2) Liệu trong những tài liệu mà ông George Julian dùng để học, có bao gồm những hiện tượng ngôn ngữ có dáng dấp cực kì xa lạ, dị biệt so với những hiện tượng ngôn ngữ trong tiếng mẹ đẻ của ông hay không? Ông ta nói "dễ học", nghĩa là những điều ông học thì dễ; do đó mà tồn nghi việc ông sẽ thấy dễ hay khó khi đối diện với những câu sau đây. Liệu ông có thể hiểu được tường tận không? Liệu ông có khả năng tạo câu, phát ngôn có sắc thái và cấu trúc như vậy hay không?
"Mấy cái ba nói nãy giờ, chẳng qua ý ba là để coi thử trong đó con sống có gặp bất trắc gì không, có gì khó khăn không, để biết mà yên tâm thôi."
Liệu sau khi có người dịch câu này ra tiếng Anh, nhờ ông dịch ngược lại tiếng Việt, câu văn của ông có thể hiện những đặc tính đề - thuyết, tình thái, tỉnh lược, tuyển chọn hư từ, tuyển lựa danh từ khung - khối như câu trên hay không? Hay là ông sẽ dịch thành một câu như thế này:
"Những điều mà ba nói từ nãy đến giờ đơn thuần có ý rằng ba muốn coi cuộc sống của con trong đó liệu có gặp phải những bất trắc hay khó khăn nào; khi ba biết được rồi, ba sẽ yên tâm; chỉ vậy thôi."
Có thể câu văn đi sau lại quen thuộc, thuận miệng hơn đối với nhiều người nói tiếng Việt hiện nay, trong khi câu văn đi trước có cảm giác địa phương, "văn nói". Tuy nhiên, người viết cho rằng, nếu một người ngoại quốc chỉ có thể tạo lập những câu văn như câu đi sau mà lại được đánh giá là ổn về ngữ pháp tiếng Việt, thì rõ là những kiểu câu gọn gãy, quen thuộc trong cuộc sống sinh hoạt đang phải nhường chỗ cho những kiểu khác mới hơn.
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất