Văn học châu Âu rực rỡ từ  trước thời kỳ Phục Hưng cho tới hiện tại. Ở thế kỷ XXIX, thế giới bất ngờ trước sự xuất hiện vĩ đại của văn học Nga và văn học Mỹ, với những đại diện tiêu biểu như Tolstoi, Walt Whitman… Và rồi, trong nửa sau thế kỷ XX, đó là thời kỳ ghi nhận những nét đậm đà từ văn học Mỹ La-tinh với chủ nghĩa hiện thực huyền bí.  Đó là Marquez, Neruda, Octavio Paz, Luis Borges, …
Đoạn vào bài chẳng liên quan lắm, nói to tát một chút cho vui. Hôm nay, mình mới đọc xong cuốn Lão Già Mê Đọc Truyện Tình của Luis Sepulveda, một tác giả người Chile. Cuốn sách không dày, tình tiết nhanh và mình cảm thấy thích cuốn sách.
Cuốn sách có khá nhiều cách tiếp cận, nhưng hợp với xu thế bây giờ. Chắc nhiều người sẽ tiếp cận theo hướng sinh thái. Nhưng vì mình chẳng biết văn học sinh thái là cái gì, nên mình cứ tiếp cận như thể nó chỉ là một văn bản bình thường thôi (mà đúng là nó chỉ là một văn bản bình thường thật).
14063367_304160296610158_884305583_n


Tác phẩm vẽ ra một khung cảnh Nam Mỹ nguyên chất, từ khi hậu, địa hình cho tới những con người sống ở đó. Những dãy nũi, những rừng già, những loài muông thú và thổ dân …, tất cả được thể hiện một cách sống động và linh hoạt như thể từ ngàn năm vẫn vậy.
Tác phẩm viết về giai đoạn nửa sau thế kỷ XX nên kéo theo cả những hệ lụy, những xâm lấn của nền văn minh hiện đại với rừng già, với tự nhiên. Tự nhiên bị lấn dần, lấn dần khiến sự biến đổi diễn ra liên tục, với tốc độ chóng mặt. Những con người ở đó, tất nhiên, theo một cách không thể khác, cũng bị cuốn theo và thay đổi thật nhiều.
Nhân vật chính trong câu chuyện, “lão già mê đọc truyện tình” đã sống ở những môi trường khác nhau, từ cộng đồng của những con người hiện đại cho tới cộng đồng của những thổ dân. Con người hiện đại thì độc ác, cay nghiệt. Thổ dân là những người khiến lão thấy bình yên và muốn cống hiến cho cộng đồng. Hai cộng đồng đã khiến kẻ ở giữa như lão phải lựa chọn. Lão đã có sự lựa chọn của mình nhưng bi kịch đã xảy ra, nơi lão muốn ở lại không chấp nhận lão là một phần trong nó. Lão lại ra đi, trở lại thế giới cũ của mình, nơi đầy sự độc ác và cay nghiệt.
Cao trào của câu chuyện, dưới góc nhìn của mình, nằm ở phần cuối. Đó là khi lão già chiến đấu với kẻ thù nhưng cách cư xử như thể đó là tình nhân của mình. Cuộc chiến đó, dù bắt buộc và luôn luôn xảy ra, giữa con người với tự nhiên và cán cân chiến thắng ngày càng nghiêng về phía loài người. Tự nhiên ngày càng trở nên cùng quẫn và bi thảm.
Một nét đẹp nữa mà mình cảm nhận được từ câu chuyện, đó chính là những câu chuyện tình trong những cuốn sách được người nha sỹ mang tới cho lão già. Nó là một thứ rất khó để lão già có thể hiểu. Thế giới của lão không đủ năng lực để định danh, định dạng những thứ trong đó. Nhưng những câu chuyện tình là thứ khát vọng mà lão già luôn hướng tới, dù chính lão hay kể cả người đọc có thừa nhận hay không. Chuyện tình là một thứ biểu hiện của đô thị, một cách không rõ ràng. Con người, dù ở thế giới nào, vẫn thường khát khao những giá trị của đô thị, mong muốn có những trải nghiệm của một kẻ thị dân.
Hỡi ôi, chỉ có thị dân mới thấy những thứ ảo tưởng trong đó, thứ giá trị được đánh đổi bằng trăm mối cơ khổ, bằng sự thiếu tự do hay sự mòn mỏi qua ngày bên cạnh những sự mắc kẹt!