Chẳng rõ cơ duyên từ đâu hay bắt đầu từ ai mà mình đã chuyển sang đọc triết phẩm cách đây vài tháng. Nguồn cơn có thể là từ một số thuật ngữ xuất hiện trong các bài viết trên Spiderum mình theo dõi được. Từ đó, mình dần nảy sinh sự tò mò với môn học tưởng như “head-in-the-cloud” này.
Đến với triết phẩm với không một nền tảng cơ bản hay bất kì định nghĩa mơ hồ nào nên mình sẽ chia sẻ chút ít trải nghiệm cá nhân khi lần đầu đọc khó nhằn này nhé.
<i>https://payload.cargocollective.com/1/7/243406/11933594/lettrice_bassa_700.png</i>
https://payload.cargocollective.com/1/7/243406/11933594/lettrice_bassa_700.png
1. Khó định nghĩa và gần như không thể tóm lược
Do từng kinh qua nhiều dòng tiểu thuyết, truyện dài lẫn truyện ngắn các kiểu nên mình hay có thói quen tóm lược nội dung sau khi đọc, và thường việc này cũng khá đơn giản. Vậy nên, việc định nghĩa cả đoạn hay nói chính xác hơn là tóm lược lại ý chính đối với mình gần như trở thành cái bản năng mất rồi. Thế mà, cuốn sách triết học đầu tiên mình đọc lại đúng là “mớ rối nùi” vì cả đống từ ngữ lạ hoắc rồi phong cách hành văn “trên trời” khiến mình chạy hụt hơi cũng chả theo nổi.
Đó là chưa kể vì quá nhiều từ ngữ lạ (có thể là từ ghép) khiến mình đôi lúc phải dừng lại suy ngẫm nhiều lần mới phần nào đoán được định nghĩa của nó. Tuy một chương chỉ có một chủ đề nhưng lại có nhiều luận điểm xung quanh, cách hành văn chuyên sâu theo hướng logic toán học nên thành ra để tóm lược nội dung gần như là không thể. Bởi chẳng có gì có thể lược bỏ được cả.
2. Không phải cứ đọc được chữ là hiểu được
Phải nói thật rằng đến nay chẳng có triết phẩm nào mà mình không đọc đi đọc lại trên 5 lần cả. Lý do rất đơn giản là mình không hiểu. Lần đầu đọc đúng là khủng hoảng vì cảm giác đang ngụp lặn giữa đống kiến thức dập dềnh xung quanh mà chẳng biết bám víu vào đâu.
Đó là lúc mình cần nhất cái nền tảng hay cái nhìn tổng quan chung về quá trình hình thành và phát triển của triết học theo từng giai đoạn. Rất may, đã tìm được (có thể tham khảo cuốn “Thế giới của Sophie” - Jostein Gaarder) Nhờ đó, mình đã có cái nhìn rõ ràng hơn để tiếp tục đọc triết phẩm.
3. Đọc “triết” để làm gì
Nghe có vẻ buồn cười. Bởi ngay khi bắt đầu đọc “triết” mình chẳng có mục đích gì cả hay nói đúng hơn là mình chẳng biết đọc nó có lợi gì cho mình. Chỉ khi đọc và hiểu được vài phần mình mới thực sự thấy “triết” có lợi.
Triết học không đưa ra bất kì lời khuyên cụ thể nào hay hướng dẫn một kỹ năng gì (có thể chỉ là cảm nhận cá nhân qua những cuốn mình đang đọc) nhưng mình cảm thấy các trường suy nghĩ trong đầu được thỏa mãn, bản thân mình có thể tự đưa ra câu trả lời cho các suy ngẫm nội tại bên trong.
Và có lẽ, đó cũng chính là lý do mình muốn tiếp tục kiên nhẫn với triết học nhiều hơn nữa.