(Ảnh: Internet)
Có rất nhiều bạn trẻ hỏi tôi, tại sao tôi cũng học mà sao không giỏi như người ta, tại sao tôi cũng làm mà lại không làm được, tại sao tôi cũng yêu mà chẳng cảm thấy hạnh phúc?
Gần cuối năm 2009, khi giá yên tăng lên quá trời thì bạn tôi quyết định mua vào một số lượng lớn. Sau đó một tháng thì giá yên lại giảm thê thảm khiến bạn tôi vô cùng lo lắng. Cùng lúc đó nhà nước ra hàng loạt chính sách để kìm hãm lạm phát càng làm cho giá yên không ngóc đầu lên được. Nếu quyết định bán lúc này thì điều đó đồng nghĩa với chịu lỗ thê thảm, bạn tôi đã vô cùng hoang mang bèn hỏi ý kiến của tôi. Sau khi tính toán và hỏi anh ta dựa vào cơ sở nào mà quyết định mua yên vào, anh ta nói với tôi rằng đó là do anh ta dự báo tình hình kinh tế cận tết sẽ lạm phát cao. Hồi đó tôi chưa biết mình phán đoán có đúng hay không, song  tôi nói với anh ta như thế này, anh dự báo cận tết sẽ lạm phát cao, trong khi đó còn hơn một tháng nữa mới tới tết mà anh đã cuống lên, phàm muốn làm giàu phải chấp nhận đánh đổi, khi chưa biết kết quả mà rút lui  rất khó lập nên kì tích… Vào cái tuần giáp tết quả yên có lên chóng mặt và điều này giúp anh ta lấy lại rất nhiều niềm tin trong cuộc sống.
Tôi có quen một cậu bạn, hồi mới qua Nhật làm việc cậu ta gặp rất nhiều khó khăn, Nhật khủng hoảng làm cậu ta mất việc. Sau nhiều ngày tháng tìm kiếm việc làm cậu ta xin được một vị trí làm khá tốt, song lại nghe nói có người xin được mức lương cao hơn nên tính nghỉ việc. Cậu ta hỏi tôi nên quyết định như thế nào. Tôi nói nhiều khi quyết định ra đi là tốt, nhưng nhiều khi không hẳn là như vậy. Một khi bạn quyết định bỏ việc gì phải thấy được kết quả việc mình đang làm là tồi, phải biết rõ về việc sẽ làm sắp tới, một khi bạn chưa hiểu rõ cả hai việc ấy thì việc quyết định chạy theo “cái bóng” là một điều khờ khạo. Nhiều bạn trẻ khi bước vào tuổi yêu hiện nay cũng vậy, khi đến với người yêu thì đến một cách vội vàng, cắm đầu vào yêu chẳng tìm hiểu gì cả, khi mới gặp khó khăn trong chuyện tình cảm thì quyết định chia tay để đến với người khác. Hạnh phúc, cơ hội chân chính không có ở khắp mọi nơi. Rất nhiều người thất bại trong cuộc sống vì không học cách làm việc tới tận cùng. Sau một thời gian cậu bạn tôi nghe tin cái anh bạn hưởng mức lương cao bị  mất việc, còn công việc của cậu ta vẫn suôn sẻ mới vỡ ra chân lí sống.
Vào cuối năm 2009 tôi có hướng dẫn cho một sinh viên làm cây kiểng bán. Khi anh ta mang cây kiểng đến chào người ta thì người ta nói là cái này trên thị trường có rồi. Anh ta cảm thấy không yên tâm bèn hỏi tôi. Tôi trả lời rằng đúng là có rồi. Rất nhiều người bán gạo để mưu sinh, song  ai bán gạo chuyên nghiệp nhất sẽ giàu có. Tôi không khuyên cậu ta bỏ ý  định bán cây kiểng, mà khuyên cậu ta làm chuyên nghiệp nhất công việc mình đang làm. Bạn trồng cây giống mọi người, rồi đem ra chợ bán như mọi người sao bạn có thể bán được? Vấn đề ở đây không nằm ở chỗ bạn làm cái gì, mà nằm ở chỗ bạn làm nó như thế nào. Bạn không bán cây kiểng, mà bạn bán ý tưởng thiết kế cây kiểng!
Rất nhiều người thành đạt trong cuộc sống bởi họ biết làm chuyên nghiệp một cái gì đó. Như Mike Tyson võ sĩ quyền anh có cú móc thần sầu, Lí Tiểu Long có cú đá ngang vô địch… Rất nhiều bạn trẻ cứ nghĩ rằng khi kinh doanh phải tạo ra cái gì chưa ai làm, ý nghĩ ấy thì hay nhưng thật khó thực hiện. Một khi bạn muốn tạo ra cái gì đó khác người, bạn phải có năng lực, điều kiện… nhất định. Thử hỏi rằng mấy ai được như vậy? Những gì người ta làm rồi, nay mình cải tiến và làm chuyên nghiệp hơn, thiết nghĩ nhiêu đó thôi cũng đủ sung sướng suốt đời rồi! Cũng có nhiều người hiểu sai ý nghĩa của cải tiến là hủy diệt. Tôi có biết một cậu bạn, cậu ta mở công ty kinh doanh về thiết kế web nhưng cậu ta lại không lấy tiền thiết kế mà chỉ thu phí mỗi tháng 50.000 VNĐ, sau một thời gian làm cậu ta ngập vào nợ nần đến 3 tỉ VNĐ. Không trả được nợ chắc thế nào cậu ta cũng bị kiện ra tòa.
Mọi người thường cảm thấy cái mà mình có trong tay không phải là tốt nhất, một khi có “cái bóng” gì vụt qua, họ đều muốn chụp lấy để tạo nên kì tích, song đều thất bại. Tôi không khuyên bạn cứ làm mãi một cái gì đó, mà tôi khuyên bạn hãy làm trọn vẹn, chuyên nghiệp nhất những gì mình muốn làm. Một khi muốn thay đổi phải xem xét thật kĩ trước khi quyết định.
Đừng quyết định nhiều mà hãy quyết định chính xác!
Người nghèo lập nghiệp không phải là không có cơ hội kiếm tiền, mà khi gặp cơ hội họ không biết dồn hết sức lực để đón nhận trọn vẹn cơ hội đó. Ban đầu bao giờ cũng gặp muôn vàn gian khổ, nếu không biết kiên trì theo đuổi thì cả đời đều vứt bỏ. Chẳng có cái gì tốt đẹp lại dễ dàng.
Trớ trêu thay không phải việc gì chi ra cũng có ngay báo đáp tương ứng. Nhiều quyết định sai phải một thời gian sau mới nhận ra và cảm thấy hối hận.
Tôi có một người bạn, anh ta mở một cửa hàng riêng cho một đứa em. Sáng nào anh ta cũng dậy thật sớm đánh thức người em dậy dọn hàng. Ban đầu người em còn nghe theo, càng về sau người em càng cãi lại, cậu em cho rằng làm chủ tại sao phải khổ như vậy, thích thì làm không thích thì nghỉ cớ sao lại phải sống quá kỉ luật như vậy. Cậu em rất oán ghét người anh vì cho rằng anh mình làm vậy là không đúng, cậu ta không làm chủ nữa mà đi làm thuê. Khi cậu em bước lên vị trí quản lí thì cậu ta mới hiểu làm người quản lí quả không dễ chút nào. Cậu ta phải làm gương cho người khác, phải có rất nhiều phẩm chất hơn người và không bao giờ chấp nhận cấp dưới lười biếng … Cậu ta bèn xin lỗi người anh, nhưng đó là một lời xin lỗi muộn màng.
Phần lớn hoạt động của đời người chỉ là bước đệm, những “khoảnh khắc” có tính chất quyết định thì rất hiếm hoi. Một khi bạn nắm chắc một cơ hội trong tay thì khó khăn mấy cũng không nên rời bỏ, bởi nhiều khi làm xong việc này thôi bạn đã đặt nền móng cho cả cuộc đời. Chính vì vậy, làm trọn vẹn một công việc là con đường ngắn nhất của người thành đạt!
Vấn đề quan trọng không phải quyết định làm gì, mà quyết định không làm gì. Không làm gì để đợi đến cơ hội cần phải làm gì đó, một khi quyết định làm gì đó thì nhất định phải làm trọn vẹn!
Chúng ta phải học cách làm việc đến tận cuối cùng để được hạnh phúc và thịnh vượng!
Bài viết chủ đề liên quan:
---------------------------------------------------------------------------------
Mời các bạn đọc thêm các bài chia sẻ khác của Anastar tại website hỗ trợ khởi nghiệp, học tập và làm việc: http://anastar.vn
Email liên hệ: [email protected] / [email protected] / [email protected]