Thưa các bạn, việc lập nghiệp là việc bất cứ bạn nào khi bước vào đời cũng cần phải tập trung, thời đại bây giờ cả nam lẫn nữ đều phải như vậy. Bạn muốn có tự do và có tiếng nói trong bất cứ môi trường nào, đều phải tự nuôi sống được bản thân mình trước, bằng chính sức lao động của mình.
Hôm nay mình xin chia sẻ 1 nội dung là: Làm thế nào để quản lý hiệu quả và rõ ràng được tài chính cá nhân?
Nói đến tài chính, chúng ta không thể không nhắc đến tiền.
Tiền, đơn giản chỉ là công cụ, dòng tiền thì có tiền ra và tiền vào. Làm thế nào để cứ mỗi đồng tiền sau khi đi vào và đi ra khỏi ví mình, phải để lại 1 thứ gì đó có lợi:
Ví dụ: Đi ăn lẩu với 1 nhóm bạn, bạn chủ động share tiền mỗi người 200.000, nguồn vào của tiền là tiền lương, nguồn ra là 1 bữa ăn. Thứ để lại cho bạn là dinh dưỡng, là sự hưởng thụ, là giao lưu, giải trí, là bài học kinh nghiệm, là sự tôn trọng của những người xung quanh. Bạn không share tiền hoặc tìm cách ăn miễn phí thì bạn phải lấy bớt đi sự tôn trọng của người khác để thanh toán.
Hoặc ví dụ khác: Bạn mời 1 người nào đó đi ăn, hỏi người đó về kinh nghiệm để giải quyết 1 vấn đề gì đó. Tiền vào là tiền lương, tiền ra là tiền 1 bữa ăn. Thứ để lại cho bạn là 1 sự biết ơn, 1 bài học kinh nghiệm.
Việc quản lý tiền hiểu đơn giản là biết chính xác, đến từng đồng, tiền mình chi ra với mục đích gì, đừng bao giờ chi ra những đồng tiền vô nghĩa, tức là không có mục đích rõ ràng, hoặc mục đích chỉ là thể hiện, thỏa mãn cái tôi của mình. Có 1 vài nguyên tắc cần giữ vững trong việc quản lý tài chính:
1 là: Tiêu dùng trách nhiệm:
Tức là bất cứ thứ gì mình tiêu dùng, mình phải có trách nhiệm thanh toán cho khoản đó. Từ ăn uống, chơi bời đến sinh hoạt, tuyệt đối không để người khác thanh toán cho mình. Trong 1 số trường hợp bất khả kháng: ví dụ trong 1 bữa cafe hoặc 1 bữa trưa, 1 người bạn nào đó mời bạn. Những khoản tiền nhỏ cũng không cần quá rõ ràng mà từ chối đòi share tiền, đôi khi rõ ràng từng li lại mất tình cảm, nhưng phải nhớ để lần sau mời lại họ. Đó là trách nhiệm.
Nếu bạn trốn trách nhiệm, vi phạm nguyên tắc này: Cái bạn mất sẽ là sự tôn trọng từ người khác, và sự coi thường sẽ ngay lập tức thế chân vào, tức là hình ảnh của bạn trong mắt người khác dần dần sẽ thay đổi. Điều này làm cho bạn mất đi 1 mối quan hệ,  suy cho cùng chả có lợi gì cho bạn cả.
2 là: Hoạch định chi tiêu hàng tháng:
Nếu bạn đang có 1 hoặc nhiều nguồn thu nhập ổn định, hãy lên kế hoạch chi tiêu từng tháng, và theo dõi mỗi ngày, kiểm soát bản thân mỗi khi chi tiêu quá hạn mức. Hãy ghi ra giấy tất cả các khoản mình chi hàng tháng, hàng ngày và phân nhóm chúng lại để dễ quản lý.
Tiền nong, ghi chép thì mình nghĩ 10 bạn thì cũng 6 7 người thực hiện, 1 số anh chị không được đào tạo và cũng không quan tâm về tài chính kế toán thì đặc biệt nên xem kỹ để điều chỉnh cách ghi chép, quản lý của mình. Mình được biết rất nhiều người ghi chép theo kiểu đầu mục chi như thế này: tiền ăn, tiền quần áo, tiền mỹ phẩm, tiền sinh hoạt, tiền điện, tiền mua vé tập gym, vân vân và mây mây, ghi chép như vậy rất khó để so sánh tháng trước tháng sau, và cũng rất khó để xem lại xem: 3 tháng, 6 tháng, 1 năm qua mình tiến bộ như thế nào? Mình đang sử dụng tiền hiệu quả đến đâu? Giải pháp trong việc này là cần phải phân nhóm chi tiêu ở mức đơn giản nhất có thể, có như vậy chúng ta mới có thể hệ thống 1 cách rõ ràng và có sự so sánh từng tháng để căn chỉnh lại hành vi, tạo thói quen mới liên tục để phát triển kỹ năng quản lý tài chính ngày một hoàn thiện.
Ngày trước, khi mình ra trường Đại học, đi làm có lương là cứ tiêu bạt mạng, kiểu cứ có tiền là tiêu, hết thì lại nhịn, hoặc vay đâu đó chứ chả bao giờ quan tâm gì đến việc quản lý tài chính đâu, mặc dù ngày đó mình đang làm công việc tài chính kế toán của 1 Công ty. Mình sẵn sàng chi 1 nửa tháng lương chỉ để tán gái, hoặc chi 1 nửa tháng lương để bù khú với bạn bè mà không nghĩ ngợi gì, sau này mình thấy cứ thế này không ổn nên đã tìm hiểu về cách quản lý tài chính cá nhân và mình đã tìm đến phương pháp này, tôi vẫn đang áp dụng đến bây giờ và mọi thứ đã thành thói quen.
Phương pháp mình đề xuất là thực hiện theo 6 chiếc lọ tài chính của Robert Kiyosakiyosa - Đây hiểu đơn giản chỉ là lập ra các hạn mức cho các khoản chi hàng tháng của bạn vào 6 mục bao gồm: 55% vào nhu cầu thiết yếu, 10% vào đầu tư, 10% vào tiết kiệm, 5% vào cho đi, 10% vào giáo dục và 10% vào hưởng thụ. Tỷ lệ này có thể thay đổi nhỏ tùy theo điều kiện và hoàn cảnh sống của mỗi người. Nhờ dùng phương pháp này, bạn sẽ không phải ghi chép các khoản chi ra hàng chục mục nữa mà chỉ rút gọn còn 6 mục thôi. Từ đó rất dễ để theo dõi.
Phương pháp 6 chiếc lọ tài chính của Robert Kiyosaki
Phương pháp 6 chiếc lọ tài chính của Robert Kiyosaki
1. Nhu cầu thiết yếu có thể hiểu là tất cả các chi phí bạn ko thể sống được nếu thiếu, ví dụ như điện, nước, internet, ăn uống, vệ sinh cá nhân, chăm sóc sức khỏe, vân vân
2. Đầu tư ở đây, hiểu là hoạt động với mục đích sinh lời đồng tiền của mình, bạn hoàn toàn có thể đầu tư từ 50 K qua Finhay, qua gửi tiết kiệm lấy lãi suất, vài trăm K cũng có thể đầu tư chứng khoán, rồi lớn hơn thì kinh doanh, Bất động sản .. vân vân, miễn là cứ mỗi khoảng thời gian bạn theo dõi, thấy nó tăng trưởng là thành công rồi.
3. Tiết kiệm là hoạt động cất tiền và quên chúng đi, lựa chọn tốt là 1 khoản tiền gửi, dài hạn, để tự kiểm soát bản thân rút tiền ra khi bí bách. Hãy nhớ là quên chúng đi, tin tôi đi, rồi sẽ có lúc bạn cần đến chúng, mục đích của khoản này là để phòng ngừa những rủi ro trong cuộc sống như thất nghiệp, mất việc làm, phá sản …
4. Hưởng thụ ở đây là những khoản chi để tự thưởng cho bản thân mỗi khi chúng ta gặt hái được những thành công, chỉ đơn giản như là hoàn thành 1 báo cáo quan trọng, cũng có thể lấy quỹ này ra và tự thưởng cho mình 1 thứ gì đó khác biệt với ngày thường để cuộc sống thêm phần thú vị. Bạn bắt buộc phải hưởng hết số tiền này mỗi tháng để tái tạo năng lượng.
5. Giáo dục cho bản thân chúng ta cũng phải hiểu là để đầu tư nâng cấp cho bản thân về trí tuệ, kiến thức. Bạn bắt buộc phải dùng hết số tiền này trong từng tháng để đảm bảo bản thân học thêm được những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho sự nghiệp của mình. Ví dụ như là nếu bạn thấy mình giao tiếp chưa tự tin, bạn có thể dùng nguồn này để đăng ký cho mình 1 khóa học kỹ năng giao tiếp, hoặc chỉ đơn giản là mua 1 cuốn sách mới để bổ sung kiến thức cho bản thân.
6. Cho đi là khoản rất cần thiết, bạn hãy học cách cho đi bằng những thói quen nhỏ này. Mời bạn bè 1 bữa, không vì lý do gì, mua tặng cha mẹ 1 thứ gì đó, hoặc giúp đỡ những người có hoàn cảnh đáng thương, gì cũng được, chỉ cần cho đi thôi, ít nhất thứ bạn nhận lại được là niềm vui. Tôi ví dụ: Cảm xúc của bạn khi nhận được 20.000 là không có gì rõ nét, tuy nhiên nếu bạn giúp đỡ 1 người ăn xin 20.000, bạn sẽ cảm nhận rõ được sự vui mừng, cảm kích của họ. Đấy cũng là 1 thứ bạn nhận được, hoặc mua 1 chiếc bút bi của người bán hàng rong với giá 20.000, gấp 4 lần ở những nơi khác bạn mua, tuy nhiên số tiền còn lại là bạn mua được niềm vui, sự cảm kích và lòng biết ơn thông qua sự đồng cảm. Hãy nuôi dưỡng tâm hồn của mình và người khác bằng những hành động nho nhỏ như vậy thôi. Chả cần to lớn gì.
Có 1 số công cụ đơn giản dễ sử dụng tham khảo có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian để theo dõi tài chính của mình, đó chính là Sổ Thu Chi của Misa hoặc Money Lover, bạn có thể download trên App store hoặc Google Play, đăng ký dùng miễn phí.
Có một sự thật ở đây là:
Nếu bạn không biết chính xác tiền của mình đang ở đâu thì bạn cũng sẽ không tìm thấy tiền khi cần.
Nếu bạn không quản lý nổi tiền của bản thân thì bạn không thể quản lý tốt dòng tiền của 1 cơ sở kinh doanh
Hy vọng với những chia sẻ trên, ít nhiều giúp các bạn mới lập nghiệp có thêm 1 vài công cụ hay phương pháp giúp quản lý tài chính của mình tốt hơn. Cảm ơn các bạn đã xem hết bài viết của mình. Rất mong nhận được bình luận của các bạn. Chúc các bạn bình an và hạnh phúc.