Bài viết dành cho những người em đang hướng nghiệp và những người bạn đang tìm đường nhảy việc trong ngành sáng tạo. Mình để link PDF tại cuối bài viết dành cho những bạn không muốn "cảm giác" bị ngộp chữ nhé.
Quan hệ với chủ doanh nghiệp của chúng ta là dạng trao đổi lợi ích: Họ bỏ ra một mức chi phí để đổi lấy một nhóm giá trị từ chúng ta. Vậy, việc hiểu giá trị của ta ở đâu trên thị trường (nói chung) và với doanh nghiệp (nói riêng) giúp ta tìm được cách xác định năng lực bản thân có thể tạo ra loại giá trị nào, cách quy đổi giá trị đó để đòi về một nhóm lợi ích tương xứng.
Không cần phải lo sợ một ngày làm Sáng tạo nội dung thì cả đời phải làm Sáng tạo nội dung. Hay, không cần lo lắng về việc bị thay thế bởi các sản phẩm sáng tạo như AI, Chat GPT... Ở đâu cũng cần năng lực sáng tạo, miễn là bạn biết dùng năng lực sáng tạo của bạn để tạo ra giá trị nào, cho ai, ở đâu.
Trước hết, bài viết này mong muốn trấn an những người làm sáng tạo rằng nhóm ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam tuy non trẻ, nhưng có rất nhiều cơ hội để ta phát triển. Sau đó, mục tiêu của bài viết là đưa ra một cái nhìn tổng quan về các Nhóm ngành sáng tạo ở Việt Nam: Được định nghĩa như nào, Được phân nhóm như nào. Qua đó, các bạn có thể tự đánh giá đâu là ngành công nghiệp mà bạn muốn dấn thân theo đuổi. Phần cuối cùng, một chút gợi ý về việc tận dụng năng lực sáng tạo khi nhảy sang một ngành mới, một lĩnh vực mới.

QUYỀN CỦA NGƯỜI LÀM SÁNG TẠO THEO PHÁP LUẬT

Lấy hành vi "creativity" làm gốc, làm sáng tạo là thông qua trí tuệ và tinh thần, tạo ra những giá trị mới được công nhận bởi quyền sở hữu trí tuệ của pháp luật. Các sản phẩm được công nhận không có giới hạn về việc nhìn thấy hay không nhìn thấy, có thể chạm và không thể chạm.
Mời bạn đọc kĩ hơn các quy định của luật sở hữu trí tuệ, nhưng tóm lại khi bạn làm sáng tạo, bạn có thể có 1 trong 3 nhóm quyền sau:

1. Quyền tác giả:

Dành cho cá nhân hoặc đơn vị sáng tác ra Tác phẩm Văn học, Nghệ thuật, Khoa học
Các sản phẩm được thể hiện dưới các hình thức Biểu diễn, Ghi âm, Ghi hình, Phát sóng, Mã hóa
Hay hiểu đơn giản là quyền của "má đẻ" ra các tác phẩm sáng tạo

2. Quyền sở hữu công nghiệp:

Dành cho cá nhân hoặc đơn vị sở hữu: Sáng chế, Kiểu dáng công nghiệp, Nhãn hiệu, Tên thương mại, Bí mật kinh doanh,...
Hay hiểu đơn giản là quyền "má mì" có công trong việc thương mại hóa, công nghiệp hóa các tác phẩm sáng tạo

3. Quyền với giống cây trồng:

Dành cho cá nhân hoặc đơn vị sở hữu giống cây mình chọn tạo phát triển hoặc phát triển
Tức là cũng một dạng "cha đẻ" nhưng là của các giống cây trồng

VẬY GIÁ TRỊ CỦA NGƯỜI LÀM SÁNG TẠO LÀ?

Khái niệm về Quyền sở hữu trí tuệ chưa phổ biến tại Việt Nam và mới được chú ý trong những năm gần đây thông qua các vụ lùm xùm về vi phạm bản quyền nên mình khuyến khích người làm sáng tạo hiểu luật để hiểu giá trị & phạm vi khai thác của mình.
Thông qua quy định của luật, mình cho rằng giá trị của người làm sáng tạo nằm ở hai năng lực:
1 - Là năng lực tạo ra một tác phẩm sáng tạo có đủ điều kiện đăng ký Quyền sở hữu trí tuệ
2 - Là năng lực thương mại hóa giúp doanh nghiệp sở hữu Quyền sở hữu công nghiệp tác phẩm sáng tạo đó
Tương đương với hai giá trị đó thì luật cũng có quy định về giới hạn khai thác sản phẩm sáng tạo của mỗi loại quyền.
Hay đơn giản là, hai năng lực trên sở hữu hai loại giá trị khác biệt mà mỗi loại giá trị, sẽ có mỗi cách khai thác và thu về nguồn lợi ích khác nhau.
Điều này cũng giúp mình bảo vệ quan điểm việc "sáng tạo" không giới hạn chỉ dành cho người "tạo ra một tác phẩm" nào đó. Không cứ là người bay bổng, người mơ mộng, giàu trí tưởng tượng hay bất kì nét đặc điểm nào bạn cho là phải "nghệ" thì mới sáng tạo, một người làm khoa học, một người làm kinh doanh, một người nông dân cũng có thể là người làm sáng tạo - chỉ là họ sở hữu loại hình sản phẩm khác với các tác giả tạo ra sản phẩm.

NGƯỜI LÀM SÁNG TẠO CÓ THỂ LÀM TRONG CÁC NGÀNH NÀO?

Mình sử dụng hai thuật ngữ khác biệt trong bài là Nhóm ngành sáng tạo (Creative Industries) và Ngành nghề (Industry) để chỉ việc Nhóm ngành sáng tạo bao gồm rất nhiều ngành khác nhau.
Một bản thống kê vào năm 2015 của chính phủ đã phân nhóm 13 ngành thuộc Nhóm ngành sáng tạo. Mình không tìm được văn bản phân loại mới nhất nên không biết có cập nhập gì không, nhưng thông qua bản thống kê này, ít nhất ta cũng biết nếu tư duy sáng tạo là thế mạnh của ta, nếu công việc sáng tạo là thứ ta muốn theo đuổi, vậy thì việc tiếp theo là lựa chọn nên ném bản thân vào cái chảo dầu nào.
Ngoài ra, cách phân nhóm này của Việt Nam hơi khác một chút so với cách phân nhóm của các quốc gia và tổ chức thế giới. Mình sẽ lấy ví dụ về cách phân nhóm các ngành thuộc nhóm ngành sáng tạo được đưa ra tại Hội thảo Liên hợp quốc về Thương mại & Phát triển năm 2008 để các bạn so sánh. Ví dụ này không nhằm mục đích chỉ ra cách phân nhóm nào đúng - sai mà cho thấy: Sự khác biệt về trọng tâm sản phẩm sáng tạo tại các quốc gia khác nhau & xu hướng phát triển của nhóm ngành sáng tạo tại từng quốc gia là khác biệt.

DÙ CÓ ĐỔI NGÀNH, THÌ NĂNG LỰC SÁNG TẠO VẪN CÒN ĐÓ. VẬY MUỐN ĐỔI NGÀNH, CẦN LÀM GÌ ĐỂ TẬN DỤNG NĂNG LỰC VỐN CÓ?

Dù ở ngành nào đi chăng nữa, để trao đổi với giới tư bản, người làm sáng tạo cũng cần tạo ra một giá trị sáng tạo. Mình tiếp tục dựa trên cách định nghĩa và giá trị của người làm sáng tạo đã nói ở phía trên để gợi ý về cách làm thế nào để tiếp tục tạo ra giá trị khi nhảy sang các ngành mới.

1 - Trở thành tác giả và cung cấp các tác phẩm sáng tạo

Với một người đầu bếp, nấu nướng là kĩ năng còn thực phẩm là vật liệu. Giá trị của người đầu bếp được đánh giá thông qua cách chọn thực phẩm phù hợp, kết hợp với một loạt kĩ năng nấu nướng của anh ta, trình ra một món ăn đặc sắc.
Người làm sáng tạo cũng vậy. Sáng tạo là một kĩ năng và cách để anh ta tiếp tục tận dụng năng lực sáng tác, cung cấp ra tác phẩm sáng tạo bắt đầu từ việc nắm bắt các "nguyên liệu" đầu vào. Mỗi ngành lại có mỗi loại nguyên liệu khác nhau, mỗi loại nguyên liệu lại có mỗi đặc trưng khác nhau. Do đó, để sáng tác ra một tác phẩm, hiểu biết về loại nguyên liệu đó là điều cơ bản. Nói một cách đơn giản hơn, hãy hiểu về cách ngành bạn chọn vận hành như nào, nguyên lý tạo ra sản phẩm của ngành đó là gì, phương pháp sáng tác ra làm sao

2 - Cung cấp quyền sở hữu công nghiệp cho tư bản

"Làm thế nào để kiếm tiền từ sản phẩm sáng tạo" là một câu hỏi lớn của cả người làm sáng tạo và người làm kinh doanh. Những người làm sáng tạo bỏ ra một lượng chất xám khổng lồ để tạo ra một tác phẩm sáng tạo, tuy nhiên cần một nguồn lực không nhỏ để thương mại hóa các sản phẩm sáng tạo. Hành trình tư duy từ sản phẩm sáng tạo cho tới việc "chính chủ" quyền sở hữu công nghiệp với sản phẩm sáng tạo đó cũng là một dạng giá trị mà người làm sáng tạo có thể cung cấp cho giới tư bản.

CUỐI CÙNG THÌ - ĐẾN ĐOẠN NÀY LỰC VIẾT ĐUỐI RỒI

Hi vọng bài viết của mình đã giúp các bạn có được mường tượng về câu trả lời cho câu hỏi đầu bài.
Trong quá trình làm luận, mình quyết định thực hiện một dự án nhỏ của cá nhân nhằm có thêm dữ liệu nghiên cứu liên quan tới đề tài Phát triển doanh nghiệp thuộc Nhóm ngành sáng tạo. Đây là bài viết mở đầu với mong muốn kết nối với các bạn, anh chị đang làm trong các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này hoặc quan tâm tới vấn đề phát triển Ngành sáng tạo. Xin mời:
- Follow mình để tiếp tục đọc các bài viết mới
- Để lại comment về cách bạn suy nghĩ với câu hỏi: Làm sáng tạo là làm gì
- Và nếu được, mình muốn mời bạn tham gia phỏng vấn & khảo sát nhằm thu thập dữ liệu cho đề tài nghiên cứu của mình. Nếu bạn có hứng thú, để lại contact tại đây. Kết quả của đề tài nghiên cứu sẽ được gửi lại cho bạn sau khi mình hoàn thành xong đề tài và chính thức tốt nghiệp.