LÀM ƠN ĐI, TIẾNG NGƯỜI!
TL, DR: Nhân bài văn đang viral của bạn cựu thủ khoa khối ... năm 2020 viết về đề văn Xuân Quỳnh năm nay. ~2000 chữ, toàn chữ không...
TL, DR: Nhân bài văn đang viral của bạn cựu thủ khoa khối ... năm 2020 viết về đề văn Xuân Quỳnh năm nay. ~2000 chữ, toàn chữ không có hình, cân nhắc khi đọc giờ hành chính.
Mặc dù không thích gì Nhà giả kim, đôi lúc tôi cũng phải thừa nhận rằng một số câu trong đó khá gần với chân lý.
Kiểu như đại loại, nếu như bạn đủ tin điều gì, nhất định là cả vũ trụ sẽ hợp vào để chứng minh là bạn đúng.
Thế nên sau bài hôm trước về hậu hiện đại, thì hôm sau đây có luôn bài văn đang viral của một bạn cựu thủ khoa để làm minh hoạ nóng hổi. .
Nhiều người chê bài văn đó vì cảm thấy bài viết đó khoe chữ. Tuy nhiên không nhận định nào sai sự thật hơn thế.
Bởi thảm hoạ ở đây không hề là khoe chữ.
Mà chính là khoe sai chỗ và dùng sai toe toét chữ.
Đọc cái bài văn ấy, tôi chỉ kịp nghĩ, nếu ai mà văn vẻ kiểu này trên trang của mình, tôi hẳn sẽ rep:
Human language, please!
Đây không phải nói quá. Bởi cái mớ lổn nhổn gân gồng này đừng nói không nên xuất hiện trong tiếng Việt, có lẽ còn không nên trong bất kỳ nền văn hoá nào.
Lòng luân lưu, ngoại tại, miền hồn, vòng táp gạo, cực trị cảm xúc, dung tích của nội hàm, quy luật vật lý của thực tiễn, "nghĩ là phần trí năng cơ bản của con người, thuôc về nhận thức lý tính", “một bộ phận cơ bản cho phép toán”, ….
Vòng luân lưu ý là luân hồi + lưu chuyển? Là luân chuyển + hải lưu? Hay có khi nào, là sóng và gió mới xong 2 hiệp phụ?
Sâu sắc hơn hoặc dẩm dớ hơn, “nền tảng kỳ thực là một khái niệm mang tính phân ưu giữa các tác phẩm vĩ đại và những thoáng gợn chóng phai của bút lực tác giả”.
Câu này mang phong vị rất hậu hiện đại, í nhầm, google translate, ở chỗ nhân dân vừa đọc vừa cảm thán: WTF?
Và xin lỗi kenh14 cùng những tờ báo có thẩm mỹ tương đương (aka không tồn tại) là, ở đây người ta không đoán ra không phải vì họ không đủ hiểu tiếng Việt. Mà ngược lại, chính hiểu đủ rõ tiếng Việt, thì mới không hiểu nổi sao có thể dùng những chữ này ở đây: “nền tảng” “kỳ thực” “khái niệm”, “gợn, phai” và rùng rợn hơn cả, là “bút lực” bắt tay với “phân ưu”?
Chúng ta bị giằng co giữa 2 kịch bản, cái nào cũng mứt bò ngang cái nào. Một, tác giả có lẽ nhiều lần thấy cụm “thành kính phân ưu” và đoán nghĩa là “thành kính chia sẻ”, nên suy ra “phân ưu” là “chia sẻ”. Hai, tác giả đơn giản là đọc lõm bõm từ phân ưu ở đâu đó, rồi mạnh dạn thuổng luôn cho sang mồm.
Kịch bản một khá thường thấy ở nhóm người sính dùng Hán Việt. Còn kịch bản hai gợi nhớ một kỷ niệm mà đến giờ mẹ tôi vẫn đem ra đùa.
Hồi bé, một chiều sau khi đi chơi về, tôi trịnh trọng phân ưu cùng mẹ chiêm nghiệm sau: Mẹ ơi, ông M trông hơi thon thả nhỉ. “Ông M” là một cụ ông cách nhà tôi ba dãy, được bọn trẻ rất quý vì hay cho chúng bánh kẹo mà bình thường vẫn giấu khá kỹ trong một hộp sắt Tây đã hơi gỉ. Cụ M rất trắng và gầy. Tôi biết cụ M từ lâu, và hẳn nhiên không phải hôm ấy mới nhìn thấy cụ. Nhưng đến hôm ấy tôi mới học được từ “thon thả”, nó nghe thật lạ, thật “người lớn”, thật đáng áp dụng ngay. Vả nữa thì xem ra, từ ấy còn dùng để khen ngợi.
Tất nhiên câu chuyện trên chỉ hài hước bởi vì nhân vật tôi khi đó là trẻ con. Không chỉ cái ngây ngô của trẻ con dễ hiểu, mà sự “vênh vang” của trẻ con cũng dễ chấp nhận. Sự vênh vang của người lớn thì khác, bởi chúng đa phần để áp đặt lên người khác. Bài văn đang nói cũng là như thế, nồng nặc ý đồ đánh đố nhằm khủng bố người nghe.
Thực ra thì, không phải văn học thì không cần những câu đố. Có những câu đố mà cả khi chưa giải được vẫn có gì đó đi trước cả logic báo cho ta biết rằng đằng sau núi cao vực sâu này là đường đến El Dorado. Ví dụ dễ nhớ trong chương trình phổ thông là các tác phẩm của Nguyễn Tuân. Ngôn ngữ Nguyễn Tuân giàu có, trùng điệp, nhiều liên tưởng nhảy cóc, tạt ngang, điển hình của một người viết đam mê xê dịch. Song sự xê dịch ấy chưa bao giờ lộ ra là gắng gồng, mà thanh nhã, mạch lạc, phóng khoáng, thỉnh thoảng còn trữ tình. Nguyễn Tuân đã luôn là ông lái sông Đà, bằng bút lực hùng hậu và kỹ năng điêu luyện đưa người đọc nhẹ nhõm vượt qua tất cả thác, ghềnh, ngách, xoáy mà chính ông sắp đặt.
Tuy nhiên bên cạnh những câu đố kỳ thú, còn có cả những câu đố khác. Lần này ta phải đối mặt với một đầm lầy đầy rắn rết, xác ngựa đang thối rữa, và đám muỗi mòng bay từng đàn kín trời mà đêm đến đột nhiên hoá ra những đôi mắt đỏ. Song thế vẫn chưa đáng sợ. Bi kịch chỉ sâu sắc khi may mắn vượt qua hố rắn kia đến bên bờ, thì đón tiếp bạn, xin chúc mừng, là mụ phù thuỷ miền Tây với nụ cười độ lượng. Chưa lúc nào bạn ao ước chết toi trong cái đầm vừa lết qua hơn lúc ấy.
Và bài văn đang nói thì toàn những câu đố kiểu 2.
Nếu đủ thừa thời gian, rồi thì cũng đoán được nhiều lổn nhổn trong bài nghĩa là gì, y như với các lỗi chính tả chi chít, đủ thời gian thì rồi cũng đoán được nói gì. Nhưng vấn đề là:
For what damn sake?
Hay lại như ông thầy tôi từng cảm thán:
Cái này đơn giản quá nhỉ? Sao ta không thử phức tạp hoá nó lên?
Để chốt hạ, hãy chiêm ngưỡng trích đoạn trác tuyệt sau, dù đây hẳn không thể là viên ngọc cuối cùng trong bài văn đó:
“Riêng ở địa hạt thơ ca, nền tảng là cơ sở quan trọng nhất thiết tạo nên phong cách đặc hữu của người thi nhân”.
"Đặc hữu" là một tính từ Hán Việt mang nghĩa là “đại diện cho vùng” khi đi kèm với động thực vật hay khoáng sản. Do đó, một động vật đặc hữu của Việt Nam là sao la, khoáng sản đặc hữu ở Cao Bằng là than, và nông nghiệp đặc hữu Thanh Hoá nghĩa là chủ trương phát triển các cây, con đại diện cho vùng Thanh Hoá.
Cho nên, trong thế giới con người không tồn tại phong cách văn học mà đặc hữu.
Chỉ một nơi duy nhất mà phong cách này có thể tồn tại, ấy là vũ trụ của những kháng nguyên đặc sản, món ăn đặc hiệu, động vật đặc sắc, và tất nhiên không thể thiếu, một giọng văn đặc trị hắc lào, lang ben, nấm móng, nấm kẽ và nấm toàn thân.
Facebook bình luận: Gwens
Facebook viết luận: Chau Nguyen
Telegram: Gwenesis
Substack: Gwenesis
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất