Những người Đức mà mình gặp rất ngại khi nhắc đến Chiến tranh thế giới thứ II.  Đối với nước Đức, thời kì Quốc xã là vết nhơ không thể xoá bỏ trong lòng tự tôn dân tộc.  Tuy nhiên, hệ thống giáo dục Đức làm mọi cách để công dân của họ không lãng quên thời kì đó.  Quá trình Hitler trở thành Quốc trưởng (một cách hợp pháp và dân chủ), sự gây chiến, tội ác với người Do Thái, và phiên toà Nuremberg (xử các tội phạm chiến tranh Đức) được mô tả chi tiết trong các sách giáo khoa và chương trình học phổ thông.  Học trò Đức được dẫn đến các trại tập trung, nơi lưu dấu tội ác của tiền nhân.  Ở một số trại tập trung, có khi nằm ở bên ngoài biên giới nước Đức, học trò nhìn thấy bóng dáng chính cha ông họ.  Điều kinh khủng hơn là họ phải đối mặt với những người Ba Lan, người Tiệp Khắc, người Áo, những hậu thế của thế hệ đã bị cha ông người Đức đàn áp.  Nhưng cũng chính từ những cuộc tiếp xúc đó, tình bạn nảy sinh và sự chân thành đã dẫn đến hoà giải.  Học trò Đức đi về và hiểu rằng họ không mang tội lỗi của cha ông nhưng có trách nhiệm với hiện tại và tương lai để những điều khủng khiếp đó không bao giờ xảy ra nữa.
Lịch sử thường bị coi là một môn học khô khan, chán nản vì nó nói về những điều đã qua, những cuộc chiến tranh và thành quách đổ nát, và ít khi liên hệ với cuộc sống bình yên hiện nay.  Tuy nhiên, nếu xét cho kĩ thì nhận định đó là không đúng.  Thế giới như ta đang sống được định hình từ lịch sử, mà nói cho đúng thì là từ các quyết định của con người ở những khoảnh khắc lịch sử.  Trong mỗi gia đình người Đức mà mình gặp, họ đều có một bí mật riêng, và thường đó là bí mật về sự cộng tác, hoặc tham gia của chính cha ông họ dưới thời Quốc xã.  Quá trình làm lành với quá khứ đó thường bắt đầu bằng sự chấp nhận lịch sử như vậy.  Đó là sự chấp nhận một cách khách quan, không phán xét, không vụ lợi.  Sử gia người Mỹ gốc Đức Fritz Stern trong quyển “Năm nước Đức mà mình từng biết” (Five Germanys I Have Known) có một đoạn rất hay về sự nhìn nhận này: “Khi ta xem xét quá khứ - đặc biệt là quá khứ trong giai đoạn này (thời kì Quốc xã – ND) – ta cần phải hiểu một sự thật căn bản: cái quá khứ đó không thể biết được những gì ta biết ngày nay”.  Điều mà Stern muốn nói đó là nếu ta nhìn lịch sử bằng cặp mắt và quan điểm của thời hiện đại thì quá dễ dàng để phán xét một ai đó làm đúng hay làm sai, hay một ai đó là tội đồ hay công thần của đất nước.  Cách nhìn nhận này dẫn đến chuyện ta phán xét tiền nhân, khinh thường khả năng phán đoán và quyết định của tiền nhân, hay thậm chí là đạo đức của họ.  Nhưng tiền nhân trong chính giây phút họ phải đưa ra một quyết định đó, có thể là cho cả dân tộc hay cho chính cuộc sống của họ, họ cũng như ta bây giờ, không biết được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.  Vậy thì, miễn là tiền nhân thực hiện cái quyết định đó một cách chân thành, trong sáng, không vị kỷ, và không phải là một tội ác, thì ta sẽ dễ dàng chấp nhận hơn cho cái khó của tiền nhân.  Hitler phạm tội ác vì thế không thể thông cảm được, nhưng những người Đức bình thường vào thời điểm đó bị đánh lừa bởi hệ thống tuyên truyền và đức tin mù quáng thì liệu có phải chịu tội lỗi và phán xét tương tự như những tay trùm phát-xít?
Người Đức đã làm lành với quá khứ của họ như vậy.  Thời Quốc Xã trở thành vết nhơ, nhưng đồng thời cũng là một bài học.  Các lãnh tụ phát-xít là những tội phạm chiến tranh đã bị xét xử, nhưng đồng thời cũng là những đối tượng nghiên cứu của bộ môn khoa học lịch sử.  Lịch sử trở thành cách để hàn gắn vết thương, và nhịp cầu cho những hoà giải giữa các dân tộc, hoặc giữa các cộng đồng trong một quốc gia.  Nước Đức không từ chối quá khứ của mình, không xoá sạch vết tích của nó, nhưng đồng thời cũng không để nó là bóng ma ám ảnh cho tương lai.
Mỗi quốc gia đều có những trang sử buồn như vậy, hay cũng đã từng có những chế độ tồn tại mà quốc gia đó không thể tự hào.  Nhưng nên nhớ rằng chế độ được tạo nên từ con người và con người là những thân phận.  Một chế độ sụp đổ nhưng con người phải sống tiếp và nuôi dưỡng trong mình nỗi xấu hổ về quá khứ, hoặc về tiền nhân.  Chiến tranh kết thúc không bằng một lời tuyên bố đầu hàng của một quốc gia hay chế độ vì sau tất cả gươm đao thì cuộc chiến vẫn tiếp diễn trong lòng mỗi người rất lâu về sau nữa.  Vậy thì lịch sử hoà giải bằng sự nhìn nhận khách quan của nó bằng lòng khoan dung, không đay nghiến con người vì quá khứ. 
Việt Nam cũng là một quốc gia của nhiều quá khứ, nhiều góc khuất như vậy.  Sự chia cắt và những góc khuất chính trị đã khiến cho lịch sử của ta đôi lúc phải “tế nhị” mà bỏ việc gọi tên kẻ xâm lược trong một cuộc chiến hay né tránh danh xưng của một chính quyền từng tồn tại ở miền Nam.  Khi bộ sách lịch sử mới của Viện Hàn Lâm ra mắt, nó không chỉ có ý nghĩa trong bộ môn lịch sử, mà nó còn là bước tiến rất lớn cho việc hàn gắn.  Gọi đúng tên một chế độ, chấp nhận một cuộc chiến, khách quan với những gì đã xảy ra, công bằng với ký ức của nhiều người. đó chính là cách mà lịch sử hàn gắn những vết thương.